Biện pháp 1: Giáo viên nêu gương, làm gương sáng
Giáo viên mầm non là người mẹ thứ hai của trẻ, việc làm, hành vi của giáo viên tác động trực tiếp trong nhận thức của trẻ. Trẻ bắt chước trong từng lời nói, hành động, nên nói và làm người giáo viên phải hết sức chú ý để tránh làm gương xấu cho trẻ. Tất cả những gì trẻ thấy sẽ được tái hiện lại qua lời nói cũng như hành động. Việc làm tốt cũng như gương sáng của giáo viên sẽ để lại dấu ấn đầu tiên trên đường đời.
Không chỉ đối với trẻ mà còn thể hiện qua giao tiếp với đồng nghiệp, với phụ huynh thì tác phong và lời nói, cử chỉ của giáo viên cũng làm trẻ bắt chước.
Ví dụ: Giáo viên yêu thương, chăm sóc trẻ tốt, nói lời dịu dàng thì trẻ củng sẽ học và tái hiện lại hành động yêu thương, chăm sóc đối với người thân của trẻ. Ngược lại, nếu giáo viên ngôn phong không chuẩn, những thái độ, hành vi nóng nảy, lời nói bất nhã trong giao tiếp với những người xung quanh, thì trẻ củng sẽ bắt chước học và áp dụng những lời nói tiêu cực ấy.
Do đó gương sáng của giáo viên ảnh hưởng không nhỏ trong việc hình thành thói quen ở trẻ, nên mỗi giáo viên cần quan tâm đến việc rèn luyện bản thân để nêu gương sáng cho trẻ.
Biện pháp 2: Biện pháp giúp giáo viên xác định những kỹ năng sống cơ bản cần dạy trẻ ở lứa tuổi mầm non:
Đối với tâm sinh lý trẻ em dưới sáu tuổi thì có nhiều kỹ năng quan trọng mà trẻ cần phải biết trước khi tập trung vào học văn hoá. Thực tế kết quả của nhiều nghiên cứu đều cho thấy các kỹ năng quan trọng nhất trẻ phải học vào thời gian đầu của năm học là chính là những kỹ năng sống như: sự hợp tác, tự kiểm soát, tính tự tin, tự lập, tò mò, khả năng thấu hiểu và giao tiếp. Việc xác định được các kỹ năng cơ bản phù hợp với lứa tuổi sẽ giúp giáo viên lựa chọn đúng những nội dung trọng tâm để dạy trẻ .
Kỹ năng giao tiếp: Đây là một kỹ năng cơ bản và khá quan trọng đối với trẻ vì thế giáo viên cần dạy trẻ biết thể hiện bản thân và diễn đạt ý tưởng của mình cho người khác hiểu khi cần thiết làm một việc gì đó. Nếu trẻ cảm thấy thoải mái khi nói về một ý tưởng hay chính kiến nào đó, trẻ sẽ trở nên dễ dàng học và sẽ sẵn sàng tiếp nhận những suy nghĩ mới. Đây chính là yếu tố cần thiết để giúp trẻ sẳn sàng học mọi thứ.
Kỹ năng sống hợp tác: Qua các câu chuyện, bài hát hoặc bài thơ… cô giáo cần dạy trẻ học cách làm việc cùng bạn, có sự hợp tác công việc mới thành công, qua đó trẻ biết sự chia sẻ, cảm thông với các bạn.
Ngoài ra, ở trường mần non giáo viên cần dạy trẻ nghi thức văn hóa trong ăn uống qua đó dạy trẻ kỹ năng lao động tự phục vụ, rèn tính tự lập như: Biết tự rửa tay sạch sẽ trước khi ăn, chỉ ăn uống tại bàn ăn, biết cách sử dụng những đồ dùng, vật dụng trong ăn uống một cách đúng đắn, ăn uống gọn gàng, không rơi vãi, nhai nhỏ nhẹ không gây tiếng ồn, ngậm miệng khi nhai thức ăn, biết mời trước khi ăn, cảm ơn sau khi ăn, biết tự dọn, cất đúng chỗ bát, chén, thìa … hoặc biết giúp người lớn dọn dẹp, ngồi ngay ngắn, ăn hết suất, không làm ảnh hưởng đến người xung quanh.
Biện pháp 3: Giáo viên luôn là người bạn thân của trẻ
Để hình thành thói quen giao tiếp có văn hóa cho trẻ người giáo viên còn phải là người bạn đáng tin cậy của trẻ, giúp trẻ trải lòng ra mà bộc lộ những suy nghĩ, cảm xúc, qua đó người giáo viên có thể điều chỉnh những biện pháp giáo dục cho phù hợp.
Ví dụ: Khi tôi tạo được sự gần gũi với trẻ, trẻ kể với tôi rằng “ Cô ơi! cạnh nhà con có một bạn ở dơ lắm, vì nhà bạn đó nghèo không có tiền mua quần áo mặc, nên bạn mặc hoài 1,2 bộ à! Bạn hôi lắm nên khi nào qua nhà con chơi con duổi bạn ấy về”. Nghe vậy tôi đã giải thích cho trẻ hiểu “Bạn ấy chỉ về nhà nghèo nên mới thế, nếu con củng ở hoàn cảnh như bạn và bị bạn bè xua đuổi thì con sẽ cảm thấy như thế nào”. Con sẽ buồn và tủi thân lắm đó, bởi vậy bữa nay con hãy chơi, nói chuyện cùng bạn đừng đuổi bạn nữa nhé. Nếu con có quần áo cũ nào đó mà không mặc nữa thì hãy xin phép mẹ được tặng bạn để bạn có thêm những bộ đồ thay đổi hằng ngày. Như vậy bạn sẽ rất vui và biết ơn con và ngược lại con sẽ có thêm một người bạn mới và được làm một việc tốt.
Đó chính là hiệu quả của việc gần gũi trẻ đúng lúc, và hình thành cho trẻ thói quen tốt. Vì thế tạo mối quan hệ tốt cho trẻ là một điều rất quan trọng trong việc giáo dục văn hóa giao tiếp nơi trẻ, hình thành những bài học đạo đức đầu tiên cho trẻ.
Biện pháp 4: Thông qua hệ thống câu chuyện, bài thơ, bài hát dành cho trẻ mầm non
Với trẻ mầm non thì những lời thơ, câu hát, truyện kể được xem như chiếc nôi thứ hai của trẻ. Trẻ đi vào thế giới của cảm xúc, của ước mơ, của thế giới thần tiên. Chính thế giới ấy sẽ hình thành nơi trẻ những cảm xúc tình cảm thật dạt dào. Trẻ vui buồn với những nhân vật trong lời thơ, truyện kể và học hỏi rất nhiều từ những hành động, lời nói giao tiếp văn hóa của các nhân vật ấy.
Giúp trẻ phân biệt được các hành vi đúng sai, tốt xấu…từ những nhân vật trong truyện.
(Chỉ số 56: Nhận xét, biết được hành vi đúng sai…nằm trong chuẩn 12: Trẻ co hành vi thích ứng trong ứng xử xã hội) Biết nhận lỗi khi àm sai, biết cám ơn, chào hỏi lễ phép, biết đưa và nhận bằng hai tay với người lớn. (Chỉ số 54 Biết nhận lỗi…nhận bằng hai tay với người lớn nằm trong chuẩn 12: Trẻ có hành vi thích hợp trong ứng xử xã hội)
Ví dụ: Với câu chuyện cô giáo “Hươu sao”, thông qua các nhân vật: Mèo xám, chó đốm, thỏ trắng…Tôi giáo dục trẻ về việc khi chơi với bạn, vô ý làm bạn đau bạn khóc thì phải biết xin lỗi bạn và lần sau không xô đẩy, tranh giành với bạn nữa để trở thành những người bạn tốt của nhau
Chính những hành vi của các nhân vật sẽ ghi dấu ấn trong tâm hồn trẻ, trẻ sẽ sống mãi với nhân vật của mình. Do đó để giúp trẻ nhớ và hình thành những điều hay lẽ phải thì không gì hay hơn những câu chuyện lời thơ, các nhân vật trong truyện để giáo dục trẻ. Trẻ sẽ được khắc ghi rất sâu và rất khó quên.
Ví dụ: Giáo dục trẻ thói quen chào hỏi khi đi học về. Dạy trẻ thông qua bài hát “Con cò bé bé” khi đi biết xin phép, khi về biết chào hỏi.
Tăng cường kể cho trẻ nghe các câu chuyện cổ tích qua đó rèn luyện đạo đức cho trẻ, giúp trẻ hoàn thiện mình, biết đọc sách, dạy trẻ yêu thương bạn bè, yêu thương con người. Tạo hứng thú cho trẻ nhỏ qua các truyện bằng tranh tùy theo lứa tuổi, gợi mở tính tò mò, ham học hỏi, phát triển khả năng thấu hiểu ở trẻ.
Ví dụ: Khi kể chuyện “ Ba cô gái” giáo viên đặt những câu hỏi gợi mở như: Nếu là con khi hay tin mẹ bị ốm, con sẽ làm gì? gợi mở tính tò mò thay đổi đoạn kết của truyện có hậu hơn, đặt tên khác cho câu chuyện v,v….
Biện pháp 5: Thông qua các giờ hoạt động
Mỗi đứa trẻ khi đến trường đều thích được học, được vui chơi trong các giờ hoạt động và hoạt độngh ọc có chủ đích giữ vai trò quan trọng, bởi vì thông qua giờ học của trẻ tại lớp người giáo viên phải quan sát và bao quát trẻ, ghi nhận lại những hành vi giao tiếp của trẻ, những thái độ của trẻ đối với môi trường xung quanh, với bạn bè, cô giáo trong lớp như: Trong giờ học cô giáo dạy trẻ, cung cấp kiến thức cho trẻ biết, sau đó cô trò chuyện, đàn thoại, dặt câu hỏi nhằm giúp trẻ phát huy khả năng tư duy, sáng tạo và đặc biệt là thông qua giờ học giáo viên ghi nhận lại khả năng giao tiếp của trẻ xem trẻ có biết thể hiện những lời nói có văn hóa hay những hành vi có văn hóa của trẻ thông qua giờ học hay không?
Ví dụ: Cách trả lời của trẻ có biết dạ thưa, hay nói trống không, nói leo khi cô hỏi.
Trẻ có biết cùng hợp tác với bạn để thực hiện bài tập của cô giáo không? Hay trẻ chỉ biết giành giật , xô đẩy nhau..
Bên cạnh hoạt động học có chủ đích thì hoạt động góc luôn giữ một vai trò chủ đạo, vì thông qua hoạt động góc giáo viên biết cần phải cho trẻ chơi cái gì? Chơi như thế nào để đem lại kiến thức phục vụ cho hoạt động học phục vụ cho sự phát triển tư duy, thể chất, tình cảm – xã hội và ngôn ngữ của trẻ, củng như hiểu biết kiến thức về thế giới xung quanh và có một điều rất quan trọng là thông qua hoạt động góc là hoạt động mà giữa các trẻ tự chơi với nhau và đóng vai như một xã hội thu nhỏ, vì thế giáo viên cần hướng trẻ đến việc giao tiếp có văn hóa với các bạn trong lớp (Biết xưng tên, gọi bạn, xưng hô phù hợp với vai chơi, trao đổi nhẹ nhàng với bạn…). Muốn trẻ phát triển tốt thì cô giáo phải là người thể hiện tốt nhiệm vụ của mình, luôn linh động, sáng tạo giúp trẻ thông qua “Chơi mà học, học mà chơi”. Chính trong quá trình hoạt động góc tại lớp giáo viên mới quan sát, ghi nhận được những thái độ, hành vi chơi của trẻ, không phải đứa trẻ nào cũng chơi ngoan, chơi tốt và có sự hợp tác với bạn khi chơi. Có những đứa trẻ thích tranh giàng đồ chơi với bạn hoặc có những đứa trẻ không có sự kiên nhẫn khi ngồi chơi những trò chơi mang tính chất kiên trì nhẫn nại, hay những đứa trẻ thường nói chuyện xưng mày, tao với bạn, điều đó sẽ không tốt nếu giáo viên không phát hiện ra những thói quen, hành động và thái độ tiêu cực của trẻ. Vì vậy đòi hỏi giáo viên phải tổ chức hoạt động vui chơi sáng tạo thường xuyên để có thể rèn luyện cho trẻ một số kỹ năng giống như:
Kỹ năng hoạt động theo nhóm (Có sự thỏa thuận, hợp tác giữa các bạn khi chơi, hay kỹ năng giao tiếp với bạn, biết xưng tên, gọi bạn…) Chuẩn 11 : Trẻ thể hiện sự hợp tác với bạn.
Kỹ năng trao đổi, trò chuyện trong giờ chơi, thảo luận nói chuyện vừa đủ nghe không gây ồn ào trong giờ chơi. (chỉ số 49: Trao đổi ý kiến của mình với bạn) Giáo dục trẻ biết nhường nhịn khi chơi hay khi chơi xong trẻ phải biết cất dọn đồ chơi, đồ dùng đúng nơi quy định, ngăn nắp, gọn gàng. Giáo viên phải ghi nhận những việc xảy ra thường xuyên của trẻ để có những định hướng và giáo dục trẻ tốt hơn, có những hành vi giao tiếp có văn hóa, giúp trẻ có kỹ năng sống tốt.
Thông qua hoạt động vui chơi ngoài trời đứa trẻ được chơi, được học và khám phá thế giới xung quanh một cách hứng thú và tích cực. Nhưng cũng từ đó trẻ được khám phá tích cực như vậy nên giáo viên cần dạy cho trẻ biết được nhiều kỹ năng sống cho trẻ như vui chơi ngoài trời như: “khi chơi với bạn không gây gổ, không xô đẩy bạn khi chơi, biết chia sẽ và nhường nhin bạn khi chơi, biết chăm sóc cây như tưới cây, lau lá cây, nhặt lá vàng úa trên cây…(chỉ số 39: Thích chăm sóc cây cối)
Bên cạnh đó là giáo viên mầm non chúng ta cần phải quan tâm đến những thái độ và cảm xúc của trẻ khi được hoạt động, được vui chơi ngoài trời, ngay lúc này đây giáo viên cũng cần phải quan sát và ghi nhận được những biểu hiện của trẻ đối với thế giới xung quanh từ đó có những biện pháp thích hợp dạy trẻ, dạy những kỹ năng sống cơ bản như biết bảo vệ môi trường, nhặt rác bỏ vào thùng, nhặt lá cây, quét sân trường…
(chỉ số 57: Có hành vi bảo vệ môi trường trong sinh hoath hằng ngày nằm trong chuẩn 12)
Điều này sẽ tạo một thói quen tốt cho trẻ, hoạt động vui chơi ngoài trời giúp trẻ mạnh dạn tự tin, và phát triển ngôn ngữ, khả năng giao tiếp với cô và bạn khi chơi. Bên cạnh đó chúng ta còn giáo dục được kỹ năng chào hỏi cô giáo và người lạ khi trẻ gặp.
Biện pháp 6: Tìm hiểu đặc điểm tâm sinh lý của từng trẻ
Qua quá trình giảng dạy cũng một phần nào giúp chúng ta nắm được đặc điểm tâm sinh lý của từng trẻ, ứng với mỗi đứa trẻ có những biện pháp giáo dục khác nhau.
Ví dụ: Trẻ A hay chửi bạn, nhưng tôi biết được trẻ này rất thích được nói chuyện với cô và thích được cô quan tâm và biết phân biệt đúng sai. Dựa vào điều kiện ấy tôi sẽ phân tích, nói cho trẻ hiểu điều đó không đúng và không được làm, nếu con còn hay chữi bạn nữa và nói chuyện xưng mày-tao với bạn nữa thì cô sẽ không nói chuyện với con. Còn nếu con biết thương bạn, giúp bạn thì cô và các bạn cũng rất thương con và thích chơi với con. Từ đó trẻ bỏ dần thói quen chửi bạn ngược lại trẻ biết yêu thương và chia sẽ với bạn hơn.
Việc nắm bắt đặc điểm tâm sinh lý mỗi trẻ sẽ giúp chúng ta khắc phục và kịp thời uốn nắng trẻ hiệu quả hơn. Chúng ta cần hạn chế la mắng trẻ khi trẻ phạm lỗi, nhưng trước hết cần tìm hiểu nguyên nhân tại sao trẻ làm điều đó. Khi biết rõ nguyên nhân ta nên kết hợp với cá tính mỗi trẻ để giáo dục trẻ, dạy trẻ cách ứng xử, những hành vi sao cho có văn hóa.
Biện pháp 7: Phối hợp với phụ huynh
Thành công trong việc giáo dục trẻ nói chung và hình thành hành vi giao tiếp có văn hóa nơi trẻ nói riêng không thể thiếu sự hỗ trợ, phối hợp với phụ huynh. Bởi cái nôi nuôi dưỡng trẻ chính là gia đình. Người giáo viên cần trao đổi với phụ huynh giúp phụ huynh hiểu được tầm quan trọng trong việc hình thành hành vi giao tiếp có văn hóa nơi trẻ để có sự phối hợp nhịp nhàng, thống nhất giữa giáo viên và phụ huynh giúp trẻ phát triển toàn diện về nhân cách.
Thông qua việc dán bản tin tuyên truyền những bài học lễ giáo, hành vi văn minh nơi công cộng, cách ứng xử đối với trẻ để phụ huynh tham khảo và tích lũy kinh nghiệm.
Phối hợp với phụ huynh trong việc giúp trẻ tự phục vụ bản thân tại gia đình, động viên phụ huynh không làm thay trẻ, tránh hình thành ở trẻ tính ỷ lại, nhút nhát, đồng thời quan tâm đến môi trường, những người trẻ thường xuyên tiếp xúc tại nhà để trẻ không tiếp thu những lời nói, hành vi không tốt.
Ví dụ: Dạy trẻ có thói quen chào khách, chào ông bà, cha mẹ, người lớn khi đi cũng như khi về đến nhà.
Có thể thấy, trẻ thường dễ dàng kết bạn khi chơi theo đôi bạn trong môi trường của riêng chúng hơn là chơi trong một nhóm bạn tại trường. Nhiều giáo viên thấy rằng, một số trẻ có khó khăn trong việc kết bạn hoặc chia sẻ với bạn theo nhóm lớn, lại có thể hình thành mối liên kết thân thiết với bạn mới trong môi trường gia đình của trẻ. Cha mẹ có thể giúp trẻ phát triển kỹ năng cảm xúc và xã hội bằng cách tạo ra các mối liên kết bạn bè tại gia đình. Cha mẹ hãy hỏi trẻ muốn mời ai về nhà chơi? Mối quan hệ này được trẻ duy trì khi đến trường, khi có được mối liên kết với một trẻ nào đó trong lớp, các mối quan hệ khác sẽ hình thành tiếp theo một cách dễ dàng hơn.
Trao đổi với phụ huynh về cách ứng xử của các thành viên trong gia đình, về nề nếp, thói quen giao tiếp để trẻ học cách giao tiếp, cách ứng xử trong gia đình. Tránh cư xử bạo hành giữa các thành viên trong gia đình.
Ví dụ: Cha mẹ không bạo hành với nhau, không nói những lời lẽ không hay trước mặt trẻ, hoặc khi có lỗi phải biết nhận lỗi với trẻ…Qua đó sẽ làm cho trẻ mạnh dạn nhận lỗi và sửa sai trong cuộc sống hằng ngày.