Những kinh nghiệm quý trong công tác chủ nhiệm lớp

     1. Làm tốt công tác nhận lớp: Những năm trước đây trường chúng tôi chỉ thực hiện công tác bàn giao lớp  là giáo viên cũ giao sổ chủ nhiệm cho giáo viên mới, giáo viên chủ nhiệm mới không nắm cụ thể hoàn cảnh, tình hình từng đối tượng học sinh nên kết quả rèn luyện và học tập của lớp đạt không cao. Chính vì thế ,ngay từ đầu năm học, khi nhận lớp, tôi tiến hành tìm hiểu hoàn cảnh gia đình học sinh, đạo đức học sinh, học tập, sức khỏe, sở trường, năng khiếu của từng học sinh từ các cô mẫu giáo cũ ở lớp mẫu giáo. Từ đó có định hướng giúp đỡ từng em theo yêu cầu riêng.

       2. Công tác ổn định lớp: Qua công tác tìm hiểu từ các cô giáo chủ nhiệm lớp mẫu giáo, tôi nắm bắt được tình hình cụ thể học sinh, nên tôi ổn định lớp vào đầu năm học mới tốt hơn.

    Cụ thể:  Bầu ban cán sự lớp là những đối tượng học sinh năng động, mạnh dạn, uy tín được tập thể lớp nhất trí cao, biên chế cán sự lớp gồm: Một lớp trưởng, một lớp phó học tập, một lớp phó lao động, một lớp phó văn thể. Chia lớp thành 3 tổ và bầu 3 tổ trưởng . Tôi đưa ngay các em vào một nề nếp, một kỉ luật chặt chẽ như xếp chỗ ngồi ,học sinh khá ngồi kèm học sinh yếu.

    3. Phổ biến thực hiện nội quy Sao:

  NỘI QUY

1/ Lễ phép, vâng lời thầy cô, người lớn tuổi…

2/ Phấn đấu rèn luyện trở thành con ngoan ,trò giỏi ,cháu ngoan Bác Hồ.

3/ Thực hiện ba không:

   – Không ăn quà vặt.

   – Không nói tục ,chửi thề.

   – Không gây gổ đánh nhau.

4/ Ăn mặc đồng phục, gọn gàng sạch sẽ khi đến trường.

5/ Đi học chuyên cần, đúng giờ. Nghỉ học phải có giấy xin phép của phụ huynh.

6/ Phải trật tự nghe giảng bài, học và làm bài trước khi đến lớp.

7/ Giữ gìn vở sạch chữ đẹp.

8/ Biết bảo vệ giữ gìn cơ sở vật chất của trường ,lớp.

9/ Trồng và chăm sóc cây xanh. Giữ gìn vệ sinh cá nhân ,trường ,lớp sạch sẽ.

10/ Tham gia đầy đủ tích cực và hiệu quả các hoạt động do Đội, trường, lớp tổ chức.

11/ Thực hiện đầy đủ các quy định của nhà trường và xã hội. Chấp hành tốt luât lệ an toàn giao thông….

        4. Giáo dục nhân cách , ý thức học sinh: Trước khi đến lớp phải thuộc bài , làm bài đầy đủ. Chấp hành mọi yêu cầu đề ra của giáo viên ,của Đội, của trường.

       Cụ thể: Giáo viên phải chăm lo đến hoạt động học tập của học sinh như giáo dục các em ý thức chuyên cần, chủ động học tập cho bản thân mình. Đưa ra các phong trào: “Hoa điểm mười, giờ học tốt, đôi bạn cùng tiến…”.

       5. Công tác giáo dục kiến thức, kĩ năng: Chăm lo, giáo dục những học sinh cá biệt trên cơ sở phân loại học sinh ngay từ đầu năm học, có kế hoạch bồi dưỡng học sinh giỏi phụ đạo học sinh yếu kém. Giao nhiệm vụ cho các thành viên khá giỏi kèm cặp những bạn còn yếu.

        Cụ thể: Đối với học sinh yếu đọc như H’ Ya Wim Mlô, Vũ Anh Tiến, tôi phải rèn học sinh ý thức luyện đọc. Ngay trong giờ ra chơi, học sinh giỏi kèm hai học sinh này đọc lại bảng chữ cái , ghép lại âm , vần . Buổi chiều giáo viên luyện các em đọc nhiều thêm để các em tiến bộ. Yêu cầu hai học sinh về luyện đọc sáng hôm sau đến lớp kiểm tra lại.

    Toàn bộ học sinh lớp khi học bảng cộng ,bảng trừ ,quy tắc toán học, tôi đều yêu cầu các em có ý thức về học và chép nhiều lần vào nháp để các em thuộc, nhớ lâu .Sáng 15 phút đầu giờ ,các em kiểm tra thuộc theo nhóm đôi.

     Đối với đối tượng học sinh giỏi ,tôi ra bài tập nâng cao yêu cầu các em về nhà làm  hôm sau giáo viên kiểm tra, chấm khích lệ học sinh ham hiểu biết.

       6. Công tác thi đua khen thưởng Sao nhi đồng, động viên khích lệ học sinh: Ngoài ra giáo viên phải biết thương yêu, nhẹ nhàng, vị tha giúp đỡ học sinh trong mọi hoàn cảnh. Phải công bằng đối với học sinh. Phải bao dung, độ lượng và tha thứ khi học sinh nhận ra lỗi lầm của mình. Hàng tuần có nhận xét, nêu gương và có thi đua khen thưởng, động viên kịp thời. Dành nhiều thời gian cho học sinh cá biệt. Tăng cường công tác thăm hỏi gia đình học sinh, bàn kế hoạch tháo gỡ thắc mắc với phụ huynh học sinh.Biết lắng nghe ý kiến học sinh, phụ huynh và đồng nghiệp để làm tốt nhiệm vụ của mình. 

        Cụ thể: Công tác này hết sức quan trọng đối với học sinh lứa tuổi tiểu học. Vì vậy ,đòi hỏi giáo viên phải nhiệt tình, yêu nghề, mến trẻ ,yêu trường lớp coi trường học là ngôi nhà thứ hai của mình .Giáo viên như tôi phải sắp xếp thời gian dành cho con cái gia đình hài hòa để đến trường sớm sinh hoạt 15 phút đầu giờ cùng học sinh. Giáo viên cùng học sinh tham gia hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt sao hàng tuần để khích lệ học sinh tham gia tích cực mọi hoạt động.Ngoài ra, Sao có những động viên, khích lệ ,thi đua khen thưởng kịp thời như nhận cờ luân lưu đầu tuần. Cuối kì có lớp tiên tiến nhận thưởng khích lệ. Trong lớp giáo viên cũng sử dụng quỹ lớp khen thưởng cuối kì động viên học sinh. Đối với học sinh cá biệt giáo viên nói chuyện nhẹ nhàng, giúp đỡ ,vị tha để các em có niềm tin ở bạn bè, giáo viên.

       7. Kết hợp nhà trường – gia đình – xã hội: Một biện pháp tương đối hữu hiệu nữa là giáo viên chủ nhiệm phải biết kết hợp với ban giám hiệu nhà trường, tổng phụ trách, phụ huynh học sinh để giáo dục học sinh, đặc biệt là học sinh cá biệt.

       Trên cơ sở kế hoạch của năm học, giáo viên phải có kế hoạch cụ thể, phát sổ liên lạc cho học sinh ,chấm vào phiếu theo dõi hàng tuần, hàng tháng và cho cả năm học .

      Cụ thể: Kiểm tra bài tập về nhà, Chấm chữa bài kịp thời trên lớp.Giáo viên chủ nhiệm 4 tuần phát sổ liên lạc một lần, giáo viên phê ý kiến từng học sinh để phụ huynh nắm bắt và  có ý kiến phản hồi của phụ huynh.     

    Tóm lại:  Việc kiểm tra đánh giá quá trình thực hiện kế hoạch đó là một việc làm hết sức quan trọng…Vì nề nếp tốt là cực kỳ quan trọng , nó góp một phần lớn quyết định kết quả học tập của học sinh. Chính vì thế ngay từ đầu năm học giáo viên phải quán triệt nề nếp bằng cách: Cho cả lớp học nội quy lớp học, và mọi quy định của giáo viên.Nội quy của nhà trường đề ra.

    Trong nguyên lý giáo dục : Nếu người làm công tác giáo dục chỉ đưa ra kế hoạch thật tốt, thật hay nhưng không có quá trình đánh giá kiểm tra thì chẳng khác gì người nông dân gieo giống mà không chăm sóc, vun xới. Vì vậy, giáo viên chủ nhiệm cần phải có kế hoạch kiểm tra đánh giá cụ thể hàng tuần, hàng tháng. Khen thưởng, động viên kịp thời những cá nhân, tập thể hoàn thành tốt nhiệm vụ, trách phạt và có hình thức kỉ luật phù hợp với những cá nhân, tập thể chưa hoàn thành nhiệm vụ. Có kế hoạch cho những cá nhân, tập thể này tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ được giao.

    Trong kiểm tra đánh giá :Người giáo viên phải là người công tâm, mẫu mực. Trước hết nên để cho học sinh tự đánh giá về mình và tổ của mình hoặc của bạn. Qua đó  giáo viên đánh giá, nhận xét lại khách quan, vô tư. Có như thế thì hiệu quả của giáo dục mới cao, học sinh mới xem giáo viên là thần tượng của mình.

     Ai cũng biết rằng, sản phẩm của giáo dục là con người, Vì vậy, không bao giờ cho phép sản phẩm ấy bị sai lệch, yêu cầu trong từng hoạt động của giáo viên cho dù là nhỏ nhất cũng phải mang tính giáo dục đối với học sinh.

Copyright 2019 © Kinh nghiệm dạy học | Thiết kế bởi Web Bách Thắng