Biện pháp 1:Rèn các kỹ năng cơ bản cho học sinh viết đoạn văn ngắn.
Giáo viên cần chú trọng việc rèn viết đoạn văn ngắn cho học sinh. Cần coi đây là công việc có vị trí quan trọng trong chương trình Tiếng Việt lớp 2. Vì có viết đoạn văn tốt thì học sinh mới có nền tảng vững chắc để học văn sau này.
a-Tạo cho học sinh có thói quen quan sát:
Giáo viên yêu cầu học sinh có thói quen quan sát những sự vật hiện tượng xung quanh để ghi nhận lại và sử dụng khi thật cần thiết. Vì qua thực tế đôi khi tôi cho các em một bài tập tả về cảnh biển, có em bảo là con chưa bao giờ nhìn thấy biển. Quả đúng như vậy, vì các em được sinh ra và lớn lên ở nông thôn miền núi nên các em không nhìn thấy biển là đúng. Bởi thế giáo viên cũng cần sưu tầm những phim ảnh để có thể trình chiếu cho các em, cho các em quan sát về cảnh biển trên tranh ảnh , … hoặc vào dịp nghỉ hè các em hay được ba mẹ cho đi tham quan tắm biển, nhân đó, giáo viên có thể yêu cầu học sinh quan sát kỹ để có ý tưởng cho tập làm văn tả cảnh biển.
b-Cung cấp vốn từ ngữ cho học sinh:
Để các em có thể làm được một bài văn tốt, các em phải có vốn từ ngữ phong phú. Mà vốn từ đó, có em tích lũy khá nhiều nhưng chưa biết vận dụng. Có em thì có rất ít hoặc chưa hề có. Bởi vậy, giáo viên chính là người gợi cho các em phát huy khả năng vốn từ ngữ của bản thân.Mà cung cấp ở đâu? Đó là những bài văn ,đoạn văn ngắn ,hay ở lớp 2 hoặc các bài văn hay bậc tiểu học. Đọc văn giúp các em cảm thụ văn học tốt hơn,giúp các em học cách diễn đạt, trình bày,miêu tả về người hoặc vật. Tôi nghĩ trong các bài tập đọc cũng có khá nhiều bài văn đoạn văn hay. Chẳng hạn bài “Chim chích bông” ở bài 21B.Đoạn văn tả về chú chim chích bông rất hay: “Chích bông là một loài chim bé nhỏ trong các loài chim. Đoi chân nó nhỏ xíu bằng 2 cái tăm nhưng cứ nhảy liên liến từ cành này sang cành khác nhanh thoăn thoắt. Cặp cánh nó nhỏ mà xoải nhanh vun vút. Cái mỏ nó bé tí bằng hai mảnh võ trấu chắp lại. Thế mà cặp mỏ ấy gắp sâu nhanh phải biết. Nó biết moi các con sâu độc ác nằm trong các thân cây mảnh dẻ…” Trong các tiết dạy, giáo viên nên tập cho học sinh trả lời thành câu đủ ý và chú ý đến những bài tập đọc có liên quan đến tiết tập làm văn. Từ đó học sinh có thể rút ra những câu văn hay, từ ngữ đẹp và ghi nhớ sau này vận dụng. Ví dụ : qua bài Tôm Càng và Cá Con học sinh rút ra được đoạn văn tả về chú Cá Con trong bài “Con vật thân dẹt, trên đầu có đôi mắt tròn xoe, toàn thân phủ một lớp vẩy bạc óng ánh”. Vốn từ còn có trong phân môn luyện từ và câu. Giáo viên có thể cho các em chơi trò chơi, thi đua tìm từ ngữ tả về chú cá. Các em sẽ rất hứng thú và tìm được rất nhiều từ.
Để hỗ trợ cho học sinh, giáo viên cần cung cấp cho học sinh : Nhiều từ ngữ gợi tả, từ láy, từ tượng thanh, tượng hình … Ví dụ : Mặt biển xanh và rộng thành mặt biển xanh ngắt và rộng mênh mông. Nối các câu văn lại thành những từ ngữ liên kết như : và, thì, nếu, vậy là ….
Lưu ý học sinh trong đoạn văn tránh lặp lại từ nhiều lần mà phải thay những từ ngữ lặp lại bằng từ có ý nghĩa tương tự , ví dụ: Bác Hồ thành Bác, Người… thay những từ ngữ thông thường thành những từ ngữ trau chuốt hơn. Ví dụ: buổi sáng thành buổi sớm mai, buổi bình minh.
Ví dụ: Sau khi thành lập sơ đồ, có thể các em sẽ thành lập một đoạn văn như sau : “Nhà em có nuôi một chú gà . Nó có bộ lông màu đỏ tía. Nó gáy rất to. Em rất yêu nó”. Giáo viên có thể khuyến khích học sinh là “con làm đúng nhưng chưa hay. Từ những ý tưởng ban đầu của con, chúng ta sẽ hình thành một đoạn văn hay hơn nhé : “Chú gà trống nhà em trông mới oai vệ làm sao ! Toàn thân nó phủ một lớp lông vũ màu đỏ tía. Sáng sáng, trống tía nhảy tót lên cành cây đầu hè rướn cổ gáy vang ò ó o. Mỗi khi đi học về, em thường rải cho nó một ít thóc và vuốt ve cái đuôi dài, cong cong của nó”. Khi đó, học sinh sẽ thấy được vẫn là ý tưởng cũ nhưng đoạn văn đã được lột xác, thêm thắt những từ ngữ trau chuốt hơn làm cho đoạn văn đẹp hơn, nghệ thuật hơn.
Giáo viên có thể sưu tầm những bài văn hay và đọc cho học sinh nghe để học sinh học hỏi. Trưng bày những bài văn hay của các bạn trong lớp để các em noi gương. Tập ghi chép những từ hay, ý đẹp khi bắt gặp ở đâu đó vào một quyển từ điển riêng của mình. Từ đó, vốn từ của các em sẽ ngày càng nhiều, càng phong phú.
c-Giúp học sinh nắm chắc bố cục của đoạn văn:
Tạo cho các em thói quen làm văn phải có bố cục 3 phần : mở bài (giới thiệu), thân bài (nội dung), kết luận (tình cảm) và lập sơ đồ trước khi làm tập làm văn. Tôi xin gợi ý một cách lập sơ đồ thông qua một trò chơi “em và chú gà” như sau . Ví dụ : Khi tả một chú gà, giáo viên cho hai em lên sắm vai, một em là “chú gà”, một em là “người tả”. Cùng lúc đó, giáo viên cho học sinh vẽ sơ đồ trên vở nháp.
- “Người tả” sẽ nói một câu để giới thiệu chú gà “nhà em có nuôi một chú gà”
- Còn “chú gà” thì vừa nói vừa diễn tà : “tôi có bộ lông nhiều màu sắc. Tôi có cái mào đỏ chót trên đầu. Tôi gáy rất to …”
- Người tả lúc này nói về tình cảm của mình đối với chú gà : “Em thường rải thóc cho gà ăn …”
Hoặc có thể tinh giảm em “người tả” chỉ cần một em sắm vai “chú gà”.
- Sau khi nghe tả và quan sát xong các em thành lập ra một sơ đồ như sau :
Từ đó các em đã nắm được đặc điểm của con vật cần tả mà phát triển thành một đoạn văn. Hoặc ta có thể cho em hình thành một đoạn văn qua trò chơi “tiếp sức”.
- Từ sơ đồ đã thành lập ở trên, giáo viên yêu cầu học sinh tạo thành câu, cứ thể nối tiếp nhau thành lập thành đoạn văn. Trong lúc đó, giáo viên có thể ghi lại trên bảng, thế là đã có bốn đoạn văn mẫu. Có thể câu văn lúc ấy còn lủng củng nhưng ta có thể sửa chữa.
Biện pháp 2:Trang bị cho học sinh về vốn từ và kĩ năng viết đoạn văn ngắn
a.Cung cấp vốn từ
Mỗi đoạn văn là cả một thực tế sinh động diễn ra xung quanh các em. Song có được đoạn văn theo yêu cầu của bài là cả một quá trình học sinh phải tư duy, phân tích, tổng hợp, sắp xếp….
* Giáo viên cần trang bị cho học sinh một số từ thuộc chủ đề hoặc phù hợp với văn cảnh.
Ví dụ:
– Tả nắng của mùa hè: nắng chói chang, nắng gắt gỏng, nắng như thiêu như đốt…
– Tả về tiếng hót của chim: hót líu lo, hót véo von, hót vang lừng …
– Tả về hình dáng người.
+ Thân hình : mảnh khảnh, gầy gò, béo tròn, thon thả …
+ Nước da : đen sạm, trắng hồng, bánh mật, xanh xao, đỏ đắn, ngăm đen …
+ Mái tóc: đen bóng, óng mượt, bồng bềnh, loăn xoăn, bạc trắng, hoa râm….
+ Khuôn mặt: Trái xoan, đầy đặn, tròn trịa, xương xương, vuông vức….
* Giáo viên đưa một số câu văn hay đến với học sinh một cách tự nhiên không gò ép.
b-Về kĩ năng
* Để có kĩ năng viết đoạn văn tốt giáo viên cần rèn cho học sinh kĩ năng nói gãy gọn, trọn vẹn ý, không nói câu cụt.
Ví dụ: Khi nói về tình cảm của cô giáo với học sinh không nên nói: “Tình cảm của cô đối với em rất tốt”, mà phải nói: “Cô giáo rất yêu quý chúng em…”
* Giáo viên nhắc nhở học sinh lưu ý giữa ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết. Khi viết đoạn văn dẫn lời nói của người khác em phải cho trong ngoặc kép.
Ví dụ : – Muốn kể lại lời nói của chú trong đoạn viết về người thân của em, cần phải viết trong ngoặc kép như: Chú em bảo: “Cháu thích đồ chơi ấy thì cứ giữ lấy mà chơi”.
Hoặc khi trích dẫn lời nói của chú vẹt khi viết về một loài chim mà em thích. Mỗi khi có khách đến chơi chú lại nhanh nhảu: “Có khách! Có khách !”.
– Việc rèn cho học sinh viết đoạn cần tạo điều kiện phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh. Phải làm sao cho mỗi đoạn văn là một cơ hội sáng tạo cho học sinh thâm nhập, quan sát, phân tích từ thực tế.
* Giáo viên cần hướng dẫn học sinh chuẩn bị trước thật tốt bài học, tiết học trước khi lên lớp.
Biện pháp 3. Các bước tiến hành dạy học sinh viết đoạn văn ngắn
Bài tập viết đoạn văn ngắn là loại bài sản sinh lời nói. Học sinh tập viết đoạn văn là tập sản sinh lời nói, văn bản. Vì vậy, giáo viên cần dựa vào các bước sau để hướng dẫn học sinh làm bài tâp .
Bước 1:
– Xác định yêu cầu bài.
+ Học sinh nêu yêu cầu bài tập.
+ Giáo viên phân tích yêu cầu.
– Định hướng học sinh viết.
+ Tả (kể) về ai (cái gì) ?
+ Viết mấy câu ?
+ Viết với tình cảm như thế nào ?
+ Hướng dẫn học sinh sắp xếp ý.
– Dù mới là học sinh lớp 2, bài viết chưa yêu cầu cao với bố cục một bài văn như lớp 4 – 5, cũng chưa có khái niệm lập dàn ý. Song với đoạn viết từ 3 đến 5 câu với 2 đến 3 ý cũng cần sự sắp xếp ý. Ở học kỳ I học sinh được kể về những người thân thiết với mình như: Cô giáo, thầy giáo, ông, bà, anh, chị, em… Do đó giáo viên nên gợi ý học sinh trước tiên tự giới thiệu về người đó (Tên là gì?, mối quan hệ với bản thân?). Tiếp đó là hình dáng, tính cách, công việc hoặc ý thích của người kể và cuối cùng là tình cảm của học sinh đối với người mình kể.
– Sang học kỳ II, học sinh được tả về một số con vật, cảnh vật xung quanh mình. Đầu tiên cần gợi mở cho học sinh giới thiệu về vật (cảnh vật) định tả. Chi tiết nổi bật của cảnh, vật đó. Cuối cùng là tình cảm của bản thân đối với cảnh vật và con vật đó…
– Hướng dẫn học sinh phát triển thành đoạn văn. Ở khâu này học sinh bộc lộ rất rõ nhược điểm về tư duy cách viết câu, sử dụng từ. Giáo viên không nên làm thay cho học sinh mà nên trang bị một số tình huống, một số cách dùng từ, một số cách liên kết phù hợp với nội dung đoạn viết để học sinh vận dụng viết bài.
Bước 2: Cho học sinh viết nháp trước khi viết vào vở.Sau đó yêu cầu một số học sinh đọc bài nháp trước lớp để giáo viên nhận xét sữa chữa một số lỗi trong bài để học sinh rút kinh nghiệm trước khi viết vào vở. Những học sinh không gọi đọc bài thì lắng nghe rút kinh nghiệm.
Bước 3: Viết bài vào vở.
Trong quá trình học sinh viết bài giáo viên phải thường xuyên theo giỏi để pháp hiện những khuyết điểm của các em và kịp thời khắc phục,nhất là đối với những học sinh kém.
Bước 4: Nhận xét bài của học sinh: Giáo viên nhận xét cụ thể bài viết của học sinh và đặc biệt chú ý là không được chê bai như em không biết viết đoạn văn, em học kém quá…,mà giáo viên phải luôn luôn động viên ,khuyến khích để các em có niềm tin trong học tập. Chú ý khen ngợi những học sinh có tiến bộ dù cho đó là những tiến bộ nhỏ để tạo sự hứng thú và tích cực ở những bài viết sau.
-Đọc những bài viết hay của học sinh trước lớp để học sinh khác học tập rút kinh nghiệm.