Theo y học cổ truyền, vỏ bưởi có vị đắng, cay, thơm, tính bình, có tác dụng trừ phong, hóa đờm, tiêu báng tích, tiêu phù thũng. Người ta thường dùng cùi trắng bên trong của vỏ bưởi để chế biến món ăn như nấu chè, bóp gỏi, làm nem chay…
Phần vỏ bên ngoài do có chứa nhiều tinh dầu nên thường được dùng trong các trường hợp ăn uống không tiêu, phụ nữ bị buồn nôn do ốm nghén. Ngoài ra, vỏ bưởi thường được dùng nấu nước gội đầu cho sản phụ, giúp cho tóc bớt rụng, bóng mượt, mềm và chắc hơn. Trong dân gian, người ta thường dùng vỏ bưởi, lá bưởi kết hợp với một vài loại lá khác có chứa tinh dầu như lá sả, lá chanh, lá khuynh diệp… để nấu nước xông giải cảm. Một số bài thuốc:
Chữa ho có đờm: Vỏ bưởi 10g, rửa sạch, thái chỉ, cho vào bát, thêm đường kính, hấp uống, ngày 3 lần rất hiệu nghiệm.
Giúp nhanh mọc và mượt tóc: Vỏ bưởi đun nước gội đầu hoặc sau khi gội, bóp tinh dầu vỏ bưởi lên tóc sẽ giúp tóc bóng, chắc, mượt và mọc tóc. Cách làm này đặc biệt có hiệu quả đối với phụ nữ sau khi sinh.
Hỗ trợ điều trị hen: Vỏ bưởi 150g, bách hợp 30g, 20g hành khô, thêm đường trắng, nấu nước uống, chia làm ba lần uống trong ngày, liên tục trong 10 ngày.
Làm đẹp da: Vỏ bưởi giúp giảm tỷ lệ xuất hiện nếp nhăn, tàn nhang do chứng tăng sắc tố, cũng như mụn đầu đen và trắng, da khô. Dùng vỏ 3 quả bưởi, rửa sạch cho vào nồi thủy tinh chịu nhiệt (không dùng nồi kim loại); đổ dầu ô liu ngập vỏ bưởi, đun nhẹ; khi dầu ấm thì thêm nước sạch vào nửa nồi. Để lửa thật nhỏ từ 4-5 giờ, sau đó lọc bỏ bã. Phần dầu bưởi cho vào lọ thủy tinh đậy kín, để ở nơi khô mát. Dầu này có thể sử dụng dần trong 6 tháng.