1. Biện pháp sử dụng ngữ điệu
Ngữ điệu là giọng điệu riêng của lời nói. Người kể phải tạo cho mình một quy tắc cần thiết khi chậm rãi, lúc khẩn trương, lúc rành rẽ, lúc duyên dáng. Không nên chỉ sử dụng một nhịp độ nói sẽ gây cảm giác đơn điệu, buồn chán, không nói thao thao bất tuyệt dễ gây ấn tượng chói gắt. Không dùng các âm thanh the thé gắt gỏng trong khi kể chuyện. Người giáo viên khi kể chuyện chỉ nên dùng giọng kể trung bình có độ vang và sâu.
2. Biện pháp ngắt giọng
Ngắt giọng cũng là cách gây hấp dẫn trong tiết Kể chuyện. Muốn cho ngắt giọng không phải là chỗ nghỉ trống rỗng trong lời nói mà là chỗ ngắt thể hiện được tình cảm, người giáo viên phải ngắt giọng sao cho hoàn toàn tự nhiên. Chỗ ngắt cũng như chỗ kể phải chưa đựng biểu tượng, suy nghĩ, tình cảm của người kể. Những từ “ái”, “ối”, “đứng lại”, “tiến lên”…nếu không dùng ngắt giọng và ngữ điệu phù hợp sẽ không thể hiện được sự cảm thán, yêu cầu trong câu cầu khiến, cảm thán hay sự hồi hộp trong các tình huống gay cấn, thắt nút, đỉnh điểm.
3. Biện pháp sử dụng điệu bộ cử chỉ
Phù hợp với sắc thái ngữ điệu là sự biểu lộ nét mặt. Nếu là ngữ điệu vui nét mặt người kể cũng vui. Nếu là ngữ điệu buồn nét mặt người kể cũng buồn. Bên cạnh việc biểu lộ nét mặt thì việc biểu lộ cử chỉ cũng quan trọng không kém. Cử chỉ ở đây là động tác của tay, của đầu, của mắt. Đối với phân môn Kể chuyện, cử chỉ cần đơn giản trung thực, biểu cảm và mang một nội dung rõ rệt. Cử chỉ của người kể không nhất thiết là diễn lại động tác của nhân vật được kể. Cử chỉ đa dạng, biểu cảmkhông phải nhằm để tô vẽ cho các hình tượng mà là để nhấn mạnh một số tình tiết. Nhưng cử chỉ không được lấn át lời kể, không làm phân tán sức tập trung chú ý của học sinh.
4. Biện pháp sử dụng bảng
Nghệ thuật trình bày bảng đối với môn học khác rất quan trọng nhưng một số giáo viên lại cho rằng nó là thừa đối với môn Kể chuỵên. Đó là một nhận thức chưa đầy đủ. Thực ra phương pháp ghi bảng đen khi kể chuyện cũng có thủ thuật riêng của nó. Yêu cầu đầu tiên của việc ghi bảng là thoáng, ít, dễ nhìn, dễ xem, hết sức chọn lọc. Nếu ghi dày đặc sẽ làm học sinh rối trí và giáo viên ghi nhiều cũng sẽ mất rất nhiều thời gian. Phần ghi bảng chỉ nên bao gồm tên truyện, tên nhân vật, đặc biệt là các nhân vật nước ngoài, dàn ý lớn của truyện, đôi khi cả các tình tiết chủ yếu hoặc ngôn ngữ đối thoại cô đúc trong truyện. Phần ghi bảng chỉ nên thực hiện khi học sinh bắt đầu tập kể vì nó sẽ nhắc học sinh không bỏ qua những chi tiết chính khi kể chuyện và nó sẽ được sử dụng khi học sinh bắt đầu kể chuyện. Đặc biệt ghi bảng tránh phô trương trình bày loè loẹt làm loãng nội dung truyện.
5. Biện pháp sử dụng đồ dùng dạy học
Đồ dùng dạy học của phân môn Kể chuyện thường là tranh ảnh, hiện vật, phim, đèn chiếu có liên quan đến truyện. Giáo viên phải sử dụng đồ dùng đúng lúc, đúng chỗ thì mới gây được hiệu quả. Nhưng thế nào là đúng lúc, đúng chỗ và đúng lúc đúng chỗ như thế nào thì ít người tìm hiểu cặn kẽ. Tôi cho rằng đồ dùng dạy học được đưa ra đúng chỗ nghĩa là đưa ra đúng cái đoạn kể đang nói đến vật ấy, và được đưa ra đúng lúc nghĩa là đúng cái thời điểm mà người nghe đang chờ đợi mong mỏi. Kể truyện Tre ngà ở lớp 1 xong rồi giáo viên mới nhớ đến bức tranh Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt, vung roi sắt quật vào lũ giặc để giới thiệu với học sinh thì đã làm giảm mất quá nhiều thú vị cho các em. Đối với truyện Tre ngà, cách đưa minh hoạ đúng lúc, đúng chỗ là cho cả lớp xem tranh Thánh Gióng trước khi vào kể truyện. Cô giáo có thể gợi ý: “ Các em có biết đây là ai không?”. Học sinh trả lời không hoặc có tuỳ vào mỗi em, lúc đó giáo viên nói tiếp: “ Đây là bức vẽ nhân vật Thánh Gióng một anh hùng kì diệu của dân tộc ta. Để biết ông kì diệu ở chỗ nào, hôm nay cô sẽ kể cho các em nghe câu truyện Tre ngà nhé.” Như vậy tiết Kể chuyện được bắt đầu bằng việc sử dùng dạy học, rất nhẹ nhàng mà cũng rất tự nhiên. Nhưng cũng có truyện việc sử dụng tranh ảnh minh hoạ được đưa ra ở phần tổng kết cuối truyện mà vẫn gây được ấn tượng sâu sắc. Ví dụ như truyện kể Bàn chân kì diệu, sau khi giáo viên kể cho học sinh nghe những cố gắng nỗ lực, những khó khăn gặp phải khi đi học và tập viết của thầy giáo Nguyễn Ngọc Kí, đến cuối truyện thấy lại hình ảnh một cậu bé nhỏ nhắn cặm cụi ngồi trên chiếc chiếu tập viết, các em sẽ thêm khâm phục, thêm quyết tâm để học tốt hơn.
Trong việc sử dụng đồ dùng dạy học, ngoài yêu cầu đúng lúc, đúng chỗ, giáo viên còn phải chú ý cách trình bày đồ dùng ấy trứơc mặt học sinh thế nào cho hợp lí. Chẳng hạn một bức tranh vẽ quá nhỏ mà lại ở quá xa mắt học sinh, một hiện vật minh hoạ có kích thước nhỏ mà lại chỉ được hé mở trong lòng bàn tay thì cũng ít gây tác dụng. Cho nên cần phải có chuẩn bị trước cách đưa đồ dùng vào bài dạy sao cho cả lớp kể cả các em ngồi cuối lớp cũng đều đựơc thấy. Ví dụ tranh lớn thì để trên bảng cho cả lớp xem, tranh nhỏ hay ảnh chụp giáo viên nên cầm đi qua và dừng lại một chút ở từng dãy bàn một. Đối với phim hay đèn chiếu nên tiến hành sau tiết kể về truyện đó, nêú đưa ra trước, học sinh xem phim rồi thì tiết kể chuyện sẽ không còn hứng thú.
Và dù có sử dụng đồ dùng minh hoạ thế nào đi nữa thì cũng không nên chiếm thời gian quá 5 phút vì minh hoạ dù sao cũng chỉ là bổ sung cho nội dung truyện.
6. Biện pháp phân vai
Để hoạt động kể chuyện theo vai được tốt thì bản thân mỗi giáo viên phải biết chọn giọng kể cho phù hợp với các nhân vật trong truyện. Sau đó hướng dẫn học sinh biết thêm bớt các chi tiết cho cốt truyện làm cho lời kể thêm sinh động. Đồng thời hướng dẫn học sinh suy nghĩ lựa chọn vai và thể hiện như thế nào cho phù hợp. Trên thực tế người kể chỉ cần nắm cốt truyện từ đó chọn giọng kể phù hợp, khi kể luôn biết kết hợp lời kể với nét mặt cử chỉ điệu bộ tạo được sự giao cảm giữa người kể với người nghe. Từ việc tập trung hướng dẫn từng tiêu chí nhỏ như trên, kĩ năng kể chuyện của học sinh sẽ được hình thành.
7. Biện pháp tổ chức các hoạt động thi kể chuyện ở lớp
Thi kể chuyện ở lớp nhằm tạo không khí học tập sôi nổi nề nếp, đồng thời rèn kĩ năng nói, kĩ năng kể chuyện có nghệ thuật cho học sinh. Mỗi tháng nên tổ chức một lần để các em có thể tập dợt, bồi dưỡng, kiểm tra năng lực kể chuyện của mình. Nên tổ chức thi theo tổ. Khi thi cũng có ban giám khảo chấm điểm theo từng tiêu chí như câu chuyện hay nhất, người kể hay nhất, người có giọng kể hấp dẫn nhất…Như thế sẽ thu hút được rất nhiều học sinh tham gia. Tuy nhiên giáo viên cũng cần phải chú ý mỗi cuộc thi nên khuyến khích nhiều đối tượng học sinh tham gia, vận động cả những học sinh yếu, học sinh nhút nhát, học sinh thiếu tự tin khi đứng trước đông người tham gia thi kể chứ không nên chỉ chú trọng vào các học sinh khá giỏi.