Một số phương pháp dạy phân môn Địa lý lớp 4

Một số phương pháp dạy phân môn Địa lý lớp 4

PHẦN MỞ ĐẦU:

 
1.LÍ DO CHỌN ĐỀ TÀI.
         Môn Tự nhiên-xã hội là một môn học quan trọng trong chương trình giáo dục Tiểu học.
      “Môn Tự nhiên-xã hội được dạy cho học sinh Tiểu học,cụ thể từ lớp 1 đến lớp 5,việc dạy môn Tự nhiên-xã hội nhằm cung cấp cho học sinh ban đầu về Tự nhiên,về xã hội và về con người.Thông qua những kiến thức khoa học cơ bản,được trình bày đơn giản,phù hợp với trình độ nhận thức và đặc điểm lứa tuổi,giúp cho các em hình thành được tư duy chặt chẽ,mang tính khoa học và năng lực cần thiết khác. Để các em có thể ứng xử hợp lí,thích ứng với cuộc sống hiện tại và học tập suốt đời”.
(Trích trang 4-bồi dưỡng thường xuyên chu kỳ 1997-2006: Bộ Giáo dục và đào tạo)
      Môn Tự nhiên-xã hội ở giai đoạn 2(lớp 4,5) được tách thành 2 môn học: Môn khoa học;môn Lịch sử và địa lí.Đặc biệt môn Lịch sử và địa lí là môn học đầu tiên các em được học kĩ về tiến trình lịch sử của nước nhà. Còn phần địa lí giúp học sinh hiểu được vị trí,địa hình,dân cư,kinh tế các vùng miền trên đất nước ta.Từ đó làm nền tảng để các em học tiếp các lớp trên.
      Phần địa lí lớp 4 theo chương trình cũ (từ năm 2000 trở về trước) nội dung còn nhiều,còn có những điểm trùng lặp giữa lớp 4 và lớp 5 cụ thể là: nội dung trong SGK được chia theo sáu vùng miền như sau:
       -Miền núi và trung du phía Bắc.
       -Đồng bằng sông Hồng
       -Dãy Trường Sơn 
       -Đồng bằng ven biển miền Trung
       -Đồng bằng Nam Bộ
       -Đồng bằng sông Cửu Long
Với nội dung trên học sinh khó có thể nắm bắt được các kiến thức tổng quát về địa lí nước ta.
Vì vậy chương trình Sách giáo khoa mới đã có những thay đổi cơ bản để học sinh dễ dàng nắm vững kiến thức địa lí theo địa hình từ cao xuống thấp.Cụ thể là chương trình mới được sắp xếp như sau:
       -Vị trí,giới hạn thiên nhiên,cư dân,hoạt động sản xuất vùng núi Trung Du Bắc Bộ và Tây Nguyên.
       -Vị trí,giới hạn,cư dân,hoạt động sản xuất vùng Đồng Bằng
       -Vị trí,giới hạn,cư dân,hoạt động sản xuất vùng Duyên hải miền Trung
       -Biển,đảo và quần đảo nước ta.
Trong mỗi vùng miền trên nội dung địa lí lớp 4 chọn ra các “trường hợp mẫu”để dạy cho học sinh.
      Cụ thể hơn mỗi vùng miền như vậy còn giới thiệu cho các em về các thành phố tiêu biểu của vùng miền đó.
      Ví dụ:Ở đồng bằng Duyên hải miền Trung có 2 bài học giới thiệu về 2 thành phố lớn đó là thành phố Đà Nẵng và thành phố Huế.
      Như vậy theo cấu trúc nội dung chương trình như trên để học sinh tiếp thu đầy đủ những kiến thức đó đòi hỏi người giáo viên phải có những hiểu biết sâu các kiến thức địa lí,phải biết vận dụng nhiều phương pháp dạy học,
hình thức dạy học phù hợp,để phát huy khả năng sáng tạo,sự tìm tòi,suy nghĩ,tự chiếm lĩnh tri thức địa lí của học sinh trong quá trình học tập.
      Từ những vấn đề trên,với tư cách là một giáo viên tôi thấy rằng việc cung cấp kiến thức địa lí lớp 4 cho học sinh là vô cùng cần thiết.Chính vì vậy tôi đã chọn Nội dung và phương pháp giảng dạy phần Địa lí trong môn Lịch sử và địa lí Lớp 4 để nghiên cứu và tìm hiểu,từ đó rút ra cho mình những bài học bổ ích trong quá trình giảng dạy.
2. MỤC TIÊU,NHIỆM VỤ CỦA ĐỀ TÀI:
     *Mục tiêu:
     -Thống kê-phân tích toàn bộ nội dung chương trình địa lí Lớp 4 hiện hành.Từ đó thấy được những điểm đổi mới trong chương trình .
     -Tìm hiểu một số phương pháp dạy học tích cực,từ đó vận dụng vào việc thiết kế bài giảng để phục vụ cho việc giảng dạy phân tích môn địa lí Lớp 4.
    *Nhiệm vụ:
Đề tài góp phần xây dựng Nội dung và phương pháp giảng dạy phần Địa lí trong môn Lịch sử và địa lí Lớp 4 ở Tiểu học có hiệu quả cao.
I.3.ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU:
      Đề tài này có 2 đối tượng tập trung nghiên cứu đó là:
      -Nghiên cứu tìm hiểu toàn bộ nội dung về phần địa lí trong môn Lịch sử và địa lí Lớp 4.
      -Nghiên cứu tìm tòi một số phương pháp giảng dạy phù hợp có hiệu quả trong phần địa lí Lớp 4.
I.4.GIỚI HẠN PHẠM VI NGHIÊN CỨU:
Trong phần Đề tài này tôi chú trọng tập trung vào nghiên cứu 2 phần chính
        -Nội dung địa lí trong môn học Lịch sử và địa lí lớp 4(theo chương trình thay sách của bộ Giáo dục và đào tạo)
       -Các phương pháp giảng dạy Địa lí 4 được vận dụng trong việc dạy học ở Trường Tiểu học …….. 

5.PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU:
     Có 2 phương pháp sử dụng để nghiên cứu đề tài này.
1) Phương pháp tổng hợp:
Đọc các loại sách như:
     -Sách giáo khoa Lịch sử và địa lí lớp 4 
     -Sách giáo viên Lịch sử và địa lí lớp 4 
Và một số tài liệu khác để tổng hợp các kiến thức về nội dung và phương pháp dạy học phần địa lí lớp 4 
2) Phương pháp phân tích:
     Từ các nội dung phương pháp đã tổng hợp ở trên,phân tích để tìm ra các ưu,nhược điểm của từng phương pháp để vận dụng phù hợp vào mỗi bài cụ thể.

 PHẦN NỘI DUNG:

II.1.Cơ sở lí luận
Những năm gần đây nền giáo dục của nước ta có nhiều sự thay đổi và biến động không ngừng.Nhưng Đảng và nhà nước ta vẫn luôn luôn đặc biệt quan tâm đến sự nghiệp của giáo dục cũng như vấn đề đảm bảo chất lượng dạy và học.Nghị quyết TW 4 khóa VII đã chỉ rõ:“Giáo dục & Đào tạo là quốc sách hàng đầu, là động lực phát triển kinh tế, xã hội”. Nghị quyết TW 2 khóa VIII cũng đã xác định rõ vai trò của Giáo dục:“ Muốn tiến hành thắng lợi công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì phải phát triển mạnh Giáo dục& Đào tạo, phát huy nguồn lực con người, yếu tố phát triển nhanh và bền vững”. Vì vậy, cùng với hoạt động dạy học các môn như toán,Tiếng việt…thì phân môn Địa lí cũng chẳng kém phần quan trọng đối với học sinh Tiểu học.Vì đây chính là nền móng để các em tiếp tục học lên lớp trên.
II.2.Thực trạng.
a)Thuận lợi –khó khăn.     
 *  Thuận lợi : Được sự chỉ đạo sát sao của Sở giáo dục, Phòng giáo dục, được sự giúp đỡ nhiệt tình có hiệu quả của các cấp các ngành; các bậc phụ huynh học sinh nhiệt tình luôn tạo điều kiện tốt nhất để các giáo viên hoàn thành nhiệm vụ năm học.
          Tất cả giáo viên của trường đều là những giáo viên đã có kinh nghiệm giảng dạy từ 10 năm trở lên. Mọi người đã liên kết lại để khắc phục những mặt yếu, phát huy những mặt mạnh cùng nhau gánh vác công việc chung để đẩy mạnh Chất lượng dạy và học của nhà trường.
  *  Khó khăn: Trường Tiểu học …….. là một trường thuộc vùng sâu vùng xa của địa bàn xã ……..,Trường được thành lập vào năm 1997,
nhưng đến nay con đường dẫn đến trường vẫn còn vất vả,đặc biệt vào mùa mưa.Do điều kiện điện,đường chưa thuận tiện,nên những phụ huynh có điều kiện đưa đón học sinh ,thì họ đã cho con em của mình đến những trường lân cận để học cho thuận tiện.Vì vậy toàn trường với sĩ số học sinh chưa đầy 100 em,trong đó các em hầu hết là con em nhân dân lao động ở địa phương xã ………Về chất lượng học tập nhìn chung tất cả các bộ môn đều có học sinh yếu kém. Nếu đối chiếu với yêu cầu mới hiện nay đòi hỏi chất lượng ngày càng nâng cao thì chưa đạt. Tình trạng học hời hợt,ngồi học không chú ý nghe giảng, không chuẩn bị trước bài tập ở nhà là khá phổ biến. Ngoài thời gian học tập và rèn luyện ở trường, các em còn phải lao động giúp đỡ gia đình như trông em, kiếm củi,một số em còn phải làm việc nặng như vào mùa cà phê còn phải phụ giúp cha mẹ hái cà…Đã phải lam lũ lao động vất vả, phương pháp học tập và rèn luyện còn lúng túng, cha mẹ lại ít quan tâm đến việc học hành của con cái nên chất lượng giáo dục thật đáng lo ngại.

CHƯƠNG I:CÁC NỘI DUNG CHÍNH TRONG CHƯƠNG TRÌNH 
     THAY SÁCH PHẦN ĐỊA LÍ LỚP 4

-Nội dung địa lí lớp 4 được phân thành các vùng miền  cơ bản như sau.
A/Thiên nhiên và hoạt động sản xuất của con người ở miền núi,Trung Du.
     Trong phần này đã chọn ra những vùng miền tiêu biểu như sau:
1/Dãy núi Hoàng Liên Sơn:   
a)Vị trí,giới hạn,diện tích:
      -Vị trí:Nằm ở vùng núi phía bắc nước ta.
      -Có độ dài khoảng 180 km,rộng gần 30 km.
b)Đặc điểm tự nhiên:
      -Địa hình:đây là dãy núi cao,đồ sộ có nhiều đỉnh nhọn,sườn dốc,thung lũng hẹp và sâu.Dãy núi Hoàng Liên Sơn có đỉnh Phan -Xi -Păng cao nhất nước với độ cao 3143 mét,được gọi là “nóc nhà của Tổ Quốc”  
      -Khí hậu:Ở những nơi cao khí hậu quanh năm rất lạnh,nhất là những tháng mùa đông.Từ độ cao 2000 mét đến 2500 mét thường mưa nhiều,gió thổi mạnh.Trên đỉnh núi mây mù hầu như bao phủ quanh năm.Chính vì vậy ở đây có Sa Pa là một địa điểm nghỉ mát nổi tiếng của nước ta.
c)Đặc điểm dân cư:
        Hoàng Liên Sơn có dân cư thưa thớt.Ở đây có một số dân tộc ít người  như:dân tộc Thái,dân tộc Dao,dân tộc Mông…Các dân tộc này không ở cùng một nơi mà mỗi dân tộc cư trú một địa bàn với độ cao khác nhau.
    -Dân tộc Mông  cư trú ở địa bàn có độ cao từ 700 mét đến 1000 mét.
    -Dân tộc Dao cư trú ở địa bàn có độ cao trên 1000 mét 
    -Dân tộc Thái cư trú ở địa bàn có độ cao thấp hơn dưới 700 mét 
     Ở vùng núi cao đường giao thông đi lại rất khó khăn nên phương tiện giao thông chủ yếu là đi bộ và đi bằng ngựa.
Các dân tộc ở Hoàng Liên Sơn thường sống tập trung thành các bản nhỏ,mỗi bản thường có mươi nóc nhà.Các bản sống ở dưới thung lũng thường đông hơn.Nhà ở của các dân tộc ở đây thường là nhà sàn để tránh thú dữ và tránh ẩm thấp,vật liệu làm nhà chủ yếu là gỗ,tre và nứa.
Chợ Hoàng Liên Sơn  được họp theo từng phiên vào những ngày nhất định.
Vào những ngày này chợ thường đông vui.Chợ ở Hoàng Liên Sơn không chỉ là nơi mua bán trao đổi hàng hoá mà còn là nơi gặp gỡ kết bạn của các nam nữ thanh niên .
     Trang phục của các dân tộc ở đây chủ yếu là tự may và các trang phục thường được trang trí rất công phu nhiều màu sắc sặc sỡ.
Ở Hoàng Liên Sơn  thường tổ chức các lễ hội vào mùa xuân như hội núi mùa xuân,hội xuống đồng…Trong các lễ hội người ta tổ chức các hoạt động thi hát,múa sạp,ném còn…
 d)Đặc điểm kinh tế.
     -Về nông nghiệp:trồng lúa,ngô,chè trên ruộng bậc thang.Trồng các loại cây ăn quả xứ lạnh như đào,lê,mận…
    Nghề thủ công:Dệt thổ cẩm,thêu,đan lát,rèn,…
2)Tây Nguyên.
a)Vị trí,giới hạn,diện tích:
     -Nằm về phía tây nước ta.
     -Gồm các cao nguyên:Kon Tum,Đắc Lắc,Lâm Viên,Di Linh
     -Diện tích khoảng 51036,87 km2
b)Đặc điểm tự nhiên:
     -Địa hình:Gồm các Cao nguyên xếp tầng cao thấp khác nhau
   -Cao nguyên Kon Tum với độ cao trung bình là 500mét(so với mực nước biển)
   -Cao nguyên Đắc Lắc có độ cao trung bình là 400mét
   -Cao nguyên Lâm Viên với độ cao trung bình là 1500mét
   -Cao nguyên Di Linh với độ cao trung bình là 1000mét
c)Khí hậu:
     Tây nguyên có hai mùa rõ rệt đó là mùa mưa và mùa khô.Mùa khô từ tháng 11 đến hết tháng 4 năm sau.Mùa mưa vào tháng 5 đến hết tháng 10,
vào mùa mưa thường có những ngày ưa kéo dài,cả rừng núi bị phủ một bức màn nước trắng xoá.Vào mùa khô trời thường nắng gắt,đất khô vụn bở
d)Đặc điểm dân cư:Tây Nguyên là nơi có nhiều dân tộc cùng sinh sống nhưng lại là nơi thưa dân nhất nước ta.Những dân tộc sống lâu đời ở đây là dân tộc Gia –rai,Ê-đê,Ba-na,Xơ-đăng,…một số dân tộc từ nơi khác đến xây dựng kinh tế như:dân tộc Mông,Kinh,Tày,Nùng…tuy nhiên mỗi dân tộc có mỗi tiếng nói riêng,mỗi phong tục tập quán riêng nhưng đều chung sức xây dựng Tây Nguyên ngày càng giàu đẹp.
      -Nhà ở của các dân tộc sống lâu đời ở đây là nhà sàn,họ sống thành buôn làng.Mỗi buôn làng có một ngôi nhà rông.Đây là ngôi nhà chung lớn nhất trong buôn các sinh hoạt tập thể như hội họp,tiếp khách của cả buôn được diễn ra ở đây.
       Những buôn làng nào có nhà rông càng to đẹp thì chứng tỏ buôn làng đó giàu có và thịnh vượng.
       Trang phục truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên là:nam đóng khố,nữ thường quấn váy.Trang phục trong các ngày hội được trang trí nhiều hoa văn với nhiều màu sắc sặc sỡ.Tất cả gái trai đều mang trang sức bằng kim loại.
        -Vào mùa xuân hoặc sau các vụ mùa thu hoạch người dân thường tổ chức các lễ hội như:lễ hội cồng chiêng,hôịi đua voi,hội xuân,hội đâm trâu,lễ ăn cơm mới,…
       -Người dân Tây Nguyên rất yêu thích nghệ thuật.Họ có nhiều nhạc cụ độc đáo như đàn tơ rưng,đàn K’rông pút,cồng,chiêng…
e)Đặc điểm về kinh tế:
        Hoạt động sản xuất chủ yếu của người dân Tây Nguyên là trồng trọt và chăn nuôi.
       Do phần lớn các cao nguyên đều được phủ một lớp đất đỏ Ba-dan màu đỏ tươi xốp,phì nhiêu  cho nên rất thuận lợi cho việc trồng các loại cây công nghiệp lâu năm như cà phê,tiêu,chè,cao su,…với số lượng diện tích rất lớn như sau:
                             Cà phê:494200 Ha
                             Cao su:97200 Ha
                            Chè :22558 Ha
                            Hồ tiêu:11000 Ha
       Tây Nguyên là nơi trồng nhiều Cà phê nhất nước ta.Đặc biệt là Cà phê Buôn Ma Thuột thơm ngon nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn nước ngoài.
       Chăn nuôi chủ yếu ở Tây Nguyên là trâu,bò,voi vì ở đây có nhiều đồng cỏ xanh tốt.Nuôi và thuần dưỡng voi là một nghề truyền thống ở Tây Nguyên .Số lượng trâu,bò,voi  là biểu hiện sự giàu có và sung túc của các gia đình ở Tây Nguyên .
        -Ngoài việc trồng trọt và chăn nuôi,người dân ở Tây Nguyên còn biết khai thác rừng,vì rừng ở Tây Nguyên có nhiều lâm sản quí như nấm hương,
mộc nhĩ,có nhiều động vật quí và nhiều loại gỗ quí.Do việc khai thác bừa bãi nên rừng ở Tây Nguyên ngày càng cạn kiệt.Ngày nay nhà nước đâng vận động nhân dân trồng rừng để phủ xanh đất trống đồi trọc.
3)Thành phố Đà Lạt.
a)Vị trí,giới hạn,diện tích:
     -Nằm trên cao nguyên Lâm Viên.
     -Diện tích khoảng 54475 km²
b)Đặc điểm tự nhiên:
         -Địa hình:Địa hình thành phố Đà Lạt khá cao với độ cao trung bình là 1500mét (so với mực nước biển) bao gồm nhiều vùng đồi tròn.
        -Khí hậu:quanh năm mát mẻ,có nhiều thác nước đẹp nổi tiếng như Cam Ly,Pơ-ren…
c)Đặc điểm dân cư:Dân cư tương đối đông đúc:dân số 4,4 triệu người/Km2
(năm2002)
Có nhiều dân tộc cùng chung sống như:Kinh,Ba-na,Gia –rai,M’nông.
d)Đặc điểm:Đà Lạt là một thành phố du lịch và nổi tiếng nhờ có nhiều phong cảnh đẹp nhơ:hồ Xuân Hương,vườn hoa với đủ loại hoa quý hiếm,đồi thông xanh mát.
Đà Lạt nổi tiếng với nhiều loại rau quả của xứ lạnh như bắp cải,cà chua,súp lơ,đâu tây,…Rau ở đây được trồng với diện tích lớn.Rau Đà Lạt được cung cấp nhiều nơi ở trong nước.
Đà Lạt nổi tiếng với nhiều loại hoa như:lan,hồng,cúc,lay ơn,cẩm tú cầu,mi-mô-da,lay ơn,…Hoa Đà Lạt chủ yếu tiêu thụ ở các thành phố lớn và xuất khẩu.
         So với chương trình nội dung địa lí lớp 4 cũ thì chương trình nội dung mới này được thể hiện cụ thể hơn:với cách chọn “trường hợp mẫu” này giúp học sinh dễ dàng nắm được những kiến thức cơ bản của từng vùng miền của đất nước ta chẳng hạn như vùng núi,trung du,Tây Nguyên  mà tôi đã nêu ở trên được xếp vào một nhóm.Mỗi vùng đó chọn một địa điểm tiêu biểu để 
giới thiệu cụ thể về vị trí,địa hình,khí hậu,dân cư,kinh tế.Sự sắp xếp nội dung chương trình mới theo cấu trúc đường thẳng của từng vùng miền theo đặc điểm địa hình từ cao xuống thấp:Đầu tiên là giới thiệu vùng cao nhất đó là vùng núi với bài:Dãy núi Hoàng Liên Sơn,Trung du,Tây Nguyên và phần tiếp theo sau đây là giới thiệu 2 đồng bằng lớn của nước ta theo thứ tự từ bắc vào nam đó là đồng bằng Bắc Bộ và đồng bằng Nam Bộ.Cách sắp xếp này giúp học sinh không chỉ biết vị trí của các vùng miền mà có sự so sánh cụ thể giữa các vùng,miền để học sinh khắc sâu hơn kiến thức mình đã học.Ví dụ:phần tiếp theo là giới thiệu 2 đồng bằng Bắc Bộ và đồng bằng Nam Bộ,học xong phần này học sinh có sự so sánh về diện tích,sự hình thành của 2 đồng bằng.Một số điểm giống và khác nhau…nói chung là cách sắp xếp và cung cấp kiến thức như vậy là hợp lí,có khoa học và phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí của học sinh Tiểu học.
B:THIÊN NHIÊN VÀ HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT CỦA CON NGƯỜI Ở VÙNG ĐỒNG BẰNG.
1)Đồng bằng Bắc Bộ (ĐBBB)
a)Vị trí,giới hạn,diện tích:
-Vị trí:Nằm ở miền bắc có hình dạng như hình tam giác với đỉnh là Việt Trì và cạnh đáy là đường bờ biển
-Giới hạn:gồm các tỉnh:Ninh Bình,Thái Bình,Nam Định,Hà Nam,Hưng Yên,Hải Dương,Hà Nội và thành phố Hải Phòng
-Diện tích:khoảng 15000 km²
b)Đặc điểm tự nhiên:
-Địa hình:Đồng bằng Bắc Bộ khá bằng phẳng và đang tiếp tục mở rộng ra phía biển.
-Khí hậu:có 4 mùa,mùa hạ thời tiết nóng nực có lúc nhiệt độ lên tới 38-39°C
Mùa đông hay có nhiều đợt gió mùa đông bắc thổi về gây ra nhiều đợt kéo dài.
-Sông ngòi:có 2 sông chính đó là sông Hồng và sông Thái Bình bồi dắp phù sa
c)Dân cư:-Dân số 17,5 triệu người (năm 2002)Dân cư sinh sống lâu đời chủ yêu là người kinh.
    Đây là vùng có Dân cư tập trung đông nhất của cả nước.Họ thường sống thành từng làng có nhiều ngôi nhà quây quần bên nhau.Nhà được xây dựng chắc chắn,xung quanh có vườn,sân và ao.
    -Làng Việt cổ thường có luỹ tre bao bọc.Mỗi làng có miếu đình thờ Thành Hoàng.Thành Hoàng là người có công với làng với nước.Đình là nơi diễn ra các hoạt động chung của dân làng .Một số làng còn cóđền,chùa,miếu…Ngày nay làng của người dân ở Đồng bằng Bắc Bộ có nhiều thay đổi.Nhà ở và các tiện nghi trong nhà ngày càng hiện đại hơn.
   -Trang phục truyền thống của người dân ở Đồng bằng Bắc Bộ là áo dài,khăn đóng và áo tứ thân.
   -Lễ hội:Ở Đồng bằng Bắc Bộ có các lễ hội như hội Lim,hội Chùa Hương,
hội Gióng,…Trong các lễ hội người dân thường tổ chức tế lễ và các hoạt động vui chơi.
d)Đặc điểm về kinh tế:
    -Nhờ đất phù sa màu mỡ,nguồn nước dồi dào người dân có nhiều kinh
nghiệm trồng lúa nên Đồng bằng Bắc Bộ đã trở thành vựa lúa lớn thứ 2 so với cả nước.Ngoài việc trồng lúa người dân nơi đây còn trồng ngô,khoai,cây ăn quả,…
   -Đồng bằng Bắc Bộ là nơi chăn nuôi gia súc,gia cầm lớn nhất của nước ta.Ngoài ra còn có các hoạt động như nuôi trồng và đánh bắt cá,tôm.
   -Đồng bằng Bắc Bộ là nơi trồng nhiều loại rau quả xứ lạnh do mùa đông kéo dài từ 3-4 tháng trong năm.
   -Ở Đồng bằng Bắc Bộ là nơi có hàng trăm nghề thủ công truyền thống, nhiều nghề đạt đến trình độ tinh xảo tạo nên những sản phẩm nổi tiêng trong và ngoài nước như lụa vạn phúc, gốm sứ bát tràng, chiếu cói Kim Sơn,chạm bạc Đồng Sâm
    -Mua bán hàng hoá là hoạt động diễn ra tấp nập nhất ở các chợ phiên.
Hàng hoá được bán ở chợ phần lớn là những sản phẩm sản xuất ở địa phương.Nhìn các loại hàng bán ở chợ ta có thể biết người ở địa phương đó sống chủ yếu bằng nghề gì?
  Chợ phiên ở`các địa phương gần nhau thường họp vào những ngày không trùng nhau để thu hút được nhiều người đến chợ mua bán.
     Tóm lại hoạt động sản xuất chủ yếu của ngươi dân ở Đồng bằng Bắc Bộ là trồng trọt chăn nuôi và làm nghề thủ công truyền thống.
2:Thủ đô Hà Nội.
a) Vị trí,giới hạn,diện tích:
   – Vị trí :Nằm trong vùng Đồng bằng Bắc Bộ 
   -Giới hạn : Giáp với các tỉnh Thái Nguyên,Bắc Giang,Bắc Ninh,Hưng Yên,Hà Tây,Vĩnh Phúc.
    – Diện tích :khoảng 921 km²
b) Đặc điểm tự nhiên:
    -Địa hình: bằng phẳng
    -Khí hậu 4 mùa :Mùa hạ nóng nực và mùa đông rét kéo dài
 c) Đặc điểm dân cư; 
    -Mật độ dân cư lớn nhất nước ta.
    -Dân số khoảng 5145,3 nghìn người.Đa số là dân tộc kinh
  d)Đặc điểm về kinh tế:
     -Là thành phố cổ đang phát triển:Hà Nội được chọn làm kinh đô từ rất lâu 
(thời nhà Lý 1010)có 36 phố phường buôn bán các mặt hàng khác nhau như phố hàng Mã, phố hàng Buồm, phố hàng Da…Ngày nay cùng với thời gian Hà Nội ngày càng mở rộng và hiện đại hơn.
   -Hà Nội là trung tâm chính trị văn hoá, khoa học kinh tế lớn của cả nước.Đây là nơi làm việc của các cơ quan lãnh đạo cao nhất của các nước. Quốc Tử Giám của Hà Nội là trường đại học đầu tiên của nước ta. Ngày nay Hà Nội là nơi tập trung nhiều viện nghiên cứu,trường đại học ,bảo tàng, thư viện của cả nước.Ở Hà Nội có nhiều nhà máy, nhiều trung tâm thương mại
Giao dịch trong và ngoài nước.Ngoài ra còn có các chợ, siêu thị lớn,hệ thống
 ngân hàng và bưu điện.
    -Hà Nội còn là đầu mối giao thông quan trọng đi đến các tỉnh thành trong nước và ngoài nước.Hệ thống đường giao thông ở Hà Nội có đầy đủ các loại đường như:đường ô tô,đường hàng không,đường sắt và đường thuỷ.
  3:Đồng Bằng Nam Bộ (ĐBNB)
a)Vị trí,giới hạn,diện tích:
      –  Vị trí:Nằm ở miền Nam nước ta thuộc hệ thống sông Mê Kông và sông Đồng Nai.
      -Giới hạn:Bao gồm các tỉnh và thành phố như Long An,Đông Tháp,An Giang,Tiền Giang,Vĩnh Long,Kiên Giang,Cần Thơ,Sóc Trăng,Bạc Liêu,Cà Mau…
      -Diện tích:khoảng 39734 km² 
b:Đặc điểm tự nhiên:
     -Địa hình:Bằng phẳng,có nhiều vùng trũng dễ ngập nước như Đồng Tháp Mười,Kiên Giang,Cà Mau…
     -Khí hậu:Quanh năm nóng ẩm,có 2 mùa,mùa mưa và mùa khô
     -Sông ngòi:hệ thống sông Cửu Long và sông Đồng Nai hàng năm bồi đắp 
một lượng lớn phù sa cho Đồng Bằng Nam Bộ
c)Dân cư:
      – Dân số 16,7 triệu người  năm 2002 
      -Có các dân tộc,Kinh,Khơ Me,Hoa…cùng chung sống vui vẻ đoàn kết bên nhau.Nhà ở của người dân thường làm dọc theo các sông,kênh,rạch,nhà thường đơn sơ, xuồng ghe là những phương tiện đi lại chủ yếu của người dân nơi đây.Ngày nay diện mạo làng quê ở Đồng Bằng Nam Bộ đã có nhiều thay đổi,nhiều ngôi nhà kiên cố khang trang được xây dựng.Đời sống mọi mặt của người dân được nâng cao.
       -Trang phục phổ biến của người dân ở Đông Bằng Nam Bộ là quần áo bà ba và chiếc khăn rằm. 
       -Lễ hội:Người dân Nam Bộ thường tổ chức các lễ hội để cầu được mùa,cầu nhiều may mắn  trong cuộc sống.Các lễ hội nỗi tiếng như hội Bà Chúa Sứ ở Châu Đốc(An Giang)hội núi Bà ở Tây Ninh
       Lễ cúng trăng ở đồng bào Khơ Me,lễ tế thần cá Ông (cá voi)của các 
làng chài ven biển.
d)Đặc điểm về kinh tế:
     -Nhờ có đất đai màu mỡ,khí hậu phù hợp,người dân cần cù lao động nên Đồng Bằng Nam Bộ trở thành vựa lúa,vựa trái cây lớn nhất của nước ta.Lúa gạo,trái cây của đồng bằng đã cung cấp nhiều nơi trong nước và trên thế giới.Phần lớn gạo xuất khẩu nước ta là do đồng bằng Nam Bộ cung cấp.
   -Ngoài trồng lúa và cây ăn trái Nam Bộ còn là nơi nuôi trồng đánh bắt thuỷ sản nhiều nhất nước ta do có mạng lưới sông ngòi chằng chịt,đó là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển ngành nghề này .
   -Vùng đồng bằng Nam Bộ là một vùng công nghiệp phát triển mạnh nhất nước ta do có nguồn nguyên liệu dồi dào lại được đầu tư xây dựng nhiều nhà máy nên đồng bằng Nam Bộ là một vùng công nghiệp lớn và mạnh nhất nước ta.Các ngành công nghiệp nổi tiếng là khai thác dầu khí,sản xuất điện,hoá chất,phân bón,cao su,chế biến lương thực thực phẩm,dệt may mặc.
    -Đặc điểm nổi bật của đồng bằng Nam Bộ là chợ nổi trên sông.Đây là nét văn hoá độc đáo của đồng bằng Nam Bộ.Chợ nổi được họp ở những chỗ ngã ba của các con sông,thuận tiện cho việc xuồng ghe ở các nơi đổ về.Ở các chợ nổi ngay từ sáng sớm việc mua bán được diễn ra tấp nập,mọi thứ hàng hoá như rau quả,thịt cá,quần áo…đều có thể mua bán trên xuồng ghe.
4)Thành phố Hồ Chí Minh.
a)Vị trí,giới hạn,diện tích:
      – Vị trí:Thành phố Hồ Chí Minh nằm bên sông Sài Gòn.
      – Giới hạn:Tiếp giáp với các tỉnh Tây Ninh,Bình Dương,Đồng Nai,Long An,Tiền Giang,Bà Rịa Vũng Tàu và biển đông.
      -Diện tích:khoảng 2090 km² (Địa lí lớp 4-Bộ GD & ĐT-2005)
b:Đặc điểm tự nhiên:
     -Địa hình:Bằng phẳng.
     -Khí hậu:Quanh năm nóng ẩm.
c)Đặc điểm dân cư:
     -Dân số :là 5555 người năm 2003 (Địa lí lớp 4-Bộ GD & ĐT-2005)
     -Dân tộc:Ở đây đa số là người kinh sống từ lâu đời.Bên cạnh đó còn có một số người hoa cùng sinh sống.
d)Đặc điểm về kinh tế:
     Là nơi tập trung nhiều loại đường giao thông như đường bộ,đường hàng không,đường sắt và đường thuỷ.
    -Thành phố là 1 trung tâm công nghiệp lớn nhất của cả nước.Các ngành công nghiệp của thành phố rất đa dạng như ngành điện,luyện kim,cơ khí điện tử,…
    -Hoạt động thương mại của thành phố cũng rất phát triển với nhiều siêu thị và chợ rất lớn.Thành phố còn có sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và cảng Sài Gòn là cảng biển lớn nhất nước ta.
    -Thành phố có nhiều viện nghiên cứu,trường đại học…ngoài ra còn có nhiều khu vui chơi giải trí hấp dẫn với quy mô rộng lớn như Đầm Sen,Suối Tiên…nói chung thành phố Hồ Chí Minh là 1 trung tâm kinh tế,văn hoá,khoa học lớn của cả nước.
5)Đồng bằng duyên hải Miền Trung.(ĐBDHMT)
a)Vị trí,giới hạn,diện tích:
      -Vị trí:Nằm ven biển Miền Trung từ Thanh Hoá đến Bình Thuận
      -Giới hạn:Bao gồm các đồng bằng nhỏ như đồng bằng Thanh-Nghệ-Tĩnh,đồng bằng Bình-Trị-Thiên,đồng bằng Nam-Ngãi,đồng bằng Bình-Phú-Khánh Hoà,đồng bằng Ninh Thuận-Bình Thuận.
    -Diện tích:Gồm vùng Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ.Bắc Trung Bộ có diện tích 51,513 km².Nam Trung Bộ Bộ có diện tích 44254 km².
b:Đặc điểm tự nhiên:
      -Địa hình:tương đối bằng phẳng do các dãy núi lan sát ra biển nên diện tích tương đối nhỏ và hẹp.Ven biển thường có các cồn cát cao từ 20-30 mét.
Ven biển có nhiều đầm phá.
      -Khí hậu:Đồng bằng duyên hải Miền Trung có Khí hậu khác biệt giữa 2 khu vực phía Bắc và phía Nam,do dãy núi Bạch Mã kéo dài ra đến biển,nằm giữa Huế và Đà Nẵng tạo thành bức tường chắn gió mùa đông bắc thổi đến,làm cho phía nam của núi không có mùa đông lạnh.Vì vậy phía bắc của đèo Hải Vân có khí hậu 4 mùa,còn phía nam của đèo Hải Vân có khí hậu 2 mùa.
      Vào mùa hạ đồng bằng Miền Trung ít mưa,không khí khô nóng làm cho đồng bằng nứt nẻ,sông hồ cạn nước.Trong khi đó những tháng cuối năm thường có mưa lớn và bão.Mưa lớn làm nước sông dâng lên đột ngột làm ngập lụt nhà cửa,đường giao thông bị phá hoại làm thiệt hại về người và tài sản.
      -Sông ngòi:có nhiều sông ngắn:như sông La,sông Lam,sông Thạch Hãn,
sông Hương,sông Thu Bồn…
c)Đặc điểm dân cư:
    -Dân cư:Tập trung khá đông với nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống như Kinh,Chăm,Vân Kiều,Tà Ôi và một số dân tộc ít người khác.
    -Dân số:Theo thống kê năm 2003.
     Vùng Bắc Trung Bộ có số dân là 10,3 triệu người 
     Vùng Nam Trung Bộ có số dân là 8,4 triệu người 
d)Đặc điểm kinh tế:
    -Do Đồng bằng duyên hải Miền Trung có khí hậu nóng ẩm,đất cát pha,đất phù sa tương đối màu mỡ nên rất phù hợp với việc trồng trọt,đặc biệt là lúa,
mía và lạc.
    -Nước biển mặn,ven biển có nhiều đầm phá và sông,người dân có kinh nghiệm nên việc nuôi trồng và đánh bắt thuỷ sản và nghề làm muối rất phát triển.
    -Ngoài các hoạt động sản xuất trên ở Đồng bằng duyên hải Miền Trung rất phát triển du lịch nhờ ở đây có đường bờ biển dài tạo nên các bãi tắm rất đẹp như Sầm Sơn ở Thanh Hoá,Lăng Cô ở Thừa Thiên Huế,Mỹ Khê,Non Nước ở Đà Nẵng,Nha Trang ở Khánh Hoà,Mũi Né ở Bình Thuận,…Ngoài ra còn có nhiều di sản văn hoá như Cố Đô Huế,phố cổ Hội An,khu di tích Mĩ Sơn  ở Quãng Nam.
   -Ngoài ra ở Đồng bằng duyên hải Miền Trung còn có các nhà máy,các khu công nghiệp như nhà máy đường,xưởng sữa chữa tàu thuyền…
   Nhìn chung hoạt động sản xuất chủ yếu của người dân ở Đồng bằng duyên hải Miền Trung là trồng trọt,làm muối,nuôi trồng và đánh bắt thuỷ sản.
e)Lễ hội:
      Đồng bằng duyên hải Miền Trung có các lễ hội như lễ rước cá ông,lễ mừng năm mới của người Chăm,…
      Vào đầu mùa hạ Nha Trang có lễ hội Tháp Bà.Trong những ngày này người dân tập trung tại tháp để làm lễ ca ngợi công đức nữ thần và cầu mong một cuộc sống bình yên,hạnh phúc,sau đó là phần hội với các hoạt động văn nghệ,thể thao như múa hát,bơi thuyền,…
6)Thành phố Huế:
a)Vị trí,giới hạn,diện tích:
     Thành phố Huế nằm trung tâm tỉnh Thừa Thiên Huế tựa lưng vào dãy núi Trường Sơn và cách biển không xa.
b:Đặc điểm địa hình:
     -Thành phố Huế nằm trên vùng chuyển tiếp đồi thấp sang đồng bằng nên có địa hình tương đối bằng phẳng.
     -Khí hậu:Thành phố Huế thuộc vùng Bắc Trung Bộ nên có khí hậu 4 mùa.Tuy nhiên ở đây thường có nhiều mưa bão và mùa hạ rất nóng nực,chịu ảnh hưởng của gió tây nam từ Lào thổi sang.
    -Thành phố Huế có sông Hương chảy qua.
c)Đặc điểm dân cư:
    -Dân cư:Tập trung đông đúc chủ yếu là người kinh.
d)Đặc điểm kinh tế:
    Đây là một thành phố có một thời là kinh đô của nước ta.
Vì vậy nổi tiếng với kiến trúc cung đình,thành quách,đền miếu,lăng tẩm,…của các vua chúa thời Nguyễn và được công nhận là di sản văn hoá thế giới.
    -Thành phố Huế là một thành phố du lịch.Khi tới Huế các du khách còn được đi thăm các nhà vườn,thưởng thức các món ăn đặc sản của địa phương,du khách còn được đi thuyền trên sông Hương và thưởng thức các bài hát dân ca Huế.
7)Thành phố Đà Nẵng:
a)Vị trí,giới hạn,diện tích:
      -Đà Nẵng nằm bên bờ sông Hàn là thành phố trực thuộc trung ương.
      -Đà Nẵng giáp với Quãng Nam,Thừa Thiên Huế và biển đông
      -Diện tích 1247 km².
b:Đặc điểm địa hình:Khá bằng phẳng 
      -Khí hậu:Đà Nẵng mang khí hậu của Nam Trung Bộ nên có khí hậu 2 mùa,mùa mưa và mùa khô.
c)Đặc điểm dân cư:
    -Dân cư:Tập trung đông đúc.
    -Đa số dân tộc Kinh và một số ít các dân tộc khác.
d)Đặc điểm kinh tế:
     -Đà Nẵng có nhiều tuyến đường giao thông như đường hàng không,đường sắt,đường bộ,đường thuỷ.
    -Đà Nẵng có cảng trên sông Hàn và cảng Tiên Sa thuận lợi cho tàu thuyền cập bến,dọc các phố,bến cảng:ngân hàng,khách sạn,tiệm ăn mọc lên san sát.
   -Đà Nẵng  là 1 trung tâm công nghiệp vì có nhiều cơ sở sản xuất hàng tiêu dùng ,chế biến thực phẩm,đóng tàu,sản xuất vật liệu xây dựng.
   -Đà Nẵng là một điểm đến quen thuộc của du khách vì ở đây có bãi biển đẹp liền kề núi non nước còn gọi là Ngũ Hành Sơn,có bảo tàng Chăm với các hiện vật của người Chăm cổ xưa.
C)VÙNG BIỂN VIỆT NAM
1)Biển,đảo và quần đảo:
a)Vị trí,giới hạn,diện tích:
      -Vùng biển nước ta là một bộ phận của biển đông.
      -“Có diện tích khoảng 1 triệu km²,bao gồm :Nội thuỷ lãnh hải,vùng tiếp giáp lãnh hải,vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.Cả nước có 29 tỉnh,thành phố nằm giáp biển”.
b:Đặc điểm vùng biển nước ta:
      -Vùng biển phía bắc có nhiều đảo nhất nước ta như đảo Cát Bà,đảo Cái Bầu,đây là đảo có nhiều dân cư đông đúc.
c)Khai thác khoáng sản và hải sản ở vùng biển nước ta :
      -Tài nguyên khoáng sản quan trọng nhất của thềm lục địa nước ta là dầu mỏ và khí đốt,nước ta đã khai thác hơn một triệu tấn dầu và hàng tỉ m3khí phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu.Vùng biển tập trung nhiều giếng dầu nhất là vùng biển thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.Ngoài dầu khí nước ta còn khai thác cát trắng để làm nguyên liệu cho công nghiệp thuỷ tinh  ở ven biển Khánh Hoà,Quảng Ninh.Ven biển từ Bắc vào Nam có nhiều vùng sản xuất muối phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
       -Vùng biển nước ta rất giàu hải sản,riêng cá cũng có hàng nghìn loài,
trong đó có những loài cá ngon nổi tiếng như cá thu,cá nhụ,cá hồng…biển nước ta có hàng chục loài tôm có giá trị như tôm hùm.tôm he,…ngoài ra còn có các loài hải sản quí giá như bào ngư,hải sâm,đồi mồi,sò huyết,ngọc trai…
      -Hoạt động đánh bắt hải sản diễn ra khắp vùng biển từ bắc vào nam.Những nơi đánh bắt nhiều hải sản nhất là các tỉnh ven biển từ Quãng Ngãi đến Kiên Giang.Tuy hiên do đánh bắt bừa bãi nên nhiều vùng biển ven bờ có nguy cơ cạn kiệt các loài hải sản.
      Như vậy nội dung mới không chỉ giới thiệu các vùng miền trên đất liền mà còn có các bài học,các nội dung giới thiệu về các vùng biển nước ta,các hải sản quí giá trong vùng biển này.Từ đó học sinh có một cách hiểu sơ lược 
về vị trí của nước ta,cả trên đất liền và biển.Đây là điểm mới trong chương trình.
        Ngoài ra qua phần thống kê nội dung chương trình địa lí lớp 4.Chúng ta thấy rõ rằng việc cung cấp kiến thức địa lí cho học sinh không chỉ có kênh chữ mà ở đây kênh hình chiếm ưu thế nhiều hơn trong cấu trúc bài học.Điều này rất phù hợp với nhận thức của học sinh ở bạc Tiểu học có nghĩa là sự tiếp thu kiến thức của học sinh thông qua tranh ảnh và đồ dùng trực quan là chủ yếu,cái gì mà học sinh nhìn thấy sẽ nhớ lâu hơn.Chẳng hạn với các bài học giới thiệu từng vùng miền giáo viên chỉ cần cho hs quan sát lược đồ,bản đồ của vùng miền đó,sau đó cho hs tự trả lời về vị trí của vùng miền đó,nằm ở đâu?giáp với những nơi nào?…Ví dụ đối với bài:Thủ đô Hà Nội.giáo viên cho hs quan sát lược đồ về thành phố Hà Nội sau đó nêu vị trí Hà Nội giáp với những tỉnh nào?có những đường giao thông gì?…
CHƯƠNG II:  MỘT SỐ PHƯƠNG  PHÁP GIẢNG DẠY PHẦN ĐỊA LÍ TRONG MÔN LỊCH SỬ VÀĐỊA LÍ LỚP 4.
      Theo cấu trúc chương trình nội dung địa lí lớp 4 mới đã có nhiều thay đổi,vậy với nội dung như thế thì người giáo viên cần phải biết lựa chọn và sử dụng những phương pháp nào để khi lên lớp truyền thụ kiến thức cho học sinh mà học sinh có thể nắm bắt ngay những tri thức đó một cách dễ dàng thì tiết học đó mới mang lại hiệu quả cao .
      Thực tế cho thấy một số giáo viên vẫn còn dạy học phần địa lí với các phương pháp dạy học truyền thống,thiên về truyền đạt thông tin thầy nói-trò nghe,kết quả là học sinh thụ động ít sáng tạo.Việc dạy học như vậy ít có kết quả.Vì vậy để học sinh tự chiếm lĩnh tri thức bằng cách tăng cường tối đa các hoạt động học tập của học sinh,từ đó phát triển tính tích cực,sáng tạo có phán xét,tự tìm ra kiến thức mới.Đó chính là hướng dạy học tích cực cần thực hiện.
      Trong quá trình công tác giảng dạy tại trường Tiểu học …….. II,Huyện Krông Năng,Tỉnh Đắc Lắc.Từ thực tế giảng dạy phân môn địa lí và các buổi thao giảng góp ý giờ dạy từ chuyên môn và các đồng nghiệp trong trường,tôi thấy rằng cần phải sử dụng các phương pháp sau vào việc dạy học phân môn địa lí lớp 4.
A: MỘT SỐ PHƯƠNG PHÁP CHỦ YẾU SAU.
1)PHƯƠNG PHÁP QUAN SÁT:
a)Khái niệm:Phương pháp trong đó có sử dụng thị giác,phối hợp với các giác quan khác để xem xét sự vật hiện tượng một cách có ý thức,có mục đích,có kế hoạch để thu thập thông tin về sự vật hiện tượng.(Trích Phương pháp dạy học TNXH-Đại học từ xa Huế năm 2000 trang 31).
       Phần địa lí lớp 4 sử dụng phương pháp này vào một số mục nhỏ của bài học và được kết hợp với nhiều phương pháp khác chẳng hạn đối với cac bài dạy vùng miền thì giáo viên sử dụng phương pháp này.  
Ví dụ 1:Bài 5:Tây Nguyên.
        Mục 1:Giới thiệu về vị trí của Tây Nguyên.
Giáo viên yêu cầu học sinh quan sát lược đồ các cao nguyên ở Tây Nguyên là bao gồm các cao nguyên nằm về phía tây của nước ta.
b)Một số điểm cần chú ý khi sử dụng phương pháp này:
    +Tổ chức hướng dẫn học sinh quan sát.
    -Quan sát phải có mục đích rõ ràng
    -Có thể tổ chức cho hs quan sát cá nhân,theo nhóm hoặc theo lớp.
    +Gv tổ chức các câu hỏi về yêu cầu quan sát(hãy quan sát lược đồ,hãy quan sát sơ đồ,…)
   -Hd hs quan sát  từ tổng thể đến chi tiết.
2)PHƯƠNG PHÁP THẢO LUẬN:
a) Khái niệm:
        Là phương pháp giáo viên tổ chức cho hs thảo luận trao đổi với nhau về nội dung học tập hay vấn đề nhận thức cần giải quyết.
       Trong  phương pháp này,học sinh giữ vai trò tích cực,chủ động tham gia  trao đổi,thảo luận,giáo viên giữ vai trò nêu vấn đề,hướng dẫn,gợi ý và tổng kết.
      Thảo luận có thể tiến hành cho cả bài học hoặc cho một số phần hay một số nội dung của bài.
      Phương pháp thảo luận trong dạy học đề cao sự hợp tác tích cực,các hoạt
động của mỗi cá nhân trong lớp được tổ chức phối hợp theo chiều đứng (Thầy-Trò) và theo chiều ngang (Trò-Trò) để đạt mục tiêu chung.
     Phương pháp thảo luận ngoài việc giúp giáo viên đánh giá được kiến thức,kĩ năng,phương pháp làm việc của học sinh,còn giúp cho giáo viên hiểu được thái độ của học sinh.
(Trích trang 40-41-phương pháp dạy học Tự nhiên-xã hội-Đại học từ xa Huế năm 2000)
b)Các hình thức thảo luận:
-Thảo luận lớp.
Giáo viên điều khiển toàn lớp thảo luận theo chủ điểm hay trao đổi về một vấn đề học tập do giáo viên đặt ra trước học sinh.vai trò của Giáo viên dừng lại ở chỗ nêu vấn đề và gợi ý,khuyến khích động viên các em cho ý kiến và cả câu hỏi cho bạn.Trong quá trình thảo luận,nếu ý kiến của học sinh đi chệch ra ngoài vấn đề chính,giáo viên phải điều chỉnh kịp thời.
-Thảo luận nhóm.
Chia lớp thành một số nhóm và mỗi nhóm được giao một hay một số nhiệm 
vụ cụ thể,có yêu câu về nội dung thời gian,cách làm…Sau khi thảo luận ở nhóm xong,giáo viên tổ chức cho học sinh báo cáo kết quả trước lớp.Thảo luận nhóm được tiến hành theo các bước sau:
 +Bước 1: Chuẩn bị.
 -Yêu cầu học sinh đọc trước nội dung bài học,hoặc tìm hiểu trong thực tế các sự vật,hiện tượng liên quan.
-Chia nhóm,cử nhóm trưởng,có thể chia bằng cách đánh số,chia từng cặp,dùng mảnh giấy màu…
+Bước 2: Giao nhiệm vụ rõ ràng,cụ thể cho từng nhóm.
+Bước 3: Học sinh thảo luận theo nhóm bằng cách trao đổi bàn bạc,phân tích dẫn chứng…không tranh cãi.
Giáo viên uốn nắn lệch lạc điều chỉnh đúng hướng thảo luận cho học sinh.
+Bước 4: Tổng kết thảo luận.
Đại diện nhóm trình bày trước cả lớp kết quả thảo luận của nhóm mình.
    Các nhóm khác nêu câu hỏi trao đổi ý kiến
    Giáo viên tổng kết-nhận xét-kết luận
*Mỗi phương pháp dạy học đều có tác động tích cực đối với một số mặt học tập của học sinh,giúp học sinh nắm vững kiến thức và phát triển một số khía cạnh nào đó của kĩ năng,thái độ.Không có phương pháp dạy học nào là vạn năng cả.Chính vì vậy tùy theo từng đối tượng,từng nội dung bài học mà người giáo viên phải biết lựa chọn sử dụng phối hợp các phương pháp dạy học khác nhau để đem lại kết quả học tập trong một tiết học.
     Do đặc thù của phần địa lí lớp 4 là cung cấp các biểu tượng địa lí,bước đầu hình thành một số kĩ năng địa lí như:
      -Kĩ năng sử dụng bản đồ.
      -Kĩ năng  phân tích bản số liệu và biểu đồ.
      Vì vậy cần phải có các phương pháp dạy học phù hợp với kiến thức trên.
       Theo chương trình thay sách của Bộ giáo dục và đào tạo ở lớp 4 năm 2005-2006 thì có các phương pháp sau được kết hợp từ những phương pháp trên để dạy học các phần cơ bản của phần địa lí là :
1)Phương pháp hình thành biểu tượng địa lí:
 Hình thành về các biểu tượng kí ức và các biểu tượng tưởng tượng.
 Có các bước sau:
-Bước 1: Chọn đối tượng quan sát với trình độ của học sinh trong thực tế.
-Bước 2: Xác định mục đích quan sát bằng hệ thống câu hỏi chuẩn bị trước.
-Bước 3:Học sinh báo cáo kết quả quan sát được,thảo luận kiến thức mới liên hệ thực tế,tổng kết.
2)Phương pháp hình thành khái niệm địa lí:có 2 loại.
a)Hình thành khái niệm địa lí chung.
-Bước 1: Học sinh quan sát đã hình thành khái niệm địa lí chung.
-Bước 2: Nêu tình huống có vấn đề,đặt câu hỏi.
-Bước 3: Học sinh so sánh đối chiếu những cái chung của biểu tượng.
-Bước 4: Báo cáo kết quả quan sát –trao đổi thảo luận,nhận xét chung,tổng kết đánh giá.
b)Hình thành khái niệm địa lí riêng:
-Bước 1: giáo viên hình dung trước đối tượng,lựa chọn những tri thức cơ bản
-Bước 2: Soạn hệ thống câu hỏi bài tập để hướng dẫn học sinh làm việc với nguồn tri thức đã chọn.
-Bước 3: Tổ chức cho học sinh làm việc với hệ thống câu hỏi trên.
-Bước 4: Học sinh tổ chức báo cáo kết quả phát hiện riêng của đối tượng.
3)Phương pháp hướng dẫn học sinh khai thác bản đồ:có 5 bước sau:
-Bước 1: giáo viên xác định nội dung,mục đích làm việc với bản đồ.
-Bước 2: xem bảng chú giải.
-Bước 3: Tìm vị trí địa lí của các đối tượng trên bản đồ dựa vào bảng chú giải.
-Bước 4: Quan sát đối tượng trên bản đồ,nhận xét,nêu đặc điểm đơn giản của đối tượng.
-Bước 5: Xác lập mối quan hệ địa lí đơn giản giữa các yếu tố địa lí và thiên nhiên con người.
4)Phương pháp khai thác kiến thức từ bảng số liệu:Được tiến hành theo các bước sau:
-Bước 1: Nắm được mục đích bảng số liệu.
-Bước 2: Hướng dẫn học sinh đọc tên bảng số liệu.
-Bước 3: Hướng dẫn học sinh xem tên cột,nắm được ý nghĩa đơn vị và thời điểm đi kèm.
-Bước 4: Đối chiếu số liệu từng hàng dọc,hàng ngang.
-Bước 5: Báo cáo kết quả làm việc.
Thực tế các phương pháp này chính là sự kết hợp các phương pháp trên mà chúng ta đã giới thiệu.
II.3. Giải pháp,biện pháp:
a)Mục tiêu của giải pháp,biện pháp
* Xác định đầy đủ mục tiêu từng bài
– Mục tiêu về mối quan hệ giữa các yếu tố  địa lí, giữa tự nhiên với hoạt động sản xuất, giữa tự nhiên với sinh hoạt của con người.
-Khắc sâu, mở rộng kiến thức sau mỗi hoạt động dạy
*  Trên cơ sở lí luận của việc dạy học nói chung và dạy phân môn Địa lí nói riêng. Tôi nhận thấy thực tiễn dạy học chưa đáp ứng được yêu cầu dạy học ở tiểu học. Để khắc phục những hạn chế, phát huy những ưu điểm có trong thực tế, tôi xin đưa ra một số biện pháp mà tôi áp dụng có hiệu quả của việc dạy học.Đó là bản thân người giáo viên cần phải tham khảo nhiều loại sách khác nhau,đặc biệt là các loại sách về địa lí Việt Nam để mở rộng kiến thức địa lí cho học sinh những lúc cần thiết.Ngoài ra người giáo viên cần phải lựa chọn những phương pháp dạy học phù hợp với nội dung bài học và trình độ nhận thức của học sinh lớp mình.Để từ đó giúp học sinh tiếp thu một cách vững chắc các kiến thức về địa lí .
b)Nội dung và cách thức thực hiện giải pháp,biện pháp.
    Để thực hiện tốt Nội dung và phương pháp giảng dạy phần Địa lí trong môn Lịch sử và địa lí Lớp 4.Yêu cầu người giáo viên không chỉ nắm vững nội dung bài học,lên kế hoạch bài dạy như các môn khác mà cần hiểu thật sâu về Nội dung và phương pháp giảng dạy phần Địa lí trong môn Lịch sử và địa lí Lớp 4.Để giúp học sinh có thể hiểu và nắm được nội dung bài học một cách tích cực,bên cạnh đó người giáo viên cần có cách tổ chức cho học sinh biết sưu tầm tư liệu,các thông tin nhằm chuẩn bị cho bài học mới, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng đồ dùng thiết bị, phương tiện trực quan, thăm quan thực tế phục vụ cho việc dạy học đạt hiệu quả.
c)Điều kiện thực hiện giải pháp,biện pháp.
Môn Lịch sử và địa lí là môn học đầu tiên các em được học kĩ về tiến trình lịch sử của nước nhà.Còn phần địa lí giúp học sinh hiểu được vị trí,địa hình,dân cư,kinh tế các vùng miền trên đất nước ta.Để phát huy tính tích cực của học sinh khi học môn địa lý thì việc giáo viên  biết lựa chọn Nội dung và phương pháp dạy học,cùng kết hợp sự hướng dẫn học sinh cách học là rất quan trọng.Giáo viên phải biết lựa chọn phương pháp cho phù hợp với từng loại bài, từng đối tượng học sinh.Dưới sự hướng dẫn của giáo viên, học sinh sẽ tự khám phá ra kiến thức.
d) Mối quan hệ giữa các giải pháp,biện pháp.
Để dạy tốt môn Địa lí lớp 4 và đạt được hiệu quả cao, là một yêu cầu quan trọng, cần thiết và đầy khó khăn, đòi hỏi mỗi người giáo viên giảng dạy phải thực sự chuyên tâm, không ngừng học hỏi và rèn luyện, tìm tòi, học hỏi để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ . Ngoài ra người giáo viên cũng cần  vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo phương pháp dạy học phù hợp với trình độ nhận thức của học sinh thì mới đạt kết quả tốt. 
e)Kết quả khảo nghiệm,giá trị khoa học của vấn đề nghiên cứu.
                    Giờ dạy lớp 4 (Theo phương pháp mới).
-Học sinh nắm được đặc điểm khí hậu,sự phân bố dân cư,giữa các vùng miền.
-Nhận biết được sự phân hóa về độ cao trung bình của các tỉnh Tây Nguyên 
-Một số thành phố lớn có nền kinh tế phát triển:Thành phố Hồ Chí Minh.Hà Nội.Đà Nẵng.
-Cuối năm không có học sinh yếu:Tỉ lệ học sinh khá,giỏi :11 em.
-Đối với giáo viên:Hầu hết các giáo viên cho rằng đây là môn phụ,hơn nữa điểm Lịch sử và Địa lí cộng lại chia đôi rồi lấy điểm trung bình cho môn học,nên giáo viên không chú trọng về cách dạy học.Học sinh Lớp 4 mới được làm quen với phân môn Địa lí nên sự tiếp thu của học sinh còn hạn chế,có em còn không muốn học bởi vì:giáo viên chỉ truyền đạt 1 cách khô khan và cứng nhắc,thậm chí rập khuôn trong sách giáo khoa.
Ví dụ:Khi dạy bài Đồng bằng Nam Bộ giáo viên mô tả về chợ nổi chỉ nói theo sách giáo khoa,nên không thu hút sự tham gia phát biểu ý kiến của học sinh.
II.4.Kết quả thu được qua khảo nghiệm,giá trị khoa học của vấn đề nghiên cứu.
                                       Đề kiểm tra
Câu 1: Hãy kể tên một số dân tộc đã sống lâu đời ở Tây nguyên?
Câu 2: Khoanh vào chữ cái mà em cho là đúng nhất:Đồng bằng duyên hải miền Trung nhỏ hẹp vì:
A:  Đồng bằng nằm ven biển.
B:  Đồng bằng có nhiều cồn cát.
C:  Đồng bằng có nhiều đầm,phá.
D:  Núi lan ra sát biển.
Câu 3: Vì sao dân cư tập trung khá đông đúc tại đồng bằng duyên hải miền Trung?
Câu 4: Vì sao ngày càng có nhiều khách du lịch đến tham quan miền Trung?

                                              Đáp án

Câu 1: (2 điểm) Một số dân tộc đã sống lâu đời ở Tây nguyên là :Gia-rai;Ê-đê;Ba-na;Xơ-đăng.
Câu 2: (2 điểm)  Đồng bằng duyên hải miền Trung nhỏ hẹp vì:
       D:  Núi lan ra sát biển.
Câu 3:(3 điểm)  Dân cư tập trung khá đông đúc tại đồng bằng duyên hải miền trung vì:điều kiện tương đối thuận lợi cho sinh hoạt và sản xuất nên dân cư tập trung khá đông đúc.
Câu 4: (3 điểm)  Vì duyên hải miền Trung có nhiều bãi biển đẹp,bằng phẳng,phủ cát trắng rợp bóng dừa và phi lao,nước biển trong xanh.Đó là những địa điểm thuận lợi cho khách du lịch đến tham quan,tắm biển,nghỉ dưỡng như:Sầm Sơn (Thanh Hóa),Lăng Cô (Thừa Thiên-Huế),Mĩ Khê,Non Nước (Đà Nẵng),Nha Trang (Khánh Hòa),Mũi Né (Bình Thuận)…
Quá trình nghiên cứu và giảng dạy tại Trường Tiểu học …….. II.Đối tượng là học sinh lớp 4A1 (Sĩ số :19 học sinh),đã thu được kết quả như sau.
Giỏi :5em = 26,32 %  ;   khá: 6em  = 31,58 %  ; Trung bình : 8em = 42,10%  
Để nâng cao chất lượng dạy học môn Địa lí cho học sinh lớp 4.Giáo viên cần phải đổi mới phương pháp dạy học,thiết kế bài dạy phân loại đối với học sinh,truyền đạt ngắn gọn dễ hiểu,giáo viên tránh nói nhiều.              
III:PHẦN KẾT LUẬN,KIẾN NGHỊ:
III.1:KẾT LUẬN.
    Qua quá trình nghiên cứu sáng kiến kinh nghiệm:Nội dung và phương pháp giảng dạy phần địa lí lớp 4 bản thân tôi đã thu thập một vài nhận xét sau:
1:Về nội dung
     -Địa lí lớp 4 cung cấp kiến thức các sự vật,hiện tượng,các mối quan hệ địa lí đơn giản ở các vùng chính trên đất nước.Các vùng chính nước ta được chia theo địa hình vùng miền từ địa hình cao như vùng núi,trung du,Tây Nguyên ,đến vùng có địa hình thấp như các vùng đồng bằng,biển hải đảo.
-Nội dung kiến thức Địa lí lớp 4 được thể hiện trong sách giáo khoa cả kênh 
hình và kênh chữ.Trong đó phần kênh hình chiếm ưu thế hơn và điều này rất phù hợp với trình độ nhận thức của học sinh Tiểu học nói chung và học sinh lớp 4 nói riêng.
2:Về phương pháp:
     Các phương pháp hay sử dụng trong phân môn Địa lí lớp 4 rất nhiều.Như phương pháp quan sát,phương pháp hỏi đáp,phương pháp thảo luận,phương pháp trò chơi,phương pháp truyền đạt.Đó là những phương pháp hay sử dụng nhất.Ngoài ra còn một số phương pháp khác có thể sử dụng trong dạy học phần Địa lí lớp 4 nhưng với mức độ ít hơn.Như phương pháp điều tra,
phương pháp đóng vai,phương pháp thí nghiệm, phương pháp nêu vấn đề…
    Với những phương pháp trên giáo viên sẽ kết hợpvới nhau để thực hiện việc dạy học phần Địa lí lớp 4 theo nội dung.
    Nói chung trong một bài học giáo viên cần phải lựa chọn kết hợp nhiều phương pháp để truyền thụ kiến thức cho học sinh và làm cho tiết học sinh động hơn và hiệu quả cao hơn.
    Tuy nhiên không có phương pháp nào là vạn năng,là đúng nhất,phù hợp cho nội dung bài học.Do đó người giáo viên cần phải biết lựa chọn các phương pháp thích hợp để truyền thụ kiến thức đầy đủ cho học sinh.Giúp các em có những hiểu biết cơ bản về địa lí nước ta.Từ đó mở rộng sự hiểu biết cho các em có tầm nhận thức đầy đủ về tự nhiên xã hội.làm tiền đề sau này trở thành những con người hoàn thiện để xây dựng nước nhà ngày càng giàu đẹp hơn.
III.2:Kiến nghị
        Trên đây là một số vấn đề mà qua Đề tài này tôi đã nhận thấy được.
Mặc dù một đôi chỗ vẫn còn chưa đầy đủ lắm,nhưng có lẽ cũng phần nào làm căn cứ để có thể đề xuất một số việc cụ thể,nhằm giúp cho việc vận dụng quá trình dạy học phần địa lí lớp 4 có chất lượng hơn.
         Theo tôi người giáo viên và nhà trường cần thực hiện tốt các vấn đề sau:
       -Đối với nhà trường:
       Cần tạo điều kiện về các phương tiện cơ sở vật chất trang thiết bị dạy học giành cho bộ môn này chẳng hạn như;bảng phụ để hoạt động nhóm,một số lược đồ về các thành phố nên phóng to
-Đối với giáo viên:
Cần phải tham khảo nhiều loại sách khác nhau,đặc biệt là các loại sách về địa lí Việt Nam để mở rộng kiến thức địa lí cho học sinh những lúc cần thiết.Ngoài ra người giáo viên cần phải lựa chọn những phương pháp dạy học phù hợp với nội dung bài học và trình độ nhận thức của học sinh lớp mình.Để từ đó giúp học sinh tiếp thu một cách vững chắc các kiến thức về địa lí để học lên lớp trên.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1:Sách giáo khoa – Lịch sử và Địa lí lớp 4-Nhà xuất bản giáo dục -2005
2: Thiết kế bài giảng Địa lí lớp 4-Nhà xuất bản Hà Nội -2005
3):Phương pháp dạy học tự nhiên và xã hội trung tâm Đào tạo từ xa,đại học Huế
4:Sách giáo viên – Lịch sử và Địa lí lớp 4-Nhà xuất bản giáo dục -2005
5:Sách giáo khoa Địa lí lớp 9 -Nhà xuất bản giáo dục -2005

 

BẤM VÀO ĐÂY TẢI BẢN WORD

 

 

Copyright 2019 © Kinh nghiệm dạy học | Thiết kế bởi Web Bách Thắng