Biện pháp 1. Phát huy tính tích cực của học sinh:
Các em học sinh lớp 2 mọi hoạt động diễn ra trong giờ học đều là mới mẻ, gây cho các em nhiều điều bỡ ngỡ… nên trong giờ học Đạo đức ở lớp 2( theo phân phối chương trình mỗi tuần các em được học một tiết) giáo viên xây dựng một môi trường lớp học thân thiện, gần gũi giữa cô và trò, giữa học sinh với học sinh. Từ đó hình thành cho học sinh một số kĩ năng tự nhận thức, kĩ năng xác định có giá trị, kĩ năng giao tiếp ứng xử, kĩ năng ra quyết định và giải quyết vấn đề…
Ví dụ: Khi dạy bài “ Gọn gàng, ngăn nắp” giáo viên phải luôn ăn mặc gọn gàng, sạch sẽ, đồ dùng dạy học của giáo viên cũng như trong lớp học luôn gọn gàng, ngăn nắp… trong giờ học giáo viên có thể sửa lại đầu tóc, quần áo cho học sinh, yêu cầu học sinh sửa lại cho bạn hoặc có thể cho học sinh sắp xếp lại chỗ học của mình những đồ dùng học tập của mình trong cặp sao cho ngay ngắn sạch đẹp… để qua bài học này học sinh hình thành được kĩ năng biết ăn mặc gọn gàng, sạch đẹp, biết giữ vệ sinh cá nhân mọi lúc mọi nơi, biết sắp xếp các đồ dùng học tập, gọn gàng ngăn nắp khi ở nhà….
Giáo viên cần có hành vi thể hiện rõ chủ đề của bài học (ví dụ: cô cảm ơn em, cô xin lỗi..). Lựa chọn dạy học thích hợp phù hợp với từng bài dạy gây hứng thú học tập cho học sinh. Không rập khuôn, máy móc, áp đặt mà cần sáng tạo qua từng trò chơi, kể chuyện, đóng vai, quan sát, trả lời câu hỏi, đánh giá và tự đánh giá hành vi của bản thân và người xung quanh, tập vẽ tranh, tô màu…Học sinh tự khám phá chiếm lĩnh tri thức mới, kĩ năng mới giáo viên kết luận hành vi đạo đức đúng.
Ví dụ: Khi dạy bài “ Chăm làm việc nhà” giáo viên có thể cho học sinh đóng vai thể hiện lại những việc em đã làm ở nhà, sau đó cho các em khác nhận xét …Từ đó hình thành cho học sinh đảm nhận trách nhiệm tham gia làm việc nhà phù hợp với bản thân.
Biện pháp2. Phát huy tính tự lập của học sinh:
Người giáo viên cần tạo môi trường cho trẻ tự lập qua cách thức tổ chức lớp học, bằng các phương pháp sống động trong đó có sự tham gia tích cực của học trò, tổ chức bài học từ những vốn liếng của học sinh, không quên những cách thức sinh hoạt cộng đồng, sinh hoạt nhóm, những bài học ứng dụng…
Ví dụ: Cho các em học kĩ năng sống tự lập qua phương pháp sinh hoạt nhóm. Mới nghe qua có vẻ đối nghịch song trong sinh hoạt nhóm các em biết được vai trò riêng của mình, những liên hệ với các thành viên khác, các tranh luận cần dung hòa hay tranh cải ( dung hòa vì ích lợi chung, tranh cải để nhóm làm việc tốt hơn). Sinh hoạt nhóm cần được tổ chức có tôn ti trật tự, có luật điều hành để dẫn đến kết quả . Các em học cách phân công và tinh thần trách nhiệm đối với việc được giao phó…
Biện pháp 3. Phát huy tính cộng đồng của học sinh :
Tổ chức cho các em hoạt động ngoài giờ lên lớp ( lao động, đố vui, kể chuyện theo chủ đề đạo đức…) để thực hành các hành vi đã học. Từ đó củng cố, tăng cường nhận thức; bồi dưỡng thái độ tình cảm và hình thành hệ thống kĩ năng, hành vi phù hợp.
Ví dụ: Tổ chức cho học sinh lao động công ích. Thông qua lao động giúp các em gắn bó với đời sống xã hội, ngoài ra còn cho các em hiểu thêm về giá trị lao động, từ đó giúp trẻ có ý thức lao động lành mạnh. Lao động công ích còn cho trẻ vận dụng kiến thức đã học vào đời sống như: trực nhật, vệ sinh lớp học, sân trường, làm đẹp bồn hoa, cây cảnh cho đẹp trường, đẹp lớp… Đây là một hoạt động cần thiết giúp cho các em thích nghi với cuộc sống xung quanh, sau này các em có rơi vào các hoàn cảnh nào của cuộc sống cũng vẫn có thể tồn tại được vì các em biết lao động chân chính…
Biện pháp 4.Tư vấn cho phụ huynh của học sinh :
Tổ chức họp phụ huynh học sinh vào đầu năm học, cuối học kì I và cả cuối năm học, thông báo đặc điểm tình hình của lớp, nêu tầm quan trọng của việc giáo dục đạo đức cho học sinh, tính cấp bách của vấn đề kĩ năng sống cho các em thông qua môn Đạo đức. Thống nhất với phụ huynh học sinh phương pháp giáo dục học sinh ở nhà. Phụ huynh có nhiệm vụ nhắc nhở con em mình thực hiện những hành vi đã học ở nhà theo từng bài và thời khóa biểu quy định.
Biện pháp 5. Kết hợp với Đội thiếu niên qua sinh hoạt sao nhi đồng:
Thông qua các chủ đề từng tháng, từng tuần của Đội thiếu niên mà giáo viên chủ nhiệm có những đề xuất với Đội về việc sinh hoạt sao của lớp theo từng nội dung học phù hợp và đạt hiệu quả cao. Từ đó thống nhất với phụ trách sao của lớp về nội dung, hình thức sinh hoạt để từng hành vi đạo đức được thực hành trong các tình huống cụ thể, gần gũi với cuộc sống của các em.
Ví dụ: Ở tuần 1, 2 của môn đạo đức lớp 2 có thể trao đổi cụ thể nội dung thực hành kĩ năng: Học tập, sinh hoạt đúng giờ với phụ trách sao để các em sinh hoạt và học tập cho các sao nhi đồng trong giờ sinh hoạt ở lớp.
Biện pháp 6. Rèn kĩ năng sống thường xuyên, liên tục:
Các kĩ năng sống mà giáo viên đã hình thành cho học sinh qua bài dạy phải được thực hành thường xuyên, liên tục vì các em ở lớp 2 rất chóng quên. Giáo viên cần chú ý đến từng việc làm, cử chỉ, lời nói của các em ở mọi lúc, mọi nơi, nhắc nhở các em thường xuyên và có thể kết hợp các kĩ năng đó vào các tiết học của các môn học khác để nó trở thành thói quen đạo đức…