Nâng cao chất lượng giờ dạy môn tin học tiểu học
I/1 Lý do chọn đề tài:
– Công nghệ thông tin và truyền thông là ngành ứng dụng công nghệ quản lý thông tin và xử lý thông tin. Tốc độ phát triển của CNTT làm cho quá trình trao đổi thông tin ngày càng trở nên nhanh chóng, thuận tiện. Bên cạnh đó công nghệ thông tin và truyền thông làm cho kho tri thức của nhân loại giàu lên nhanh chóng, giúp chúng ta tiếp cận tri thức đó nhanh hơn, dễ dàng, tiện lợi hơn. Từ đó sẽ thúc đẩy các nghành khoa học, công nghiệp, y học….. hay những lĩnh vực khác trong đời sống xã hội hiện đại phát triển mạnh mẽ.
Nhờ có công nghệ thông tin và truyền thông mà những phát minh, phát hiện mới về công nghệ sản xuất, nghiên cứu khoa học, y học….. được phổ biến và ứng dụng nhanh hơn, cũng như làm cho năng suất lao động tăng lên, do có điều kiện kế thừa và phát huy được các công nghệ sẵn có.
Có thể nói công nghệ thông tin và truyền thông đã có tác động to lớn, mạnh mẽ đến sự phát triển của xã hội loài người, và không ngoại lệ, nó cũng tác động mạnh mẽ trực tiếp đến nền giáo dục và đào tạo.
Nhận biết được vị trí, vai trò vô cùng quan trọng của công nghệ thông tin và truyền thông trong xã hội hiện nay nên Đảng và Nhà nước ta đã đưa môn tin học vào giảng dạy ngay từ bậc học tiểu học.
– Tác dụng của CNTT trong dạy học ở bậc tiểu học:
Khi học môn Tin học bậc học tiểu học, các em sẽ được làm quen và tìm hiểu về vai trò của bốn bộ phận cơ bản quan trọng để cấu thành máy tính để bàn: Màn hình, bàn phím, thân máy và con chuột. Và kiến thức gói gọn trong môn Tin học ở bậc tiểu học là giúp các em học sinh làm quen và rèn luyện một số kỹ năng sử dụng chuột,bàn phím máy tính, …
Khi học Tin học ở bậc học tiểu học sẽ giúp các em học sinh hình thành ý thức và thói quen sử dụng máy tính trong hoạt động học tập, cũng như trong các hoạt động lao động khác. Thông qua những bài học được tiếp xúc, được làm việc trên máy tính, sẽ giúp các em học sinh hiểu được tầm quan trọng, vai trò to lớn của máy tính cũng như CNTT đối với học tập cũng như lao động.
Điều thú vị gây hứng thú nhất cho các em khi học tin học bậc tiểu học là các phần mềm học tập trong chương trình tin học tiểu học như : Phần mềm học toán giúp các em vừa học tốt môn toán, vừa giúp em rèn luyện kỹ năng sử dụng chuột, bàn phím, các phần mềm tập vẽ, các trò chơi giúp các em rèn luyện trí nhớ, tinh mắt, rèn luyện cho các em các kỹ năng thao tác trên con chuột, bàn phím một cách thuần thục hơn, giúp các em vừa học, vừa chơi, khơi dậy tính tò mò, sáng tạo, ham học hỏi của các em.
Các phần mềm trò chơi, Logo, học nhạc…. giúp cho các em vừa được chơi game mà cũng là học, rèn luyện các kỹ năng sử dụng chuột, bàn phím cho các em. Khiến các em càng thêm thích thú khi được học môn Tin học.
Các chương học, nội dung học tập của các em được phân bố xen kẽ vừa học vẽ, vừa tập soạn thảo, vừa chơi những trò chơi lý thú và bổ ích. Điều đó sẽ giúp các em vừa có thể học hỏi, tiếp thu được những nội dung kiến thức mới ở môn Tin học một cách nhẹ nhàng, dễ hiểu, tạo được hứng thú học cho học sinh, vừa rèn luyện kỹ năng thao tác sử dụng chuột, bàn phím cho học sinh.
II.3.b Nội dung và cách thức thực hiện các giải pháp, biện pháp:
Để có 1 tiết dạy hiệu quả, giáo viên phải có kế hoạch bài dạy, xây dựng ý tưởng, thiết kế bài dạy phù hợp, tận dụng những nguồn tài nguyên Tin học sẵn có để phục vụ tốt nhất cho tiết dạy của mình như đem các tiết dạy lý thuyết lên máy chiếu bằng bài giảng Power Point nhằm tạo hứng thú học cho học sinh. Khi được học trên máy chiếu, học sinh sẽ rất thích thú, hăng say học hơn, nắm bắt được điều này, tôi luôn trình bày bài dạy của mình trên phần mềm trình chiếu Power Point. Ở đó tôi sẽ chèn những hình ảnh sinh động để minh họa cho bài dạy của mình, giúp đạt hiệu quả cao nhất cho bài dạy, không những vậy, việc đưa bài giảng và sử dụng những hình ảnh sinh động này rất cuốn hút học sinh, giúp các em có hứng thú hơn với tiết học.
Ngay từ những bài học đầu tiên trong chương trình học Tin học, giáo viên phải xác định rõ cho học sinh nhận biết, nắm bắt được kiến thức về bài học của mình. Khi những kiến thức đó liên quan tới các bộ phận của máy tính, ngoài việc cho các em quan sát qua tranh ảnh, máy chiếu, thì giáo viên cần đưa những bộ phận thật của máy tính cho các em quan sát, giải thích các bộ phận của máy tính và tác dụng của các bộ phận đó bằng cách cho học sinh quan sát ngay trong giờ giảng lý thuyết.
Khi giáo viên giới thiệu bộ phận bàn phím, ngoài việc giáo viên phải mô tả phím, có mấy hàng phím ở khu vực chính của bàn phím?… Thì giáo viên còn phải cho học sinh quan sát qua hình ảnh trên máy chiếu, sau đó sẽ đưa bàn phím thật cho học sinh quan sát kỹ rồi lại giới thiệu lại một lần nữa cho học sinh rõ về các hàng phím, chức năng của bàn phím… Tiếp theo giáo viên cho học sinh quan sát thao tác của thầy giáo khi sử dụng bàn phím, giáo viên thực hiện gõ phím và cho học sinh quan sát, nhận xét có sự thay đổi trên màn hình máy chiếu khi thầy thực hiện các thao tác với bàn phím.
– Đối với môn Tin học bậc tiểu học, cứ sau mỗi tiết lý thuyết, lại có 1 tiết thực hành để giúp học sinh vừa được học lý thuyết, vừa được thao tác trên máy. Như vậy quá trình thực hành sau tiết học lý thuyết sẽ giúp học sinh khắc sâu được kiến thức lý thuyết vừa học, vừa giúp các em vận dụng vào thực hành ngay để rèn luyện kỹ năng sử dụng chuột – phím, giúp các em thao tác thuần thục hơn. Vì vậy, giáo viên phải kết hợp giữa giờ học lý thuyết và thực hành sao cho phù hợp. Khi dạy lý thuyết, giáo viên hướng dẫn, truyền thụ kiến thức chậm, kỹ để học sinh dễ nắm được kiến thức ngay tại lớp. Quá trình hình thành kiến thức trên lớp, giáo viên yêu cầu học sinh quan sát kỹ các bước thực hiện của giáo viên, sau đó gọi học sinh lên thực hiện lại các thao tác của thầy. Từ chỗ quan sát thầy làm mẫu, các bạn thực hiện lại, lúc này giáo viên yêu cầu học sinh nhắc lại bằng lời các bước thực hiện trong bài. Khi học sinh đã hình thành kiến thức, giáo viên cho học sinh cả lớp đọc đồng thanh lại kiến thức lý thuyết 3-5 lần. Thời gian còn lại, giáo viên cho học sinh lên máy chiếu thực hiện lại. Các bạn ở dưới quan sát và nhận xét. Phần kiến thức mới hình thành, giáo viên cho học sinh về nhà chép lại vào vở và học thuộc lòng.
Trước mỗi giờ học, giáo viên cần phải kiểm tra bài cũ, việc này cần tiến hành thường xuyên, liên tục xuyên suốt cả năm học. Để học sinh nào cũng về nhà học bài cũ, học lý thuyết. Đến tiết thực hành, giáo viên cho học sinh vừa thực hành, vừa học lại kiến thức bài cũ trong khi thực hành, như vậy học sinh sẽ nắm chắc, khắc sâu kiến thức bài học của mình hơn.
– Giáo viên cần tận dụng những phương tiện sẵn có của môn tin học để áp dụng vào giảng dạy có hiệu quả hơn. Thuận lợi của trường, là đã được nối mạng Internet, nên rất tiện cho việc tải các hình ảnh minh họa, hoặc các hình ảnh sử dụng cho việc dạy học, điều này giúp cho hiệu quả tiết dạy được nâng lên rõ rệt. Ví dụ: Ở bài Tô màu (Em tập vẽ ở lớp 3): Lúc này các em vừa mới được làm quen với phần mềm tập vẽ Paint, thì đã có tiết học này, ở phần thực hành, nếu giáo viên không có các hình ảnh có sẵn trên máy, cho các em thực hành tô màu thì buộc các em phải vẽ hình xong rồi mới tô màu. Điều này sẽ mất rất nhiều thời gian, thậm chí có thể các em vẽ xong hình để tô màu thì vừa hết giờ, như vậy các em sẽ không được thực hành tô màu theo đúng mục đích yêu cầu của bài học. Để giải quyết vấn đề này, giáo viên cần tận dụng nguồn tài nguyên trên Internet, tải các hình ảnh được sử dụng trong bài dạy về sẵn trong máy cho học sinh. Tới tiết thực hành giáo viên chỉ cho các em cách mở lên và tô màu, như vậy sẽ tiết kiệm được thời gian cho học sinh,giúp cho các em được thực hành tô màu nhiều hơn, và tạo được hứng thú học cho các em, ngoài ra nhờ vậy giáo viên còn có thể tới từng máy để hướng dẫn cho những học sinh còn yếu thực hành.
Khi dạy thực hành, giáo viên giao bài tập cho học sinh một cách cụ thể, rõ ràng và kết hợp cả những kiến thức của bài học trước. Trước mỗi tiết thực hành giáo viên yêu cầu học sinh về nhà học thuộc phần lý thuyết. Để khi vào thực hành, giáo viên làm mẫu bài thực hành trên máy chiếu và hướng dẫn cho học sinh quan sát thực hành và làm bài tập, quá trình hướng dẫn tới đâu giáo viên yêu cầu học sinh đọc các bước thực hiện mà ở tiết lý thuyết đã được học tới đó. Như vậy sẽ giúp cho học sinh vừa nắm kỹ kiến thức lý thuyết và vận dụng hiệu quả vào tiết thực hành của mình, giúp các em khắc sâu kiến thức bài học, sau đó giáo viên chia nhóm để các em thực hành.
Quá trình thực hành giáo viên quan sát, giúp đỡ những nhóm, những học sinh còn yếu, thực hành chậm. Ví dụ: Dạy bài vẽ đường cong, giáo viên giao bài tập thực hành, sau đó giáo viên vừa hướng dẫn vừa thực hành vẽ đường cong trên máy chiếu cho học sinh dễ quan sát thao tác của thầy và lời nói của thầy, qua mỗi bước thực hiện thực hành giáo viên dừng lại hỏi học sinh bước tiếp theo sẽ là gì? Khi học sinh trả lời xong giáo viên sẽ qua bước tiếp theo, trong khi thực hành, nếu em học sinh nào chưa thực hành được, giáo viên lại hướng dẫn cho em đó hoặc nắm tay em đó và hướng dẫn các thao tác.
Để đạt được kết quả cao nhất trong giờ thực hành giáo viên chia học sinh ra các nhóm, khi chia nhóm chính là để học sinh hoạt động tích cực, và để nhóm hoạt động có hiệu quả, tất cả các thành viên đều phải hoạt động tích cực. Sau khi ra bài tập cho các nhóm thực hành trong một khoảng thời gian nhất định, giáo viên sẽ cho các nhóm nhận xét bài làm của nhau, điều này sẽ tạo sự ganh đua giữa các nhóm, giúp cho học sinh có hứng thú khi thực hành. Đối với những nhóm, những học sinh thực hành tốt, giáo viên cho các bạn trong lớp vỗ tay tuyên dương, giáo viên khen ngợi. Đối với những nhóm, những học sinh thực hành chưa được tốt, giáo viên cần nhẹ nhàng tìm hiểu nguyên nhân để tìm ra giải pháp, không được chê bai các em, luôn dành sự quan tâm, khích lệ và động viên để tiết sau các em có thể thực hành tốt hơn.
Việc nhà trường đã nối mạng tới hệ thống máy tính là 1 lợi thế, giáo viên cần biết tận dụng những nguồn tài nguyên sẵn có của mạng máy tính, truy cập mạng để tìm kiếm thông tin, tìm kiếm tài nguyên trên Internet phục vụ cho quá trình dạy và học. Và qua đây giáo viên cũng có thể giới thiệu cho học sinh biết được tầm quan trọng của CNTT-TT đối với chúng ta như thế nào.
Ngoài các biện pháp nêu trên, để nâng cao chất lượng giờ dạy, giờ học môn Tin học bậc học Tiểu học , giáo viên cũng cần để ý tới những biện pháp về tâm lý. Là một người giáo viên, mình phải luôn chuẩn mực trong mọi hành động, lời nói, để luôn là tấm gương sáng cho các em học sinh noi theo. Khi đứng lớp phải nghiêm túc, mẫu mực và luôn tạo ra không khi vui tươi, thoải mái giúp cho tiết dạy đạt hiệu quả cao nhất.
Nắm bắt được tâm lý lứa tuổi của các em giai đoạn này, giáo viên nên thay chê bai bằng khen ngợi, hãy luôn dành cho học sinh những lời khen, tuyên dương mỗi khi em tiến bộ, thao tác tốt. Nếu các em chưa thực hiện tốt, người giáo viên cần tìm hiểu nguyên nhân và đưa ra những lời động viên, khuyến khích các em kịp thời. Tuyệt đối không chê bai, phê bình các em. Có như thế học sinh mới có thể tự tin hơn, mạnh dạn học tập và tiến bộ được.
Nói như thế không có nghĩa giáo viên lạm dụng lời khen, mà chúng ta phải khen cho khéo, cho phù hợp với hoàn cảnh, con người, không để lời khen được sử dụng tràn lan, dễ gây sự nhàm chán, phản tác dụng của lời khen.
III.1 Kết luận:
Qua quá trình áp dụng vào giảng dạy tin học cho thấy các biện pháp áp dụng vào việc dạy học Tin học lớp 3,4,5 đã trình bày ở trên các em không những nắm chắc kiến thức lý thuyết, thao tác thuần thục khi thực hành mà còn thấy các em học tập phấn khởi hơn, tiếp thu bài nhanh hơn, có chất lượng thực sự, giúp cho các em có 1 tâm lý tự tin, thoải mái khi được tiếp xúc, làm việc trên máy tính. Từ đó chất lượng giờ dạy – học môn Tin học được nâng lên rõ rệt.