Những biện pháp hay về giáo dục lễ giáo cho trẻ mầm non

* Biện pháp 1: Xây dựng trường bé xanh, sạch đẹp.

Tôi luôn chú ý tạo cảnh quan sư phạm trong và ngoài lớp học vì tôi nghĩ khi phụ huynh dẫn con đến trường điều đầu tiên hiện ra trước mắt cháu là cảnh vật xung quanh ngôi trường, một không gian xanh – sạch – đẹp giúp cháu có cái nhìn thân thiện hơn về mái trường mà cháu đang học. Với cương vị là một giáo viên đứng lớp, một chủ tịch công đoàn của trường, hàng tháng tôi vận động các cô cùng các cháu học sinh trong khối dọn vệ sinh trường lớp, nhặt rác bỏ vào thùng rác, tạo thói quen không vức rác bừa bãi trên sân trường và nơi công cộng. Tôi tạo điều kiện cho các cháu tự mình trồng và chăm sóc thêm cây hoa, cây cảnh trong trường, điều này khiến các cháu rất vui và thích thú, qua đó tôi giáo dục trẻ biết yêu thiên nhiên, yêu lao động, thêm gần gũi với thiên nhiên hơn.

Tôi tham mưu với nhà trường trồng thêm cây xanh nhân dịp lễ khai giảng, lễ tết. Đồng thời vận động phụ huynh đóng góp thêm cây tạo thêm màu xanh cho sân trường. Đầu năm đến nay phụ huynh đã đóng góp và trồng thêm một số cây như: Cây bằng lăng, cây xanh, sây si, cây hoa sữa.

Đối với môi trường sư phạm trong lớp học đầu năm tôi sắp xếp đồ dùng, đồ chơi gọn gàng ngăn nắp theo các góc đúng nơi qui định, mỗi góc chơi tôi đều làm mới để tạo sự chú ý cho trẻ. Sau mỗi lần chơi hoạt động góc nhắc trẻ để gọn đồ chơi đúng nơi, như vậy tạo cho trẻ thói quen ngăn nắp, ý thức tự giác, trách nhiệm đối với công việc.

Trong các giờ hoạt động xé dán hoặc giờ nêu gương cuối tuần tôi thường nhắc trẻ bỏ rác vào thùng rác để giữ vệ sinh chung cho lớp đến nay hầu như các cháu đã có ý thức, kỹ năng giữ gìn vệ sinh chung, không còn cảnh vức rác bừa bãi như đầu năm học nữa.

* Biện pháp 2:  Giáo dục lễ giáo qua ngôn ngữ kèm điệu bộ, hành vi và ứng xử.

Như chúng ta biết để dạy cháu một câu chào giao tiếp như: Cháu chào cô. Cháu chào bác… xem ra thật đơn giản bởi câu chào ngắn gọn thì bất cứ trẻ 3-4-5 tuổi nào cũng có thể thực hiện được, nhưng cũng câu chào đó thể hiện thế nào cho có lễ phép. Nếu như cháu vừa chạy, vừa chào cô hoặc cháu chào cô với ngữ điệu cao giọng thì lời chào chỉ mang hình thức đối phó, rập khuôn mà không có tính giáo dục. Vậy để dạy cháu biết lễ phép với người lớn thông qua lời chào sao cho phù hợp không phải là chuyện dễ. Có một câu trong bài hát “Cô và mẹ là hai cô giáo, mẹ và cô là hai mẹ hiền”Cô giáo là người mẹ hiền thứ hai của trẻ, cô đóng vai trò hết sức quan trọng, theo tôi muốn giáo dục có hiệu quả thì cô phải có kiến thức, kỹ năng, thái độ chuẩn mực phù hợp với từng đối tượng khi sử dụng lời chào và làm gương cho trẻ noi theo. Để giáo dục lễ giáo đạt hiệu quả thì việc chào hỏi phải thực hiện thường xuyên tạo ra một thói quen trong kỹ năng sống hằng ngày của trẻ. Là người giáo viên trực tiếp đứng lớp tôi thường xuyên làm gương và vận dụng dạy trẻ thể hiện ngôn ngữ khi chào hỏi trong mọi lúc mọi nơi như:

– Giờ đón trẻ hoặc trả trẻ tôi rất ân cần và chuẩn mực trong xưng hô với bố mẹ trẻ.

– Trẻ đến lớp chào cô, khi chào chúng ta nên quan sát từng cử chỉ, thái độ của trẻ chúng ta nên hướng dẫn nhắc nhở trẻ từng thái độ như: vòng tay trước ngực, nhìn về phía cô, đầu hơi cúi, giọng nói nhẹ hơi hạ giọng về từ cuối câu như: Cháu chào cô ạ! rồi nhắc nhở trẻ chào tạm biệt bố mẹ để vào lớp học.

– Theo kinh nghiệm nhiều năm thì việc cháu thực hiện lời chào vẫn được diễn ra thường xuyên nhưng để có kỹ năng phù hợp với lễ giáo, thì mỗi lớp chỉ đạt khoảng 60%. Có cháu vừa chào cô vừa nhìn bạn hoặc vừa chào vừa chạy vào lớp… Có thể các cháu không hiểu hết ý nghĩa của lời chào. Mặc dù không cố ý nhưng nếu đó là một thói quen thì sẽ rất bất tiện cho việc giao tiếp sau này khi hình thành nhân cách sẽ không phù hợp với thái độ đạo đức của người Việt.

* Biện pháp 3: Lồng ghép giáo dục lễ giáo vào hoạt động vui chơi và các hoạt động học.

       –  Hoạt động vui chơi là hoạt động chủ đạo của trẻ ở lứa tuổi mẫu giáo, chính vì vậy giờ chơi của trẻ chiếm thời gian rất nhiều trong các hoạt động ở trường. Thông qua chơi cháu học cách giao tiếp và học cách làm người. Qua chơi rèn kỹ năng sống cho trẻ giáo dục trẻ ngoan ngoãn lễ phép, biết nhường nhịn, biết yêu thương, biết ơn, biết ứng xử phù hợp với văn hóa trong cộng đồng nên tôi đưa biện pháp giáo dục trẻ qua các hoạt động vui chơi để các bạn cùng tham khảo và góp ý nhé.

* Giáo dục lễ giáo qua hoạt động vui chơi ngoài trời

– Trong giờ sinh hoạt ngoài trời, chơi tự do, hay giờ lao động, tôi thường chú ý quan sát lớp, giúp cháu chơi hoặc lao động thật vui vẻ, đoàn kết, không tranh dành, xô đẩy nhau nếu cháu làm việc gì sai đối với bạn,  tôi kịp thời uốn nắn, giúp trẻ nhận ra cái sai biết xin lỗi với thái độ biết lỗi và sửa sai kịp thời, ai cho gì thì nhận bằng hai tay và nói lời cảm ơn chân thành.

– Nhà giáo dục như chúng ta cần biết giáo dục lễ giáo ngoài cách giáo dục trực tiếp còn thông qua cách giáo dục gián tiếp như “ Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”

Ví dụ: Tham quan vườn cây ăn quả.

+ Đàm thoại: Muốn có nhiều quả ngon ta phải làm gì?

+ Khi ăn quả các con nhớ đến ai?

+ Để có những quả ngon bổ dưỡng cho các con ăn thì người trồng cây phải vất vả vun trồng chăm sóc…

Qua đó giáo dục cháu kính trọng, yêu quý công việc của những người lao động, khi ăn phải từ tốn, chậm rãi không vứt bỏ vỏ và hạt bừa bãi. Giáo dục cháu chăm sóc cây, bảo vệ cây và  giữ gìn vệ sinh môi trường sống cho cây.                   

* Giáo dục lễ giáo qua hoạt động góc

         Thông qua các hoạt động góc trẻ được thực hành, được trải nghiệm các vai khác nhau trong cuộc sống hàng ngày của người lớn, trẻ tái hiện lại những công việc mà người lớn làm hàng ngày.

Ví dụ: Trẻ được đóng vai mẹ, bố, người bán hàng, người nấu ăn, y tá, bác sĩ, cô giáo …

Lợi dụng vào đặc điểm sẵn có này tôi tích cực lồng ghép giáo dục lễ giáo vào các hoạt động vui chơi ở góc. Tôi nhập vai chơi cùng trẻ quan sát và lắng nghe những lời đối thoại của các cháu để kịp thời uốn nắn khi có những biểu hiện chưa chuẩn mực từ đó hình thành cho trẻ những thói quen, hành vi văn minh trong giao tiếp.

Ví dụ: Qua trò chơi bán hàng:

+ Người bán hàng: Chào cô chú! Cô, chú mua gì ạ?

+ Người mua: Cô ơi! Bao nhiêu một cân  cá vậy cô?

Ví dụ: Qua trò chơi phân vai – y tá – bác sĩ.

– Trẻ đóng vai bác sĩ thăm hỏi bệnh nhân ân cần, nhẹ nhàng, biết cách xưng hô cho phù hợp với từng bệnh nhân, hỏi bệnh nhân đau ở chỗ nào? Đau ra sao?…Bác sĩ kê đơn thuốc cho bệnh nhân.

Y tá phát thuốc dặn bệnh nhân uống thuốc ngày mấy lần, bệnh nhân nhận thuốc và nói lời cảm ơn đối với cô y tá, bác sĩ.

Qua hoạt động vui chơi cháu mạnh dạn dần, thành thạo dần trong giao tiếp, trong ứng xử, chào hỏi đối với mọi người xung quanh mình, trẻ hết nói trống không, biết nói và trả lời những câu hỏi đầy đủ.

* Thông qua hoạt động học.

    Giáo dục lễ giáo cần được lồng ghép, tích hợp vào các hoạt động như: Khám phá khoa học, kể chuyện, đọc thơ, hát múa, toán,… Tiết dạy giúp trẻ hướng tới những cảm xúc, tình cảm từ đó hình thành cho trẻ những thói quen hành vi lễ phép.

Ví dụ: * Qua giờ khám phá khoa học “Trò chuyện về không khí, khí hậu”

Tôi đàm thoại với trẻ:

Không khí giúp ích cho con người như thế nào?

Nếu không có bầu không khí con người và mọi vật có sống được không?

Vì sao nguồn không khí ngày càng bị ô nhiễm nhiều?

     Biết được lợi ích của không khí giáo dục cháu biết bảo vệ cây xanh, không vứt rác xuống ao hồ sông suối, khuyên ngăn ba mẹ không đốt phá rừng bừa bãi.

* Qua giờ phát triển thể chất: Giáo dục trẻ siêng năng tập thể dục, tập đều đặn giúp cơ thể khỏe mạnh, trong lúc tập không xô đẩy hoặc chen lấn nhau.

* Giờ hoạt động tạo hình: Nặn người thân trong gia đình

* Cô đàm thoại:

– Gia đình con gồm có bao nhiêu người?

– Gia đình con thuộc gia đình đông con hay ít con?

– Mọi người trong gia đình phải sống như thế nào?

Giáo dục trẻ biết cách xưng hô biết yêu thương kính trọng người lớn tuổi, biết nhường nhịn chăm sóc em nhỏ.

Giờ làm quen văn học: Qua truyện “Tấm cám”

Cô đàm thoại:

Tấm là người như thế nào?

Mẹ con Cám là người như thế nào?

Con thích nhân vật nào nhất? Vì sao?

Cô giáo dục cháu lòng thật thà chăm lo lao động, dạy cháu yêu cái thiện, ghét cái ác. Hình thành lòng nhân ái đối với người xung quanh.

*Giờ âm nhạc: Bài “Bông hoa mừng cô”

+ Cô đàm thoại:

– Đối với cô giáo con phải như thế nào?

– Khi tặng hoa cho cô các con tặng bằng mấy tay?

Từ đó giáo dục trẻ khi trao hoặc nhận quà từ người lớn phải bằng hai tay, khi nhận quà phải nói lời cảm ơn.

* Học lễ giáo qua hoạt động lễ hội

Con người Việt Nam ta có truyền thống tôn sư trọng đạo. Vì vậy thông qua các hoạt động lễ hội tôi đã tổ chức các hoạt động văn nghệ để chào mừng, đồng thời ôn lại truyền thống của dân tộc để giáo dục trẻ lòng tự hào, biết kính trọng những người đã hy sinh, ngã xuống vì độc lập dân tộc. Nhằm hình thành cho trẻ lòng tự hào, kính yêu đối với người lớn tuổi, thông qua đó khuyến khích trẻ học tập và phấn đấu trở thành con ngoan trò giỏi, những con người có ích cho xã hội.

     Về phương pháp giảng dạy tôi luôn chú trọng tìm tòi sáng tạo ra những điều mới lạ để cung cấp cho trẻ. Tôi không chỉ dạy những kiến thức có trong chương trình ngoài ra tôi còn đưa những kiến thức hay nằm ngoài chương trình: Ví dụ tôi cho trẻ xem hình ảnh video, câu chuyện mang ý nghĩa giáo dục lễ giáo ( Truyện: cây vú sữa; thơ : Tình mẹ con; chương trình: Qùa tặng cuộc sống…) những lúc như vậy tôi thấy trẻ rất thích thú, từ đó tôi đặt vài câu hỏi để cháu trả lời.

Sau một thời gian thực hiện những thói quen về lễ giáo chất lượng lớp tôi tăng lên rõ rệt, trẻ biết chào hỏi, thưa trình, biết nói lới cảm ơn, xin lỗi, yêu mến cô giáo, đoàn kết với bạn bè, tôi thấy vui mừng tiếp tục áp dụng và đạt được kết quả cao trong giáo dục.

* Biện pháp 4: Giáo dục lễ giáo qua góc tuyên truyền lễ giáo

– Cùng với mục tiêu xã hội hoá giáo dục thì  phụ huynh có vai trò quan trọng trong việc giáo dục trẻ. Nhưng đối với trường tôi phụ huynh là người dân tộc chiếm tỉ lệ khá cao nên việc tùy tiện dùng từ phổ thông của họ như:“Mày” “Tao” “Nó” nên con em họ đến lớp cũng sử dụng những từ không hợp với yêu cầu giáo dục vì vậy trong buổi họp mặt đầu năm tôi trao đổi với phụ huynh về tầm quan trọng của giáo dục lễ giáo đối với trẻ mẫu giáo,việc giáo dục con trẻ cần sự phối hợp giữa cô và gia đình dạy trẻ sử dụng từ có lễ giáo, thái độ hành vi ứng xử chuẩn mực hơn để hình thành cho trẻ nề nếp và thói quen tốt hơn. Nhất là trong thời kỳ hội nhập của nước ta tiếp nhận nhiều nền văn hoá và trò chơi giải trí đã ảnh hưởng một phần không nhỏ về hành vi văn minh của trẻ. Trẻ có thể đối xử thô bạo với bạn vì xem một đoạn phim hành động, hay trẻ có những lời không hay đối với bố mẹ, khi  bố mẹ không đồng ý cho chơi game… Để phụ huynh nhận thức ý nghĩa của vấn đề và cùng nhà trường giáo dục trẻ.

Ngoài ra giáo viên là người lên kế hoạch và sau đó xây dựng góc tuyên truyền lễ giáo treo ngoài cửa lớp để phụ huynh dễ nhìn. Sau mỗi chủ đề hoặc  mỗi tháng yêu cầu có thể ngày càng cao hơn. Phụ huynh dựa vào đó để nhắc nhở con cái mình chính vì vậy mà góc tuyên truyền phải hấp dẫn, sinh động, phong phú với những hình ảnh đẹp. Tôi thường sưu tầm những hình ảnh có nội dung giáo dục lễ giáo, kèm theo những bài thơ hay nội dung phù hợp với hình ảnh.    Ngoài mục đích tuyên truyên thời gian rảnh tôi dẫn cháu ra quan sát, trò chuyện, đàm thoại với những hình ảnh văn minh đối với mọi người, mọi vật xung quanh.

Hình ảnh trên nhằm giáo dục đồng thời tuyên truyền cho phụ huynh biết giáo dục trẻ có thái độ lịch sự, lễ phép với người lớn hơn mình, chơi cùng bạn phải biết nhường nhịn, chơi xong cất đồ dùng đồ chơi đúng nơi qui định, không ngồi gần khi xem tivi, khi ngáp hoặc hắt hơi phải che miệng, biết yêu thương chăm sóc vật nuôi…

Đây là những hoạt động tưởng chừng như đơn giản nhưng một phần nào cũng giúp cha mẹ học sinh hiểu được tầm quan trọng của chuyên đề giáo dục lễ giáo cho trẻ, làm cho phụ huynh thấy được kết quả của các cháu ngày một ngoan hơn, biết yêu quý gần gũi người thân trong gia đình, yêu quý cô giáo, bạn bè, luôn có nhu cầu được làm việc tốt, những công việc phù hợp với khả năng của trẻ, giáo dục trẻ có tính nết thật thà, biết xin lỗi, nhận lỗi, với biện pháp “Mưa dầm thấm lâu” tôi tin rằng cháu sẽ ngoan hơn và dần sẽ hình thành nề nếp lễ giáo hơn.

* Biện pháp 5: Khích lệ nêu gương

Ở lứa tuổi này các cháu rất thích được khen, mặt dù trẻ không đạt kết quả như yêu cầu của cô, nhưng hình thức khen là để động viên khích lệ kịp thời.Ngày nào tôi cũng cho các cháu cắm cờ, ngoài tuyên dương về vấn đề học tập tôi còn chú trọng đến vấn đề lễ giáo, tôi cho trẻ tự nhận xét về bản thân mình, trong ngày đó có bạn nào có hành vi lời nói hay tôi nêu gương ra cho cả lớp vỗ tay tuyên dương bạn và tặng cho các bạn ấy một ngôi sao nhỏ cuối tuần nếu bạn nào được nhiều ngôi sao nhất bạn ấy sẽ là người tiêu biểu nhất, đáng khen nhất trong tuần.

    + Trong một ngày tôi thường đưa ra những tiêu chuẩn để trẻ thực hiện.

    + Cuối tuần bao giờ cũng có tiết mục kể chuyện về gương tốt, tuần nào cũng vậy tôi không bao giờ bỏ qua.

    Ví dụ: Chuyện “Tích Chu”, “ Thỏ con vâng lời mẹ”, “ Cây vú sữa” “ Ai đáng khen nhiều hơn”…cho trẻ nghe. Hoặc những câu chuyện do tôi sưu tầm, hay tự  sáng tạo về vấn đề ăn uống có văn hoá, những giờ như vậy trẻ rất thích lắng nghe, nhằm kích thích trẻ học ngoan, muốn được cô tặng nhiều ngôi sao nhỏ, trẻ sẽ nỗ lực như ý muốn cố phấn đấu ngoan hơn, giỏi hơn đó là một thành công lớn trong việc vận dụng biện pháp nêu gương trong giáo dục lễ giáo.

Copyright 2019 © Kinh nghiệm dạy học | Thiết kế bởi Web Bách Thắng