Phương pháp dạy học Lịch sử bằng sơ đồ tư duy

Phương pháp dạy học Lịch sử bằng sơ đồ tư duy

                                   

I.1. Lí do chọn đề tài.

          Bài thơ Việt Nam quốc sử diễn ca, Bác Hồ chúng ta đã viết :

Dân ta phải biết sử ta.

Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam.

Trong sự nghiệp giáo dục, môn lịch sử ở trường phổ thông đã góp phần không nhỏ trong việc giáo dục lòng tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước và trách nhiệm của thể hệ trẻ đối với sự phát triển của nước nhà.

Thế nhưng trong thời đại ngày nay giới trẻ được thừa hưởng một thành quả công nghệ nghe nhìn đã làm ảnh hưởng không ít về môn học Lịch sử. Hơn nữa các bậc phụ huynh, học sinh hiện nay còn cho rằng môn Lịch sử là một môn học phụ nên không mấy quan tâm, chú trọng đến môn học này mà chỉ tập trung vào hai môn Toán và Tiếng Việt.

          Trong mục tiêu giáo dục Tiểu học nhằm giúp các em hình thành những cơ  sở ban đầu cho sự phát triển đúng đắn và lâu dài về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mĩ, và các kĩ năng cơ bản tiếp tục học lên lớp trên.( Trích luật giáo dục  và các văn bản ban hành mới nhất– Nhà Xuất bản Lao động)

          Vì vậy, tầm quan trọng của bộ môn này là giúp các em ham học hỏi, tìm hiểu để biết rằng giá trị của cuộc sống hôm nay được tạo bởi xương, máu, nước mắt  của biết bao nhiêu lớp lớp ông cha ta từ ngàn đời nay đã ngã xuống để dựng nước và giữ nước. Một dân tộc mà đời đời tồn tại và phát triển, một dân tộc đang từng ngày được sánh vai với các nước khác trên thế giới đó là nhờ vào những thành tựu, những chiến công huy hoàng rất đáng tự hào trong sự nhiệp bảo vệ Tổ Quốc.

                   Vậy để dòng lịch sử chung của ngàn năm hào hùng như một mạch nước  ngầm chảy mãi trong mỗi con người Việt thì ta phải làm sao để môn Lịch sử là một món ăn tinh thần, cuốn hút các em học sinh trường Tiểu học Krông Năng nói riêng và các trường Tiểu học trong địa bàn huyện Krông Năng nói chung vào môn học này. Từ môn học chúng ta  hình thành cho các em niềm tin vào đạo đức, có thái độ khâm phục tinh thần yêu nước của các bậc tiền bối và có hành vi đúng đắn để xác định nhiệm vụ của bản thân mình đối với quê hương đất nước thân yêu.

          Như vậy việc dạy học môn Lịch sử trong trường phổ thông nói chung và trường Tiểu học nói riêng vô cùng quan trọng. Đã có nhiều thầy giáo, cô giáo tâm huyết với nghề, thường xuyên đổi mới phương pháp dạy học, góp phần nâng cao tính hấp dẫn của môn học. Tuy nhiên, thực tế các trường tiểu học nói chung và ở Trường Tiểu học Krông Năng nói riêng, trong việc dạy môn lịch sử phần lớn giáo viên vẫn chưa đưa ra được những phương pháp dạy học nhằm phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của học sinh. Hình thức tổ chức dạy học của giáo viên cũng chưa đem lại niềm vui, niềm hứng thú cho các em vào điều kiện cụ thể.

Vậy phải có biện pháp gì để khắc phục? Và đưa ra được những phương pháp dạy học như thế nào để phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của học sinh?  Đó là tất cả những điều mà nhà sư phạm đều quyết tâm đưa ra những tâm huyết của mình. Vì thế tôi chọn đề tài “Phương pháp dạy học Lịch sử bằng sơ đồ tư duy ”. Nhằm giúp  học sinh nắm được một số kiến thức cơ bản về một số sự kiện tiêu biểu của Lịch sử dân tộc qua các thời kì với những nét chính về diễn biến; kết quả; ý nghĩa và các nhân vật Lịch sử tiêu biểu ở phân môn Lịch sử lớp 5.

Trong thời gian nghiên cứu đề tài này, tôi được sự quan tâm giúp đõ của lãnh đạo trường, bạn bè, đồng nghiệp tạo điều kiện cho tôi hoàn thành đề tài này. Tôi xin chân thành cảm ơn.

  1. b) Nôi dung và cách thức thực hiện giải pháp biện pháp

          Biện pháp thứ nhất: Trang bị một số kiến thức cơ bản về lịch sử

Để hướng dẫn học sinh cách học bộ môn Lịch sử theo từng loại bài một cách có hiệu quả. Hay trước khi nhắc đến nhân vật lịch sử nào đó, giáo viên cần cung cấp để học sinh biết được những nét sơ lược về bối cảnh lịch sử ( không gian, thời gian) mà nhân vật hoạt động, hoặc những bài học lịch sử trong đó có những lời đối thoại nổi tiếng; .. để tiết học trở nên hấp dẫn, phong phú, lôi cuốn học sinh hăng say học tập môn học này. Giáo viên phải  tự trang bị cho mình những kiến thức lịch sử cần thiết bằng cách:

          Đọc nhiều sách vở, tài liệu dạy và học, tìm hiểu thông tin trên báo, đài, internet và  nghiên cứu kĩ sách giáo khoa để hiểu được mục tiêu của bài dạy giúp giáo viên  truyền đạt cho các em kiến thức lịch sử có hệ thống và có nhiều dẫn chứng, nhiều câu chuyện minh họa, giúp cho bài dạy sẽ lôi cuốn học sinh hơn, gợi cho các em có lòng yêu thích học môn Lịch Sử.

             Biện pháp thứ hai: Chuẩn bị đồ dùng, thiết bị dạy học

* Tranh ảnh

-Tranh ảnh lịch Sử là một nguồn tư liệu lịch Sử có khả năng khôi phục lại một cách sinh động về hiện tượng lịch sử cụ thể. Đây là đồ dùng dạy học trực quan phục vụ cho việc dạy và học trên cả 3 mặt : Giáo dục, giáo dưỡng và phát triển, nhằm giúp các em nắm bắt và khắc sâu được các sự kiện, hiện tượng, nhân vật lịch sử thiêng liêng, cao quý nhất .

Việc sưu tầm tranh ảnh rất quan trọng để các em dễ hình dung, dễ nhớ, nhớ lâu các sự kiện lịch sử.

Ví dụ khi dạy bài: Chiến dịch biên giới thu- đông năm 1950.

Mục đích yêu cầu học sinh nhận thức được cuộc chiến đấu ở biên giới thắng lợi đã góp phần làm thay đổi cục diện ở chiến trường Bắc Bộ. Giáo dục học sinh tinh thần chịu đựng gian khổ trong mọi hoàn cảnh.

Để truyền thụ bài hiệu quả, ngoài việc chuẩn bị lược đồ, tư liệu khác về chiến dịch biên giới, phiếu học tập, bảng phụ,…Giáo viên cần chuẩn bị tranh ảnh liên quan đến chiến dịch biên giới như: Những hình ảnh về Bác Hồ trong chiến dịch; Hình ảnh về bộ đội, dân công tham gia chiến dịch; Hình ảnh về những tù binh địch,…như vậy các em vừa được nghe giáo viên giảng vừa được nhìn thấy những hình ảnh, từ đó sẽ khắc sâu hơn kiến thức, tiết học sẽ được diễn ra sinh động, lôi cuốn, hiệu quả tiết học sẽ được tăng lên.

* Các mốc sự kiện lịch sử

       Ngoài những việc chuẩn bị nêu trên, trong môn Lịch sử  lớp 5 các mốc sự kiện lịch sử rất quan trọng, vì kiến thức lịch sử ở cấp Tiểu học không được trình bày theo một hệ thống chặt chẽ mà chỉ chọn ra những sự kiện, hiện tượng, nhân vật lịch sử tiêu biểu cho một giai đoạn lịch sử nhất định đưa vào chương trình phân môn Lịch sử. Ở lớp 5 gồm 32 tiết với các mốc sự kiện lịch sử chính như: Hơn 80 năm

 chống thực dân Pháp ( 1858 – 1945); Xô Viết Nghệ Tĩnh; các cuộc khởi nghĩa và hoạt động yêu nước chống thực dân Pháp đầu thế kỷ 20; thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam, cách mạng tháng tám năm 1945 và tuyên ngôn độc lập (2/9/1945); chín năm kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954); các chiến dịch quân sự lớn. Chiến thắng Điện Biên Phủ; Hiệp định Giơnevơ chấm dứt chiến tranh Đông Dương; kháng chiến chống Mĩ và xây dựng đất nước ( 1954 – 1975); xây dựng chủ nghĩa xã hội trong cả nước ( 1975 đến nay). Với nội dung kiến thức như vậy, để tránh tình trạng tiếp thu kiến thức thụ động như trước, việc chuẩn bị các mốc sự kiện lịch sử để đưa vào sơ đồ tư duy khi dạy sẽ giúp các em hứng thú trong giờ học, các em sẽ có cơ hội hình dung được sinh động về các sự kiện lịch sử  đã diễn ra cách các em rất xa.

Như trên đã trình bày, một trong những phương pháp dạy học không thể thiếu được khi dạy phân môn lịch sử là phương pháp trực quan. Việc sưu tầm ảnh lịch sử là rất quan trọng để các em dễ hình dung, dễ nhớ tên nhân vật liên quan đến các sự kiện lịch sử. Giáo viên chủ động sưu tầm hoặc có thể yêu cầu học sinh sưu tầm từ ở nhà và các em có thể trình bày những hiểu biết đã có của mình. Ngoài ra giáo viên có thể giới thiệu thêm một số thông tin khác của nhân vật lịch sử .

Các ảnh lịch sử có thể to, nhỏ khác nhau và có thể để sử dụng trong nhiều hình thức tổ chức khác nhau. Dưới đây là một số ảnh của một số nhân vật lịch sử tiêu biểu như: Trương Định; Phan Bội Châu; Nguyễn Ái Quốc; Tôn Thất Thuyết;…

* Các đoạn phim tư liệu :

Đây là loại tài liệu mang nội dung thông tin bằng hình ảnh và âm thanh trên các vật liệu khác nhau, chúng có khả năng ghi và làm tái hiện lại những hình ảnh và âm thanh đúng như đã xảy ra trong thực tế , chính vì vậy những đoạn phim tư liệu giúp cho học sinh xem như đang chứng kiến những sự kiện đang xảy ra trước mắt

 mình . Những tư liệu này không chỉ phản ánh, miêu tả hay kể lại về hiện thực xã hội đã xảy ra mà nó thể hiện bằng những hình ảnh và âm thanh của những sự kiện,

 hiện tượng đó đúng như đã diễn ra và làm tái hiện lại một cách chân thực các sự kiện đó, qua đó học sinh được chứng kiến toàn bộ quá trình diễn biến của sự kiện hoặc khoảnh khắc nào đó của sự kiện hoặc con người .

Trong công tác giảng dạy, kết hợp với những bài giảng trên lớp là những đoạn phim tư liệu được trình chiếu làm minh họa, sẽ giúp học sinh hiểu sâu sắc hơn bài giảng của thầy cô. Ví dụ khi trình chiếu những bộ phim tư liệu về Bác như: “ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh 1975”; những hình ảnh Bác đi chiến dịch,…Những hình ảnh như vậy có tính giáo dục rất cao đối với học sinh và giúp làm cho tiết học sinh động hơn.

            Biện pháp thứ 3 : Chuẩn bị hệ thống câu hỏi

Các câu hỏi phải chuẩn kiến thức, kĩ năng, phù hợp với từng đối tượng học sinh, sắp xếp câu hỏi từ dễ đến khó, từ đơn giải đến phức tạp, kích thích học sinh độc lập suy nghĩ rồi trả lời nhằm dẫn dắt các em đạt mục tiêu, yêu cầu của bài học.

Các câu hỏi được chuẩn bị dưới hình thức khác nhau như: Giải ô chữ, đố vui, trắc nghiệm, bài tập thực hành,….. chủ yếu là kích thích sự sáng tạo, thích thú khi giải đáp các câu hỏi, giúp các em khắc sâu được kiên thức hơn.

Ví dụ:

* Các câu hỏi giai đoạn “Hơn tám mươi năm chống thực dân Pháp xâm lược và đô hộ( 1858-1945)

+ Thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta vào thời gian nào? (1858)

+ Nhiêm vụ hàng đầu của nhân dân ta là gì?

+ Nhân vật, sư kiên tiêu biểu cho giai đoạn này là ai ? Ông được nhân dân tin yêu và suy tôn “ Bình Tây Đại nguyên soái” gồm có 11 chữ cái ? (Trương Định)

+ Sự kiện tiêu biểu ngày 5/71885 là gì? Ai đã thay vua Hàm Nghi ra chiếu Cần Vương? ( Tôn Thất Thuyết)

+ Tên tuổi nhà yêu nước gắn liền với phong trào Đông Du? (Hay là câu đố vui:                               Đố ai qua Nhật, sang Tàu

                             Soạn thành huyết lệ lưu cầu tàn thư

                                     Hô hào vận động Đông Du

                            Kết đoàn cùng với sĩ phu khắp miền.

                                                       (Là ai ? Phan Bội Châu)

+Nêu kết quả các phong trào cứu nước của các bậc tiền bối? (Cụ Phan Bội Châu muốn dựa vào Nhật để đánh đuổi giặc Pháp, điều đó là nguy hiểm. Cụ Phan Châu Trinh yêu cầu người Pháp làm cho nước ta giàu có, văn minh, đó là điều không thể thực hiện được. Nguyễn Tất Thành quyết định ra tìm đường mới có thể cứu nước, cứu dân.)

+ Nguyễn Tât Thành ra đi cứu nước vào thời gian nào?

  1. 5/6//1910
  2. 5/6/1911
  3. 5/6/1912

+ Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời vào thời gian nào? Do ai chủ trì? ( 3/2/1930 do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc)

+ Sau khi Đảng ra đời đã lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng mạnh mẽ 1930-1931, đó là phong trào nào? ( Xô viết Nghệ – Tĩnh)

+ Ngày 19/8 trở thành ngày gì ở nước ta? (Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội toàn thắng. Ngày 19/8 là ngày kỉ niêm Cách mạng tháng 8 của nước ta.)

+ Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lâp vào thời gian nào? (2/9/1945)

  * Các câu hỏi giai đoạn” Bảo vệ chính quyền non trẻ, trường kì kháng chiến chống thực dân Pháp(1945-1954)

+ Tình thế hiểm nghèo của nước ta sau cách mạng tháng 8 được diễn tả bằng cụm từ nào?

  1. Tình thế “ nghìn cân treo sợi tóc”
  2. Tình thế “ hiểm nghèo”

+Chính quyền non trẻ đẩy lùi được ba loại giặc nào? ( “giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm” )

+ Ngày 19/12/1946 diễn ra sự kiện gì? (Nhân dân ta tiến hành cuộc kháng chiến toàn quốc)

+Tháng 10/1947 Pháp tấn công lên Việt Bắc với âm mưu gì? Kết quả của chiến dịch? ( Thu – đông 1947 Pháp tấn công lên Việt Bắc âm mưu tiêu diệt cơ quan đầu não của kháng chiến và bộ đội chủ lực. Nhưng Việt Bắc trở thành “mồ chôn giặc Pháp”)

+ Năm 1950 diễn ra sự kiện gì? Kết quả ý nghĩ của chiến dịch? (Thu – đông 1950, ta chủ động mở chiến dịch và thắng lợi nhằm giải phóng một phần biên giới, cũng cố và mở rộng căn cứ địa Việt Bắc)

+ Sau 56 ngày đêm chiến đấu kiên cường gian khổ bộ đội ta đã ghi trang vàng chói lọi vào lịch sử. Em biết gì về sự kiện này?( chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ)

           Biện pháp thứ 4: Rèn kĩ năng kể chuyện

 Để tránh tình trạng lâu nay một số giáo viên vẫn sử dụng cách “đọc” cho học sinh nghe dẫn đến sự nhàm chán của học sinh, vậy để tạo được sự cuốn hút trong mỗi tiết dạy và học Lịch Sử, giáo viên tự rèn luyện cho mình cách diễn đạt, giọng kể sao cho phù hợp, hấp dẫn, thu hút sự chú ý của học sinh:

– Giọng kể châm rãi, sâu lắng khi nhắc đến sự hi sinh của các anh hùng dân tộc, giọng kể rõ ràng, rành mạch mang tính chất tường thuật các sự kiện Lịch Sử , tinh thần anh dũng quật cường của ông cha ta….. có như thế cái hay cái đẹp về ký ức Lịch Sử mới đọng lại trong đầu các em thật lâu và cuốn hút học sinh vào môn Lịch Sử, giúp các em học sinh biến môn học Lịch Sử thành món ăn tinh thần.

        

  Biện pháp thứ 5: Thiết kế bài giảng

          Đây là một khâu chuẩn bị quan trọng cho sự thành công của một giờ dạy trên lớp. Giáo viên xác định rõ mục tiêu, các hoạt động dạy học phương pháp học như có bao nhiêu hoạt động; phân định hoạt động của giáo viên, hoạt động của học sinh( hoạt động cá nhân, hoạt động nhóm, cả lớp, đặc biệt là giúp học sinh có nhu cầu và biết cách tự học).Tóm lại bài soạn phải có tính sáng tạo, các hình thức khác nhau (nói, viết, vẽ,…) về sự kiện, hiện tượng lịch sử và các phương pháp tổ chức dạy học hiện đại phối hợp với truyền thống để phát huy tối đa các mặt mạnh của từng phương pháp tránh gây nhàm chán cho các em, phù hợp với điều kiện, trình độ học sinh, không mang tính chiếu lệ, rập khuôn, sao chép từ sách giáo viên.

           Biện pháp thứ 6: Trình bày bài giảng bằng sơ đồ tư duy và kĩ thuật mảng ghép

Lợi ích của sơ đồ tư duy  là giúp nhớ lâu hơn, có thể bao hàm kiến thức từ 10 trang sách giáo khoa trong một vài trang giấy và làm nổi bật các ý trọng tâm bằng việc sử dụng màu sắc, kích cỡ,  hình ảnh đa dạng…

                            III.    KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

III.1. Kết luận:

Dạy học nói chung, dạy học lịch sử ở trường tiểu học nói riêng là một quá trình, đó là một quá trình nhận thức đặc thù, trong đó giáo viên tổ chức, dẫn dắt học sinh một cách có mục đích, có kế hoạch để học sinh nắm vững những tri thức cơ bản, kỹ năng cơ bản, phát triển năng lực nhận thức, bồi dưỡng phẩm chất đạo đức, hình thành nhân cách.

Với tinh thần đó, người thầy đóng vai trò quyết định tạo nên chất lượng giáo dục. Đặc biệt với yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay nhằm phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đòi hỏi người thầy không những có đạo đức trong sáng, tâm huyết với nghề nghiệp, mà còn phải có một trình độ chuyên môn vững vàng. Để đạt được những yêu cầu trên, đòi hỏi người thầy không ngừng rèn luyện về mọi mặt để hoàn thiện mọi kĩ năng sư phạm.

Với dạy bộ môn lịch sử, việc kết hợp kĩ năng khai thác sơ đồ tư duy, sẽ góp phần tích cực đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Thực hiện tốt không những hoàn thiện những kĩ năng sư phạm, nâng cao trình độ chuyên môn của người thầy, mà còn phát huy tính tích cực của học sinh 

Trong dạy học mỗi phương pháp đều có những ưu điểm và hạn chế nhất định, không phương pháp nào là vạn năng cả. Vì vậy đòi hỏi người giáo viên phải phối hợp nhịp nhàng sao cho người học nắm vững và khắc sâu kiến thức. Ngoài những đổi mới phương pháp dạy học giáo viên luôn theo dõi sự tiến bộ của các em để kịp thời động viên, khen thưởng. Điều quan trọng nữa là giáo viên phải là người có lương tâm, có trách nhiệm, tâm huyết, trau dồi kiến thức, tự cải tiến điều chỉnh hoạt động dạy học sao cho đạt hiệu quả, xứng đáng với niềm tin của phụ huynh học sinh, góp phần trong phát triển sự nghiệp giáo dục nước nhà.

          Qua kết quả giảng dạy đã đạt được tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung và áp dụng đề tài vào quá trình giảng dạy để nâng cao chất lượng bộ môn lịch sử và chất lượng giáo dục trong nhà trường.

Trên đây là ý tưởng của tôi bằng kinh nghiệm thực tiễn tôi đã giúp cho các em học sinh có ý thức cao trong học tập, chịu khó tìm tòi, học hỏi để nắm được bài một cách tốt nhất, khiến các em ngày càng yêu thích môn học lịch sử hơn, từ đó góp phần hình thành nhân cách đạo đức, tư tưởng và lối sống cho các em trở thành những con người hoàn thiện cả về đức – trí – thể – mĩ và đặc biệt là không quay lưng lại với lịch sử dân tộc.

Tuy nhiên với những hiểu biết và kinh nghiệm của bản thân, đề tài có thể chưa đáp ứng được nhiều yêu cầu của giáo viên. Dù vậy, qua nội dung của vấn đề chắc chắn sẽ góp phần trong việc trao đổi kinh nghiệm chuyên môn cùng đồng nghiệp với yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học hiện nay. 

Rất mong sự đóng góp của hội đồng khoa học và các đồng nghiệp để sáng kiến kinh nghiệm này được hoàn chỉnh và mang lại giá trị thực tiễn cao.

Bấm vào đây để tải về

 

 

 

 

 

Copyright 2019 © Kinh nghiệm dạy học | Thiết kế bởi Web Bách Thắng