Những kinh nghiệm hay về giáo dục học sinh ý thức bảo vệ môi trường

Thứ nhất:  Tuyên truyền nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của môi trường  đối với cuộc sống con người.

        Để việc  giáo  dục ý  thức bảo vệ môi trường cho các em đạt  hiệu quả, công tác tuyên truyền  là một yếu tố nhằm nâng cao sự hiểu biết về  tầm quan trọng của môi trường  đối với cuộc sống con người và sinh vật,  cũng như ý thức tham gia bảo vệ môi trường của các em học sinh. Căn cứ vào các văn bản hướng dẫn của các cấp, các ngành về bảo vệ môi trường, tôi sưu tầm thêm tài liệu, tranh ảnh  có nội dung về chủ đề  môi trường để tuyên truyền đến tất cả  các em học sinh. Công tác tuyên truyền được thực hiện bằng nhiều hình thức như:  tuyên truyền thông qua các buổi sinh hoạt 15 phút đầu giờ, thông qua các tiết sinh hoạt tập thể, sinh hoạt lớp, các  hoạt động ngoài giờ lên lớp,  tôi phổ biến các văn bản hướng dẫn về bảo vệ môi trường, giới thiệu tài liệu  và  một số bức ảnh chụp  về chủ đề  môi trường đã sưu tầm được đến  tất cả  các em học sinh, cụ thể như: Nạn vứt rác bừa bãi làm ô nhiễm môi trường, xả nước thải sinh hoạt,  nước thải  trong các nhà máy chưa  qua xử lý xuống nguồn nước làm ô nhiễm nguồn nước, trồng cây xanh để giữ  cho môi  trường   luôn trong lành,  dọn vệ  sinh nơi công cộng để  bảo  vệ môi trường…vv  

Thứ hai:  Giáo dục học sinh ý thức  giữ gìn vệ sinh lớp học

      Lớp học là ngôi nhà thứ hai của các em, hằng ngày đến lớp các em  như được sống trong ngôi nhà thân yêu của mình. Song để  lớp học luôn sạch – đẹp, tôi thường xuyên tổ chức cho các em  tham gia các hoạt động   giữ gìn vệ sinh lớp học bằng  các hình thức như: trang trí lớp học phù hợp với không gian của lớp để tạo một không gian thoáng mát, sạch, đẹp;  quét lớp, lau bàn ghế, sắp xếp bàn ghế gọn gàng, ngăn nắp. Ngoài ra, tôi còn đặt một sọt rác ở phía cuối góc lớp  để  các em khi nhìn thấy những mẩu giấy loại, rác trong lớp học, các em sẽ tự tay nhặt và bỏ vào  sọt rác rồi  đổ rác đúng nơi quy định.

      Phân công các  tổ  làm trực nhật lớp hàng ngày để tạo cho các em thói quen tham gia lao động giữ gìn vệ sinh lớp học. Đồng thời  phân công cho các tổ chăm sóc  cây xanh, bồn hoa   trước phòng học của lớp để tạo không gian “xanh” bên ngoài lớp học,  và giúp các em có  ý thức bảo vệ môi trường.

       Song để việc giáo  dục ý thức giữ gìn vệ sinh lớp học cho học sinh đạt hiệu quả, thì công tác kiểm tra  theo dõi cũng phải thực hiện thường xuyên và bằng hình thức  theo dõi việc thực  hiện của từng học sinh,  của các tổ  vào đầu giờ mỗi buổi học, và  mỗi giờ ra chơi do các tổ trưởng và  ban  cán sự lớp  kiểm tra. Qua kết quả kiểm tra việc  giữ gìn vệ sinh lớp học sẽ  có những cơ sở để đánh giá việc thực hiện của học sinh, đồng thời làm cơ sở để đưa vào một trong những tiêu chí  xếp loại  thi đua  cuối  năm học. Qua theo dõi, bản thân tôi và ban cán sự lớp đã phát hiện ra gương người tốt,  việc tốt trong việc  tham gia  giữ gìn vệ sinh lớp học  và bảo vệ môi trường (BVMT).

Thứ ba  Giáo dục học sinh ý thức  giữ gìn  quang cảnh  trường học.

          Sân trường là nơi diễn ra các hoạt động  vui chơi, giải trí, các hoạt động ngoại khóa  của các em. Xung quanh sân trường và trước  các lớp học có trồng các bồn hoa, hệ thống cây xanh.  Song để giữ gìn  quang cảnh  trường học luôn sạch  đẹp;  bản thân tôi thường xuyên  nhắc nhở và tổ chức cho học sinh  tham gia  lao động vệ sinh sân trường như: tham gia  quét dọn  sân trường;  lượm giấy vụn, rác vào giờ ra chơi từ 5-10 phút theo kế hoạch của giáo viên  phụ trách lao động.

         Không những thế, đầu  năm học lớp  tôi được giáo viên  phụ trách lao động giao nhiệm vụ chăm sóc hai cây xanh trước phòng  thư viện của nhà trường.  Hằng ngày, tôi nhắc nhở các em tưới nước cho  cây   để tạo    không gian “ xanh” trong không viên trường học.  Ngoài  ra, vào  tiết  sinh hoạt  15 phút đầu giờ,  tôi còn  quán triệt đến tất cả các em học sinh trong lớp  thực hiện  tốt việc nhặt giấy loại, rác trong sân trường bỏ vào sọt rác công cộng của nhà trường ở mỗi dãy phòng học, đồng thời  không vứt rác bừa bãi; không leo trèo, bẻ phá cành  cây…vv

         Chỉ trong một thời gian ngắn, các em học sinh đã ý thức được việc bảo vệ môi trường và có thói quen tham gia các hoạt động để giữ gìn vệ sinh sân trường luôn sạch sẽ. Hàng  ngày, các em đều thay phiên nhau tưới nước, chăm sóc những cây xanh  trước  lớp học và hai cây xanh trước phòng  thư viện; mỗi khi nhìn thấy những mẫu giấy loại  trong sân trường các em đều tự tay nhặt và  bỏ vào thùng rác của nhà trường; tích cực tham gia các buổi lao động  dọn vệ sinh sân trường theo kế hoạch của giáo  viên phụ trách lao động.

      Để thực hiện tốt việc giữ gìn vệ sinh khuôn viên trường học, cứ đến thứ sáu hàng tuần, vào buổi sinh hoạt lớp, tôi luôn  biểu dương  những học sinh có ý thức tham gia giữ gìn vệ sinh trường lớp sạch sẽ, có ý thức bảo vệ môi trường;  ngoài ra, tôi  còn nhắc nhở một số em học  sinh chưa thực hiện tốt để các em cố gắng tham gia thực hiện tốt  hơn trong thời gian tới.

     Việc giữ gìn vệ sinh sân trường, chăm sóc cây xanh đã  làm cho quang cảnh trường học thêm “xanh- sạch- đẹp”, tạo môi trường học đường thân thiện.        

Thứ tư:    Giáo dục học sinh ý thức giữ gìn  vệ sinh nguồn nước

          Nước có vai trò quan trọng đối với đời sống con người và sinh vật, nước không những  sử dụng để ăn, uống, tắm, giặt  và  sinh hoạt hàng ngày, mà nước còn được dùng trong   sản xuất công nghiệp và nông nghiệp. Thế nhưng hiện nay nguồn nước cũng bị ô nhiễm do  con người xả rác, nước thải sinh hoạt,  nước thải  trong các nhà máy không qua xử lý xuống nguồn nước…vv. Để giữ vệ sinh nguồn nước, tôi đã hướng dẫn, nhắc nhở các em phải có ý thức giữ gìn vệ sinh nguồn nước ở nhà, ở trường và ở nơi công cộng.

          Đối với nguồn nước ở  trường,  nhà trường đã xây bể nước và lắp đặt  hệ thống vòi nước rồi  bơm nước từ giếng lên để phục vụ các em  rửa tay, chân sau mỗi buổi lao động,  sau  giờ ra chơi, và dùng  để  tưới hoa, tưới cây, lau nền phòng học của các lớp…vv  Song để giữ gìn  vệ sinh nguồn nước ở trường,  tôi  đã quán triệt tất cả các em  không tự ý xả nước khi không cần thiết, không giẫm lên vòi nước, không vứt rác vào bể nước và khu vực ngoài bể nước, đồng thời phải khóa vòi nước  mỗi khi dùng xong.

          Song để tạo cho các em thói quen giữ gìn  vệ sinh nguồn nước, tôi phân công các tổ trưởng  cùng  ban cán sự lớp  theo dõi học sinh trong lớp mỗi khi các em  lấy nước  để sử dụng, qua đó sẽ phát hiện ra những học sinh chưa có ý thức tham gia giữ gìn  vệ sinh nguồn nước để kịp thời nhắc nhở, uốn nắn  giúp các em thực hiện tốt hơn  trong thời gian tới.

Thứ năm:  Giáo dục học sinh ý thức giữ  gìn  khu vực nhà vệ sinh

          Nhà trường đã xây dựng khu vệ sinh dành riêng  cho giáo  viên và học sinh. Song để giữ gìn  khu vực nhà vệ sinh, vào mỗi buổi sinh hoạt 15 phút

đầu giờ, tôi luôn nhắc nhở các  em  phải đi vệ sinh  đúng nơi quy định, đi vào khu vực nhà vệ sinh dành cho các em học sinh. Nhắc nhở  các em không nên bôi bẩn, vẽ bậy lên tường nhà vệ sinh;  dội nước sạch sẽ   sau mỗi lần đi đại tiện, tiểu tiện; luôn  nhắc nhở các em rửa tay sạch sẽ sau mỗi lần đi vệ sinh để giữ vệ sinh cá nhân  sạch sẽ. Không những thế, tôi còn đưa ra biện pháp  nhằm khuyến khích các em tham gia vào việc giữ gìn khu vực nhà vệ sinh,  bằng cách nếu học sinh nào nhìn thấy các  bạn trong lớp hoặc các bạn ở lớp khác đi vệ sinh  không đúng nơi quy định thì báo cho giáo  viên chủ nhiệm hoặc báo cho giáo viên TPT Đội để có biện pháp giáo dục các em thực hiện tốt hơn. 

          Với cách làm này  đã rèn cho  các em học sinh  thói quen đi vệ sinh đúng nơi quy định, vì vậy mà   không còn tình trạng các em đi vệ sinh  bừa bãi.

Thứ sáu:    Giáo dục học sinh ý thức giữ gìn vệ sinh nhà ở.

          Ngôi nhà là nơi các em và người thân các em sống, làm việc và sinh hoạt hằng ngày, ngôi nhà còn là nơi  các em quây quần, sum họp  bên gia đình  sau những buổi  học tập vất vả. Thế nhưng  để các em có những giờ phút quây quần vui vẻ bên gia đình  thì ngôi nhà của các em phải luôn sạch sẽ, gọn gàng, ngăn nắp. Ông cha ta thường nói “Nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm”. Song để   giáo dục các em ý thức  giữ gìn vệ sinh nhà ở,  tôi đã  tiếp xúc và trò chuyện cùng với  học sinh của lớp để tìm hiểu lối sống, và điều kiện hoàn cảnh của gia  đình các em. Qua tiếp xúc và trò chuyện cùng với  học sinh, tôi được biết có nhiều em do điều kiện gia đình quá khó khăn, đông anh chị  em,  nhà ở chật hẹp. Vì vậy, tôi đã  nhắc nhở  các em nên dọn dẹp nhà  ở  sạch sẽ, sắp xếp đồ đạc trong nhà  gọn gàng, ngăn nắp, đồng thời trang trí nhà ở sao cho phù  hợp với không gian của ngôi nhà để tạo một không gian thoáng mát, đẹp đẽ.

         Từ những việc làm  thiết thực đã  góp phần giáo dục các em ý thức giữ gìn vệ sinh nhà ở, ý thức bảo vệ môi trường.

Thứ bảy: giáo dục học sinh ý thức giữ gìn vệ sinh nơi công cộng:

        Ở những nơi công cộng như: trường học, bệnh viện, các trụ sở cơ quan, các khu du lịch, những nơi diễn ra  các các lễ hội …vv là nơi có nhiều người người tham gia. Chính vì vậy mà việc giữ gìn vệ sinh nơi công cộng không phải dễ dàng, bởi ở những nơi này có nhiều đối tượng khác nhau. Đặc biệt là các em học sinh tiểu học, các em chưa ý thức được việc  giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, vì thế  tôi luôn nhắc nhở các em  khi đến những nơi công cộng, các em phải giữ gìn vệ sinh nơi công cộng  như: không được vứt rác bừa bãi, không leo trèo, bẻ phá cành cây, không làm ồn ào nơi công   cộng,  đi vệ sinh đúng nơi quy định, …vv, ngoài ra tôi còn nhắc nhở  các em tham gia các hoạt động để giữ gìn vệ sinh nơi công cộng,  góp phần bảo vệ môi trường,  tạo môi trường trong sạch, an toàn, lành mạnh.

Thứ tám:   Giáo  dục học sinh  ý thức bảo vệ môi trường thông qua hoạt động ngoài giờ lên lớp, ngoại khóa.

          Khi tổ chức  hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp (GDNGLL), hoạt động ngoại  khóa, ngoài  những hoạt động: VHVN-TDTT,  vui chơi giải trí  được tổ chức theo các chủ đề chủ điểm…vv, tôi còn tổ chức nhiều  hội thi cho các em tham gia, trong đó tổ chức  một số hội thi có nội dung về chủ đề  môi trường, với  hình thức tổ chức  đa dạng, nội dung phong phú và phù hợp với lứa tuổi các em học sinh cuả lớp. Cụ thể như:  thi  tìm  hiểu  về  môi trường;  vẽ tranh về chủ đề môi  trường…vv. Điển hình  là  cuộc thi  vẽ  tranh Vì một  môi trường thân thiện, đã tạo một sân chơi lành mạnh, bổ ích cho các em  tham gia, qua đó không những phát hiện và bồi dưỡng  năng khiếu hội hoạ cho  các em,  mà còn giáo dục các em ý thức  bảo vệ môi trường. Qua hội thi, các em đã thể  hiện được  ý tưởng trong tranh của mình như:

– Giữ gìn môi  trường “ Xanh – Sạch – Đẹp”.

– Tuyên truyền và vận động mọi người tham gia bảo vệ môi trường.

– Phê bình, lên  án  những hành động không có ý thức bảo vệ môi trường.

– Ước mơ của em về một môi trường trong sạch, an toàn và lành mạnh trong  tương lai.

Qua hội thi đã  chọn  ra  một số tranh vẽ có ý tưởng về bảo  vệ môi trường để trưng bày tại phòng học của lớp nhằm  tuyên truyền đến  các em  về tầm  quan trọng của  môi trường đối với cuộc sống con người và sinh vật. Qua đó các em hiểu  được bảo vệ môi trường không phải là trách nhiệm của  riêng ai, mà là của toàn Đảng, toàn dân, của tất cả mọi người. Do vậy tất  cả mọi người phải tham gia bảo vệ môi trường, để tạo môi trường “Xanh, sạch, đẹp”; tạo không khí  trong lành, từ đó các em có  ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường.

Không những thế, trong  các tiết học thuộc môn Tự nhiên và xã hội lớp 3, các bài giảng về vệ sinh môi trường ( bài 36, bài 37 và bài 38, từ trang 68 đến trang 73  SGK Tự nhiên và xã hội lớp 3), tôi còn lồng ghép thêm một số  hình ảnh đã sưu tầm được về chủ đề môi trường   giới thiệu để  các em được theo dõi, từ đó giáo dục các em nêu cao ý thức bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng môi trường trong lành, thân thiện.

Thứ chín: Giáo  dục  học sinh ý thức bảo vệ môi trường thông qua   phong trào “Kế hoạch nhỏ”

         Thực hiện  chương trình công tác Đội TNTP của liên đội cùng với việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho các em học sinh, tôi đã  triển khai phong  trào “ Kế hoạch nhỏ” đến   tất  cả các em học sinh với hình thức thu gom giấy loại, phế liệu. Sau khi  phát  động phong trào, tất cả các  em  học sinh đều hăng hái tham gia thu gom giấy loại với  nhiều hình thức;  cụ thể như: thu gom giấy loại từ các buổi trực nhật lớp, từ sân trường, ở nhà và xung quanh khu vực các em ở.  Những việc làm của các em tuy nhỏ nhưng   có ý nghĩa thiết thực không những giáo dục các em ý thức đoàn kết, giúp đỡ nhau vượt khó vươn lên  trong học tập, trong sinh hoạt; trong cuộc sống hàng ngày  mà  còn giáo dục các em ý thức bảo vệ môi trường  ở mọi lúc, mọi nơi.

Copyright 2019 © Kinh nghiệm dạy học | Thiết kế bởi Web Bách Thắng