Một số phương pháp giáo dục đạo đức cho học sinh cá biệt lớp 1 và lớp 2

Một số phương pháp giáo dục đạo đức cho học sinh cá biệt lớp 1 và lớp 2

I.1.  Lý do chọn đề tài.

                 Như chúng ta đã biết: mục tiêu giáo dục trong giai đoạn hiện nay là không chỉ trang bị cho học sinh những kiến thức đã có của nhân loại mà còn bồi dưỡng cho học sinh tính năng động, óc sáng tạo đồng  thời còn chú trọng đến việc giáo dục đào tạo về đạo đức cho học sinh. Đào tạo ra những con người có đức, có tài nhằm xây dựng một đất nước giàu mạnh trong tương lai. Như Bác Hồ đã dạy:

                                                “Tiên học lễ hậu học văn”.

           Ngoài việc dạy văn hóa giáo viên chủ nhiệm còn phải giáo dục về đạo đức, nhân cách sống cho mỗi học sinh. Đặc biệt đối tượng khó nhất đối với giáo viên chủ nhiệm là học sinh cá biệt. Mỗi học sinh cá biệt là một bài toán khó, đòi hỏi người giáo viên phải dày công tìm hiểu, quan tâm và đưa ra các giải pháp phù hợp, khoa học để giáo dục các em đạt hiệu quả cao. Nếu như giáo viên chúng ta cứ quan tâm đến học sinh bình thường mà lơ là với học sinh khác thường thì đây là một trong những nguyên nhân gây ra những hậu quả cho một số tệ nạn xã hội sau này.

          Trong xã hội hiện nay, có rất nhiều tệ nạn khác nhau, nhưng nhức nhối nhất vẫn là tệ nạn do thanh, thiếu niên gây ra. Đặc biệt có một số vụ án xảy ra lại là học sinh ở lứa tuổi trung học cơ sở, trung học phổ thông. Đây chính là một trong những mầm mống của học sinh cá biệt từ các trường Tiểu học chưa được quan tâm giáo dục triệt để.

           Thói hư tật xấu của mỗi học sinh, của mỗi con người nguyên nhân không phải do bẩm sinh mà do quá trình giáo dục, như Bác Hồ đã nói: 

                               Ngủ thì ai cũng như lương thiện

                                  Tỉnh dậy phân ra kẻ dữ hiền

                                  Hiền dữ phải đâu là tính sẵn

                                  Phần nhiều do giáo dục mà nên.

Con người ta khi đang trong trạng thái ngủ thì không thể biết được ai hiền, ai dữ nhưng khi đã tham gia vào các hoạt động xã hội rồi mới thể hiện được hết những tính cách tốt hay xấu, nếu tính cách xấu ấy được giáo dục ngay từ nhỏ thì mỗi con người sẽ có cách cư xử, làm việc theo chiều hướng tích cực hơn.

      Hiện nay, tôi thấy một số không ít giáo viên thường quan tâm, chú trọng đến việc dạy Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh hoặc việc rèn chữ viết đúng, viết đẹp cho học sinh, chứ chưa quan tâm nhiều đến việc giáo dục đạo đức cho học sinh cá biệt. Tôi nghĩ công tác chủ nhiệm là nhiệm vụ rất quan trọng trong công tác giáo dục học sinh cá biệt. Chính họ là tấm gương, cũng là việc rèn lyện đạo đức, nhân cách thành công cho các em. Vì thế nên tôi đã nghiên cứu đề tài: “Một số phương pháp giáo dục đạo đức cho học sinh cá biệt lớp 1 và lớp 2’’

b. Nội dung, cách thức thực hiện các giải pháp.

        Qua tìm hiểu một số nguyên nhân dẫn đến việc giáo dục cho học sinh cá biệt đạt hiệu quả chưa cao. Bản thân tôi đã áp dụng các giải pháp sau để giáo dục đạo đức học sinh cá biệt lớp 1 và lớp 2 :

 b.1. Giải pháp thứ nhất: Giáo viên chủ nhiệm phải phân loại được từng nhóm học sinh cá biệt:

      Giáo viên phải hiểu rõ từng đối tượng học sinh cá biệt và phân loại học sinh cá biệt thành từng nhóm để có phương pháp giáo dục phù hợp.

           Ví dụ: Giáo viên phân loại các nhóm học sinh cá biệt như sau:

    – Nhóm 1: Cá biệt là do đánh bạn, hay lấy đồ dùng học tập của bạn.

    –  Nhóm 2: Cá biệt là do vi phạm những chuẩn mực đạo đức, hỗn láo với thầy cô, cha mẹ, hay nói tục, chửi bậy.

   – Nhóm 3: Cá biệt là do vi phạm nội qui của nhà trường, của lớp, mất trật tự trong giờ học, giờ ra chơi.

– Năm học 2012 – 2013 tôi đã phân biệt được 3 nhóm cá biệt như sau:

  Stt    Họ tên học sinh          Thuộc nhóm cá biệt
01 Phan Văn Hải  – Nhóm 1: Cá biệt là do vi phạm nội qui của nhà trường, của lớp, mất trật tự trong giờ học, lười học bài, đi học muộn, phá phách tài sản của nhà trường…
02 Đỗ Hồ Bảo – Nhóm 2: Cá biệt là do vi phạm những chuẩn mực đạo đức, hỗn láo với thầy cô, cha mẹ, hay nói tục chửi bậy.
03 Lê Phước Thịnh – Nhóm 3: Cá biệt là do đánh bạn, hay lấy đồ dùng của bạn.

 Sau đó tôi đã phân em Thịnh thuộc nhóm học sinh cá biệt thứ 3: đánh bạn, hay lấy đồ dùng của bạn. Giờ ra chơi hôm đó tôi đã gọi Thịnh và hỏi: Tại sao em lại đánh bạn? Thịnh trả lời: Thưa cô vì bạn không cho em mượn bút. Sau đó tôi đã đi mua 1 cái bút chì để tặng em đồng thời tôi phân tích, giảng giải để em hiểu những sai trái và hậu quả về việc làm mà em đã gây ra cho bạn, Thịnh đã nghe lời cô và lại xin lỗi bạn.

b.2. Giải pháp thứ hai:  Giáo viên chủ nhiệm phải quan tâm, gần gũi, tạo niềm tin, tin tưởng và giao việc phù hợp với khả năng của học sinh cá biệt.

       Những năm dạy học gần đây, bản thân tôi được Ban giám hiệu nhà trường phân công chủ nhiệm các lớp ở cuối khối 1, như lớp 1A4, 1A6…nên số học sinh cá biệt nhiều hơn so với các lớp ở đầu khối. Vì vậy vào đầu năm học, tôi thường xuyên đi sớm để theo dõi, phát hiện ra học sinh cá biệt. Từ đó hỏi han, chuyện trò với các em, có thể nhờ các em sắp xếp lại góc học tập, kê lại bàn ghế ngay ngắn, dọn dẹp gọn gàng tủ đồ dùng học tập của lớp, vừa làm, vừa nói chuyện thân mật để tạo sự gần gũi, thân thiện giữa cô với trò. Nhờ biện pháp này nên năm học 2012- 2013 các em học sinh cá biệt như: Thân Thế Chung, Dương Đức Hoàng, Nguyễn Chí Bảo đã có tiến bộ rõ rệt về mọi mặt.  Năm học 2012- 2013, bản thân tôi đã trực tiếp đến gia đình và nói chuyện với bố mẹ em Tạ Quang Thành để bố mẹ của em biết được những khuyết điểm ở trên lớp, từ đó hai bên cùng có hướng giáo dục. Em thường vi phạm nội qui của nhà trường, của lớp, mất trật tự trong giờ học, lười học bài, đi học muộn, phá phách tài sản của Nhà trường. Dựa vào tính cách cá biệt đó tôi đã gặp riêng Thành trong giờ ra chơi và phân tích cho em hiểu là con không nên làm mất trật tự trong giờ học, nếu mất trật tự như vậy thì con sẽ không nghe được cô giảng bài và không hiểu được bài, đồng thời các bạn ngồi gần con cũng không nghe được cô giảng bài, như vậy rất có hại, đúng không nào? Cứ dần dần như vậy đến khoảng hai tuần sau thì em đã chú ý nghe giảng và đỡ mất trật tự hơn. Còn việc lười học, đi học muộn, phá phách tài sản của lớp, của nhà trường thì sau mỗi một hậu quả mà em gây ra, tôi lại nhẹ nhàng khuyên bảo, phân tích tác hại của việc làm đó. Đồng thời, giờ ra chơi tôi giao cho em trông coi tài sản trong lớp, không cho bạn nào phá mọi đồ dùng của cô, của các bạn, ngoài ra tôi còn giao cho em một số việc khác như đại diện cho lớp lên nhận cờ đầu tuần vào sáng thứ hai, từ đó em cảm thấy rất vinh dự, vui sướng và những vi phạm của em được giảm đi rõ rệt.

        Với em Đỗ Hồ Bảo: em thường vi phạm những chuẩn mực đạo đức, hỗn láo với thầy cô, cha mẹ, hay nói tục chửi bậy thì giờ ra chơi, tôi đã gọi riêng em lại để trò chuyện, phân tích những câu nói tục như vậy là không hay, không tốt và hãy thay vào đó là những câu nói đẹp, có lịch sự, người khác nghe cảm thấy yêu quý mình hơn. Sau đó tôi giao cho em việc: từ nay bạn nào mà nói tục, chửi bậy thì con mách cho cô nhé. Hôm sau em đã mách với tôi là: có bạn Phạm Tiến Tường nói tục, tôi hỏi: như vậy có tốt không, em có nói tục như bạn nữa không? Em trả lời là không ạ.Từ đó em bớt nói tục, chửi bậy hơn.

          Còn với em Lê Phước Thịnh vi phạm đạo đức hay đánh bạn, trộm cắp thì tôi cũng đã gặp riêng em và phân tích, việc làm đó rất xấu, không phù hợp với học sinh, tôi hỏi em: con đã bị bạn nào đập và lấy trộm đồ của mình bao giờ chưa? Nếu bị như vậy con có tức không? Thịnh trả lời là con rất tức.Từ đó trở đi Thịnh giảm hẳn việc đập bạn và lấy trộm đồ dùng của bạn. Sau đó tôi đã giao cho em việc trông coi đồ dùng cho bạn, nếu nhặt được đồ dùng của bạn rơi hãy đem trả lại cho bạn.

         Còn đối với năm học 2013- 2014, tôi cũng đã áp dụng những giải pháp của những năm học trước nên 2 em: Phan Viết Dũng, Tạ Ngọc Thành đã có tiến bộ rõ rệt về đạo đức ở cuối học kì 1.Ở học kì 2, các em đã biết đọc, biết làm toán, và đặc biệt các em đã trở thành những  học sinh ngoan ngoãn, biết lễ phép và vâng lời thầy cô.

Sang năm học 2014- 2015, tôi được ban giám hiệu nhà trường phân công dạy khối lớp 2, khi mới được bàn giao lớp tôi thấy lớp chưa được ngoan, học tập cũng chưa được tốt. Đặc biệt tôi chú ý đến em Cao Thị Mỹ Huyền, những lúc tập thể dục hoặc chào cờ ở sân trường, em ít tập trung mà thường hay trêu trọc bạn. Khi vào lớp học thì các học sinh khác thường kêu mất bút và thưa cô là bạn Huyền lấy. Sau đó tôi đã trực tiếp gặp cô giáo chủ nhiệm lớp 1A5 của năm ngoái, và được biết em Huyền chính là học sinh cá biệt, luôn được cô chủ nhiệm quan tâm và kèm cặp sát sao. Khi đến nhà gặp gỡ phụ huynh của em thì tôi được biết, bố em thường xuyên đi làm rẫy ở xa, còn mẹ bán hàng ngoài chợ, mọi việc chăm sóc em đều do bà ngoại, việc mua sắm đồ dùng học tập của em bà ít quan tâm, dẫn đến em thường xuyên lấy trộm đồ dùng của các bạn. Qua trao đổi, góp ý với phụ huynh, mẹ em Huyền đã đưa em về chăm sóc và thường xuyên mua đồ dùng học tập cho em hơn, vì vậy em đã giảm hẳn việc lấy trộm đồ dùng của bạn. Còn những lúc ra chơi, tôi đã ngồi trong lớp để theo dõi em Huyền, quả nhiên thấy em giật dây nhảy của bạn rồi đánh bạn, lúc đó tôi đã đi lại chỗ em và nhẹ nhàng giải quyết sự việc, em đã hiểu ra hành động sai trái của mình và xin lỗi bạn, cứ nhiều lần như thế, đến nay em đã ngoan hẳn, biết cùng cô và các bạn lao động vệ sinh trường lớp sạch sẽ, biết nhặt của rơi trả cho bạn bị mất. Cuối kì 1 vừa qua, mặc dù em chưa học tốt nhưng tôi vẫn đề nghị cả lớp bình xét cho Huyền được giấy khen để động viên sự tiến bộ của em. Phụ huynh em rất vui mừng và đồng tình với cách giáo dục của tôi.

 b.3. Giải pháp thứ ba: Giáo viên chủ nhiệm luôn là tấm gương sáng về đạo đức và lối sống cho học sinh noi theo.

 Trước học sinh, tôi luôn có thái độ nhẹ nhàng, cư xử đúng mực. Đặc biệt là đối với các em học sinh cá biệt, tôi đã dùng lời nói, hành động tốt của mình đối với những người xung quanh, với bạn bè đồng nghiệp để cho các em  noi theo.

   Tôi đã mua những đồ dùng học tập để tặng học sinh khi các em học tập có tiến bộ. Hoặc trong giờ học có một số em bị đau, tôi đã chở em ra trạm y tế để khám, rồi gọi điện cho phụ huynh. Những việc làm tuy nhỏ bé ấy đã làm cho học sinh tin tưởng, yêu thương cô giáo mình hơn             

      Hằng năm có các đoàn khuyết tật về trường để giao lưu, hoặc các phong trào ủng hộ học sinh nghèo trong trường, tôi luôn là người đi đầu về quyên góp, động viên tinh thần cũng như vật chất, đồng thời tuyên truyền cho các em hiểu được những hoàn cảnh khó khăn để các em ủng hộ và động viên họ kịp thời.

b.4. Giải pháp thứ tư: Giáo viên chủ nhiệm phải biết kết hợp với gia đình cha mẹ học sinh cá biệt.

Đối với học sinh cá biệt trong các năm, tôi thường đến từng gia đình động viên, chia sẻ với từng hoàn cảnh khác nhau, từ đó có điều kiện hiểu rõ hơn về mọi nguyên nhân tại sao các em lại mắc lỗi như vậy và tôi đã tìm ra hướng khắc phục cho những nguyên nhân đó.                                                                                                                                                                                                                     

     Ví dụ: Khi tôi đến thôn Tân Hợp để tìm hiểu gia đình em Lê Phước Thịnh (năm học 2012- 2013) thì được biết, gia đình em làm rẫy ở rất xa so với trường học nên bố mẹ em đã phải gửi em cho ông bà nội nuôi ăn học, hoàn cảnh của ông bà nội lại rất nghèo nên mọi việc ăn uống, sinh hoạt đều thiếu thốn, thèm khát dẫn đến em hay trộm, cắp tiền của bạn để mua đồ ăn, sau đó còn đánh bạn khi bạn phát hiện ra sự việc. Trước tình hình đó, tôi đã gọi điện cho bố mẹ em ở rẫy về, cùng bàn bạc với ông bà nội để đưa ra cách giáo dục giúp em bỏ được thói hư tật xấu, bằng cách: bố mẹ Thịnh hãy dành nhiều thời gian cho con mình hơn, thường xuyên đưa con đi ăn, uống những gì mà em muốn…Đồng thời ở trên lớp, tôi thường xuyên thưởng cho em: bút chì, thước kẻ, vở để em khỏi lấy đồ dùng của bạn. bố mẹ em rất ủng hộ cách giáo dục này, cũng từ đó em Thịnh đã dần bớt được tính hay trộm cắp và đánh bạn.

 Với em Dương Đức Hoàng ( năm học 2011- 2012), tôi đã đến thôn Tân Nam để thăm hỏi gia đình thì được mẹ em cho biết: bố em thường xuyên say rượu, hay nói tục, chửi bậy, thường đuổi mẹ con em ra ngoài đường. Nghe vậy tôi thật xót xa và hiểu được nguyên nhân vì sao em lại hay nói tục chửi bậy, hỗn láo với thầy cô, bố mẹ. Sau đó tôi đã trao đổi thẳng thắn với bố mẹ của em , hãy khắc phục những nhược điểm trong gia đình mình, đồng thời răn đe, uốn nắn lời nói, cách ứng xử của em Hoàng đối với bố mẹ, anh em trong gia đình. Mặt khác, tôi chở em về gia đình của tôi chơi để khuyên giải cho em hiểu những điều hay lẽ phải…Những lần tiếp theo tôi lại chở em đến những gia đình học sinh cùng lớp có nề nếp tốt, sống hạnh phúc để em tiếp xúc, hiểu được cách ứng xử của các thành viên trong gia đình bạn mình. Từ đó thói hư, tật xấu của Hoàng được đẩy lùi rõ rệt.

 Còn đối với em Tạ Ngọc Thành ( năm học 2013- 2014 )  tôi đã đến gia đình em ở thôn Tân Quảng thì được biết bố mẹ em buôn bán ở xa, thường xuyên vắng nhà, việc nhà đều giao cho 3 anh em nhỏ tự quản nhau, vì vậy không có bàn tay chăm sóc, dạy dỗ của bố mẹ  nên em thường xuyên vi phạm nội qui của lớp, của trường, hay mất trật tự trong giờ học, lười học bài, hay đi học muộn, phá phách tài sản của lớp, của nhà trường. Tôi đã gặp bố mẹ của em để nêu nhưng thói hư tật xấu đó, yêu cầu mẹ Thành ở nhà chăm sóc con một thời gian và kết hợp với giáo viên chủ nhiệm theo dõi, giáo dục em loại bỏ dần những thói hư tât xấu nói trên. Sau một thời gian, em đã đi học đúng giờ, em đã chăm học, chăm viết bài và đã ít phá tài sản của lớp, của trường hơn…

  Cuộc họp phụ huynh đầu năm, tôi đã trao đổi các biện pháp giáo dục về đạo đức cũng như phương pháp giáo dục về kiến thức văn hóa để phụ huynh cùng thống nhất với giáo viên chủ nhệm, tránh tình trạng: cô dạy một đằng, bố mẹ dạy một nẻo. Sau đó các cuộc họp phụ huynh tiếp theo, tôi thông báo kết quả rèn luyện về đạo đức cũng như về học tập của từng em, nêu ra cái gì các em đã làm được, cái gì  chưa làm được để cho phụ huynh biết, từ đó cùng nhau đưa ra phương hướng giáo dục cho thời gian sắp tới.

b.5. Giải pháp thứ năm: Giáo dục học sinh cá biệt, giáo viên chủ nhiệm phải phối hợp với giáo viên bộ môn để cùng giáo dục .

Giáo viên chủ nhiệm thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, thông báo với giáo viên bộ môn về tính cách, hoàn cảnh của từng em học sinh cá biệt, từ đó hai bên cùng thống nhất phương pháp giáo dục cho phù hợp với từng em. Ví dụ đến tiết Âm nhạc của cô giáo Nguyễn Thị Thúy, tôi đã nhờ cô theo dõi 2 em: Phan Viết Dũng, Nguyễn Minh Trí xem có biểu hiện gì không, nếu có thì giáo viên nên nhắc nhở, động viên các em. Tương tự với những giáo viên bộ môn khác, tôi cũng bàn bạc, thống nhất việc giao bài tập dễ cho các em cá biệt, sau đó tuyên dương, khen ngợi khi các em hoàn thành tốt bài tập.

Trong những cuộc họp tổ khối hàng tháng, ngoài việc chuyên môn tôi đã đề nghị với khối trưởng và các thành viên trong khối 1: thống kê những học sinh cá biệt của lớp mình sau đó tìm hiểu xem  các em này có rủ rê, lôi kéo nhau không. Từ đó giáo viên trong khối có biện pháp giáo dục chung và riêng cho từng lớp, nhằm giúp các em cá biệt trong khối 1, khối 2 cùng nhau tiến bộ.

 b.6. Giải pháp thứ sáu: Giáo viên chủ nhiệm phải quan tâm đến nhóm bạn mà học sinh thường tiếp xúc để có sự điều chỉnh học sinh cho phù hợp                                                                         

Ngoài giờ học trên lớp, giáo viên còn phải tìm hiểu, quan sát xem học sinh cá biệt hay chơi với nhóm bạn nào ở trong lớp, ngoài lớp hoặc ở nhà. Từ đó thường xuyên gặp gỡ, trò chuyện với các em để biết được học sinh cá biệt của mình đã tâm sự gì với bạn, nhờ đó mà giáo viên có hướng giáo dục mới theo suy nghĩ của các em. Đồng thời nhắc nhở nhóm bạn đó hãy bảo ban nhau học tập tốt, nghe lời thầy cô giáo và bố mẹ, chơi những trò chơi có ích…

Qua tìm hiểu, tôi đã phát hiện ra em Lê Phước Thịnh hay chơi thân với em Phạm Văn Tuyên ở lớp 1A5, em này cũng hay đánh nhau, trộm cắp của bạn. Từ đó tôi đã gặp riêng em Tuyên và cô giáo chủ nhiệm của em để có biện pháp giáo dục. Dần dần hai em đã hiểu ra việc làm sai trái của mình và đã có tiến bộ hơn. Như vậy, khi thực hiện giải pháp này giáo viên chủ nhiệm cần nhẹ nhàng, dùng lời nói thuyết phục với nhóm bạn của học sinh cá biệt, sau đó cùng với giáo viên chủ nhiệm của nhóm bạn đó kết hợp giáo dục chung để các em noi gương nhau cùng tiến bộ.

 b.7. Giải pháp thứ bảy: Giáo viên chủ nhiệm phải kết hợp với thầy Tổng phụ trách đội, đội cờ đỏ, Ban chấp hành hội và  Ban Giám Hiệu nhà giáo dục học sinh cá biệt.

  • Giáo viên chủ nhiệm phải biết kết hợp nhịp nhàng với ban chỉ huy liên đội để mỗi sáng thứ hai đầu tuần khi chào cờ thì nhắc nhở hoặc tuyên dương học sinh cá biệt có tiến bộ. Cờ đỏ khi đi chấm điểm thi đua thì luôn theo dõi, nhắc nhở để các bạn tiến bộ.
  • Giáo viên chủ nhiệm kết hợp với hội cha mẹ học sinh, ban giám hiệu nhà trường để họ thường xuyên quan tâm đến những giáo viên có học sinh cá biệt cũng như quan tâm đến học sinh cá biệt trong trường.
  • Sau khi dùng các phương pháp giáo dục học sinh cá biệt bước đầu có thành công, mang lại một số hiệu quả vào tuần thứ 15 của năm học 2012- 2013 tôi đã nhờ thầy tổng phụ trách đội tuyên dương tên các học sinh cá biệt có tiến bộ , trong giờ chào cờ đầu tuần để học sinh cả trường học tập và noi theo. Từ đó, tôi thấy các em rất phấn khởi, tự hào, gần gũi với bạn bè và cô giáo hơn. Đặc biệt có một hôm em Lê Phước Thịnh đã nhặt được chiếc ví, trong đó có 300.000đồng, sau đó em đã đưa cho tôi nhờ thầy tổng phụ trách đội thông báo trên loa nhà trường để trả lại cho người bị mất. Cũng từ đó bạn bè, cô giáo tin tưởng và yêu quý Thịnh hơn.

b.8 Giải pháp thứ tám:Tuyên dương, khen thưởng kịp thời những học sinh cá biệt có tiến bộ.

 Với sự nỗ lực, cố gắng, nhiệt tình và tâm huyết của giáo viên chủ nhiệm cũng như sự kết hợp của các ban ngành nói trên, trong nhiều năm qua tôi đã áp dụng các phương pháp giáo dục đạo đức cho học sinh cá biệt và đã mang lại những thành công đáng kể. Vì thế  học sinh cá biệt có tiến bộ rõ rệt tôi đã tổ chức một buổi để tuyên dương, khen thưởng học sinh đó kịp thời. Việc làm này vô cùng quan trọng và có ý nghĩa vì nếu các em đã tiến bộ, đã làm tốt những việc mà giáo viên giao thì phải động viên khen ngợi kịp thời. Như vậy các em sẽ không tự ti, mà rất phấn khởi, từ đó các em sẽ có động lực phấn đấu tốt hơn. Buổi tuyên dương diễn ra long trọng, ấm cúng, thân mật, có đầy đủ các thành viên trong lớp rồi tuyên bố lý do, phát món quà nhỏ cho các em cá biệt.

  Sau buổi sinh hoạt lớp vào chiều thứ sáu, tôi đã gọi các em lên bảng và trao cho mỗi em 1 quyển vở, 1cây bút. Tôi đã nhìn thấy các em nhận phần thưởng với khuôn mặt rạng rỡ đáng yêu, một nụ cười thật tươi tắn, tự hào. Cũng từ đó tôi thấy các em tiến bộ ngày càng nhiều hơn, các em quấn quýt với cô giáo, với bạn bè như người thân trong gia đình, tôi rất  vui về những điều mà mình đã làm để giúp cho các em mau  tiến bộ.

   III.1. Kết luận:

        Để giáo dục đạo đức cho học sinh cá biệt đạt hiệu quả cao. Tôi đã nghiên cứu và tìm ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh cá biệt, đó là:

– Giáo viên chủ nhiệm phải phân loại được từng nhóm học sinh cá biệt:

– Giáo viên chủ nhiệm phải quan tâm, gần gũi, tạo niềm tin, tin tưởng và giao việc phù hợp với khá năng của học sinh cá biệt.

– Giáo viên chủ nhiệm luôn là tấm gương sáng về đạo đức và lối sống cho học sinh noi theo.

– Giáo viên chủ nhiệm phải biết kết hợp với gia đình cha mẹ học sinh cá biệt. Giáo dục học sinh cá biệt, giáo viên chủ nhiệm phải phối hợp với giáo viên bộ môn để giáo dục học sinh cá biệt.

– Giáo viên chủ nhiệm phải quan tâm đến nhóm bạn mà học sinh thường tiếp xúc để có sự điều chỉnh học sinh cho phù hợp.

– Giáo viên chủ nhiệm phải kết hợp với thầy Tổng phụ trách đội, đội cờ đỏ, Ban chấp hành hội và  Ban Giám Hiệu nhà trường để giáo dục học sinh cá biệt.

– Tuyên dương, khen thưởng kịp thời những học sinh cá biệt có tiến bộ.

   Trên đây là những giải pháp giáo dục đạo đức học cho sinh cá biệt mà tôi đã áp dụng cho 4 năm học. Trải qua nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy và đạt được thành công lớn. Như vậy để giáo dục một học sinh cá biệt đã khó, phải giáo dục 3 em hoặc nhiều em  trong một lớp lại càng khó khăn hơn, vì vậy đòi hỏi người giáo viên chủ nhiệm phải có tính kiên trì, lòng nhiệt tình, thực sự yêu thương học sinh, coi mỗi học sinh như chính con của mình, hiểu được hoàn cảnh của từng em để đưa ra những biện pháp giáo dục khác nhau.

 Ở lứa tuổi tiểu học, học sinh đang còn nhỏ, tính cách mới bắt đầu hình thành nhất là học sinh lớp 1và lớp 2 nên việc giáo dục, uốn nắn cũng dễ dàng hơn, đúng như câu ca dao:

Uốn cây uốn thuở còn non

Dạy con dạy thuở con còn thơ ngây.”

   Nếu giáo dục các em có đức tính tốt ngay từ khi còn nhỏ thì lớn lên đức tính tốt ấy sẽ được phát huy, những suy nghĩ, những hành động của các em sẽ theo chiều hướng tích cực hơn,  giáo viên chủ nhiệm khi đã cảm hóa được học sinh cá biệt thành học sinh ngoan rồi thì việc dạy kiến thức cho các em cũng dễ dàng hơn. Như ở phần mở đầu đã nói: “Tiên học lễ, hậu học văn” muốn giáo dục một con người, trước hết phải giáo dục về đạo đức rồi mới giáo dục văn hóa. Trong quá trình dạy học, cái “lễ” và cái “văn” nó liên quan, kết hợp chặt chẽ với nhau, là động cơ thúc đẩy học sinh mau tiến bộ. Trong mỗi bài học giáo viên cần phải liên hệ thực tế, giáo dục kĩ năng sống cho các em, đó cũng là một cách để giáo viên chủ nhiệm tu dưỡng, rèn luyện thêm đạo đức cho các em cá biệt.

   Với học sinh  cá biệt thì sự gần gũi, cởi mở, chân thành, tự nhiên của giáo viên chủ nhiệm đối với học sinh vẫn là giải pháp mang lại hiệu quả giáo dục cao nhất. Tôi tin rằng, tất cả các giáo viên chủ nhiệm và mọi người xung quanh đều quan tâm giáo dục các em trở thành người tốt thì: Trẻ em hôm nay chắc chắn sẽ làm cho thế giới ngày mai tươi sáng.

Bấm vào đây để tải về

 

 

 

 

Copyright 2019 © Kinh nghiệm dạy học | Thiết kế bởi Web Bách Thắng