Tìm hiểu việc sử dụng mô hình trong dạy học toán ở tiểu học.
PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài:
Nói đến Toán học là nói đến một môn học trọng điểm trong chương trình giáo dục ở tiểu học nói riêng và ở tất cả các bậc học nói chung. Môn toán ở tiểu học có nhiệm vụ cung cấp những kiến thức cơ bản ban đầu về số học, các số tự nhiên, phân số, số thập phân; các đại lượng thông dụng; một số yếu tố hình học và thống kê đơn giản cho học sinh. Hình thành các kỹ năng thực hành tính, đo lường, giải các bài toán có nhiều ứng dụng thiết thực trong đời sống. Góp phần bước đầu phát triển năng lực tư duy năng suy luận hợp lý và diễn đạt đúng (nói và viết), cách phát hiện và giải quyết các vấn đề đơn giản, gần gũi trong cuộc sống. Đồng thời kích thích trí tưởng tượng; gây hứng thú học tập toán; góp phần hình thành bước đầu phương pháp dạy học và làm việc có kế hoạch, khoa học, chủ động, linh hoạt, sáng tạo.
Chính vì thế, muốn làm cho các em học tốt môn toán trước hết phải tạo cho các em những say mê và hứng thú với môn học. Trên quan điểm đó người giáo viên cần lựa chọn những phương pháp, những hình thức tổ chức và các phương tiện dạy học cho phù hợp để phát huy tính hiệu quả cao nhất trong từng bài học đảm bảo theo yêu cầu kiến thức và kỹ năng toán học. Nhằm đáp ứng những yêu cầu đổi mới của chương trình sách giáo khoa mới hiện nay.
Xuất phát từ điều đó mà các công ty thiết bị trường học đã dày công nghiên cứu để sản xuất ra rất nhiều đồ dùng dạy học nhằm giúp cho giáo viên có thêm những cơ sở chứng minh trong quá trình dạy học. Các phương tiện dạy học và các đồ dùng dạy học ở tiểu học vô cùng phong phú và đa dạng, bởi đối tượng học sinh ở lứa tuổi tiểu học còn rất hồn nhiên và trong sáng. Mỗi hình ảnh hay biểu tượng đến với các em đều thông qua thị giác. Ý thức có chủ định chưa bền vững. Do đó khi hình thành kiến thức mới ở môn toán cho học sinh tiểu học thì các phương tiện dạy học đóng vai trò chủ chốt, là cửa ngõ để dẫn dắt các em vào nội dung bài cũng như củng cố kiến thức đã học. Thông qua những phương tiện đó các em mới có nhận thức đúng đắn về những công thức, hình dạng các mà người giáo viên muốn chuyển tải.
Ở môn Toán tiểu học có rất nhiều dạng đồ dùng dạy học như: các loại tranh, ảnh, Bộ biểu diễn toán 1, bảng tính, hình lập phương, mô hình hình hộp chữ nhật, thước kẻ,… Một trong những phương tiện dạy học có hiệu quả cao trong dạy toán ở tiểu học là sử dụng mô hình.
Vậy mô hình là gì? Sử dụng mô hình như thế nào để học sinh tiểu học tiếp thu được kiến thức? Có những mô hình nào trong dạy học toán ở tiểu học? Những câu hỏi đó đã thôi thúc tôi quyết định chọn đề tài :“Tìm hiểu việc sử dụng mô hình trong dạy học toán ở tiểu học” làm nội dung nghiên cứu.
2) Ý nghĩa khoa học và thực tiễn:
2.1. Ý nghĩa khoa học:
Trong các phương tiện dạy học của môn Toán thì có rất nhiều thể loại, về hình thức cũng như cấu tạo rất đa dạng và phong phú. Mỗi thể loại có một tác dụng riêng trong việc dùng nó làm trực quan giúp cho học sinh nhận dạng các hình, lấy đó làm biểu tượng hình thành các định nghĩa, công thức. Chẳng hạn tranh ảnh giúp học sinh quan sát và nhận dạng các loại hình, hình thành các phép cộng, trừ, nhân và chia,…bộ biểu diễn môn Toán 3 có tác dụng giúp giáo viên hình thành, so sánh và cộng, trừ không nhớ các số có 3 chữ số.
So với các thiết bị dạy học nói trên thì mô hình trong dạy học toán ở tiểu học chiếm ưu thế lớn hơn. Mô hình là một dạng mô phỏng hình dáng, các đặc điểm cơ bản của những sự vật hiện tượng mà nội dung bài học muốn chuyển tải đến học sinh. Thông qua các loại mô hình này, học sinh không những biết nhận dạng một cách chính xác các hình dáng của các hình, các sự vật để từ đó rút ra các kết luận của mục tiêu bài học đề ra mà thông qua nó học sinh có thể trực tiếp rèn luyện các kỹ năng cơ bản để phát triển tư duy, trí tưởng tượng cũng như tính sáng tạo vốn có của bản thân khi lĩnh hội tri thức.
2.2. Ý nghĩa thực tiễn :
Đối tượng toán học ngay từ đầu là các đối tượng trừu tượng, nên đối với toán học đó là sự trừu tượng hoá trên các trừu tượng hoá liên tiếp trên nhiều tầng bậc. Sự trừu tượng hoá liên tiếp luôn gắn với sự khái quát hoá liên tiếp và với lý tưởng hoá. Toán học sử dụng phương pháp suy diễn, nó là phương pháp suy luận làm cho toán học phân biệt với các khoa học khác. Tư duy của học sinh tiểu học đang trong giai đoạn “tư duy cụ thể”, chưa hoàn chỉnh, vì vậy việc nhận thức các kiến thức toán học trừu tượng khái quát là vấn đề khó đối với các em. Trong dạy học, cần nắm vững sự phát triển có quy luật của tư duy học sinh, đánh giá đúng khả năng hiện có và khả năng tiềm ẩn của học sinh. Từ đó, có những biện pháp sư phạm thích hợp với trình độ phát triển tâm lý và phù hợp việc nhận thức các kiến thức toán học ở tiểu học.
Ví dụ : Khi dạy bài “Xem đồng hồ” ở lớp 2, sang phần luyện tập, bài tập 2 yêu cầu : Quay kim đồng hồ để đồng hồ chỉ :
- a) 3 giờ 15 phút b) 9 giờ kém 10 phút a) 4 giờ kém 5 phút.
Để giúp học sinh xác định giờ một cách chính xác nhất theo yêu cầu bài tập, giáo viên cần sử dụng mô hình đồng hồ. Qua đó các em dùng tay xoay kim trực tiếp trên mô hình đồng hồ theo từng câu hỏi a, b và c. Như vậy ngoài việc mô hình làm phương tiện trực quan giúp học sinh quan sát hình dáng, mô hình còn có thể giúp học sinh làm việc trực tiếp trên nó để phát triển tư duy một cách hiệu quả nhất.
Tất cả những minh chứng đó cho thấy rằng sử dụng mô hình trong dạy học toán học ở tiểu học là một hình thức tổ chức dạy học mang lại hiệu quả cao so với tranh ảnh và một số phương tiện khác. Chính vì vậy mà mô hình là một phương tiện không thể thiếu trong dạy học toán ở tiểu học.
3) Đối tượng và phạm vi nghiên cứu :
3.1/ Đối tượng nghiên cứu :
Đối tượng nghiên cứu của đề tài là nghiên cứu, tìm hiểu việc sử dụng mô hình trong dạy học toán ở tiểu học.
3.2/ Phạm vi nghiên cứu :
Do thời gian nghiên cứu hạn chế nên phạm vi nghiên cứu của đề tài là tìm hiểu việc sử dụng mô hình dạy Toán trong trường tiểu học.
4) Phương pháp nghiên cứu :
4.1 Phương pháp khảo sát: Tôi sử dụng phương pháp này nhằm tiến hành khảo sát và phân loại các dạng mô hình dạy học toán ở tiểu học để phân tích nội dung của đề tài.
4.2 Phương pháp phân tích: Căn cứ vào số liệu đã được khảo sát và phân loại, kết hợp với luận chứng của đề tài. Tôi tiến hành phân tích tác dụng của việc sử dụng mô hình trong dạy học toán ở tiểu học.
4.3 Phương pháp tổng hợp : Khi đã có những chứng cứ khảo sát từ sách giáo khoa. Tôi tiến hành tổng hợp và kết luận về nội dung nghiên cứu. Trình bày một số ý kiến có tính khả thi trong việc sử dụng mô hình khi dạy toán ở trường tiểu học.
Ngoài ra tôi còn sử dụng thêm một số phương pháp khác phục vụ cho quá trình nghiên cứu.
NỘI DUNG
I/ NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG :
- Vai trò dạy học toán ở bậc tiểu học:
Dạy học giải toán ở tiểu học nhằm giúp học sinh biết cách vận dụng những kiến thức về toán vào các tình huống thực tiễn đa dạng, phong phú, những vấn đề thường gặp trong đời sống.
Nhờ giải toán, học sinh có điều kiện rèn luyện và phát triển năng lực tư duy, rèn luyện phương pháp suy luận và những phẩm chất cần thiết của người lao động mới. Vì giải toán là một hoạt động bao gồm những thao tác : Xác lập mối quan hệ giữa các dữ liệu, giữa cái đã cho và cái cần tìm, trên cơ sở đó chọn được phép tính thích hợp và trả lời câu hỏi đúng bài toán.
Dạy học giải toán giúp học sinh tự phát hiện, giải quyết vấn đề, tự nhận xét, so sánh, phân tích, tổng hợp, rút ra quy tắc ở dạng khái quát nhất định.
2) Mục tiêu của môn toán ở tiểu học:
Môn toán ở tiểu học có vai trò đặc biệt quan trọng trong chương trình giảng dạy ở tiểu học. Đây là giai đoạn đầu tiên để hình thành các kiến thức, kỹ năng tính toán cho các em. Do đó việc tổ chức dạy toán ở tiểu học không hề đơn giản. Mà cần phải có một sự nghiên cứu nghiêm túc và chuẩn bị một cách kỹ càng thì mới đạt được mục tiêu mà môn toán đưa ra. Mục tiêu của môn toán ở tiểu học nhằm giúp học sinh:
– Về kiến thức : Cung cấp những kiến thức cơ bản ban đầu về số học, các số tự nhiên, phân số, số thập phân; các đại lượng thông dụng; một số yếu tố hình học và thống kê đơn giản.
– Về kỹ năng : Hình thành các kỹ năng thực hành tính, đo lường, giải các bài toán có nhiều ứng dụng thiết thực trong đời sống. Góp phần bước đầu phát triển năng lực tư duy năng suy luận hợp lý và diễn đạt đúng (nói và viết), cách phát hiện và giải quyết các vấn đề đơn giản, gần gũi trong cuộc sống
– Về thái độ : Kích thích trí tưởng tượng; gây hứng thú học tập toán; góp phần hình thành bước đầu phương pháp dạy học và làm việc có kế hoạch, khoa học, chủ động, linh hoạt, sáng tạo.
3) Mô hình dạy học toán ở tiểu học:
Mô hình là một phương tiện dạy học được mô phỏng từ các hiện tượng, sự vật. Là một thiết bị được làm từ một số chất liệu khác nhau như nhựa, giấy, sắt,… tuỳ theo môn học, bài học mà có các dạng mô hình khác nhau. Nó có tác dụng giúp cho người giáo viên làm dụng cụ trực quan để hình thành kiến thức mới cho học sinh hay thực hành những nội dung đã học. Đồng thời giúp cho học sinh có cách nhìn chuẩn mực, chính xác nhất khi lĩnh hội kiến thức hay rèn luyện các kỹ năng từ phía thầy, cô giáo cung cấp. Đối với môn toán ở tiểu học là một môn học tương đối khó và khô khan, do đó mô hình toán học không chỉ là phương tiện giúp cho học sinh quan sát thực hiện trên mô hình để lĩnh hội kiến thức, rèn luyện kỹ năng. Mà nó còn có tác dụng khơi dậy sự hứng thú trong học tập, tạo tinh thần thoải mái vui tươi cho học sinh trong giờ học bởi ở lứa tuổi tiểu học là giai đoạn mới của phát triển tư duy- giai đoạn tư duy cụ thể. Trong một chừng mực nào đó, hành động trên các đồ vật, sự kiện bên ngoài còn là chỗ dựa hay điểm xuất phát cho tư duy. Các thao tác tư duy đã liên kết với nhau thành tổng thể nhưng sự liên kết đó chưa hoàn toàn tổng quát. Học sinh có khả năng nhận thức về cái bất biến và hình thành khái niệm bảo toàn, tư duy có bước tiến rất quan trọng, phân biệt được phương diện định tính với định lượng- điều kiện ban đầu cần thiết để hình thành khái niệm “số”.
Chẳng hạn: Khi giáo viên muốn rèn luyện cho học sinh kỹ năng nhận dạng về các hình tam giác (bài dạy “Hình tam giác”), giáo viên sử dụng mô hình biểu diễn toán học (gồm các hình tam giác, hình vuông, hình bình hành,…) cho học sinh tự ghép các hình với nhau để tạo thành hình mới. Như vậy thông qua mô hình học sinh sẽ nhận diện hình dạng của hình tam giác, biết cách chuyển đổi, lắp ghép các hình tam giác có sẵn thành một hình tam giác mới.
Học sinh cuối cấp học có những tiến bộ về nhận thức không gian như phối hợp cách nhìn một hình hộp từ các phía khác nhau, nhận thức được các quan hệ giữa các hình với nhau ngoài các quan hệ trong nội bộ một hình. Học sinh tiểu học bước đầu có khả năng thực hiện việc phân tích tổng hợp, trừu tượng hoá- khái quát hoá và những hình thức đơn giản của sự suy luận, phán đoán. Ở học sinh tiểu học, phân tích và tổng hợp phát triển không đồng đều, tổng hợp có khi không đúng hoặc không đầy đủ, dẫn đến khái quát sai trong hình thành khái niệm. Khi giải toán, thường ảnh hưởng bởi một số từ “thêm”, “bớt”, “nhiều gấp” … tách chúng ra khỏi điều kiện chung để lựa chọn phép tính ứng với từ đó, do vậy dễ mắc sai lầm.
Chẳng hạn khi day bài “Phép cộng có tổng bằng 10” ở lớp 2. Giáo viên không thể hình thành phép cộng bằng cách trừu tượng (6 + 4 =10) mà giáo viên phải sử dụng mô hình biểu diễn để hình thành phép cộng đó : như sử dụng 6 bông hoa và 4 bông hoa hoặc 6 que tính và 4 que tính hoặc các dạng môn hình khác gần gũi với các em. Lúc đó các em quan sát mô hình từ cách làm của giáo viên (6 que tính, thêm vào 4 que tính sẽ bằng 10 que tính,…), từng bước định hình phép tính 6 + 4 = 10.
Các khái niệm toán học được hình thành qua trừu tượng hoá và khái quát hoá nhưng không thể chỉ dựa vào tri giác bởi khái niệm toán học còn là kết quả của các thao tác tư duy đặc thù. Có hai dạng trừu tượng hoá: sự trừu tượng hoá từ các đồ vật (mô hình, vật mẫu), hiện tượng cảm tính và sự trừu tượng hoá từ các hành động(thao tác làm việc với mô hình). Khi thực hiện trừu tượng hoá nhằm rút ra các dấu hiệu bản chất.
Chẳng hạn: thông qua trừu tượng hoá từ các đồ vật (các mô hình cụ thể) loại bỏ đặc tính màu sắc, kích thước hình thành lớp các tập hợp tương đương, sau đó chỉ quan tâm đến cái chung giữa lớp các tập hợp tương đương đó, đi đến khái niệm “số” (trừu tượng hoá trên các hành động).
Học sinh tiểu học, nhất là các lớp đầu cấp thường phán đoán theo cảm nhận riêng nên suy luận thường mang tính tuyệt đối. Trong học toán, học sinh khó nhận thức về quan hệ kéo theo trong suy diễn. Chẳng hạn đáng lẽ hiểu: “12 = 3×4 nên 12: 3 = 4”, thì lại coi đó là hai mệnh đề không có quan hệ với nhau. Các em khó chấp nhận các giả thiết, dữ kiện có tính chất hoàn toàn giả định bởi khi suy luận thường gắn với thực tế, phép suy diễn của “hiện thực”. Bởi vậy khi nghe một mệnh đề toán học các em chưa có khả năng phân tích rành mạch các thuật ngữ, các bộ phận của câu mà hiểu nó một cách tổng quát.
Chính vì vậy mà khi dạy học toán ở tiểu học vai trò của các mô hình không thể thiếu đối với giáo viên.
4) Tác dụng của mô hình đối với môn Toán ở tiểu học:
Trong các phương tiện dạy học ở tiểu học, mỗi loại đều mang đến cho học sinh một tác dụng khác nhau khi giúp cho học sinh lĩnh hội kiến thức từ bài học. Tuỳ theo từng môn học, bài học và tuỳ theo từng tác dụng của mỗi phương tiện dạy học mà người giáo viên có thể lựa chọn một số loại phương tiện nào đó phù hợp với nội dung bài dạy và phù hợp với đối tượng học sinh trong lớp để sử dụng một cách hợp lý đáp ứng mục tiêu mà bài học đề ra.
Chẳng hạn khi dạy Tập đọc, muốn cung cấp cho học sinh hiểu về một số danh lam thắng cảnh của đất nước hay thế giới, giáo viên chỉ sử dụng một số hình ảnh để minh hoạ cho bài dạy và thông qua đó học sinh quát sát hiểu được những vẻ đẹp về thiên nhiên, con người trong bức tranh mang lại. Hoặc khi dạy môn Địa lý, muốn cung cấp cho học sinh có hiểu biết đề vị trí địa lý của nước ta, giáo viên sử dụng bản đồ cho học sinh quan sát và nhận nhận diện,… Chính vì thế khi tiến hành bài dạy, công việc quan trọng không thể tiếu của giáo viên là phải tìm hiểu một cách kỹ lưỡng về tác dụng của mỗi loại phương tiện dạy học để sử dụng nó một cách chính xác trong bài dạy. Ở các loại tranh ảnh, biểu đồ, bản đồ,… chỉ có tác dụng giúp học sinh quan sát và nhận hiện hình ảnh, hình dáng. Còn mô hình thì hoàn toàn khác, nó có tác dụng cao hơn các loại tranh ảnh hay biểu đồ.
II/ CÁC MÔ HÌNH DẠY HỌC TOÁN Ở TIỂU HỌC:
1) Các mô hình dạy toán ở tiểu học:
Lớp 1:
- a) Mô hình biểu diễn vật mẫu: Là loại mô hình được làm từ các vật liệu đơn giản, mô phỏng các vật mẫu như bông hoa, chim bồ câu, các đồ vật, con vật quen thuộc với lứa tuổi học sinh.
Loại mô hình này có tác dụng hình thành các biểu tượng : các số tự nhiên nhỏ hơn 10, ít hơn-nhiều hơn; thêm bớt. Củng cố các kiến thức về các số tự nhiên, các phép toán (cộng, trừ các số nhỏ hơn 10).
- b) Mô hình hình học : Là loại mô hình mô phỏng các loại hình: hình vuông, hình tam giác, hình tròn.
Loại mô hình này có tác dụng giúp cho học sinh biết nhận diện hình dáng, phân biệt các loại hình: hình vuông, hình tam giác, hình tròn. Biết cách lắp ghép từ các hình có sẵn để tạo ra một hình mới.
- c) Mô hình biểu diễn toán 1: Đây là loại mô hình mô phỏng các số tự nhiên, các phép tính cộng, trừ.
Loại mô hình này có tác dụng giúp học sinh sắp xếp các số tự nhiên từ nhỏ đến lớn và từ lớn đến nhỏ. Thực hành các phép tính về số tự nhiên, so sánh các số tự nhiên.
- d) Mô hình đồng hồ : là loại mô hình mô phỏng về chiếc đồng hồ chỉ thời gian.
Nó giúp giáo viên giới thiệu về đồng hồ chỉ thời gian và cách xem giờ trên đồng hồ. Đồng thời mô hình này hướng dẫn học sinh biết xác định thời gian, thực hành chỉ thời gian trên đồng hồ.
Lớp 2:
- a) Mô hình biểu diễn thiết bị dạy phép nhân, phép chia trong phạm vi 5: đây là loại mô hình mô phỏng các số và các phép tính.
Loại mô hình này giúp học sinh thực hành các phép tính nhân, chia trong phạm vi 5
- b) Bộ biểu diễn mô hình dạy hình chữ nhật, hình vuông và hình tứ giác và ghép hình : là loại mô hình mô phỏng hình ảnh các hình học.
Nó có tác dụng giúp học sinh phân biệt hình dáng giữa các hình và biết cách thực hành ghép hình trên mô hình.
- c) Mô hình đồng hồ : là loại mô hình mô phỏng về chiếc đồng hồ chỉ thời gian đang được sử dụng trong hiện tại.
Nó giúp giáo viên giới thiệu về đồng hồ chỉ thời gian và cách xem giờ trên đồng hồ. Đồng thời mô hình này hướng dẫn học sinh biết xác định thời gian, thực hành chỉ thời gian trên đồng hồ.
- d) Mô hình đo lường: đây là loại mô hình mô phỏng các dụng cụ đo lường.
Nó có tác dụng giúp cho học sinh xác định các đơn vị đo lường cụ thể và chính xác các đơn vị đo lường như lít, ½ lít,…
- e) Mô hình đo khối lượng : là loại mô hình mô phỏng chiếc cân đĩa và cân đồng hồ.
Đây là loại mô hình có tác dụng giúp cho học sinh biết cách cân các vật có khối lượng, biết thực hành chia các vật qua hình thức cân đĩa.
- g) Mô hình Lịch: đây là loại mô hình mô phỏng các loại lịch ngày, tháng và năm.
Nó có tác dụng giúp cho giáo viên giới thiệu một số loại lịch đang sử dụng trong thực tế và hướng dẫn học sinh biết cách xem lịch. Qua đó học sinh biết sử dụng mô hình để xem các loại lịch.
Lớp 3:
Ơû lớp 3, các mô hình trong môn toán cũng có một số loại tương tự ở lớp 2 như mô hình đồng hồ, các mô hình về đo lường,…
Nhưng ở lớp 3 có thêm một số mô hình để giáo viên dạy về tính diện tích các hình : hình chữ nhật, hình vuông,…
Tác dụng của các loại mô hình này cũng như ở các lớp 1, 2 là giúp cho giáo viên hình thành kiến thức mới và giúp cho học sinh thực hành để rèn luyện kỹ năng tính toán.
Lớp 4 và 5:
Lớp 4 và 5, do tính tư duy, sáng tạo của học sinh đã được phát triển ở mức cao hơn nên các loại mô hình trong dạy học toán học không được sử dụng nhiều nữa, bởi các em đã biết tính toán và thực hành trên suy luận, dựa trên những công tác, mệnh đề đã được chứng mình làm cơ sở cho việc nghiên cứu và giải các dạng bài tập. Chỉ có một số dạng toán trừu tượng thì còn phải sử dụng mô hình như : Học về xem đồng hồ, đo lường và các loại hình: hình học (ở lớp 4).
Sang lớp 5, là một lớp cuối cấp, tư duy hình tượng sự vật ở học sinh đã ngày một phát triển và bền vững hơn. Do đó các phương tiện dạy học của môn toán đã giảm rất nhiều so với các lớp dưới. Ngoài những mô hình như ở các khối lớp trước (chỉ một số dạng) thì lớp 5 chỉ có bổ sung thêm một số mô hình về hình học: các mô hình về hình không gian khi tính thể tích (hình lập phương, hình hộp chữ nhật, hình trụ, hình chóp,…); một số mô hình về toán chuyển động đều và các đơn vị đo đại lượng. Hình thức và tác dụng của các thể loại mô hình này cũng giống như mô hình ở các lớp dưới.
Ngoài ra chúng ta còn có một số mô hình khác trong việc tổ chức trò chơi toán học cho học sinh hay các mô hình sử dụng trong các tiết hoạt động thực hành ngoài trời.
- Tầm quan trọng của mô hình :
Đối tượng toán học ngay từ đầu là các đối tượng trừu tượng, nên đối với toán học đó là sự trừu tượng hoá trên các trừu tượng hoá liên tiếp trên nhiều tầng bậc. Sự trừu tượng hoá liên tiếp luôn gắn với sự khái quát hoá liên tiếp và với lý tưởng hoá. Toán học sử dụng phương pháp suy diễn, nó là phương pháp suy luận làm cho toán học phân biệt với các khoa học khác. Tư duy của học sinh tiểu học đang trong giai đoạn “tư duy cụ thể”, chưa hoàn chỉnh, vì vậy việc nhận thức các kiến thức toán học trừu tượng khái quát là vấn đề khó đối với các em. Trong dạy học, cần nắm vững sự phát triển có quy luật của tư duy học sinh, đánh giá đúng khả năng hiện có và khả năng tiềm ẩn của học sinh. Từ đó, có những biện pháp sư phạm thích hợp với trình độ phát triển tâm lý và phù hợp việc nhận thức các kiến thức toán học ở tiểu học.
Còn với học sinh tiểu học là đối tượng có những đặc điểm tâm sinh lý khác với người lớn khi học môn toán. Ở lứa tuổi này, các em có những đặc điểm sau:
– Học sinh tiểu học thường tri giác trên tổng thể. Về sau, các hoạt động tri giác phát triển và được hướng dẫn bởi các hoạt động nhận thức khác nên chính xác hơn.
– Chú ý không chủ định chiếm ưu thế ở học sinh tiểu học. Sự chú ý của học sinh tiểu học còn phân tán, dễ bị lôi cuốn vào các trực quan, gợi cảm, thường hướng ra bên ngoài vào hành động, chưa có khả năng hướng vào bên trong, vào tư duy.
– Trí nhớ trực quan- hình tượng và trí nhớ máy móc phát triển hơn trí nhớ logic, hiện tượng hình ảnh cụ thể dễ nhớ hơn các câu chữ trừu tượng, khô khan.
– Trí tưởng tượng còn chịu tác động nhiều của hứng thú, kinh nghiệm sống, mẫu vật đã biết.
Chính vì vậy mà việc sử dụng các mô hình trong dạy học toán có vai trò hết sức quan trọng :
– Mô hình giúp cho giáo viên giới thiệu nội dung hay chứng minh một mệnh đề toán học nào đó một cách trọn vẹn.
– Mô hình giúp cho học sinh nhận diện hình ảnh, hình dạng một cách đầy đủ nhất, chính xác nhất của sự vật hiện tượng.
– Mô hình giúp cho học sinh có kỹ năng rèn luyện, phát triển năng lực tư duy, trí tưởng tượng cao.
– Mô hình kích thích tính tò mò, sáng tạo, độc lập cho học sinh đồng thời gây được sự hứng thú, tạo không khí vui tươi, thoải mái trong quá trình học tập.
- Một số yêu cầu khi sử dụng mô hình trong dạy toán ở tiểu học:
Trong quá trình dạy học ở tiểu học, việc sử dụng các phương tiện dạy học đối với các môn học đều có tác dụng khác nhau. Mô hình cũng là một phương tiện dạy học hữu hiệu trong truyền thụ kiến thức của giáo viên và trong sự lĩnh hội kiến thức của học sinh. Nhưng nó tác dụng khác nhau đối với từng môn học. Chẳng hạn khi dạy bài : “Mạch điện mắc song song” trong môn kỹ thuật lớp 5, giáo viên sử dụng mô hình mạch điện nhằm mục đích mô tả cho học sinh về cấu tạo mạch điện mắc song song (mạch điện hoạt động độc lập, không phụ thuộc nhau khi cùng sử dụng cả 2 mạch điện). Như vậy trường hợp này, mô hình chỉ có tác dụng làm phương tiện trực quan cho học sinh quan sát và hiểu được thế nào là “Mắc song song”. Nhưng khi dạy bài : “Thể tích hình lập phương” trong môn toán lớp 5, giáo viên không chỉ sử dụng mô hình hình lập phương để giải thích hoặc học sinh quan sát để hiểu về hình lập phương. Mà thông qua mô hình này, giáo viên cùng học sinh phải tìm và rút ra kết luận về phương pháp tính thể tích của hình lập phương.
Tất cả các minh chứng trên cho thấy việc sử dụng mô hình trong dạy học toán ở tiểu học là hết sức quan trọng. Chính vì thế trước khi sử dụng mô hình cho bài dạy, giáo viên cần nghiên cứu một cách kỹ lưỡng về tác dụng của mô hình đó và nắm vững một số yêu cầu sau :
Thứ nhất, đảm bảo tính khoa học: Mô hình khi sử dụng phải phù hợp với nội dung bài giảng và đảm bảo được mục tiêu bài học đã xây dựng. Đồng thời thể hiện được tính thống nhất giữa mô hình với các loại phương tiện dạy học khác cùng được sử dụng trong tiết dạy. Dựa trên mục tiêu bài dạy mà sử dụng mô hình đảm bảo tính khoa học của nó, giúp nó phát huy hết tác dụng giáo dục mà mô hình muốn mang lại.
Thứ hai, đảm bảo tính khả thi: Nguyên tắc này yêu cầu các bài giảng đó dạy được ngay ở trên lớp nếu có đủ các điều kiện phương tiện vật chất, đảm bảo tính tích cực hoá của người học và đảm bảo quỹ thời gian cho phép.
Thứ ba, đảm bảo tính thẩm mỹ: Đây là một trong những yêu cầu trong trọng khi sử dụng mô hình, các mô hình ảnh phải sáng sủa, rõ nét, màu sắc hài hoà, phải đảm bảo đúng kích thước, hình dáng của các vật thật được mô phỏng. Mô hình phải tạo được sự thích thú cho học sinh khi sử dụng, kích thích tính tò mò, tính sáng tạo của học sinh và phải phù hợp với tâm sinh lý lý lứa tuổi.
Thứ tư, đảm bảo tính sư phạm: Yêu cầu này nhằm đảm bảo các mô hình phải phù hợp với tiến trình bài giảng, phù hợp với khả năng tiếp thu kiến thức và kỹ năng, kỹ xảo của học sinh, giúp cho giáo viên có thể truyền đạt cho học sinh các kiến thức, kỹ xảo tay nghề phức tạp một cách thuận lợi, làm cho học sinh phát triển khả năng nhận thức và tư duy logic. Các nội dung cần thiết phải thực hiện nhanh chóng, hiệu quả, tránh trùng lặp, nhắc lại nhiều gây sự nhàm chán cho học sinh. Đồng thời, các mô hình phải phù hợp với sự phát triển trí lực và tâm lý cũng như sự chuẩn bị học tập của học sinh. Như vậy, bài giảng sẽ gây được hứng thú, ham thích học tập của học sinh, góp phần nâng cao hiệu quả của giờ học, không quá lạm dụng và tuyệt đối hoá các mô hình được sử dụng trong dạy học.
KẾT LUẬN:
- Kết luận của đề tài:
Qua nghiên cứu lý thuyết kết hợp với khảo sát nội dung của các dạng mô hình được sử dụng trong dạy học môn Toán ở tiểu học đã cho ta thấy rằng tấm quan trọng của mô hình trong dạy học toán ở tiểu học là vô cùng to lớn.
Khác với các phương tiện dạy học khác, khi sử dụng mô hình đúng với yêu cầu và mục tiêu bài học sẽ phát huy hết tác dụng của nó đối với tiết dạy. Nếu giáo viên sử dụng mô hình một cách hợp lý thì sẽ giúp cho học sinh :
+ Củng cố kiến thức đã học, giúp cho học sinh nhớ chuẩn, nhớ lâu những nội dung cơ bản của bài dạy.
+ Rèn luyện kỹ năng tính toán các dạng toán, biết quy luận nội dung và tốt các công thức, mệnh đề ẩn chứa trong mô hình.
+ Kích tích tính làm việc độc lập, tự chủ, xây dựng kế hoạch làm việc theo quy trình.
+ Tạo không khí thoải mái, vui tươi giúp cho học sinh ham học toán và đam mê giải toán
Chính vì những tác dụng đó của các dạng mô hình trong dạy học toán ở tiểu học nói chung rất cần giáo viên quan tâm và sử dụng một cách nghiêm túc, trang bị đầy đủ các kiến thức về toán học cũng như phương pháp dạy học, cố gắng tìm tòi nghiên cứu các tài liệu có liên quan đến phương pháp dạy học toán, những biện pháp tổ chức phù hợp và các phương tiện dạy học như mô hình để từng bước nâng cao tay nghề của mình trong giảng dạy.
Qua kết quả khảo sát lần này tôi cũng xin đề xuất, kiến nghị với bộ phận chuyên môn của trường nên quan tâm nhiều hơn nữa đến chất lượng dạy và học của giáo viên. Tăng cường công tác dự giờ, thăm lớp để hiểu rõ những thuận lợi, khó khăn của học sinh từ đó có kế hoạch phù hợp với điều kiện của lớp để giúp đỡ các em học tập tốt hơn. Cần tổ chức tập huấn nhiều chuyên đề về phương pháp dạy toán cho các giáo viên đang trực tiếp giảng dạy. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để giáo viên được tham gia học tập nâng cao nghiệp vụ, đảm bảo tốt cho công tác giảng dạy của mình.
Trong dạy học, không có người giáo viên nào là hoàn hảo, không có phương pháp nào là vạn năng. Nhưng có những tấm lòng say mê nghề nghiệp, luôn vì học học sinh thân yêu thì tôi tin rằng chất lượng giáo dục ở tiểu học sẽ ngày một nâng cao, đáp ứng với yêu cầu phát triển của xã hội.
2. Ý kiến đề xuất:
Qua khảo sát nội dung cũng như nghiên cứu về các dạng mô hình được sử dụng trong dạy học toán ở tiểu học, tôi xin đề xuất một số ý kiến đối với giáo viên như sau :
Sử dụng linh hoạt các phương pháp dạy học truyền thống với phương pháp dạy học mới theo hướng phát huy tính tích cực của học sinh, cần nghiên cứu kỹ lưỡng đến các phương tiện dạy học toán như mô hình.
Ngoài việc ở lớp giáo viên cần phải hướng dẫn học sinh rèn luyện ở nhà nhiều hơn. Phối hợp chặt chẽ với các bậc cha mẹ học sinh để có những biện pháp giáo dục tối ưu giữa gia đình và nhà trường.
Tăng cường học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ để đảm bảo cho quá trình giảng dạy theo hình thức đổi mới của giáo dục theo hướng đổi mới như hiện nay.
Cần tìm hiểu kỹ các nội dung chương trình để có thể tự tạo ra một số mô hình toán học làm công cụ hỗ trợ trong bài dạy, kích thích tính sáng tạo, tuy duy và đặc biệt tạo không khí vui tươi thoải mái trong học toán học sinh.
Phối hớp với các tổ chức đoàn thể trong nhà trường như để tìm tòi, nghiên cứu tìm ra những phương pháp, những hình thức tổ chức dạy học thích hợp gợi cho các em tình yêu về toán học từ đó góp phần nâng cao chất lượng dạy-học môn toán ở tiểu học.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Sách giáo khoa môn Toán lớp 4 – Nhà xuất bản giáo dục 2005
- Đào Tam, Thực hành phương pháp dạy học toán ở tiểu học – Nhà xuất bản Đà Nẵng 2006.
- Tài liệu bồi dưỡng giáo viên dạy các môn học lớp 4 – NXB giáo dục 2004.
- Giáo trình phương pháp dạy học môn toán ở tiểu học tác giả : Đỗ Trung Hiệu – Đỗ Đình Hoan – Vũ Dương Thuỵ – Vũ Quốc Chung .
- Đổi mới phương pháp dạy học ở tiểu học (tài liệu bồi dưỡng giáo viên nhà xuất bản giáo dục 2005 ).
- GS.TS Đào Tam, Phạm Thanh Thông, Hoàng Bá Thịnh – thực hành phương pháp dạy học toán ở tiểu học – Nhà xuất bản Đà Nẵng