Nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục của giáo viên trong trường mẫu giáo

      1. Biện pháp quản lý việc thực hiện chương trình dạy học theo phân phối chương trình và hướng dẫn nhiệm vụ năm học:

   Chương trình mang tính pháp lệnh của nhà nước, quy định nội dung, thời gian, số tiết cho từng môn học. ( Theo phân phối chương trình). Quản lý chương trình dạy học theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo là nhiệm vụ của hiệu trưởng. Vì thế, phó hiệu trưởng là người lãnh đạo, chịu trách nhiệm về công tác chuyên môn trong nhà trường và chịu trách nhiệm trước hiệu trưởng.

* Muốn được như vậy người phụ trách chuyên môn cần:

– Hiểu nguyên tắc cấu tạo chương trình mẫu giáo của từng hoạt động giáo dục và phạm vi kiến thức chung.

– Nắm vững phương pháp và hình thức dạy học đặc trưng hoạt động từ đó có kế hoạch chuẩn bị những phương tiện tổ chức các hoạt động cho phù hợp.

– Phổ biến những thay đổi về nội dung, phương pháp giảng dạy, những sửa đổi chương trình theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và đào tạo. Nhất là năm nay đang thực hiện theo chương trình mầm non mới.

 – Chỉ đạo tổ khối chuyên môn thảo luận, bàn bạc về những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn giảng dạy ở những năm học trước và những vấn đề mới trong chương trình dạy học để thống nhất thực hiện trong cả năm học này.

– Chuyên môn phải phải nắm vững chương trình, hướng dẫn cho giáo viên có ý thức cao trong việc thực hiện chương trình, không được tuỳ tiện thay đổi, thêm bớt hoặc làm sai lệch nội dung chương trình dạy học cũng như những văn bản chỉ đạo và hướng dẫn. 

– Về nội dung và phạm vi kiến thức quy định trong chương trình phải đảm bảo trên cơ sở cấu tạo chương trình.

– Về phương pháp phải thực hiện đúng đặc trưng của từng hoạt động giáo dục ở từng lĩnh vực phát triển.

– Đảm bảo đúng và đủ theo phân phối chương trình về hoạt đông, về thời gian, về trình tự. Nghiêm cấm việc tự ý cắt xén chương trình, dồn ép cũng như tự ý kéo dài bất cứ lĩnh vực hay hoạt động giáo dục  nào.

     2. Biện pháp quản lý việc lên kế hoạch soạn giảng của từng giáo viên.

   Chương trình tiểu học mới quy định giáo viên thực hiện kế hoạch bài dạy thay cho soạn giáo án trước đây. Đó là việc chuẩn bị quan trọng nhất của giáo viên cho giờ lên lớp. Kế hoạch bài dạy là kế hoạch tổ chức, hướng dẫn học sinh hoạt động tích cực, chủ động, sáng tạo nhằm đạt được các mục tiêu dạy học một bài cụ thể của môn học với sự trợ giúp của các thiết bị dạy học, sách giáo khoa, đồ dùng dạy học … song song với việc xây dựng kế hoạch bài dạy là sự chuẩn bị đồ dùng dạy học cho từng tiết và từng môn học.

   * Để thực hiện biện pháp quản lý việc lên kế hoạch soạn giảng của từng giáo viên, phó hiệu trưởng cần tập trung vào một số công việc sau:

– Hướng dẫn giáo viên lập kế hoạch bài dạy căn cứ vào phân phối chương trình, chuẩn kiến thức kĩ năng và những yêu cầu mới mà đề ra những nội dung của bài phải soạn. Đối với giáo viên khá giỏi có kinh nghiệm giảng dạy nhiều năm thì yêu cầu bài soạn phải khác với giáo viên mới ra trường.

-Yêu cầu các tổ khối chuyên môn nghiên cứu kỹ nội dung chương trình mà mình đảm nhiệm. Trao đổi, bàn bạc để đi đến thống nhất về mục tiêu bài dạy, nội dung, phương pháp, phương tiện, hình thức tổ chức của từng tiết học.

   Cụ thể ở khâu soạn bài:

+ Soạn đầy đủ các bước, đúng quy định.

+ Thể hiện rõ nội dung bài:

+ Kiến thức trọng tâm.

+ Kiến thức mở rộng.

+ Lồng ghép giáo dục kĩ năng sống vào các hoạt động.

+ Các câu hỏi hệ thống hóa kiến thức bài dạy phải có logic, dung từ dễ hiểu phù hợp với đối tượng trẻ, đi theo nguyên tắc từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức phức tạp.

+ Phân phối thời gian hợp lý theo từng phần trong bài dạy.

– Thường xuyên cùng với  khối trưởng kiểm tra việc lập kế hoạch bài học của giáo viên cụ thể như :

+ Trực tiếp dự các buổi sinh hoạt khối chuyên môn về trao đổi bài soạn khó.

+ Kiểm tra kế hoạch bài dạy của giáo viên hàng tháng và qua các đợt giữa kỳ, cuối học kỳ, cuối năm.

+ Sau mỗi đợt kiểm tra có nhận xét diều chỉnh kịp thời, xếp loại cụ thể, chính xác, công bằng, tuyên dương hoặc phê bình công khai mang tính xây dựng.

3. Biện pháp quản lý giờ tổ chức hoạt động giáo dục và việc đổi mới phương pháp dạy học của giáo viên:

    Hoạt động dạy và học tại trường mầm no hiện nay nói chung chủ yếu bằng hình thức hoạt động trên lớp. Giờ dạy trên lớp của giáo viên giữ vai trò quyết định đến sự nhận thức của trẻ. Một trong những vấn đề mà người phụ trách chuyên môn cần quan tâm trong quá trình dự giờ lên lớp của giáo viên đó chính là việc đổi mới phương pháp giảng dạy sao cho phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của trẻ. Bởi vì chương trình mầm non mới đặt trọng tâm vào việc đổi mới phương pháp giảng dạy và coi nó như là một trong những giải pháp chủ chốt để thực hiện đổi mới phương pháp giáo dục nói riêng, đổi mới chương trình mầm non nói chung.        

 *Do đó để quản lý giờ lên lớp và đổi mới phương pháp giảng dạy của giáo viên được tốt, chuyên môn cần:

– Xây dựng tiêu chuẩn giờ lên lớp theo tiêu chuẩn đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn. Tuy nhiên phải biết vận dụng linh hoạt, sáng tạo đối với hình thức giáo dục và học tập cụ thể của nhà trường sao cho kích thích được tính tự giác và nhu cầu lĩnh hội vốn kiến thức, vốn hiểu biết, lòng say mê tìm tòi của trẻ.

– Chuyên môn cần phổ biến nội dung cơ bản của tiêu chuẩn giờ lên lớp để mỗi giáo viên đều nắm được. Đó là:

+ Giáo viên phải đảm bảo yêu cầu kiến thức cơ bản, chính xác sao cho trẻ nắm được kiến thức cơ bản nhất của mục tiêu hoạt động.

+ Phương pháp phải phù hợp, sáng tạo với nội dung bài dạy.

+ Sử dụng đồ dùng dạy học như thế nào để có hiệu quả cao nhất.

+ Phát huy tích cực, chủ động, sáng tạo, hứng thú tham gia các hoạt động của trẻ .

+ Tuỳ từng hoạt động trẻ được: Tự rút ra bài học, được trải nghiệm được hướng dẫn kĩ năng, thực hành, được liên hệ thực tế cuộc sống, được mở rộng kiến thức.

   Trong bài quá trình tổ chức đánh giá, nhận xét của giáo viên đối với trẻ cần thể hiện sự tôn trọng nhân cách của trẻ, đánh giá trẻ nhẹ nhàng, khuyến khích tư duy đối với từng trẻ.

    4. Biện pháp dự giờ – thăm lớp.

   Qua dự giờ, cần đánh giá giờ lên lớp một cách khách quan, trung thực, để từ đó có những biện pháp thích hợp, thực tế cho công tác quản lý giờ lên lớp của mình.  Biện pháp dự giờ – thăm lớp được tiến hành có kế hoạch, thường xuyên nên Ban giám hiệu nhà trường đã phát hiện ra những giáo viên có năng lực, tâm huyết với nghề, cử đi dự thi giáo viên dạy giỏi các cấp. Nhất là đội ngũ giáo viên giỏi của trường tăng đáng kể. Ngoài ra, cũng kịp thời nhắc nhở, giúp đỡ các giáo viên còn hạn chế về tay nghề vươn lên trong chuyên môn. Nhờ thực hiện các biện pháp trên mà trong  năm học vừa qua, đội ngũ giáo viên của trường về năng lực đã được nâng lên rõ rệt, đáp ứng được với việc nâng cao chất lượng dạy và học trong đơn vị. 

   Để nâng cao chất lượng giờ dạy, chuyên môn cùng Ban giám hiệu cần có kế hoạch dự giờ, thăm lớp, đột xuất hoặc báo trước. Cùng với khối trưởng chuyên môn hoặc các giáo viên trong tổ đi dự giờ. Sau khi dự giờ, phó hiệu trưởng và Ban giám hiệu phải có đánh giá nhận xét chính xác, chân tình có tính xây dựng, khuyến khích giáo viên phát triển được những mặt mạnh, những điển hình tốt, điều chỉnh những mặt còn hạn chế của giáo viên. Qua dự giờ, cần đánh giá giờ lên lớp một cách khách quan, trung thực, để từ đó có những biện pháp thích hợp, thực tế cho công tác quản lý giờ lên lớp của mình.

   Chính vì việc dự giờ được tiến hành có kế hoạch, thường xuyên nên chuyên môn và Ban giám hiệu nhà trường đã phát hiện ra những giáo viên có tâm có tài, cử đi dự thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện đều được công nhận. Đồng thời kịp thời nhắc nhở, giúp đỡ các đồng chí giáo viên còn non yếu về tay nghề vươn lên hoàn thành tốt công tác chuyên môn.

    5. Biện pháp chỉ đạo sinh hoạt tổ khối chuyên môn.

   Tổ khối chuyên môn là nơi triển khai, thực hiện mọi chủ trương về chuyên môn của cấp trên, đồng thời là đơn vị cơ sở quản lý trực tiếp hoạt động của giáo viên. Tổ chức sinh hoạt chuyên môn là một hoạt động vừa mang tính chất quản lý hành chính, vừa mang đậm tính sư phạm. Nếu khối chuyên môn hoạt động kém hiệu quả thì mọi chủ trương của nhà trường, nhất và việc thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy, chỉ dừng lại ở khâu nhận thức, không thể đi vào thực tiễn được.

  * Để tăng cường quản lý hoạt động của khối chuyên môn, trường  đã đề ra các việc sau:

– Trên cơ sở kế hoạch chung của trường, người phụ trách chuyên môn yêu cầu các khối chuyên môn cần xây dựng kế hoạch cụ thể từng học kỳ và cả năm học, có hệ thống chỉ tiêu phấn đấu rõ ràng, phân công trách nhiệm cho từng cá nhân trong tổ, được Hiệu trưởng ký duyệt. Từ các quy định về việc đổi mới phương pháp dạy học, người phó  hiệu trưởng cần cụ thể hoá thành văn bản quy định nội bộ về hoạt động của tổ chuyên môn với các nội dung:

+ Về thực hiện nề nếp, kỷ cương trong dạy học như thực hiện chương trình, lập kế hoạch giáo dục, sử dụng đồ dùng dạy học, kiểm tra trẻ hàng ngày, đánh giá kết quả học tập của trẻ theo hướng đổi mới phương pháp giảng dạy.

+ Về nề nếp sinh hoạt chuyên môn của khối, cần quy định cụ thể về số lượng các chuyên đề về đổi mới phương pháp giảng dạy sẽ thực hiện trong năm học, trong từng học kỳ, phù hợp với từng môn học.

+ Về quyền hạn và trách nhiệm của khối trưởng trong việc kiểm tra, giám sát việc thi hành các quy định đó. Tất cả những quy định cần được tổ khối chuyên môn tổ chức học tập, thảo luận và cụ thể hoá trong kế hoạch của từng giáo viên, được thông qua trước tổ và được hiệu trưởng phê duyệt.

– Để nâng cao chất lượng hoạt động các tổ khôi chuyên môn, phó  hiệu trưởng chỉ đạo yêu cầu đổi mới nội dung sinh hoạt chuyên môn, giảm nội dung mang tính hành chính, sự vụ, tăng cường nội dung sinh hoạt chuyên môn, nghiệp vụ. Tổ chức, chỉ đạo việc học tập, nghiên cứu, thảo luận các chuyên đề dạy học nhằm đổi mới phương pháp dạy học cho từng môn học một cách cụ thể  sát thực.

– Tổ chức trao đổi kinh nghiệm về sử dụng các thiết bị, đồ dùng dạy học, kinh nghiệm về việc tự sáng tạo đồ dùng dạy học bằng những nguyên vật liệu sẵn có, dễ kiếm, rẻ tiền.

– Tổ chức trao đổi về các nội dung có liên quan đến việc đổi mới phương pháp dạy học như: cách sử dụng phần mềm, cách thiết kế giáo án điện tử, cách sử dụng các thiết bị kỹ thuật hiện đại phục vụ việc dạy học… vừa tiết kiệm thời gian tự học cho các cá nhân, đồng thời góp phần làm tăng hiệu quả công tác tự bồi dưỡng.

– Để kịp thời uốn nắn những lệch lạc, chấn chỉnh sinh hoạt tổ chuyên môn, chuyên môn phải thường xuyên kiểm tra kế hoạch và nội dung sinh hoạt tổ chuyên môn; tìm hiểu nguyên nhân của việc chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa tốt, có biện pháp chỉ đạo, uốn nắn, khắc phục kịp thời. Kết quả đánh giá cần công khai, được sự đồng tình, ủng hộ của tập thể giáo viên.    

   Hoạt động của tổ chuyên môn có được triển khai đúng kế hoạch, có chất lượng hay không, phụ thuộc phần lớn vào sự nỗ lực của các thành viên, sự nhiệt tình và năng lực tổ chức, quản lý của khối trưởng. Vì vậy, để tạo động lực cho hoạt động của các tổ khối chuyên môn, chuyên cần giao quyền cho khối trưởng, hướng dẫn họ trong việc tổ chức, chỉ đạo, kiểm tra các thành viên của tổ thực hiện tốt các nhiệm vụ;  Đồng thời tham mưu với hiệu trưởng tạo điều kiện (tài chính, trang thiết bị, kỹ thuật…) để khối hoạt động.

   Xây dựng và phát huy những nhân tố tích cực để làm đầu tàu trong mọi hoạt động của khối đồng thời có kế hoạch đào tạo cán bộ kế cận, đề bạt với cấp trên để bổ nhiệm họ ở những cương vị cao hơn, khen và thưởng đích đáng những công lao mà họ đã cống hiến cho tập thể. Hàng tháng vào tuần thứ nhất và tuần thứ ba sinh hoạt tổ chuyên môn, tuần thứ tư họp hội đồng sư phạm, Ban giám hiệu phổ biến công tác của tháng vào tuần đầu. Khối trưởng lên chương trình và phân công công việc cho từng tổ viên. Ban giám hiệu kiểm tra từng đợt theo lịch chung của nhà trường.

  6. Biện Pháp chỉ đạo việc sử dụng đồ dùng dạy học góp phần quan trọng tới chất lượng giảng dạy:

   Quá trình nhận thức là từ trực quan cụ thể đến tư duy trừu tượng, nhất là đối với trẻ mầm non, yếu tố trực quan lại càng cần thiết vì trẻ được học mà chơi-chơi mà học. Chính vì vậy Ban giám hiệu rất chú ý đến việc sử dụng đồ dùng dạy học. Ban giám hiệu yêu cầu tổ chuyên môn:

– Thống nhất việc chuẩn bị đồ dùng dạy học cho các tiết của tuần tới trong điều kiện nhà trường hiện có, nếu thiếu phải bổ sung làm thêm hoặc mua phục vụ cho giảng dạy.

+ Thành lập tổ kiểm tra đồ dùng dạy học gồm: Hiệu trưởng làm Trưởng ban, phó hiệu trưởng làm Phó ban…,các Khối trưởng là uỷ viên.Với các hình thức kiểm tra: Đột xuất, báo trước. Trong đó kiểm tra đột xuất là chính.

+ Hàng năm, nhà trường bổ sung các đồ dùng còn thiếu, thanh lý đồ dùng dạy học đã cũ nát, hiệu quả kém.

+ Sau đợt thi giáo viên dạy giỏi các cấp, mỗi giáo viên nộp một đồ dùng có chất lượng vào phòng thiết bị làm đồ dùng dạy học.

+ Hằng năm trường và phòng giáo dục đều tổ chức hội thi làm đồ dùng dạy học cấp trường và cấp huyện. Đây là một dịp để giáo viên thể hiện rõ tài năng, sáng tạo của mình trong việc tạo ra các sản phẩm đồ dùng dạy học có hiệu quả trong công tác giảng dạy.

   7. Biện pháp chỉ đạo bồi dưỡng mũi nhọn.

   Muốn đẩy mạnh phong trào dạy tốt thì điều quan trọng nhất là phải xây dựng được mũi nhọn về giáo viên. Muốn có giáo viên giỏi, Ban giám hiệu cần khuyến khích động viên được giáo viên, nhất là giáo viên trẻ đăng ký giáo viên dạy giỏi các cấp và có kế hoạch bồi dưỡng để họ có hướng phấn đấu vươn lên.

   Bên cạnh đó một công việc không kém phần quan trọng để nâng cao chất lượng giảng dạy là việc Ban giám hiệu khuyến khích tạo điều kiện cho giáo viên học tập nâng cao trình độ. Mỗi đồng chí giáo viên đều coi việc học tập bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn và tay nghề là quyền lợi và trách nhiệm của mình.

    8. Xây dựng sự đoàn kết giúp đỡ nhau trong nhà trường.

   Ban giám hiệu rất coi trọng việc xây dựng một tập thể đoàn kết, nhất trí, thương yêu giúp đỡ nhau trong công tác và đời sống. Tập thể nhà trường luôn giữ được bầu không khí vui vẻ, thông cảm với nhau.

   Công đoàn là một tổ ấm gia đình, trong đó mọi thành viên đều chân tình cởi mở. Giáo viên luôn tìm thấy nguồn động viên khuyến khích của tập thể, yên tâm phấn đấu trong giảng dạy để vươn lên.

   Với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Ban giám hiệu nhà trường nên phong trào thi đua dạy tốt và học tốt của trường mẫu giáo Búp Sen Hồng diễn ra sôi nổi, năng lực chuyên môn của giáo viên được nâng lên rõ rệt và nhiều giáo viên luôn có ý thức học hỏi, giúp đỡ lẫn nhau. Điều đó đã có tác dụng rất lớn đến việc nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc trẻ trong hoạt động học.

Copyright 2019 © Kinh nghiệm dạy học | Thiết kế bởi Web Bách Thắng