Những lỗi sai khi học sinh dùng câu ghép và cách sửa chữa

1. Lỗi về cấu tạo ngữ pháp:

a. Đối với câu không đủ thành phần:

  • Câu ghép bị thiếu hẳn chủ ngữ:

Ví dụ 1: Những ngày nắng chói chang, giờ ra chơi cùng nhau nô đùa dưới gốc cây bàng, các bạn khác chơi nhảy dây rất thú vị.

– Câu trên học sinh viết thiếu thành phần chủ ngữ ở ý đầu của câu. Vì không trả lời câu hỏi: Ai cùng nhau nô đùa dưới gốc cây bàng? Câu hỏi đó có thể dùng “chúng em” để trả lời.

– Giáo viên có thể sửa lại: Những ngày chói chang, giờ ra chơi chúng em nô đùa dưới gốc cây bàng. Các bạn khác chơi nhảy dây rất thú vị.

Vi dụ 2:

Vào đầu năm học mới, chúng em mua rất nhiều đồ dùng học tập, thích nhất là cái cặp có hình Tiểu Yến Tử.

– Ở câu này học sinh viết đầy đủ thành phần chủ ngữ, vị ngữ ở ý thứ nhất, ở ý thứ hai viết thiếu hẳn chủ ngữ. Vì đã không nêu rõ ai thích nhất cái cặp đó? Có thể học sinh cho rằng chủ ngữ ở vế thứ nhất cũng là chủ ngữ luôn cho cả vế thứ hai. Do đó để cho câu ghép đúng chúng ta phải thêm chủ ngữ vào.

– Sửa chữa lại:

Vào đầu năm học mới, chúng em mua rất nhiều đồ dùng học tập. Em thích nhất là cái cặp có hình Tiểu Yến Tử.

Ví dụ 3:

Sau giờ ra chơi,các bạn ở trong đội cờ đỏ đánh ba tiếng trống thế là xếp hàng vào lớ.

 – Ở câu này học sinh viết chưa đủ thành phần chủ ngữ vì em không trả lời được câu hỏi: Ai đã xếp hàng vào lớp? có thể sử dụng đại từ “em” hoặc “chúng em” để trả lời câu hỏi đó

–  Sửa chữa lại:

Sau giờ ra chơi,các bạn ở trong đội cờ đỏ đánh ba tiếng trống,thế là chúng em xếp hàng vào lớp

* Nhận xét chung:

Chủ ngữ và vị ngữ là hai thành phần chính không thể thiếu được trong câu ghép, giữa chúng có mối quan hệ mật thiết với nhau, học sinh tiểu học viết thiếu thành phần chủ ngữ do các nguyên nhân.

– Học sinh hiểu nhầm lẫn tưởng đó là câu có hai vị ngữ. Có khi các em chú ý vào việc dùng từ ngữ như thế nào để diễn tả đối tượng nên không chú ý đến câu vì thế mà các em cứ viết và cứ nghĩ rằng như thế là câu đã trọn vẹn, đúng nghĩa và đúng ngữ pháp.

– Học sinh chưa biết cách đặt ra câu hỏi để phân biệt thành phần chủ ngữ và vị ngữ, các em thường nghĩ đó là câu đơn bình thường có nhiều vị ngữ, cũng có khi các em dùng thành phần phụ trong câu nhưng không xác định được và cho đó là chủ ngữ. Do đó các thành phần phụ các em thường hay viết thiếu chủ ngữ.

* Phương pháp giảng dạy của giáo viên để hạn chế lỗi sai cho học sinh:

– Dạy kỹ về phần lý thuyết câu ghép cho học sinh để học sinh nắm rõ các cấu trúc câu của câu ghép: câu ghép qua lại, câu ghép liên hợp.

– Thường xuyên tập luyện thói quen để học sinh viết câu không thiếu thành phần chủ ngữ.

– Đưa ra một số câu ghép cho học sinh tự đặt câu hỏi để các định thành phần chủ ngữ.

– Nhấn mạnh tác hại của việc viết thiếu thành phần chủ ngữ trong câu ghép để cho học sinh thấy rõ, từ đó học sinh biết được tác hại của chúng. Để người đọc, người nghe hiểu được mình viết đến đối tượng nào? Đến ai? Thì chúng ta phải viết đầy đủ chủ ngữ của câu.

* Lỗi sai về chủ ngữ không xác định:

Ví dụ 1:

 Nhân chuyến về thăm  bà nội, ba của em bắt về một con mèo mướp, đôi mắt và bộ lông thật đẹp em rất thích nó.

+ Phân tích: ở câu trên, về mặt cấu trúc ngữ pháp cũng như về nghĩa của câu là không sai, tuy nhiên ở ý thứ hai đã dùng chủ ngữ không xác định “đôi mắt và bộ lông thật đẹp”. Thì đôi mắt và bộ lông của ai? Mặc dù vẫn biết chủ ngữ của ý này là đôi mắt và bộ lông nhưng nó không xác định rõ ràng. Do vậy cần sửa lại để cho câu có chủ ngữ xác định.

+Sửa chữa:

Nhân chuyến về thăm bà nội, ba của em bắt về một con mèo mướp, đôi mắt và bộ lông của nó rất đẹp, em rất thích nó.

Ví dụ 2:

 Chiếc cặp là người bạn thân thiết nhất của em, hàng ngày cùng em đến trường.

Trong câu này, ở vế sau thành phần chủ ngữ gồm chiếc cặp cùng em, có thể dùng đại từ “nó” để thay thế cho chiếc cặp. Tuy nhiên các em không xác định được, nên khi viết câu các em có dùng chủ ngữ nhưng chưa đầy đủ, do đó câu này ta cần hướng dẫn học sinh sữa lại như sau:

 Chiếc cặp là người bạn thân thiết nhất của em, hàng ngày nó cùng em đến trường.

* Nhận xét chung:

Lỗi sai về chủ ngữ không xác định rất thường gặp trong các bài tập làm văn của học sinh tiểu học. Sở dĩ như vậy là vì các em có thể nghĩ trong đầu là một chủ ngữ xác định nhưng không thể viết được do không biết dùng từ ngữ hay dùng các đại từ để thay thế. Hơn nữa trong câu học sinh viết đã có chủ ngữ nên các em tưởng đó là chủ ngữ đã được xác định và cho rằng chủ ngữ đó đã đúng nên các em không để ý đến câu đó mà cứ tiếp tục viết theo những suy nghĩ của mình. Các em còn chưa phân biệt được đâu là chủ ngữ đã được xác định và đâu là chủ ngữ chưa được xác định.

* Phương pháp giảng đạy của giáo viên để hạn chế những lỗi sai cho học sinh:

+ Cho học sinh tự đặt các ví dụ về câu ghép hoặc giáo viên có thể đưa ra một số câu ghép có thành phần chủ ngữ nhưng chưa được xác định. Từ đó cho học sinh nhận xét các ví dụ đặt ra của giáo viên để học sinh tự phát hiện những chỗ sai.

+ Cho học sinh tự đặt các câu hỏi để phân biệt được giữa chủ ngữ không xác định và chủ ngữ xác định. Giáo viên hướng dẫn để giúp học sinh biết được như thế nào là chủ ngữ đã được xác định.

+ Khi câu có chủ ngữ mà chủ ngữ đó chưa xác định thì chúng ta có thể dùng các đại từ, danh từ riêng hoặc danh từ tương ứng với chủ ngữ ở vế trước ta thêm vào cho chủ ngữ được xác định.

+ Lỗi sai vế chủ ngữ không xác định thường gặp rất nhiều trong bài văn miêu tả của học sinh tiểu học. Trong bài làm nếu dùng câu không có chủ ngữ hoặc có chủ ngữ nhưng không xác định thì nó sẽ làm cho câu văn tù mù, không rõ nghĩa, người đọc và người nghe có thể hiểu sai về đối tượng mà người viết muốn diễn đạt.

b. Đối với  câu lỗi sai về vị ngữ trong câu ghép:

Ví dụ 1:

Thật vậy, cho tới bây giờ em vẫn còn thương mến cô giáo Thủy, người đã dạy dỗ trong những năm học đầu tiên ở lớp 1.

Câu ghép trên, các em dùng câu ghép nhưng thiếu thành phần vị ngữ. Người đã dạy dỗ ai? Không làm rõ được, do đó chúng ta cần phải thêm vị ngữ vào để cho câu hoàn  chỉnh.

Sửa chữa lại:

Thật vây, cho tới bây giờ em vẫn còn thương mến cô giáo Thủy người đã dạy dỗ em trong những năm học đầu tiên ở lớp 1.

Ví dụ 2:

Trước sân trường em, cây phượng vào những ngày hè nắng chói chang, những bông hoa đã làm đỏ cả một góc sân.

Trong câu ghép này, đã viết thiếu thành phần vị ngữ, các em miêu tả cây phượng nhưng cây phượng đó như thế nào các em không nói rõ. Do vậy cần phải bổ sung thành phần vị ngữ để cho câu trên đúng nghĩa và đúng cấu trúc ngữ pháp. Chúng ta có thể dùng vị ngữ: Bắt đầu, trổ hoa, trồng từ nhiều năm… làm vị ngữ cho vế câu trên.

Ta sửa lại như sau:

Trước sân trường em, cây phượng đã bắt  đầu trổ hoa,  vào  những ngày hè nắng chói chang  những bông hoa đã làm đỏ cả một góc sân.

Ví dụ 3:

Vì mây đen nên trời đổ mưa

+ Mặc dù câu ghép trên rất ngắn nhưng cấu trúc ngữ pháp và  nghĩa của câu vẫn được xem là đầy đủ.Tuy nhiên nếu xem xét kĩ thì ở vế đầu (đây là câu ghép qua lại ) “vì mây đen” từ “đen” là tính từ làm định ngữ bổ sung cho từ “mây” chứ không phải là vị ngữ. Do đó ở vế câu này đã thiếu thành phần vị ngữ

Giáo viên sữa lại:

Vì mây đen kéo đến nên trời đổ mưa

* Nhận xét chung:

Phần lớn các em viết câu thiếu thành phần chủ ngữ và vị ngữ bởi các em còn nhỏ nên nhiều khi yêu cầu của đề bài như thế nào, các em tìm những từ ngữ thật sinh động, thật hay để viết mà quên cấu trúc của câu nên đa số các em viết toàn thành phần phụ bởi trước có quan hệ từ như: qua, vì … Trong câu chủ ngữ nếu đứng sau quan hệ từ mà không phải câu ghép qua lại, nghĩa là vế sau không có quan hệ từ, nên ở vế trước chủ ngữ cộng với quan hệ từ đó tạo thành phần phụ của câu.

Cách sửa chữa câu thiếu thành phần chủ ngữ vị ngữ mà chỉ có thành phần phụ trạng ngữ là: Để những thành phần phụ đó trở thành câu có cụm chủ vị hoặc có thể thêm những quan hệ từ khác tương ứng để trở thành câu ghép qua lại hoặc vẫn giữ nguyên thành phần phụ và lược bỏ những quan hệ từ để câu đó trở thành câu ghép.

* Phương pháp dạy của giáo viên để hạn chế lỗi sai cho học sinh:

– Để hạn chế học sinh tiểu học viết sai hoặc thiếu thành phần chủ ngữ vị ngữ thì giáo viên phải hướng dẫn cho học sinh biết rõ những quan hệ từ những cặp quan hệ từ như: nếu…thì…, tuy … nhưng …; ở học sinh tiểu học những câu viết thiếu thành phần chủ ngữ, vị ngữ thường là những câu hay. Nhưng giữa chúng thường rời rạc, nội dung câu tưởng đúng nhưng là câu sai vì không có nòng cốt câu rõ ràng do đó giáo viên phải giúp học sinh biết phân biệt được câu ghép có đầy đủ thành phần chủ ngữ, và câu ghép thiếu hẳn thành phần chủ vị.

– Giáo viên nhắc nhở học sinh không được dùng quan hệ từ trước cụm từ làm chủ ngữ mà câu đó không phải là câu ghép qua lại.

– Giáo viên phải rèn luyện cho học sinh, tập cho học sinh tự đặt câu, sau đó giáo viên cùng học sinh sửa chữa để học sinh biết rõ chúng sai chỗ nào và sai như thế nào để khi viết câu hoặc làm bài văn học sinh viết đúng các câu.

c. Đối với câu thừa thành phần:

Ví dụ 1: 

Nhà em có nuôi một chú gà trống, chú gà trống có bộ lông rất đẹp, mỗi sáng chú gà trống dậy rất sớm, tiếng gáy của chú gà trống làm vang cả xóm làng.

Đối với câu trên, xét về ngữ pháp thì câu này hoàn toàn đúng, tuy nhiên khi đọc lên ta thấy câu không rõ ràng, mạch lạc, chính sự lặp lại của từ “chú gà trống” đã tạo nên sự luẩn quẩn. Vì các em không biết dùng đại từ để thay thế cho “chú gà trống” nên em đã dùng lại quá nhiều lần trong một câu.

Giáo viên cần hướng dẫn học sinh sửa chữa lại như sau:

Nhà em có nuôi một chú gà trống, chú có bộ lông rất đẹp, mỗi sáng nó dậy rất sớm, tiếng gáy của nó làm vang cả xóm làng.

Vì dụ 2:

Cái cặp đối với em là người bạn thân thiết nhất của em, ngày nào nó cũng cùng em đến trường.

Câu trên đã sử dụng thừa thành phần “đối với em”. Do đó để câu hoàn chỉnh thì chúng ta phải lược bỏ thành phần trên.

+ Sửa chữa lại:

Cái cặp là người bạn thân thiết nhất của em, ngày nào nó cũng cùng em đến trường.

Ví dụ 3:

Bạn em đó là người rất chăm học nên bạn đã đạt được kết quả cao trong học kì vừa qua

+ Phân tích:

Ở câu trên,mới đọc qua thì  chúng ta tưởng câu đó hoàn toàn đúng,bởi vì cấu trúc ngữ pháp và nghĩa của câu đều đúng.Nhưng bạn đã sử dụng từ “đó” làm cho câu thừa đi và câu không được hay vì vậy để câu được hay hơn,đúng hơn,chúng ta phải lược bỏ từ “đó”

+ Sửa chữa lại:

Bạn em là người rất chăm học nên bạn đã đạt được kết quả cao trong học kì vừa qua

* Nhận xét chung:

Trong câu văn để nhấn mạnh một ý nào đó người ta sử dụng phép lặp. Tuy nhiên ở học sinh tiểu học các em sử dụng phép lặp thì ít có tác dụng là nhấn mạnh mà thường là lủng củng, dài dòng. Các em không biết sử dụng đại từ để thay thế. Chính vì thế nên làm cho nội dung của bài thì dài, còn người đọc thì chán. Hơn nữa trong bài làm của các em có những từ ngữ mặc dù khác nhau về vỏ âm thanh nhưng nghĩa của nó giống nhau, mà các em không phân biệt và sử dụng luôn cả hai từ và cũng có khi các em dùng thêm những từ ngữ xen vào giữa chủ ngữ và vị ngữ mà từ đó không bổ sung gì cho câu văn, từ những điểm trên mà các em thường viết câu thừa thành phần.

* Phương pháp giảng dạy của giáo viên để hạn chế lỗi sai cho học sinh.

– Giáo viên cần phải giảng dạy cho học sinh những đại từ thay thế, hướng dẫn học sinh biết cách sử dụng những đại từ đó. Bằng cách cho học sinh tự đặt câu hỏi có nhiều từ lặp lại, giáo viên hỏi học sinh dùng những đại từ nào để thay thế cho từ lặp lại đó cho thích hợp.

– Giáo viên đưa ra một số ví dụ về trường hợp thừa những từ ngữ thường xuất hiện ở giữa chủ ngữ và vị ngữ hay những từ có vỏ âm khác nhau nhưng cùng nghĩa để cho học sinh thấy (vì phần này khó hơn) từ đó giáo viên hướng dẫn và giải thích cho học sinh vì sao sai để học sinh rút kinh nghiệm.

Chẳng hạn như ví dụ: Em biết rõ hơn nhất công ơn của mẹ. Câu này thì thừa thành phần nào? Cho học sinh trả lời sau đó giáo viên giải thích cho các em hiểu.

d. Đối với Câu không phân định rõ thành phần: (còn gọi là câu có kết cấu rối nát).

Là những câu về cấu tạo khó xác định các bộ phận kết hợp với nhau theo quan hệ ngữ pháp nào, từ đó khó xác định được các thành phần câu.

 Nguyên nhân của lỗi này khá phức tạp, trước hết là do học sinh không chuẩn bị cho mình một nội dung cần nói (viết) nên không phân cắt được trong tư duy ra từng ý rạch ròi, các em viết gần như trong trình trạng vô thức, nhớ từ nào, cụm từ nào thì viết ngay từ đó vào bài làm, không tìm cách tổ chức sắp xếp các từ, cụm từ để biểu đạt nội dung.

Đây là loại lỗi nặng rất khó chữa cũng đáng buồn vì loại câu sai này chiếm tỷ lệ lớn trong lỗi câu.

*. Lỗi sai không xác định được thành phần:

Ví dụ 1:

Em phải giữ gìn bút chì đặt vào hộp, em lau chùi nó từng bộ phận.

+ Phân tích: Ở câu này khó xác định được các thành phần của câu, về mặt ngữ nghĩa thì câu không rõ ràng, không chặt chẽ. Về mặt cấu trúc thì lộn xộn không thể xác định được đâu là chủ ngữ, đâu là vị ngữ, chính vì vậy mà người ta đọc không thể hiểu được người viết trình bày vấn đề gì. Do vậy để sửa chữa câu này ta phải tách ra thành hai nòng cốt câu để cho câu có đầy đủ chủ vị.

+ Sửa chữa:

Em phải giữ  gìn bút chì,  em đặt nó vào hộp và lau chùi từng bộ phận.

Ví dụ 2

Vô-lô –đi- a lưỡng lự rất muốn đi chơi cùng bạn bè nhưng anh chợt nghĩ lại là mình phải học bài,làm bài tập

+ Phân tích:

Đây là câu ghép qua lại gồm có hai nồng cốt liên hệ với nhau bằng quan hệ từ “nhưng”.Về mặt cấu trúc ngữ pháp thì câu ghép này không sai nhưng cách dùng từ ngữ thì sai,ở đây các em dùng từ “lưỡng lự” sau chủ ngữ và trước từ “rất muốn” làm cho câu văn lủng củng và không rõ được đâu là vị ngữ. Hơn nữa từ “lưỡng lự” sau chủ ngữ đó đã làm cho câu văn mang thái độ khác.theo bài học “mình bận học” thì thái độ của Vô- lô-đi a là dứt khoát,nhưng nếu dùng từ “ lưỡng lự” thì sẽ làm cho người đọckhông thấy được thái độ dứt khoát của Vô-lô-đi –a,không biết anh ta có đi chơi cùng với bạn hay không do “lưỡng lự”mà.Vì vậy để cho câu phân biệt rõ ràng đâu là vị ngữ và để cho người đọc người nghe hiểu đúng thái độ của Vô-lô- đi-a chúng ta cần phải bỏ từ “lưỡng lự”

+ Sửa chữa:

Vô-lô- đi-a rất muốn đi chơi cùng  bạn bè nhưng anh chợt nghĩ laị là  mình phải học bài,làm bài tập

* Nhận xét chung:

– Ở tiểu học các em còn nhỏ, vốn từ các em còn ít, khi làm tập làm văn các em nghĩ gì viết đó chưa biết phân biệt chủ ngữ, vị ngữ  và thành phần phụ, các em thường viết một mạch nên không phân biệt được rõ ý, rạch ròi mà viết dính chùm nên không thể phân chia được đâu là chủ ngữ, vị ngữ. Ngoài ra các em còn sử dụng những từ ngữ không dứt khoát mà hay sử dụng những từ ngữ mang nghĩa không rõ ràng, chẳng hạn như những từ: lưỡng lự, hình như, chắc, có lẽ…

* Phương pháp giảng dạy của giáo viên để hạn chế lỗi sai cho học sinh.

– Giáo viên càn phải giải thích cho học sinh những từ ngữ khó những từ ngữ không rõ ràng về nghĩa.

– Cho học sinh tập luyện viết câu, hướng dẫn cho học sinh không nên dùng từ khó hiểu vì mục đích của mình là viết cho người khác hiểu chứ không phải viết theo mạch cảm xúc của mình.
e. Lỗi sai do sắp xếp sai vị trí các thành phần:

Ví dụ 1:

Đậu cành tre chim se sẻ, ăn quả chín chim chích chòe, hót véo von chim sáo.

Ở câu trên không biết các em cố tình đảo ngược các thành phần trong câu để nhấn mạnh hay các em không biết cách đặt vị trí của các thành phần chủ ngữ, vị ngữ. Đọc câu trên chúng ta hiểu được nội dung nhưng câu văn đọc lên không suôn, lúng  túng, vì vậy cần phải sửa sai vị trí của các thành phần câu lại như sau:

Đậu cành tre là chim se sẻ, ăn quả chín là chim chích chòe, hót véo von là chim sáo.

* Nhận xét chung:

Ở những câu sắp xếp sai vị trí các thành phần thì đa số các em ít mắc lỗi hơn. Thường thấy nhất ở các em có bài viết hay, các em này đều có khả năng tư duy tốt nhưng biết cách sử dụng các thành phần theo kiểu đảo ngược vị trí, vì thế mà các em viết sai, những câu này khi đọc chúng ta có thể hiểu được ý của người viết. Tuy nhiên vẫn có những câu người đọc không thể hiểu được.

* Phương pháp giảng dạy của giáo viên để hạn chế lỗi sai cho học sinh:

– Giáo viên cho vài ví dụ để làm mẫu, cho các ví dụ về sai lỗi vị trí các thành phần, trong các ví dụ này có câu đúng, có câu sai và phân tích cho học sinh thấy được sai chỗ nào? Vì sao sai và cho học sinh thấy được mặc dù có câu vị trí các thành phần sai nhưng câu vẫn đúng để em nào có khả năng thì có thể sử dụng, nhằm làm cho câu văn sinh động hơn, hấp dẫn hơn và lôi cuốn người đọc hơn.

– Thường thì sai vị trí giữa chủ ngữ và vị ngữ dể xác định do đó giáo viên cho học sinh tự cho ví dụ và hướng dẫn các em tìm ra những chỗ sai, cách sửa chữa, tập làm nhiều ví dụ càng tốt. Từ các ví dụ đó các em sẽ rút ra kinh nghiệm để viết câu tốt hơn.

2. Lỗi về nghĩa.

a. Câu sai nghĩa:  

* Câu sai nghĩa là câu có chứa đựng nội dung không phù hợp với hiện tượng  khách quan, phản ảnh sai hiện thực khách quan.

Ví dụ :

Phượng đã chấm dứt những ngày hè tưng bừng rộn rã, chúng em trở lại với mái trường.

Câu trên xét về cấu trúc thì đúng bởi nó đầy đủ các thành phần chủ ngữ, vị ngữ để tạo nên câu ghép. Tuy nhiên ở ý đầu ta có thể đặt câu hỏi ai (cái gì) đã chấm dứt những ngày hè tưng bừng rộn rã. Theo câu trên đó là: phượng, nhưng bản thân phượng có chấm dứt những ngày hè được không? Không thể được, do đó câu ghép trên đã sai về nghĩa.

Ta phải sửa chữa như sau:

Những ngày hè đã chấm dứt, chúng em lại trở lại với mái trường.

* Nhận xét chung:

Câu sai nghĩa sẽ làm nội dung thông báo không được rõ nghĩa, chính xác. Nguyên nhân học sinh tiểu học viết câu ghép sai nghĩa là do học sinh thiếu kiến thức thực tế trong cuộc sống nên dùng những từ ngữ sai lệch, không đúng với thực tế.

* Phương pháp giảng dạy của giáo viên để hạn chế lỗi sai cho học sinh:

Trước khi cho học sinh làm bài tập làm văn giáo viên có thể cho học sinh đi thực tế để biết cụ thể đối tượng mình miêu tả, câu chuyện kể lại hay sự việc xảy ra… hoặc khi cho đề tập làm văn cho học sinh làm nhất là đối tượng với văn miêu tả thì giáo viên phải hướng dẫn học sinh những ý chính trình tự bài văn, các thông tin về số liệu.

– Giáo viên cần lưu ý cho học sinh tránh hiện tượng viết lệch hướng không nhầm lẫn sự việc hành động của chủ thể này với chủ thể khác. Làm văn phải có thời gian để tư duy do đó giáo viên tạo điều kiện thời gian để học sinh hoàn thành tốt bài làm của mình.

    b. Câu không rõ nghĩa.

Câu không rõ nghĩa là câu còn thiếu thông tin đó là những câu đúng về mặt cấu tạo ngữ pháp, nghĩa là: có đầy đủ hai thành phần chính đủ với quan hệ ngữ nghĩa nhưng thật ra câu còn thiếu những thành phần phụ như bổ ngữ, định ngữ cần thiết phải có để phụ cho một động từ, danh từ nào đó trong câu.

Ví dụ: Chiều nay, em đến cửa hàng vào lúc tan giờ nên rất đông khách, người ra người vào buôn bán tấp nập.

– Trường hợp này học sinh viết câu văn rất hay, mới đọc qua thì câu trên không những đúng về cấu trúc ngữ pháp mà về ngữ nghĩa cũng đúng, song ở ý đầu chúng ta thấy chưa rõ nghĩa. Mở đầu câu là một trạng ngữ chỉ thời gian, sau là cụm chủ vị, ở vị ngữ “đến cửa hàng vào lúc tan giờ”. Do đó mà ở vị ngữ này cần có bổ ngữ để cho câu được rõ nghĩa.

– Sửa chữa:

Chiều nay em đến cửa hàng vào lúc tan giờ làm việc của mọi người nên rất đông khách, người ra vào buôn bán tấp nập.

* Nhận xét chung:

Việc sử dụng câu không rõ nghĩa đối với học sinh tiểu học là khá phổ biến. Nguyên nhân sai là do học sinh không chú ý đến câu khi viết các em không biết rằng có những động từ, danh từ bắt buộc phải có bổ ngữ, định ngữ thì nghĩa mới được xác định. Do đó khi viết câu các em sử dụng những danh từ, động từ, tính từ không rõ nghĩa, không xác định nên câu văn mang nội dung thông báo không rõ ràng.

* Phương pháp giảng dạy của giáo viên để hạn chế sai lỗi cho học sinh:

– Giáo viên cần phải hướng dẫn, giảng kỹ về thành phần phụ của câu như trạng ngữ, bổ ngữ, định ngữ giúp cho học sinh phân biệt các thành phần phụ của câu. Cho học sinh tự đặt câu có sử dụng thành phần phụ.

– Giào viên có thể cho ví dụ vài mẫu câu có thành phần phụ đặc biệt là giúp cho học sinh thấy được bổ ngữ, định ngữ thường bổ sung cho động từ, tính từ làm thành phần câu hoặc làm định ngữ có thể là một động từ, danh từ  hoặc tính từ.

– Giáo viên nhấn mạnh những câu có động từ, danh từ, tính từ bắt buộc phải có định ngữ, bổ ngữ để bổ  nghĩa mà chúng ta không dùng định ngữ, bổ ngữ để bổ nghĩa cho những từ đó thì câu văn trở thành câu sai nghĩa, hoặc là câu có nghĩa nhưng không rõ ràng.

c. Câu không có sự tương hợp về nghĩa giữa các thành phần câu giữa các vế câu:

* Câu có chủ ngữ, vị ngữ không tương hợp:

Ví dụ: Năm nay trường em được Bộ GD&ĐT cấp một số kinh phí để sửa sang lại bàn ghế vì bàn ghế của trường em đã rách nát.

Ở câu trên, đã viết đúng cấu trúc ngữ pháp của câu nhưng về nghĩa thì câu này là câu sai. Do ở vế thứ hai của câu đã dùng chủ ngữ và vị ngữ không tương hợp. Chủ ngữ là “cái bàn” đi với vị ngữ là “rách nát” là không tương hợp vì vậy cần phải thay đổi vị ngữ để thích hợp với chủ ngữ của nó.

Ta có thể sửa lại câu này như sau:

Năm nay trường em được Bộ GD&ĐT cấp một số kinh phí để sửa sang lại bàn ghế vì bàn ghế của trường em đã bị hỏng hết.

* Nhận xét chung:

Lỗi về câu có chủ ngữ và vị ngữ không tương hợp học sinh tiểu học thường hay mắc phải. Học sinh tiểu học dùng câu thường hay sử dụng phép so sánh, nhất là văn miêu tả; trong khi đó vốn từ vựng các em còn quá ít, nên khi viết câu các em không biết sử dụng những từ ngữ nào cho thích hợp với những vật mà mình đem so sánh. Ngoài ra, chủ ngữ và vị ngữ không thích hợp còn do vốn kinh nghiệm về cuộc sống của học sinh còn quá ít.

* Phương pháp giảng dạy của giáo viên để hạn chế những lỗi sai cho học sinh:

– Cần phải cho  học sinh rèn luyện cách đặt câu bằng cách đưa ra một số từ ngữ cho học sinh đặt câu theo từ đó.

– Giáo viên đưa ra một số ví dụ về những câu sai do chủ ngữ và vị ngữ không tương hợp cho học sinh tự nhận xét ra chỗ sai, sai như thế nào và cách sửa.

– Giáo viên cần hướng dẫn cho học sinh tự phân biệt được đâu là từ đảm nhiệm chức năng vị ngữ, chủ ngữ và giữa chúng có tương hợp nhau không. Tự học sinh phát hiện ra câu sai do chủ ngữ và vị ngữ không tương hợp nhau.

  • Câu có trạng ngữ và nồng cốt câu không tương hợp:

– Ví dụ: Ở gốc cây, những trái phượng đã gần khô, chúng em tranh nhau hái quả để  ăn.

Câu này các em đã sử dụng thành phần phụ (trạng ngữ chỉ nơi chốn) cũng có liên quan đến nồng cốt câu, tuy nhiên trạng ngữ này không tương hợp với nồng cốt câu, do học sinh không quan sát kĩ khi miêu tả. Thực tế làm gì có chuyện trái phượng ở gốc cây để mà “chúng em tranh nhau hái” do đó dẫn đến câu sai. Vì vậy chúng ta  phải thay đổi trạng ngữ cho tương hợp với nồng cốt câu. Ta có thể sữa chữa câu đó như sau:

Ở trên cành cây, những trái phượng đã gần khô, chúng em tranh nhau hái quả để ăn.

* Nhận xét chung: Từ ví dụ trên chúng ta thấy thành phần phụ của câu cũng rẩt quan trọng trong việc tạo câu. Do vậy, nếu viết câu mà thiếu thành phần phụ thi câu sẽ mang nội dung không rõ ràng, mơ hồ, và có khi sẽ là câu sai, nhưng nếu câu có thành phần phụ mà giữa thành phần phụ và nồng cốt câu không tương hợp nhau thì câu đó cũng sai, do các em chưa biết mối liên hệ giữa thành phần phụ và nồng cốt câu .

* Phương pháp giảng dạy của GV để hạn chế sai cho HS:

 – GV hướng dẫn cho học sinh cách sử dụng thành phần phụ, vị trí của thành phần phụ trong câu. Đưa ra chú ý cho học sinh và khi viết câu phải chú ý giữa thành phần phụ và nồng cốt câu phải có liên quan mật thiết với nhau , bổ sung cho nhau về nghĩa.

– GV cần rèn luyện cho HS  viết câu bằng cách cho thành phần phụ rồi cho HS đặt câu theo thành phần phụ đó.

* Câu sai do danh từ và động từ không tương hợp:

 Ví dụ:

 Bé Hoa có nước da rất trắng, đôi đùi của bé rất mập mạp, ai nhìn cũng thích.

– Phân tích: Câu này các em viết sai do danh từ và động từ không tương hợp nhau. Do đó chúng ta cần phải sữa lại để cho danh từ và động từ tương hợp. Chúng ta không thể nói là “đôi đùi” mà cần phải sữa lại là “cặp đùi”. Cho nên ta có thể sữa câu này lại như sau:

Bé Hoa có nước da rất trắng, cặp đùi của bé rất mập mạp, ai nhìn cũng thích.

  • Câu sai do giữa động từ, trạng ngữ và bổ ngữ không tương hợp:

Ví dụ:

Gà trống đánh xóm làng thức dậy, họ dậy sớm để chuẩn bị đi làm.

Ỏ câu này các em dùng động từ “đánh” đi kèm với chủ ngữ là danh từ “gà trống” là không được. Bản thân gà trống không đánh thức được. Mặt khác từ “họ” là đại từ thay thế cho ai thì không biết được. Theo câu trên là thay thế cho xóm làng như vậy là không đúng, do vậy ta cần phải thay bổ ngữ lại cho thích hợp cụ thể như sau:

Gà trống đánh thức mọi người thức dậy, họ dậy sớm để chuẩn bị đi làm.

* Nhận xét: ở học sinh tiểu học thì việc viết sai câu ghép ở những trường hợp: không tương hợp giữa danh từ , động từ, giữa động từ và trạng ngữ, bổ ngữ là rất phổ biến. Nguyên nhân sai là vì học sinh tiểu học không nắm được những từ loại như danh từ , động từ, tính từ.

* Phương pháp giảng dạy của GV để hạn chế sai cho HS:

 – GV hướng dẫn cho học sinh tự phân tích cấu trúc câu, rèn luyện kỹ năng viết câu bằng cách cho học sinh viết các câu văn, đoạn văn hoặc giáo viên có thể cho một chủ đề nhỏ và cho học sinh viết khoảng 4-5 câu.

– Cần hướng dẫn và giải nghĩa các từ loại thật kỹ, cần chú ý những từ khó. Trong câu đâu là từ đảm nhiệm chức năng chính(chủ ngữ, vị ngữ), còn đâu là thành phần phụ(bổ ngữ, định ngữ) và giữa thành phần đó có liên quan mật thiết với nhau.

3. Lỗi dấu câu – lỗi về hình thức:

a. Lỗi không dùng dấu câu:

Trong khi nói cũng như viết, nếu để các từ thành hàng chuỗi liền nhau, dài dằng dặc, không biết đâu là đầu là cuối thì quan hệ ngữ pháp không rõ ràng và người khác không hiểu được.

Lỗi không dùng dấu câu là những câu sai do không dùng dấu câu ở chổ cần thiết, thường học sinh mắc lỗi do không sử dụng dấu chấm kết thúc câu hoặc ngăn cách các thành phần câu. Có những bài viết không hề có một dấu câu nào.

Ví dụ:

Chiều hôm qua lúc em đi học trời đang nắng bỗng chợt nổi gió rồi mây đen ù ù kéo đến báo hiệu cơn mưa sắp đến.

Câu trên các em viết câu văn dài nhưng không dùng một dấu câu nào, cả câu là một chuỗi liền mạch nên không phân biệt được đâu là thành phần phụ, đâu là nồng cốt câu. Do đó chúng ta cần phải đặt những dấu phẩy để ngăn cách thành phần phụ và nòng cốt câu, ngăn ý này và ý khác nhằm làm cho câu văn đúng và người đọc dễ hiểu. Ta có thể hướng dẫn HS sữa lại câu này như sau:

Chiều hôm qua, lúc em đi học, trời đang nắng bỗng chợt nổi gió, rồi mây đen ù ù kéo đến, báo hiệu cơn mưa sắp đến.

* Nhận xét chung:

Lỗi do không dùng dấu chấm câu ở học sinh tiểu học là rất nhiều. Trong các bài tập làm văn của học sinh hầu hết như các em đề không sử dụng dấu câu. Nguyên nhân là do học sinh vi phạm nguyên tắc sử dụng dấu câu, khi  dã kết thúc một ý thì phải ngắt câu. Việc không sử dụng dấu câu sẽ gây khó khăn trong giao tiếp, người đọc không thể nắm bắt được nội dung cần truyền đạt.

* Phương pháp giảng dạy của giáo viên để hạn chế lỗi sai cho học sinh:

– Giáo viên cần dạy kĩ về phần dấu câu cho học sinh cách sử dụng từng dấu câu. Hiện nay tiếng Việt dùng 10 dấu câu là :

  1. Dấu chấm:             .
  2. Dấu hỏi:                 ?
  3. Dấu cảm:               !
  4. Dấu lửng: …
  5. Dấu phẩy:                ,
  6. Dấu chấm phẩy:  ;
  7. Dấu hai chấm:    :
  8. Dấu ngang:
  9. Dấu ngoặc đơn: ( )
  10. Dấu ngoặc kép:       “ ”

– Giáo viên có thể hướng dẫn cụ thể cách dùng các loại dấu câu, đưa ra nhiều ví dụ sai về dấu câu và cho học sinh tự đặt câu thích hợp vào những chỗ sai ấy để rèn luyện cho học sinh thói quen. Chẳng hạn để ngăn cách trạng ngữ và nòng cốt, ngăn cách các vế câu trong câu ghép đẳng lập, ngăn cách hô ngữ, ngăn cách các bộ phận… khi chữa ta phải thêm các dấu phẩy vào các vị trí cần thiết.   

b. Lỗi sử dụng dấu câu sai:

Lỗi sử dụng dấu câu sai là lỗi của những câu đã sử dụng dấu câu khi không cần thiết hoặc đáng lẽ phải sử dụng dấu câu này thì lại sử dụng dấu câu khác.

  Ví dụ 1:

Hai tiết học qua em vẫn không thấy Hòa đến lớp hay Hòa bị ốm, cả buổi học câu hỏi cứ xoắn lấy em tan học, em đến nhà Hòa thoáng thấy em Hòa gọi ngay Liên ơi, Hòa nằm đây cơ mà.

Trong câu này học sinh viết về nội dung hay nhưng về hình thức thì không đúng bởi các em đã sử dụng dấu câu sai và thiếu nhiều chỗ làm cho câu văn không rõ ràng. Vì vậy ta cần sửa lại cho đúng như sau:

Hai tiết học qua, em vẫn không thấy Hòa đến lớp, hay Hòa bị ốm ? Cả buổi học, câu hỏi cứ xoắn lấy em. Tan học, em đến nhà Hòa thoáng thấy em, Hòa gọi ngay: Liên ơi ! Hòa nằm đây cơ mà!

Ví dụ 2:

 Em Thủy, có đôi mắt to: hàng mi dài, trông thật dịu dàng, tính tình của em tôi thật dễ mến.

Ơ câu này thì các em dùng dấu phẩy ngăn cách chủ ngử và vị ngử là sai, hơn nữa dấu hai chấm ở câu trên không thích hợp vì ý sau không giải thích cho ý trước và ổ chỗ tính tình của  em tôi thật dễ mến là mang nội dung thông báo khác do đó trước nó chúng ta có thẻ sử dụnh dấu chấm để ngăn cách câu. Ta có thể sửa lại như sau:

Em Thủy có đôi mắt to, hàng mi dài, trông thật dịu dàng. Tính tình của em tôi thật dễ mến.

* Nhận xét chung:

Lỗi sử dụng dấu câu cũng khá phổ biến ở học sinh tiểu học. Nguyên nhân của loại lỗi này là học sinh sử dụng dấu câu không hợp lí, không đúng quy tắc, dùng dấu chấm ngắt câu khi câu chưa đủ ý, dùng dấu phẩy ngăn cách chủ ngữ và vị ngữ

* Phương pháp giảng dạy của giáo viên để hạn chế lỗi sai cho học sinh:

 – Giáo viên hướng dẫn học sinh cách dùng dấu câu, khi viết câu được một ý  phải có dấu ngắt câu, kết thúc câu phải có dấu chấm. Nếu trong câu có nhiều nòng cốt câu, trong mổi nòng cốt có nhiều thành phần thì dùng dấu phẩy … không được dùng dấu câu tùy tiện.

– Cho học sinh luyện viết câu hoặc đoạn văn ngắn theo chủ đề.

c. Lỗi sai về chính tả:

Đa số các bài tập làm văn của các em, bài nào cũng có ít nhiều lỗi sai về chính tả. Nguyên nhân sai là do tiếng địa phương, học sinh không phân biệt được t – c, tr – ch, s –x, gi – d, n – ng …dấu hỏi và ngã…. Chính vì vậy mà khi dạy ngữ pháp hay đọc chính tả cho học sinh, giáo viên cần phải đọc rõ, chính xác.

– Ví dụ 1

Em nhìn vào đôi mắt long lanh, đen lai lái của nó, em thấy nó có một nỗi xợ xệt rụt rè.

Ví dụ 2

Đôi mắc tròn, hai má núng nín và cái mỏm dài luôn ương ước và mấp máy.

Ơ hai ví dụ trên, cấu trúc ngữ pháp là đều đúng, nhưng về nghĩa thì sai do các em viết sai lỗi chính tả, sai nghĩa của từ.

Ta phải hướng dẫn học sinh sửa chữa lại như sau:

Ví dụ 1:

Em nhìn vào đôi mắt long lanh, đen lay láy của nó, em thấy nó có một nỗi sợ sệt rụt rè.

Ví dụ 2:

Đôi mắt tròn, hai má núng nính và cái mỏm dài luôn ươn ướt và mấp máy.

* Nhận xét chung:

Từ hai ví dụ trên, chúng ta cũng có thể thấy được lỗi sai chính tả ở học sinh tiểu học là rất đa dạng. Do đó giáo viên cần phải chú ý dạy cho học sinh viết chính tả ngay từ ban đầu, những từ khó giáo viên cần giải thích cho học sinh hiểu nghĩa.

* Phương pháp giảng dạy của giáo viên để hạn chế lỗi sai cho học sinh:

– Giáo viên hướng dẫn cho học sinh cách đọc, cách phát âm chuẩn từ đó các em sẽ viết đúng chính tả.

– Thường thì lỗi này hay gặp phải theo phương ngữ vùng miền, khi phát âm không chuẩn thì dẫn đến học sinh sẽ viết sai. Vì vậy giáo viên cần chú ý hướng dẫn kỹ các từ, tiếng có vần khó dễ viết sai hoặc các âm đầu hay phát âm sai như: tr – ch, l – n, vòng quanh – vòng quân;….v..v..cho học sinh theo từng vùng miền một cách cụ thể.

Copyright 2019 © Kinh nghiệm dạy học | Thiết kế bởi Web Bách Thắng