Rèn phát âm chuẩn cho học sinh lớp 1 trong phân môn Tiếng Việt
- I.1. Lí do chọn đề tài:
Chúng ta biết rằng một nền giáo dục tiên tiến tạo ra được nguồn nhân lực chất lượng cao có khả năng đóng góp cho sự phát triển năng lực khoa học – công nghệ, thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững là cái đích mà tất cả các quốc gia đều nhắm tới. Mục tiêu của nền giáo dục là mang đến cho học sinh niềm say mê học tập, khát khao được vươn tới những chân trời mới của tri thức với một niềm tin mãnh liệt rằng mình có thể thực hiện được khát vọng đó. Nói cách khác giáo dục phải đặt trọng tâm vào việc khơi dậy sự say mê học tập, kích thích sự tò mò và sáng tạo của học sinh để các em có khả năng kiến tạo kiến thức từ những gì nhà trường mang đến cho họ để học sinh thấy được mỗi ngày đến trường là một ngày có ích. Như vậy một nền giáo dục tiên tiến không đặt trọng tâm vào việc giúp người học tiếp thu các tri thức khoa học mà nhà trường mang lại cho họ. Mà mục tiêu của nền giáo dục đó là giúp người học nhận ra được những năng lực trí tuệ của mình để đi tìm tiếp những lời giải cho những vấn đề chưa hẳn hoàn toàn đã viết theo con đường phù hợp nhất với năng lực trí tuệ của bản thân. Vì vậy trong công cuộc xây dựng đất nước trở thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thực hiện chỉ thị 06-CP/TW của bộ chính trị về việc thực hiện cuộc vận động ” Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; thực hiện cuộc vận động ” Mỗi thầy cô là một tấm gương đạo đức tự học tự sáng tạo cho học sinh noi theo”. Thực hiện theo công văn sử dụng làm đồ dùng có sẵn và đồ dùng tự làm trong mỗi tiết dạy. Thực hiện thông tư 30/2014/TT-BGDĐT về quy định đánh giá học sinh tiểu học giúp giáo viên điều chỉnh, đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động dạy học như hiện nay. Tôi tự nhận thấy bậc tiểu học là một nền tảng mang tính hội tụ toàn diện trong 9 môn học. Đặc biệt ở lớp 1 Tiếng Việt là một môn học trung tâm, làm nền móng các môn học khác. Môn Tiếng Việt ở trường tiểu học có nhiệm vụ vô cùng quan trọng đó là hình thành 4 kĩ năng: Nghe- nói- đọc – viết cho học sinh. Tập đọc là một trong những phân môn của chương trình giảng dạy ở bậc tiểu học. Vì nó đảm nhiệm việc hình thành và phát triển cho học sinh kĩ năng đọc, một kĩ năng quan trọng hàng đầu cho học sinh ở bậc tiểu học. Kĩ năng đọc có nhiều mức độ đọc đúng, đọc nhanh, đọc có ý thức, đọc diễn cảm. Bên cạnh những thành công còn có nhiều hạn chế là học sinh của chúng ta chưa đọc được như mong muốn các em chưa nắm được công cụ để lĩnh hội được tri thức, tư tưởng, tình cảm của người khác chứa đựng trong văn bản được đọc. Nên việc dạy đọc phải có định hướng, có kế hoạch. Đặc biệt là học sinh lớp 1 lớp đầu cấp. Việc dạy đọc cho học sinh thật vô cùng quan trọng bởi các em có đọc tốt ở lớp 1 thì khi học ở các lớp tiếp theo các em mới nắm bắt được những yêu cầu cao hơn, mà mục tiêu của môn Tiếng Việt là phải hướng đến giáo dục các em yêu Tiếng Việt bằng cách nêu bật sức mạnh biểu đạt, sự giàu đẹp của âm thanh, sự phong phú của ngữ điệu trong việc biểu đạt nội dung. Thế nhưng mặt âm thanh của ngôn ngữ chưa được chú ý đúng mức, cần đọc bài tập đọc với giọng như thế nào, làm thế nào để chữa lỗi cho học sinh khi phát âm, làm thế nào để phát âm chuẩn? Để từ đó các em đọc hay hơn diễn cảm hơn và làm tiền đề cho các em hiểu văn bản được đọc, để cho những gì các em đọc được tác động vào cuộc sống của các em. Đó là những trăn trở của tôi trong mỗi tiết dạy tập đọc. Vì vậy, tôi chọn đề tài: ” Rèn phát âm chuẩn cho học sinh lớp 1 trong phân môn Tiếng Việt “.
- b. Nội dung và cách thức thực hiện giải pháp, biện pháp:
b.1. Giải pháp thứ nhất: Rèn cho học sinh phát âm theo mẫu.
Giáo viên cần luyện kĩ năng phát âm chuẩn cho học sinh ngay từ chữ cái đầu tiên. Muốn học sinh phát âm chuẩn trước hết giáo viên phải phát âm chuẩn, phải biết cách lắng nghe và quan sát cách phát âm của từng học sinh để nhanh chóng nhận ra lỗi phát âm của các em là do đâu. Từ đó giáo viên lập kế hoạch hướng dẫn cho các em phát âm theo mẫu. Giáo viên phải tạo điều kiện cho học sinh tự quan sát và lắng nghe lời đọc của bạn. Cho học sinh tự nêu lỗi phát âm của mình. Sau đó giáo viên hướng dẫn cách phát âm của chữ em phát âm chưa đúng và nghe cô đọc mẫu. Từ đó các em phát âm lại theo âm chuẩn thật chính xác.
Ví dụ: Học âm v trong lớp có 8 em là tiếng của miền Nam các em phát âm sai giữa v/d, giáo viên hưỡng dẫn phát âm trước và sau đó gọi học sinh đọc chuẩn đọc trước, tiếp theo gọi em phát âm chưa đúng luyện đọc lại.
b.2. Giải pháp thứ hai: phân tích giữa âm và chữ ghi âm:
Giáo viên hướng dẫn cách phát âm của từng chữ ví dụ: âm “v” với phụ âm v giáo viên cần mô tả vị trí của lưỡi; răng trên ngậm hờ môi dưới, hơi ra bị sát nhẹ rồi giáo viên phát âm mẫu, học sinh Nam, Thảo, Nhi luyện đọc theo.
Tương tự với âm tr đầu lưỡi chạm vào vòm cứng bật ra không có tiếng thanh. Âm ch lưỡi trước chạm lợi rồi bật nhẹ, không có tiếng thanh (trăn/chăn. tre/che…).
Âm l/n: âm l lưỡi đưa lên chạm lợi hơi đưa ra từ họng xát nhẹ, âm n đầu lưỡi chạm lợi hơi thoát ra cả miệng lẫn mũi.
Ví dụ: la/na; nón/lón; làng/nàng;…).
Âm s/x: âm s uốn đầu lưỡi về phía vòm hơi thoát ra xát mạnh không có tiếng thanh, âm x khe hẹp phía đầu lưỡi và răng-lợi hơi thoát nhẹ không có tiếng thanh
Ví dụ: sẻ/xẻ; say/ xay; sương/xương;…. Trong khi hướng dẫn học sinh đọc giáo viên kết hợp với tranh ảnh, vật thật và sau mỗi bài học các âm tôi đã cho các em luyện đọc ngay ở tiết luyện đọc, luyện nói vào buổi chiều và cả trong các môn học khác để khắc sâu kiến thức hơn.
b.3. Giải pháp thứ ba: Giáo viên chữa lỗi phát âm chưa đúng thanh điệu cho học sinh:
Trong các lớp tôi nghiên cứu có gần 2/3 là học sinh nói tiếng của miền Trung. Các em thường phát âm chưa đúng ở các tiếng chứa dấu thanh Vì vậy tôi phân tích các tiếng rồi cho học sinh phân biệt các dấu thanh gắn trên các tiếng đó, sau đó đọc mẫu và hướng dẫn các em cách phát âm đúng, từ đó các
em đọc theo và giáo viên uốn nắn sửa chữa kịp thời.
– Ví dụ: Thanh ngã các em hay lẫn với thanh nặng như: “dũng / dụng, mỡ/mợ, nỡ / nợ, …).
Giáo viên đưa ra một số tiếng từ chữa dấu thanh học sinh thường đọc không đúng và nêu tác hại khi phát âm không đúng người nghe sẽ hiểu nghĩa khác đi rồi yêu cầu học sinh luyện đọc đúng theo nhiều hình thức cá nhân, nhóm, đôi bạn cùng đọc cho nhau nghe.
b.4. Giải pháp thứ tư: Giáo viên chữa lỗi phát âm bằng cách phân tích âm và vần:
Giải pháp này là giáo viên phân tích các âm học sinh thường phát âm chưa đúng rồi giáo viên đọc mẫu. Luyện cho học sinh đọc phân biệt l/n, tr/ch, s/x, v, r /d bằng cách nói các từ ngữ, câu tập trung nhiều phụ âm l/n, tr/ch…
Trong lớp có nhiều học sinh là nói tiếng miền Trung Nam bộ các em thường đọc chưa đúng vần có kết thúc bằng n, t, nh như: nhăn nhó/nhăng nhó, tát nước/tác nước, bát ngát/ bác ngác, nhanh nhẹn… Hoặc các vần uôn học sinh đọc là un, ươu / iêu, ưu/iu. luyện đọc các câu khó như: “Trùng triềng như nón không quai”. “Ấm đẹp lòng người lúa lổ lung linh”. “Đi Hà Nội mua cái nồi nấu cơm nếp”. “Chăn rách giặt sạch vắt cành chanh”. “Lúa lên lớp lớp nồng nàn lâng lâng”. Sau đó các em luyện theo nhiều hình thức tổ, nhóm, cá nhân.
b.5. Giải pháp thứ năm: Giáo viên chữa lỗi phát âm bằng cách luyện tập, thực hành trong các môn học:
Giáo viên luôn động viên nhắc nhở các em phải luôn mạnh dạn rèn phát âm chuẩn trong tất cả các môn học, chú ý, quan sát, lắng nghe cô giáo hướng dẫn, tự tin, chăm chỉ trong học tập, biết phối hợp cùng bạn bè, mạnh dạn hỏi thầy, cô giáo và bạn bè khi mình chưa hiểu, luôn có ý thức luyện phát âm đúng. Không những trong phân môn tập đọc mà các em cần phải phát âm chuẩn trong các môn học khác như: Toán khi đọc số, đọc yêu cầu bài tập, bài toán có lời văn.Nếu đọc không đúng người nghe sẽ không hiểu được bài toán. Trong phân môn Âm nhạc giáo viên cũng cần hưỡng dẫn. Âm vực của thanh huyền thấp hơn thanh sắc nên tập hát thanh sắc thành thanh huyền, không thanh rất thuận lợi. Chẳng hạn học sinh hát câu “Cái cây xanh xanh, thì lá cũng xanh. Bé bé bằng bông, hai má hồng hồng” hoặc luyện phát âm thanh điệu cho học sinh hát câu” Mặt trời soi rực rỡ…”
Hằng ngày dành thời gian hợp lí để đọc báo măng non, đọc truyện trong sáng lành mạnh. Khi giáo viên nắm chắc các biện pháp chữa lỗi phát âm và đã phát âm đúng, chuẩn, rõ ràng, diễn cảm rồi thì người đọc dễ dàng phát âm chuẩn.
b.6 Giải pháp thứ sáu: Sử dụng tranh ảnh và dụng cụ học tập một cách thường xuyên trong tiết dạy:
Tranh ảnh và đồ dùng dạy học rất quan trọng không thể thiếu được trong việc dạy học nhất là ở phân môn tập đọc. Càng có tranh ảnh, đồ dùng thì càng tạo nên sự hứng thú của học sinh trong tiết học. Chính vì vậy, mỗi tiết học, giáo viên cần chuẩn bị đầy đủ đồ dùng, nắm được mục tiêu của từng bức tranh, cách sử dụng đồ dùng,…
Khi dạy Tập đọc lớp 1 phải thường xuyên sử dụng tranh, ảnh, vật thật phù hợp với nội dung từng bài học.
Đồ dùng dạy học giúp học sinh chiếm lĩnh tri thức, phát triển kĩ năng thực hành. Kích thích hứng thú nhận thức của học sinh. Phát triển trí tuệ, giáo dục nhân cách cho học sinh.
Đồ dùng dạy học giúp cung cấp các kiến thức một cách chắc chắn. làm cho việc giáo dục trở nên cụ thể hơn, nhẹ nhàng hơn. Giúp giáo viên kiểm tra khả năng tiếp thu kiến thức của học sinh.
Vào những buổi học ôn luyện tôi thường cho các em làm các bài tập chính tả và phát âm bằng bảng đồ dùng như sau:
BẢNG RÈN PHÁT ÂM VÀ RÈN CHÍNH TẢ
PHỤ ÂM ĐẦU | |
tr và ch | chân lí, trân trọng, chân thành, leo trèo, chăn trâu,… |
s và x | xử lí, sử dụng, …uất khẩu, năng …uất, chim …ẻ, … |
v và d | …ội vàng, …ội nước, …ì sao, …ì dưỡng, …ân
lời, … |
r,d và gi | …ành độc lập, tranh …ành, …ành rọt, …ành dụm, … |
PHỤ ÂM CUỐI | |
c và t | Đậm đặc…,đánh giặ…, bột giặ…, mặ… người, mặ… kệ. |
n và ng | cái bà.., biên bả…, đúng đắ…, thuốc đắ…, mặt tră…,… |
NGUYÊN ÂM | |
i và iê, o và ô | dịu dàng, tuyệt d…u, con ch…m, ch…m ngưỡng, …
đ…c giả, đ…c sách, g…c vuông, g…c cây, tập đ…c, … |
b.7. Giải pháp thứ bảy: Giáo viên kết hợp với phụ huynh rèn phát âm cho học sinh:
Biết được đặc điểm phát âm sai do phương ngữ của gia đình ngay cuộc họp phụ huynh đầu năm tôi đã mạnh dạn nêu ra những lỗi phát âm của học sinh thường mắc phải. Những lỗi đó đa số do ảnh hưởng của phương ngữ nếu sửa lỗi một mình trên lớp học chưa đủ. Tôi đã nhờ các bậc phụ huynh kết hợp với cô giáo sửa lỗi phát âm ngay cả khi giao tiếp ở nhà bằng nhiều hình thức như: nói chuyện, đọc truyện cho bố mẹ nghe…Vì bố mẹ là chìa khóa mở ra cánh cửa trí tuệ và tài năng cho trẻ đặc biệt là nuôi dưỡng tâm hồn lẫn trí tuệ phát triển ngôn ngữ và sáng tạo. Muốn làm được điều đó phụ huynh cần trang bị đầy đủ đồ dùng, sách học ở nhà, nói chuyện giao tiếp bằng tiếng phổ thông, hạn chế sử dụng tiếng địa phương khi nói chuyện với trẻ. Định hướng cách học cho các em đưa lại kết quả tốt nhất.
b.8. Giải pháp thứ tám: Giáo viên rèn cho học sinh sự động não.
Nhà tâm lí học người Nga đã nói: “Một ý tưởng hay giống như một đám mây chữ nghĩa”. Khi động não học sinh đã sản xuất ra một dòng ý tưởng, chảy xối xả mà ta có thể thu gom lại trên bảng đen những sản phẩm quý từ nguồn cảm hứng dồi dào và chân thật. Có thể gây động não cho bất cứ gì. Ý tưởng cho một đề án tập thể, suy nghĩ cho một bài học, buổi học của lớp. Học sinh nghĩ được gì đều nói và ghi lại tất tuyệt đối không được ai chỉ trích và bàn lùi ý kiến của bạn, bất cứ ý kiến nào cũng quý. Sau khi tất cả học sinh đều đã nói lên được suy nghĩ đóng góp của mình. Giáo viên sắp xếp phân loại và mời mọi người bàn luận, phân tích, khai thác, chọn lọc. Giải pháp giúp mọi học sinh được dịp đề xuất ý kiến của mình cho tập thể bàn luận và khai thác, tận dụng.
b.9. Giải pháp thứ chín: Rèn tính tự giác, tự tin, chủ động, tích cực, hợp tác trong học tập.
Khi nền kinh tế nước nhà ngày càng phát triển, tri thức không những là sản phẩm quí báu của con người mà nó có vai trò cực kỳ quan trọng là: “Dùng trí thức để tạo ra trí thức mới” đó là khi học sinh được lĩnh hội lượng kiến thức học được trong nhà trường từ bậc mầm non đến đại học trở nên ít ỏi và mau chóng lạc hậu, không đủ dùng trong suốt cuộc sống hàng ngày. Vì vậy, để đáp ứng với nền kinh tế trí thức, trong sự bùng nổ công nghệ thông tin, bùng nổ về khoa học kỹ thuật thì việc học tập suốt đời mặc nhiên trở thành một nhu cầu tất yếu của con người, buộc mỗi thành viên trong xã hội phải luôn là một học sinh, phải học tập thường xuyên dù đang ở cương vị nào, độ tuổi nào, nhưng để học tập thường xuyên, học suốt đời có kết quả thì phải biết “ Tự học”, “Tự tìm tòi”, “Tự khám phá” vì chúng ta làm gì có thầy giáo, cô giáo dạy cho hàng ngày hay ở bên cạnh ta suốt đời. Chính vì thế, vai trò của người giáo viên trong bước đầu giúp học sinh hình thành khả năng “ Tự lực” trong học tập ở cấp đầu tiên là khá quan trọng, là tiền đề cho khả năng tự học khi lớn lên. Vậy thế nào là tính tự lực trong học tập ? Hiểu được nội dung câu hỏi. Tôi nghĩ rằng nên rèn cho học sinh tính “ Tự học” khi các em còn nhỏ là rất quan trọng, người giáo viên giúp các em hiểu và khắc sâu tự lực học tập là một phẩm chất, nhân cách quan trọng của con người được hình thành trong quá trình hoạt động học tập của chủ thể. Nó là mục đích, là động cơ học tập đúng đắn, luôn luôn bồi dưỡng năng lực học tập và tự tổ chức học tập cho bản thân, người học có sự nỗ lực cao về trí tuệ, thể lực và ý chí nhằm lĩnh hội trí thức, rèn luyện kỹ năng, kỹ xảo để thỏa mãn nhu cầu nhận thức nói chung và học tập nói riêng của bản thân.
Ví dụ: Những bài thực hành tìm từ, đặt câu chữa các âm, vần vừa học. Giáo viên chỉ cần ghi mục đề và định hướng phương pháp học tập cho học sinh những yêu cầu cần đạt, các em phải tự lực học tập về rèn luyện, tư duy theo hướng tích cực của chính mình.
b.10. Giải pháp thứ mười : Giúp học sinh chia sẻ, hợp tác với bạn bè cùng lứa tuổi.
Một số học sinh cần thời gian mới hiểu được lời nói hay hành vi của người khác. Những học sinh hướng ngoại đó thường tận dụng được lối học tập thể. Nhưng vì học sinh đều có trí tuệ giao tiếp ở mức độ này hay mức độ khác nên giáo viên phải biết tận dụng lối tiếp cận đòi hỏi một sự tương tác giữa nhiều người trong cộng đồng.
Chia sẻ là chiến lược dễ thực hiện nhất. Tất cả điều cần làm là cho học sinh ” Hãy quay mặt về phía bạn và trao đổi …”. Cũng có thể giáo viên thành lập một nhóm trung tâm để mỗi khi học sinh muốn trao đổi thì đều hướng về một bạn đã chỉ định. Cũng có thể khuyến khích học sinh trao đổi với nhiều thành viên khác nhau của lớp để đến cuối năm học mỗi học sinh đều đã ít nhất một lần trao đổi với tất cả các bạn trong lớp. Thời gian trao đổi có thể rất ngắn (30 giây) hoặc kéo dài trong một tiết học. Việc trao đổi với người cùng trang lứa có thể thực hiện bằng hình thức một em kèm một em hay nhiều em khác về một chủ đề. Các nhóm học hợp tác tạo cho các em những dịp tốt để tập sự làm thành viên của một tổ chức xã hội trong cuộc sống thực tế sau này.
b.11. Giải pháp thứ mười một: Luyện phát âm chuẩn bằng các trò chơi trên bảng.
Trò chơi trên bảng là một cách học thú vị để làm quen với một sinh hoạt xã hội. Một mặt các em có thể trò chuyện, và cười đùa. Mặt khác các em có dịp được học thêm những kĩ năng và cả nội dung chủ đề của trò chơi. Những trò chơi như thế này rất dễ thực hiện bằng cách sử dụng các kẹp tài liệu, các bút viết hay chỉ cần một tấm bìa cứng. Chủ đề có thể nhiều lĩnh vực kĩ xảo ngôn ngữ, thông tin cần học có thể đặt vào các hình vuông, … Học sinh bốc thăm và đọc rồi trả lời câu hỏi.
Giải pháp này giúp học sinh khắc sâu trong trí nhớ hơn và hứng thú học hơn.
b.12. Giải pháp thứ mười hai: Động viên khuyến khích học sinh bằng nhiều hình thức như phát phần thưởng…
– Theo thông tư 32 khuyến khích học sinh để động viên, khích lệ giúp đỡ các em học tập và rèn luyện thì hàng tuần, hàng tháng tôi đã kết hợp với ban phụ huynh của lớp cùng với học sinh tham gia nhận xét, đánh giá học sinh bằng các hình thức phù hợp và trao phần thưởng như tặng bút, thước kẻ, tẩy cho những học sinh có tiến bộ rõ rệt trong tuần, trong tháng dù giá trị vật chất của phần quà không lớn nhưng nó lại mang giá trị tinh thần rất lớn để động viên học sinh có hứng thú phấn đấu trong học tập. Qua thực hiện tôi thấy học sinh thi đua học tập rất tốt.
1.Kết luận:
Tôi nghĩ những giải pháp nêu trên có thể áp dụng rộng rãi ở các lớp đó là những yếu tố không thể thiếu được để nâng cao chất lượng dạy học. Tôi mong rằng kinh nghiệm này sẽ được nhân rộng ra ở các lớp ở bậc tiểu học nói chung và đặc biệt là ở lớp 1 nói riêng để tạo cho các em có một hành trang đầy tự tin khi học phân môn này. Là giáo viên ở bậc Tiểu học tôi nghĩ rằng, người giáo viên cần phải tăng cường sử dụng các phương tiện, đồ dùng dạy học, đổi mới cách đánh giá, kiểm tra. Bên cạnh đó người giáo viên phải có lòng nhiệt tình, tâm huyết trong việc giảng dạy. Thường xuyên theo dõi, quan tâm, giúp đỡ đến mọi đối tượng học sinh. Tạo điều kiện để tất cả các em đều được hoạt động. Tổ chức cho các em tự phát hiện, tìm tòi ra kiến thức mới từ đó sẽ phát huy được óc tư duy sáng tạo, tính độc lập, tự giác cho các em. Bên cạnh đó cần thường xuyên trao đổi, liên lạc với phụ huynh học sinh để phối kết hợp với phụ huynh nhằm giúp đỡ các em một cách kịp thời trong quá trình học tập.
– Trong quá trình dạy học, nếu giáo viên phát hiện được những sai sót của học sinh, tìm hiểu nguyên nhân của những lỗi sai đó và tìm ra những biện pháp khắc phục kịp thời thì hiệu quả các tiết học chắc chắn sẽ được nâng cao.
– Trong thời gian tìm tòi và nghiên cứu, khi áp dụng những giải thực nghiệm đã đạt những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên do thời gian và trình độ còn hạn chế, vì vậy không tránh khỏi những thiếu sót nhất định. Tôi rất mong được sự đóng góp ý kiến của Hội đồng khoa học quý cấp để sáng kiến kinh nghiệm áp dụng rộng rãi hơn trong quá trình giảng dạy nói riêng và giáo dục hóa nói chung.