Một số trò chơi nhằm nâng cao chất lượng trong việc tổ chức hoạt động ngoài trời cho trẻ mầm non

Một số trò chơi nhằm nâng cao chất lượng trong việc tổ chức hoạt động ngoài trời cho trẻ mầm non

1. Lí do chọn đề tài:

Thông qua những buổi đi thực tế, thăm quan những trường học trên thành phố và thực tế đã thực hiện tại trường tôi nhận thấy rõ ý nghĩa của hoạt động vui chơi đối với trẻ đặc biệt là hoạt đông vui chơi ngoài trời. Vui chơi đặc biệt là được tham gia vào các trò chơi ngoài trời sẽ giúp trẻ hình thành và phát triển những tri thức sơ đẳng về sự vật, hiện tượng nhằm thỏa mãn nhu cầu nhận thức và mở rộng hiểu biết cho trẻ về thế giới khách quan, phát triển các quá trình tâm lí nhận thức, các năng lực hoạt động trí tuệ và phát triển ngôn ngữ. Dựa trên đặc điểm tâm sinh lí của trẻ mầm non nói chung và trẻ mẫu giáo nhỡ nói riêng thì việc giúp cho trẻ tìm hiểu môi trường thiên nhiên được tổ chức mang tính chất khám phá trải nghiệm theo phương thức “chơi mà học, học mà chơi” là phù hợp với trẻ. Tuy nhiên thực tiễn hiện nay cho thấy đa số các giáo viên và phụ huynh đều quan tâm đến việc học của trẻ thông qua các hoạt động chung mà chưa chú tâm đến việc cho trẻ khám phá thế giới xung quanh. Chính vì lí do đó ngay từ đầu năm học tôi đã chủ động quan tâm nhiều đến việc tổ chức hoạt động ngoài trời cho trẻ. Qua quan sát thực tế khi tôi tổ chức cho trẻ vui chơi ngoài trời tôi cảm thấy trẻ rất hứng thú khi được tham gia vào những trò chơi dân gian, trò chơi vận động và đặt biệt trẻ rất thích thú khi được khám phá trực tiếp về thế giới xung quanh mình. Chính vì vậy tôi đã có lưu lại những hình ảnh minh chứng khi thực hiện tổ chức các hoạt động cho trẻ vui chơi ngoài trời. Sáng kiến kinh nghiệm tôi viết lần này là “ Một số trò chơi nhằm nâng cao chất lượng trong việc tổ chức hoạt động ngoài trời cho trẻ mầm non”  

b. Nội dung và cách thức thực hiện giải pháp-biện pháp:

*Giải pháp-Biện pháp 1:

 Khi ra ngoài trời giáo viên cần tạo điều kiện cho trẻ quan sát thực tế và tận dụng mọi lúc mọi nơi

Khi  ra ngoài trời trẻ được quan sát, khám phá về thế giới xung quanh với những điều thú vị, mới mẻ: Để cho trẻ có sự ham thích khám phá tự nhiên ta cần cho trẻ quan sát các hiện tượng sự vật xung quanh mình.

Thông qua các hình ảnh có sẵn trên tường cô có thể cho trẻ quan sát và đàm thoại cùng trẻ qua đó lồng ghép giáo dục cho trẻ như hình ảnh về tháp dinh dưỡng, thông qua hình ảnh giáo dục trẻ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng để cơ thể khỏe mạnh. Hoặc hình ảnh về thực vật, động vật vẽ trên đường luồng cô có thể cho trẻ quan sát tùy theo từng chủ đề, chủ điểm và lồng ghép giáo dục cho phù hợp với từng thời điểm nhất định.

         Khi cùng trẻ dạo chơi ngoài sân trường cô có thể dắt trẻ tham quan khu vực cổng trường, qua đó giới thiệu cho trẻ biết tên trường, và giới thiệu vế các khu vực trong trường. Ngoài ra cổng trường còn được trang trí bởi những hình ảnh hoạt hình hướng về các câu truyện trong chủ điểm, cô có thể dựa vào những hình ảnh sinh động đó để kể cho trẻ nghe câu chuyện có liên quan như: nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn, cô bé quàng khăn đỏ…

         Trẻ ra sân cô giới thiệu cho trẻ về hình ảnh Bác Hồ, qua đó cô giáo dục trẻ biết yêu quý Bác Hồ và biết yêu quê hương, đất nước.

       Lúc dạo chơi, tham quan cô cho trẻ đến gần khu vực công trình vệ sinh để quan sát, giới thiệu với trẻ qua đó cô giáo dục trẻ biết giữ gìn vệ sinh thân thể, giữ gìn vệ sinh môi trường và biết đi vệ sinh đúng nơi quy định.

        Trẻ xuống sân trường thấy nhiều lá vàng thì cô cho trẻ thi nhau nhặt lá vàng và cùng trò chuyện với trẻ về lá và cây:

– Đố con đó là lá của cây gì? Tại sao con biết ?

– Tại sao lá rụng ? Quan sát trên cây lúc này như thế nào ?

– Cây cần gì để sống ?  Người ta trồng cây để là gì ?

– Cây giúp ích gì cho chúng ta?

– Theo con mình bảo vệ cây bằng cách nào ?

– Lá có thể xếp thành những hình gì?

     Hoạt dộng quan sát là một hình thức cho trẻ làm quen với những kiến thức tự nhiên, xã hội xung quanh trẻ, kích thích óc tìm tòi khám phá của trẻ. Nội dung quan sát thường dựa vào khả năng của từng trẻ để có thể nâng cao hay hạ thấp yêu cầu tùy từng trường hợp quan sát. Để cho trẻ quan sát được tốt hơn, cô nên hướng trẻ cùng chuẩn bị trước khi quan sát với cô, chẳng hạn với chủ điểm thế giới thực vật thì yêu cầu trẻ thực hiện ở nhà như tìm hiều về 1 số loại hoa và mang hoa vào trong lớp cho cả lớp cùng xem, hay vận động sự hỗ trợ của phụ huynh trò chuyện cùng trẻ hay dẫn cho trẻ tham quan khuôn viên trường, ngoài ra cô cần có câu hỏi gợi ý nhằm phát triển tư duy của trẻ… Với cách này tôi nhận thấy trẻ hoạt động rất tích cực và không những thế cũng đã nhận được sự tham gia rất nhiệt tình của phụ huynh học sinh.

Trong  trường không có vườn hoa cô nên tận dụng những loài hoa dại ngoài bờ rào để cùng trẻ khám phá, kết hợp tham quan.

Thông qua khám phá về hoa có thể cho trẻ đếm cánh hoa

Đàm thoại với trẻ về đặc điểm, cấu tạo, hình dáng, màu sắc của hoa

Cho trẻ biết tác dụng của hoa

Cho trẻ ngửi mùi hoa

Cô có thể cùng trẻ tham quan, quan sát cây cối trong sân trường vá các loại cây ở bờ rào và cùng trò chuyện với trẻ về các loại cây để tăng thêm khả năng hiểu biết, trí tò mò của trẻ.

Đồng thời với phương pháp mới luôn lấy trẻ làm trung tâm trong quá trình quan sát, chính vì thế cô cần có những kiến thức rộng về thế giới xung quanh để cung cấp cho trẻ.

Khích lệ trẻ khám phá, hướng sự quan tâm chú ý của trẻ tới đối tượng quan sát, tạo thói quen tìm hiểu thế giới xung quanh ở trẻ bằng cách tạo ra những tình huống bất ngờ mang tính ngẫu nhiên để lôi cuốn trẻ vào hoạt động khám phá. Hay để cho trẻ có thời gian, không gian và tự do để khám phá. Giáo viên cần tạo cơ hội tiếp xúc, tìm hiểu, khám phá , thể hiện cảm xúc của mình.

Tuy nhiên chúng ta không nên kéo dài thời gian quan sát bởi vì sẽ có thể làm phản tác dụng giáo dục trẻ. Trẻ cần được hoạt động và kết thúc trong tâm trạng tích cực…

Đối tượng và yêu cầu quan sát phải phù hợp và kích thích được tư duy của trẻ.

Có thể gợi hứng thú cho trẻ quan sát bằng cách cho trẻ chơi những trò chơi nhẹ như: Trẻ lắng nghe tiếng động, tiếng kêu ở đâu, nghe tiếng gió thổi, lá rụng, chim hót, ngửi mùi hoa, mùi cỏ, mùi của lá cây, cảm nhận ánh nắng mặt trời, qua trò chơi ai tinh mắt, đoán cây qua lá, đoán vật bằng tay, ai thính tai, đoán xem tiếng động gì…

*Giải pháp-Biện pháp 2:

Tận dụng môi trường ngoài trời, khai thác triệt để lợi thế sân vườn để tổ chức các hoạt động giáo dục phù hợp

Đối với việc tổ chức hoạt động ngoài trời cho trẻ thì sân vườn là nơi lý tưởng để tổ chức cho trẻ khám phá môi trường xung quanh đặt biệt là chủ đề thế giới động vật, thế giới thực vật, hiện tượng thiên nhiên…

Ví dụ: Ta có thể cho trẻ ra ngoài trời đi dạo xung quanh sân trường hít thở không khí trong lành. Rồi cho trẻ đi ra tham quan vườn rau. Thông qua đó cô đàm thoại với trẻ về tên gọi, đặc điểm, mầu sắc, tác dụng của những loại rau mà trẻ quan sát được. Đồng thời mở rộng cho trẻ biết các loại rau có trong vườn và kết hợp giáo dục trẻ.

                               Khi học môn làm quen với toán. Để so sánh phân biệt to nhỏ, cao thấp, màu sắc, đếm … chúng ta cũng có thể sử dụng đồ dùng dạy học từ thiên nhiên và tổ chức dạy trẻ ở ngoài trời

    Trong các hoạt động tạo hình chúng ta vẫn có thể tận dụng các nguyên vật liệu từ thiên nhiên nhiên như dùng lá cây để xé dán, làm giàu vốn biểu tượng về thế giới xung quanh, tích lũy kinh nghiệm và hình thành các tiền đề để trẻ thực hiện hoạt động tạo hình sáng tạo

* Giải pháp-Biện pháp 3

Khi ra ngoài trời trẻ cần được chơi những trò chơi mới lạ đầy sáng tạo và hấp dẫn

     Cô giáo cần phải tìm tòi, sưu tầm, sáng tạo nhiều trò chơi mới lạ và hấp dẫn với trẻ. Thực trạng trường tôi là một trường có diện tích sân rộng, học sinh đông nên việc tổ chức cho các cháu vui chơi hoạt động ngoài trời của từng nhóm lớp để thuận tiện việc tổ chức hoạt động ngoài trời cho trẻ. Cô nên tách nhóm cho cháu hoạt động và chủ động tìm tòi những nội dung hoạt động ngoài trời , những trò chơi vận động, trò chơi dân gian gắn với chủ điểm và gắn với những mốc thời gian phù hợp .

* Các trò chơi vận dộng được lựa chọn cho trẻ chơi là những trò chơi mới lạ và phù hợp với trẻ. Ví dụ cũng là trò chơi cướp cờ nhưng ở chủ điểm thực vật chúng ta có thể đổi “ cờ” thành các loại quả bằng nhựa để thi xem đội nào nhanh hơn…..

* Chúng ta nên sưu tầm nhiều bài hát, bài đồng dao và những trò chơi dân gian để khi ra ngoài trời trẻ được chơi, được trải nghiệm và tham gia những trò chơi quay về với nguồn cội của mình như đồng dao: “ Dung dăng dung dẻ”, “đi cầu đi quán”, “Chi chi chành chành”, “thả đỉa ba ba”, “lộn cầu vồng”…

       Qua những câu hò vè giúp cho trẻ kích thích  hứng thú khi hoạt động vừa hát vừa vui vẻ nhặt lá vàng rơi hay thích thú khi vẽ những lá vàng mà trẻ đã nhặt được trong sân trường. Đồng thời còn giúp cho trẻ phát triển ngôn ngữ về các từ khó như chữ “ v, r “ rèn luyện cho trẻ phát âm chuẩn hơn và nhận thức phải giữ gìn bảo vệ môi trường sạch ở mọi nơi và phát triển tính sáng tạo, thẩm mỹ cho trẻ.

Những trò chơi dân gian như “rồng rắn lên mây” ,  “mèo bắt chuột”, “ rồng rắn lên mây”, “thả đỉa ba ba” …                                             

     Một số trò chơi dân gian và một số trò chơi phổ biến được sử dụng nguyên vật liệu từ tự nhiên như : quả, hột hạt, những bông hoa khô…như trò chơi: “ ô ăn quan”, “cắp cua”, “xếp hình từ quả, hột hạt” … sẽ giúp trẻ vừa lĩnh hội được kiến thức, vừa hào hứng khi tham gia các trò chơi. Thông qua đó giúp trẻ hoà nhập hơn với bạn khi chơi. Đồng thời trẻ có thể hướng dẫn cho nhau cách chơi các trò chơi.

Ngoài ra vào các dịp lễ hội như tết nguyên đán, giỗ tổ hùng Vương chúng ta có thể tích hợp chủ đề khi cho trẻ hoạt động ngoài trời như thi kéo co giữa các tổ với nhau, thi ném còn, “bịt mắt bắt dê”. Được tham gia các trò chơi với tính cách thi đua sẽ làm cho trẻ hăng say hơn, nhanh nhẹn và tự tin hơn

Tổ chức cho cháu chơi một số trò chơi sinh hoạt tập thể đơn giản, trò chơi sinh hoạt cộng đồng cũng rất thu hút trẻ như : dích dắc, trò chơi đoàn kết, trời nắng trời mưa, về đúng nhà, bắn súng, đổi chỗ cho bạn, bẫy cá, cá sấu lên bờ… hoặc cũng có thể hát cho cháu hát theo một số bài hát sinh hoạt tập thể đơn giản như: Quả, qủa bóng tròn, ra đây xem…

* Giải pháp-Biện pháp 4:

Ra ngoài trời trẻ phải được chơi tự do với cát, nước, lá cây và những dồ chơi có sẵn trong trường

Trẻ chơi với cát, nước, sỏi, phấn vẽ, đất đá để biết được tính chất của chúng. Chơi với lá cây như xếp lá thành những hình dạng khác nhau theo trí tưởng tựơng của trẻ như hình bông hoa, căn nhà, con bướm, đám mây, ông mặt trời….Phấn vẽ cũng có thể dùng cho trẻ hoạt động ngoài trời cũng là một hình thức ôn luyện kỹ năng vận động,tạo hình cho trẻ     

Ngoài ra cô còn có thể cho trẻ tự khám phá vẽ bàn tay, bàn chân của mình trên sân. Qua đó trẻ sẽ cảm thấy thích thú khi vẽ được bàn tay, bàn chân của mình đồng thời trẻ có thể đếm được bàn tay , bàn chân có bao nhiêu ngón. Thông qua đó cô kết hợp giáo dục trẻ về cơ thể của trẻ.

Bên cạnh đó khi cho trẻ ra hoạt động ngoài trời cô có thể cho trẻ chơi với nước để phát triển tư duy của trẻ ngoài ra còn thoả mãn nhu cầu vui chơi của trẻ như cho trẻ  tưới cây, chơi cát nước, chơi đong nước vào chai, thả thuyền…

Cô cho trẻ cùng cô tham gia trồng cây và chăm sóc vườn cây xung quanh khu vực trường nhằm phát triển óc tò mò ở trẻ: quan sát sự thay đổi hàng ngày của cây xanh trong trường và phân loại chúng nhóm có hoa, nhóm không có hoa, nhóm ăn quả….

Qua những trò chơi này cũng giúp trẻ mở rộng mối quan hệ với thế giới xung quanh, cách chăm sóc cây xanh và bảo vệ cây xanh, rèn cho trẻ cách giao tiếp lịch sự với mọi người.

*Chơi với các đồ chơi có sẵn trong trường

Thông qua hoạt động leo trèo trên các thiết bị dụng cụ vận động ngoài trời: cầu trượt, các vận động bò trừơn trèo tung ném chuyền bắt, leo qua các bậc tam cấp, gốc cây, nhảy lò cò rèn cho trẻ sự khéo léo nhanh nhẹn của đôi bàn tay, bàn chân, giáo dục trẻ không leo trèo những nơi nguy hiểm., Trẻ được thoải mái chơi các đồ chơi theo ý thích của mình như xích đu, đu quay,

* Ngoài ra cô cũng cần phải làm thêm một số đồ dùng đồ chơi tự tạo như máy bay bằng lá dừa, chong chóng, đồng hồ …để phong phú thêm những loại đồ dùng đồ chơi cho trẻ

III. KẾT LUẬN- KIẾN NGHỊ

1. Kết luận:

Qua thời gian theo dõi tôi nhận thấy học sinh đã có những tiến bộ rõ rệt, trẻ hứng thú hơn, vui tươi và có biểu hiện tích cực hơn. Hoạt động ngoài trời giúp đem lại cho trẻ niềm vui, hăng say đến lớp hơn, trẻ biết tự tìm tòi, khám phá thông qua các hoạt động và tư duy của trẻ cùng phát triển hơn thông qua các câu hỏi mà trẻ đặt ra.

Không chỉ như vậy mà hoạt động ngoài trời còn giúp kích thích trí tò mò, thích khám phá của trẻ thông qua đó ngôn ngữ của trẻ cùng được hình thành, củng cố và phát triển thêm. Trẻ trở nên mạnh dạn hơn, thích được lao động , làm việc, tự phục vụ bản thân và thích giúp đỡ các bạn. Thông qua các hoạt động ngoài trời trẻ được tham gia tích cực vào khám phá thế giới xung quanh đó là niềm vui của giáo viên, ban giám hiệu và cũng là niềm vui của các bậc phụ huynh.

Như vậy, qua quá trình thực hiện các phương pháp trên vào các hoạt động vui chơi và khảo sát chất lượng trên trẻ. Ta thấy rằng kết quả đạt được rất khả quan. Điều đó cho thấy rất cần sự nỗ lực, cố gắng giữa cô và trẻ. Cô càng có nhiều kinh nghiệm và tích lũy được nhiều biện pháp giáo dục trong công tác giảng dạy, biết tận dụng mọi thứ, ở mọi nơi mọi lúc để cung cấp kiến thức cho trẻ thì trẻ lĩnh hội và tiếp thu càng vững vàng.

Bấm vào đây để tải về

 

 

Copyright 2019 © Kinh nghiệm dạy học | Thiết kế bởi Web Bách Thắng