1. Lừa đảo thông qua livestream
Tính năng livestream cho phép người dùng trực tiếp các sự kiện ra mắt sản phẩm, âm nhạc hoặc các chuyến đi chơi với bạn bè. Xét về mặt ưu điểm, livestream giúp xóa nhòa khoảng cách giữa nhiều người theo thời gian thực, dễ dàng trao đổi công việc… Tuy nhiên, một số người đã lợi dụng tính năng này để truyền bá nội dung độc hại, đánh bạc trực tuyến hoặc ăn cắp tài khoản Facebook của người khác.
Khi truy cập Facebook, không khó để tìm thấy các video livestream có chứa hình ảnh nhạy cảm. Thường thì phần nội dung sẽ chỉ có vài dòng gợi mở và một đường link rút gọn bên dưới để dụ dỗ người xem nhấp vào. Nếu nhấn vào, bạn sẽ được chuyển ngay đến một trang đăng nhập Facebook giả mạo với giao diện y hệt trang “chính chủ”, tuy nhiên dòng địa chỉ lại hoàn toàn lạ hoắc. Nếu nhẹ dạ mà đăng nhập, ngay lập tức tài khoản của bạn sẽ bị kẻ gian chiếm đoạt và sử dụng cho nhiều mục đích xấu như đi spam người khác, ăn cắp thông tin cá nhân hoặc bán tài khoản của bạn.
Theo ghi nhận, việc mua bán tài khoản Facebook trên Internet diễn ra rất nhộn nhịp, một tài khoản Facebook mới lập sẽ có giá khoảng 1.500 đồng, ngược lại, những tài khoản nào có nhiều bạn bè sẽ có giá cao hơn, từ 3.000 đồng trở lên.
Nhìn chung, kiểu lừa đảo dạng này không phải là mới, duy chỉ có cách tiếp cận và gợi mở là khác nhau. Thực tế, trên Facebook còn rất nhiều hình thức lừa đảo khác như đăng tải các bài viết giật gân, gây sốc để dụ bạn nhấp vào. Đăng bán sản phẩm với mức giá “rẻ như cho”, người dùng chỉ cần like fanpage, share bài viết và để lại thông tin cá nhân để được mua sản phẩm.
Chỉ trong thời gian ngắn, các fanpage lừa đảo này sẽ có một lượng like nhất định. Khi đạt được mục đích, họ sẽ đổi tên fanpage và bán cho những người có nhu cầu với giá vài triệu đồng. Các thông tin cá nhân ban đầu sẽ được bán lại cho các bên thứ ba như bảo hiểm, nhà đất…
2. Xem tin nhắn Facebook người khác mà không cần mật khẩu?
Mới đây trên Facebook còn xuất hiện chiêu trò xem tin nhắn người khác mà không cần biết mật khẩu. Để sử dụng được, bạn cần phải đăng ký tài khoản với giá 150.000 đồng/năm bằng thẻ cào điện thoại.
Nếu làm theo, các thông tin cá nhân như số điện thoại, địa chỉ email và mã thẻ cào sẽ bị người khác chiếm đoạt. Tương tự như vậy, khi nhấp vào xem các tính năng khác Xem trộm tin nhắn Zalo, Mở khóa tài khoản trên trang web, bạn sẽ nhận được yêu cầu đăng nhập bằng tài khoản Facebook?!
Làm thế nào để phát hiện các chiêu trò lừa đảo?
– Trước khi nhấp vào xem, bạn hãy rê chuột lên bài viết để xem dòng địa chỉ thật sự ở góc trái bên dưới. Nếu cảm thấy đáng ngờ, bạn nên bỏ qua và báo cáo với Facebook.
– Kiểm tra mức độ an toàn của liên kết bằng cách truy cập địa chỉ https://www.virustotal.com/, dán link cần kiểm tra và bắt đầu quét.
– Nếu đã lỡ làm đăng nhập vào trang Facebook giả mạo, bạn hãy ngay lập tức đổi mật khẩu tại https://goo.gl/FJtI2, đồng thời kích hoạt tính năng bảo mật hai lớp trong phần Use two-factor authentication (sử dụng xác thực hai yếu tố) ở ngay bên dưới.
Theo Kỷ Nguyên Số