Lúc còn sống, ngoại tôi thường ngân nga hai câu ca dao ra chiều tâm đắc lắm mỗi khi đưa võng cho chúng tôi ngủ buổi trưa hè bên con sông quê.
“Long Thắng là xứ quê mùa.
Đi thăm cháu ngoại cho “vùa” cà na.”
Không biết hư thực ra sao nhưng hầu hết người dân miền Tây đều thống nhất cho rằng: xã Long Thắng, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp là nguồn gốc của loài trái cây nầy. Hiện nay cà na đang có mặt khắp nơi ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long với các lợi thế bộ rễ bám đất rất chắc; mọc tự nhiên và phát triển rất tốt ở cạnh các con sông rạch mà không cần phải chăm bón bằng bất kỳ loại phân bón, thuốc nào. Nay thì cà na mọc khắp nơi, muốn mua thì có liền vừa ngon, vừa rẻ, khỏi phải đi xa”.
Ngoại tôi kể: Không ở đâu mà cà na ngon, ngọt, thơm, giòn hơn cà na Long Thắng. Người sành điệu tới đây mua về làm mứt (còn gọi là ngào đường) hay ngâm nước muối đường. Đây là 2 dạng chế biến thông dụng nhất từ trước đến giờ.
Người dân quê ngoại tôi con kể thêm: Mùa cà na hàng năm bắt đầu vào khoảng tháng bảy, tháng tám âm lịch, khi mùa nước nổi về. Nước lũ càng nhiều thì cà na càng sai trái. Lần nầy về quê ngoại chợt buồn bởi ở đây đang “thành thị hóa” nông thôn nên có rất nhiều cây cà na ven sông bị xóa sổ khi phát triển các tuyến đường GTNT.
Chiều nay, đưa các con ra tận mé sông để kể về những cây cà na đã lớn lên cùng tôi từ tấm bé. Chúng nhận xét: Loại cây nầy mọc hoang, có giá trị gì đâu, người ta đốn bỏ cũng là chuyện thường. Còn nếu muốn ăn thì cứ vào siêu thị hay đến các điểm bán hàng rong trên hè phố là có hết. Có gì phải buồn, phải ưu tư đến vậy. Tôi im lặng nghe quá chạnh lòng.
Chúng có cái lý của chúng bởi đâu đã từng ăn trái cà na chân chất, dân dã với những chén muối ớt đỏ hực Long Thắng; đâu đã từng tập trận đánh nhau bên những rặng cà na xanh thẫm cạnh mé sông quê; đâu đã từng có được cái cảm giác sung sướng khi đứng dưới những gốc cà na to tướng căng mền mùng để hứng lấy những trái cà na đã chín được người lớn trèo lên cây rung lắc mãnh liệt.
Hè về. Bỗng nhớ, bỗng thương những trái cà na quê mùa da diết làm sao.