Một số biện pháp nâng cao chất lượng tự học môn lịch sử lớp 6

1/ Giúp các em tìm tài liệu tham khảo:

Khi học sinh mới bước vào cấp II còn lạ lẫm với thầy cô mới, phương pháp học tập mới . Các em không còn được học tất cả bộ môn bởi một thầy cô mà thay vào đó là mỗi thầy cô phụ trách một bộ môn nhất định . Mỗi thầy cô có cách giảng dạy riêng, mỗi bộ môn có đặc thù riêng . Vì vậy các em chưa thích ứng ngay được, để giúp các em có thể nhanh chóng hòa nhập, phát huy tốt nhất khả năng của các em đối với môn lịch sử tôi đã hướng dẫn các em tìm các tài liệu như :

  • Tài liệu thành văn
  • Tài liệu tranh, ảnh
  • Tài liệu văn học dân gian
  • Các thuật ngữ, khái niệm lịch sử trong chương trình lớp 6 Ví dụ: “bộ lạc”, “di chỉ”….Một số thuật ngữ trong sách giáo khoa lớp 6 đã có giải thích nhưng cũng có một số thuật ngữ trong sách giáo khoa không có các em phải tự tìm hiểu ở các tài liệu khác .
  • Tài liệu nhân vật hay đồ phục chế . Như trống đồng, công cụ đồ đá.
  • Tài liệu trực quan quy ước gồm các loại bản đồ, đồ thị .

Tôi đã thông báo cho các em chuẩn bị đầy đủ sách giáo khoa, sách bài tập và sách tham khảo . Để khơi dậy lòng ham học, ham hiểu biết của học sinh . Để học sinh có tài liệu tham khảo, tôi đã hướng dẫn cho các em tìm hiểu sách, báo hướng dẫn các em đến thư viện của nhà trường để mượn tài liệu ( trường THCS Trần Hưng Đạo đã có thư viện riêng và sách vở, tài liệu tham khảo cũng tương đối đầy đủ ) và có một phương tiện rất tiện dụng là mạng In tơ nét . Các em đã được tiếp xúc với môn tin học và các em có khả năng tự lên mạng để tìm hiểu thông tin .

Để khắc  phục tình trạng tự học không có kết quả, giáo viên phải hiểu tâm lí học sinh, vì các em vừa chuyển qua phương pháp học mới như mỗi môn một cô dạy riêng . Vì vậy giáo viên phải làm sao gây hứng thú cho học sinh học tập, tạo ra mục đích, động cơ học tập tiến bộ. Giáo viên, trước hết phải là người gợi mở, dẫn dắt và phải tạo được sự hứng thú trong việc tiếp thu kiến thức của học sinh. Với một cô giáo nổi tiếng nghiêm khắc, hay la mắng các em khi các em không đạt yêu cầu thì đương nhiên khó có thể tạo hứng thú học tập cho các em, mà thay vào đó chỉ là tâm lý sợ sai mà các em luôn phải duy trì trong suốt giờ học. Một số giáo viên vì nhiều lí do khác nhau mà giảng dạy mãi một giáo án cũ đã sử dụng đi sử dụng lại qua nhiều năm học không dành thời gian đầu tư cho giáo án khiến tiết dạy hết sức nhàm chán . Vậy thì thay vì giảng dạy theo tuần tự bình thường, giáo viên có thể biến tiết học thành một vở kịch, một trò chơi với những hình ảnh, tình huống sống động, khiến học sinh quên cả giờ ra chơi .

2/ Hướng dẫn các em tự học ở nhà:

Các em cần nắm được những kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa. Kiến thức cơ bản là yếu tố tối ưu cần thiết cho sự hiểu biết của học sinh về lịch sử thế giới và lịch sử dân tộc. Những kiến thức cơ bản đủ phác họa nên bức tranh quá khứ một cách chân thật. Giáo viên cần hướng dẫn học sinh cách tự học, tự nắm bắt kiến thức, phân biệt được lịch sử cụ thể từng thời kì, phản ánh được quy luật phát triển của xã hội .

        Hoạt động học tập đòi hỏi các em phải tự giác, tích cực và độc lập “không ai có thể học thay  mình”, phải chủ động lĩnh hội kiến thức. Sau khi nắm được những kiến thức cơ bản thì các em cần đọc thêm tài liệu liên quan để mở rộng vấn đề.

        Khi học các em phải thật tập trung để nhớ bài học, không tập trung quá nhiều thời gian cho một môn học. Khi học bài nhớ theo trình tự “logic” .

Ví dụ: Khi trình bày  cuộc khởi nghĩa : Phải trình bày hoàn cảnh, nguyên nhân, diễn biến, kết quả, ý nghĩa lịch sử, bài học kinh nghiệm. Nhắc nhở các em khi học phải lưu ý các mốc thời gian ví như  khi học khởi nghĩa Hai Bà Trưng : Thời gian dựng cờ khởi nghĩa là năm 40, thì thời gian kết thúc khởi nghĩa phải là từ năm 40 trở về sau, chứ không phải là thời gian trước đó.

        Đọc những mẫu chuyện về tấm gương anh hùng liệt sĩ trong công cuộc dựng nước và giữ nước, kể cho em hoặc bạn bè, người thân nghe về chuyện lịch sử để nhớ kiến thức như: Sơn Tinh, Thủy Tinh; Thánh Gióng; Tô Vĩnh Diện; Phan Đình Giót ; An Dương Vương với truyền thuyết nỏ thần…Đọc lịch sử Việt Nam bằng tranh.

        Xem bài mới trước khi đến lớp, trả lời ngắn gọn những câu hỏi ở sau mỗi mục của bài. Khi tìm hiểu bài mới nên tham khảo sách Hướng dẫn trả lời câu hỏi và bài tập lịch sử 6 – Nhà xuất bản đại học quốc gia hà nội để tham khảo thêm, các em có thể mượn ngay tại thư viện nhà trường . Giáo viên nên hướng dẫn học sinh chỉ nên coi đó là tài liệu tham khảo, cần suy nghĩ và trả lời trước rồi mới lấy sách ra tìm hiểu thêm nếu quá ỷ lại vào sách sẽ dẫn đến tình trạng lười suy nghĩ ở các em .

        Làm bài tập về nhà: Mỗi học sinh chuẩn bị một sách bài tập lịch sử 6, không làm đáp án lên sách bài tập ngay mà làm vào giấy nháp: Ví dụ bài tập trắc nghiệm chọn đáp án A, nhưng thấy chưa chắc chắn thì ghi vào vở nháp, khi làm bài chỗ nào chưa nhớ, không rõ thì xem lại sách giáo khoa, biết chắc chắn đúng mới ghi đáp án vào sách bài tập, còn nếu là câu hỏi so sánh thì so sánh nháp sau đó mới ghi vào vở bài tập. Đồng thời rèn luyện cho mình trí nhớ để khi làm bài thi tự tin hơn.

        Mỗi học sinh cần chuẩn bị một cuốn sổ tay cá nhân để viết những sự kiện đáng nhớ vào sổ,  tiện cho việc nhớ sự kiện.

Ví như : Học đến bài 3 : Xã hội nguyên thủy . Học sinh có thể ghi một số mốc quan trọng như :                     Người tối cổ – Cách ngày nay khoảng 3-4 triệu năm .

                             Người tinh khôn – Cách đây khoảng 4 vạn năm .

Học đến phần Nước Văn Lang – Âu lạc . Học sinh có thể ghi lại một số kiến thức đáng nhớ: Hùng Vương lên ngôi vua đặt tên nước  là Văn Lang đóng đô ở Bạch Hạc ( Việt Trì – Phú Thọ ) . Tướng văn là Lạc Hầu – Tướng võ là Lạc Tướng ( đứng đầu bộ ), Bồ chính đứng đầu Chiềng chạ .

Thục Phán lên ngôi vua xưng là An Dương Vương đóng đô ở Phong khê ( nay là vùng Đông Anh – Hà Nội ) . An Dương Vương cho xây thành Cổ Loa ở đây, thành Cổ Loa còn được coi là “quân thành” . …Đây là những kiến thức cơ bản đáng nhớ với cách ghi chép vắn tắt như vậy học sinh có thể ghi nhớ những kiến thức cơ bản quan trọng , khi cần thiết có thể lấy ra xem lại hoặc khi gặp các câu hỏi như : “Nêu những điểm giống nhau và khác nhau của nhà nước Văn Lang và nhà nước Âu Lạc ?” thì học sinh dễ hệ thống hóa kiến thức để trả lời .

Khi các em thắc mắc về sự kiện, hiện tượng lịch sử cần giải quyết gấp thì điện thoại 1080 để được hỗ trợ, hoặc các em có thể vào truy cập ở trên mạng Internet…

Đối với học sinh trung học cơ sở , không có nhiều điều kiện để các em có thể đi thực tế, bảo tàng…Do đó, việc sử dụng Internet để phục vụ cho việc học tập nói chung và việc học tập lịch sử nói riêng là rất cần thiết. Ngày nay công nghệ thông tin đã rất phổ biến học sinh ở cấp trung học cơ sở cũng đã có thể tự tìm hiểu được thông tin trên mạng.

Nhưng muốn khai thác tốt thông tin trên mạng thì đòi hỏi giáo viên phải có sự định hướng và từng bước rèn luyện cho các em kĩ năng khai thác tài liệu từ phương tiện hiện đại này.

Khác với giáo viên Tin học, giáo viên Lịch sử không thể trực tiếp chỉ dạy các em những thao tác trên máy mà thông qua việc dạy học bộ môn để rèn luyện kĩ năng cho học sinh để các em tự hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập của chính mình. Muốn vậy, giáo viên có thể  hướng dẫn các em khai thác thông tin trên mạng để từng bước rèn luyện kĩ năng cho học sinh.         

Để rèn luyện cho học sinh kĩ năng tự học qua việc khai thác tài liệu trên mạng internet được hiệu quả, đỡ mất thời gian tìm kiếm, giáo viên có thể cung cấp cho học sinh những địa chỉ như sau:

http://www. google.com  (trang công cụ tìm kiếm phổ biến nhất)

http://www. wikipedia.org  (trang công cụ tìm kiếm Bách khoa toàn thư)

http://www.edu.net.vn (trang web của BGD-ĐT)

http://www. youtube.com (trang công cụ tìm kiếm video clip)

Bên cạnh đó để định hướng cho học sinh khai thác những thông tin đáng tin cậy,  độ xác thực cao, không bị xuyên tạc, giáo viên phải hướng dẫn nên truy cập vào những trang web có kí hiệu đuôi: edu, org, vn, gov….

Ngoài ra giáo viên có thể tổ chức và hướng dẫn học sinh giải các bài tập, câu hỏi trong sách giáo khoa . Đây là một hình thức làm bài tập chủ yếu trong tự học ở nhà của học sinh. Bởi các bài tập, câu hỏi trong sách giáo khoa chính là sự định hướng cho học sinh những kiến thức cơ bản mà học sinh cần nắm trong mỗi mục, mỗi bài hay mỗi chương . Hơn nữa, trong sách giáo khoa hiện nay, các bài tập không chỉ đơn thuần là các câu hỏi mang tính chất kiểm tra kiến thức mà chủ yếu là các bài tập đòi hỏi tính tư duy, sáng tạo của học sinh . Hoàn thành được các bài tập trong sách giáo khoa có nghĩa là các em đã lĩnh hội được những kiến thức cơ bản mà yêu cầu bài học đặt ra . Tuy nhiên, cái quan trọng là giáo viên cần hướng dẫn cho học sinh để các em có thể tự làm bài tập ở nhà một cách có chất lượng . Cụ thể : giáo viên có thể tổ chức và hướng dẫn học sinh làm bài tập trong sách giáo khoa lịch sử khi tự học ở nhà theo trình tự sau :

– Giáo viên hướng dẫn học sinh đọc và nắm được nội dung cốt yếu của bài học trong sách giáo khoa .

– Đọc và giải thích các tranh ảnh , sơ đồ , hình vẽ , bản đồ …trong sách giáo khoa .    

– Đối chiếu nội dung trong sách giáo khoa với nội dung bài giảng của giáo viên.

– Sau đó mới trả lời các câu hỏi , bài tập .

Học sinh trong quá trình tự học, thực hiện được các công việc trên sẽ khắc phục được tình trạng chỉ học thuộc hay chép lại sách giáo khoa và bài giảng của thầy cũng như tính thụ động, mất tự tin, thiếu sáng tạo trong học tập .

Tổ chức và hướng dẫn học sinh làm một số bài tập do giáo viên đưa ra .

Sau mỗi giờ lên lớp, nhằm giúp học sinh nắm vững được hệ thống kiến thức trong một bài hay trong một số bài hoặc một chương và rèn luyện kĩ năng tự học, tùy theo nội dung cũng như điều kiện học tập cụ thể , giáo viên có thể ra thêm một số câu hỏi và bài tập để học sinh tự làm ở nhà ( số lượng bài tập, nội dung phải phù hợp với yêu cầu và trình độ của việc học tập ) . Bài tập ra về nhà chủ yếu là các loại bài tập nhận thức hoặc bài tập rèn kĩ năng thực hành :

Những câu hỏi, bài tập về nhà mà giáo viên ra thêm sau mỗi tiết học phải đảm bảo tính cơ bản về kiến thức, vừa sức và đặc biệt là phải chứa tính hấp dẫn, thu hút sự tích cực tìm hiểu, khám phá của học sinh. Bài tập đó phải tạo ra được sự nỗ lực trong bản thân các em . Và chủ yếu bài tập ra về nhà là những bài tập có tính phức tạp, đòi hỏi các em tư duy cao, do đó giáo viên phải hướng dẫn, và nếu được giáo viên hướng dẫn học sinh sẽ suy nghĩ và hoàn thành tốt, từ đó trình độ nhận thức của các em được nâng cao .

Giáo viên không chỉ thường xuyên ra bài tập về nhà để nâng cao khả năng tự học của học sinh mà còn phải thường xuyên kiểm tra, đánh giá kết quả làm bài tập ở nhà cho học sinh . Vì vậy giáo viên cần yêu cầu học sinh phải có vở bài tập, kiểm tra xem các em có làm bài hay không , kết quả đạt được ra sao và nhận xét đánh giá, cho điểm nhằm khuyến khích động viên kịp thời .

Với các loại bài tập như vậy yêu cầu học sinh phải động não, tư duy, suy nghĩ, tự tìm tòi thêm các tài liệu khác để hoàn thành yêu cầu như vậy có tác dụng rất to lớn trong việc hướng dẫn các em tự học ở nhà .

3/ Hướng dẫn học sinh tự học trên lớp:

  1. Tự học theo nhóm:

Với hình thức này học sinh được lôi cuốn vào hoạt động học tập, tiếp thu kiến thức bằng chính khả năng của mình với sự tổ chức hướng dẫn của giáo viên. Học sinh tự học theo nhóm sẽ phát huy tính tích cực của học sinh mà tinh thần cơ bản là tập trung vào học sinh, giáo viên chỉ là người tổ chức hướng dẫn, tạo cơ hội để các em tham gia tích cực, chủ động trong quá trình học tập.

        Việc trước tiên giáo viên phải làm là biết cách chia nhóm, tạo kiểu nhóm, mỗi nhóm 2- 6 em , các nhóm có thể chia ngẫu nhiên hoặc chủ định, thay đổi trong từng phần của tiết học, được giao thảo luận cùng nhiệm vụ hoặc khác nhiệm vụ, các em có cơ hội để thể hiện ý kiến của nhóm mình . Và cùng với đó là ý kiến của cá nhân mình . Để nâng cao tính tích cực trong thảo luận nhóm giáo viên nên có sự điều khiển sao để tất cả các thành viên trong một nhóm có thể được trình bày ý kiến không phải chỉ nhóm trưởng mới là người trình bày ý kiến .

Ví như : Thay vì gọi nhóm trưởng lên trình bày ý kiến thì ai dơ tay nhanh nhất trong nhóm sẽ được trả lời trước ai trả lời nhanh nhất, đúng nhất sẽ được ghi điểm cao nhất rồi ai nhanh thứ hai , đúng thứ hai sẽ được điểm cao thứ nhì …

        Giáo viên có thể sử dụng một số phương pháp làm việc nhóm tích cực phù hợp với học sinh vùng khó như vùng của chúng ta , đó là sử dụng kĩ thuật khăn trải bàn để làm việc nhóm …

        Khi hoạt động nhóm các thành viên cần : Tập trung vào nhiệm vụ của nhóm mình, từng thành viên sẵn sàng đưa ra ý kiến của mình, trao đổi, thảo luận để có ý kiến thống nhất ngoài việc chú tâm vào làm nhiệm vụ của nhóm mình còn cần chăm chú nghe nhóm khác phát biểu, sau đó nhận xét câu trả lời của nhóm bạn, nhóm nào nhận xét đúng sẽ được ghi điểm cộng ( 1điểm + hoặc 2 điểm + để khuyến khích) . Bằng cách học này học sinh được hấp dẫn, lôi cuốn vào hoạt động học tập, thu lượm kiến thức bằng chính khả năng của mình dưới sự hướng dẫn của giáo viên.

  1. Tự học trên lớp bằng cách giải quyết vấn đề mà giáo viên nêu ra:

Giáo viên nêu vấn đề và điều khiển hoạt động của học sinh nhằm tự lực giải quyết những vấn đề học tập, việc này đòi hỏi học sinh phải tập trung lắng nghe, theo dõi vấn đề mà giáo viên đưa ra để tiến hành hoạt động trí tuệ, tự lĩnh hội kiến thức nhờ vậy mà đảm bảo tính vững chắc của tri thức, học sinh tự suy nghĩ sáng tạo, có những kiến thức không có sẵn trong sách giáo khoa đòi hỏi học sinh phải liên tưởng, suy luận.

Ví dụ: Để giải thích câu hỏi : Tại sao thì học sinh cần động não và trả lời: Khi dạy phần “Đời sống vật chất của cư dân Văn Lang”(Bài 13 – lịch sử 6), có thể tạo tình huống có vấn đề bằng cách nêu câu hỏi : “Trong cuộc sống hàng ngày, cư dân Văn Lang ăn mặc và đi lại như thế nào? Hãy suy nghĩ xem cuộc sống đó có gì độc đáo?”. Phần này không có sẵn đáp án trong sách giáo khoa mà học sinh tự tìm tòi, suy nghĩ, sáng tạo để trả lời.

Hoặc giáo viên có thể yêu cầu học sinh đặt mình vào một nhân vật lịch sử nào đó và yêu cầu học sinh nếu em là nhân vật thì em sẽ làm gì ?

Ví dụ : Khi dạy xong bài Nước Âu Lạc giáo viên có thể hỏi học sinh “ Khi Triệu Đà xin hòa gả Trọng Thủy cho Mị Châu , Trọng Thủy đến Âu Lạc ở rể…”

Giáo viên yêu cầu học sinh dựa vào kiến thức lịch sử và truyền thuyết hỏi học sinh trước tình hình như vậy “ Nếu em là An Dương Vương em sẽ làm gì …?”

Trước tình huống như vậy giáo viên có thể tổ chức cho các em thảo luận nhóm , hoặc học sinh làm việc cá nhân, giáo viên nên để cho học sinh tự do trình bày suy nghĩ của mình và có thể để các học sinh khác trong lớp đưa ra ý kiến phản đối hoặc đồng tình với ý kiến của bạn mình . Nếu em không đồng tình với ý kiến của bạn thì em sẽ làm như thế nào ?  Giáo viên chỉ nên định hướng, gợi mở cho các em ví như : Nếu chúng ta không đồng ý hòa thì tình hình sẽ thế nào …? Hoặc : Nếu đồng ý hòa thì chúng ta nên cảnh giác thế nào …?

Khi tổ chức cho học sinh giáo viên cần lưu ý vấn đề thời gian, nếu học sinh trả lời quá lan man, dài dòng hoặc không ăn nhập chủ đề giáo viên có thể ngắt lời để tránh mất quá nhiều thời gian .

Với cách đặt vấn đề như vậy học sinh vừa được đặt mình vào nhân vật lịch sử, vừa tự đưa ra cách giải quyết riêng và vừa tự rút ra cho mình bài học kinh nghiệm lịch sử. Với cách làm việc như vậy giáo viên không cần làm việc nhiều , học sinh làm việc là chính không những vậy còn tạo hứng thú cho học sinh rất nhiều .

 Khi tổ chức cho học sinh giáo viên cần dẫn dắt để học sinh có thể hiểu rõ vấn đề. Phương pháp tự học bằng cách giải quyết vấn đề là phương pháp học sinh phải tiến hành hoạt động trí tuệ, tự lĩnh hội tri thức mới bằng cách giải quyết vấn đề học tập dưới sự giúp đỡ của giáo viên, góp phần phát triển tư duy cho học sinh.

  1. Ứng dụng công nghệ thông tin giúp các em tự học :

Ngày nay có một phương tiện dạy học hiện đại có tác dụng lớn trong việc tạo hứng thú cho các em trong dạy học đó là sử dụng giáo án trình chiếu được thiết kế trên các phần mềm như powerpoint, Violet, LectureMaker… , đối với môn Lịch sử giáo viên khéo léo sử dụng giáo án trình chiếu sẽ giúp các em tự học tốt hơn rất nhiều.

Ví như dạy bài 21 khởi nghĩa Lí Bí . Nước Vạn Xuân (542- 602) giáo viên có thể lồng ghép đoạn phim hoạt hình nói về khởi nghĩa Lí Bí là đoạn phim “Vạn Xuân Chiến Quốc” sẽ tạo hứng thú cho học sinh rất nhiều và xem phim học sinh có thể khắc sâu kiến thức không chỉ những kiến thức có trong sách giáo khoa mà còn có thể bổ sung thêm kiến thức bên ngoài  . Những đoạn phim hoạt hình này trên mạng in tơ nét rất dễ tìm kiếm. Hay dạy bài 27 Ngô Quyền và Chiến Thắng Bạch Đằng năm 938 giáo viên có thể đưa đoạn phim hoạt hình “ Đại chiến Bạch Đằng” hay dạy bài 17- 18 Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng  giáo viên có thể đưa đoạn phim hoạt hình “Trưng Nữ Vương” ( Tôi có cóp các đoạn phim hoạt hình ra đìa CD kèm theo trong sáng kiến kinh nghiệm). Với những đoạn phim hoạt hình này  phù hợp với lứa tuổi của các em, kích thích các giác quan. Không chỉ giúp các em nắm kiến thức vững hơn còn có tác dụng giáo dục tư tưởng, tình cảm yêu quê hương, đất nước, căm thù quân xâm lược .  Cần lưu ý giáo viên không nên đưa những đoạn phim quá dài sẽ chiếm nhiều thời gian của tiết dạy. Giáo viên cũng có thể cắt bớt những phần không cần thiết trước khi đưa vào giáo án trình chiếu . Để làm tốt việc này  mỗi giáo viên chúng ta phải trau dồi thêm kiến thức tin học để phục vụ tốt nhất cho việc giảng dạy của mình .

Hay khi dạy về Triệu Quang Phục và đầm Dạ Trạch giáo viên có thể trích một đoạn phóng sự giới thiệu về Đầm Dạ Trạch ngày nay. Như phóng sự “Câu chuyện đầm Dạ Trạch” qua phóng sự học sinh có thể quan sát được về khung cảnh đầm Dạ Trạch mặc dù chỉ là khung cảnh của ngày nay nhưng phần nào học sinh cũng sẽ nhận thấy được ưu thế của đầm mà sử dụng tranh thì không đem lại tác dụng tối ưu. Không những vậy học sinh còn tự nắm được về truyền thuyết của đầm không chỉ gằn liền với tên tuổi của Triệu Quang Phục mà còn gắn với truyền thuyết Tiên Dung – Chử Đồng Tử mà nếu chỉ sử dụng lời giảng của giáo viên dễ đem đến sự nhàm chán .

Hay khi dạy bài 18 “Trưng vương và cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Hán” giáo viên chiếu lược đồ : Kháng chiến chống quân xâm lược Hán .  Với những kí hiệu, mũi tên quân ta, quân Hán có màu sắc đối lập rõ ràng dễ phân biệt, hiệu ứng sinh động rất hấp dẫn học sinh khi theo dõi diễn biến .        

Trước khi tường thuật diễn biến giáo viên yêu cầu học sinh theo dõi lược đồ , giáo viên giới thiệu phần chú thích,  sau đó chiếu đến đâu tường thuật diễn biến đến đó, trong quá trình tường thuật diễn biến kết hợp ra câu hỏi cho học sinh .

Tháng 4 năm 42 quân Hán tấn công Hợp Phố . Quân ta ở Hợp Phố anh dũng chống trả rồi rút lui . Giáo viên chiếu vị trí Hợp Phố sử dụng kí hiệu để học sinh dễ nhận biết vùng hợp phố . Sau đó giáo viên hỏi học sinh : “ Sau khi quân Mã Viện chiếm được Hợp Phố chúng đã tiến vào nước ta như thế nào ?”. Sau khi học sinh trả lời giáo viên tiếp tục tường thuật : Mã viện chia quân làm 2 đạo thủy – bộ tiến vào Giao chỉ . Đạo quân bộ men theo bờ biển , qua Quỷ Môn Quan ( Tiên Yên – Quảng Ninh ), rồi xuống Lục Đầu . Đạo quân thủy từ Hợp Phố vượt biển vào sông Bạch Đằng , rồi ngược lên vùng Lục Đầu , hai cánh quân thủy – bộ hợp nhau tại Lãng Bạc . Giảng đến đâu giáo viên chiếu trên lược đồ đến đó để học sinh dễ theo dõi . Sau đó giáo viên lại hỏi : “ Lúc này quân ta đã làm gì?”- Học sinh trả lời giáo viên giảng tiếp : Hai Bà Trưng kéo quân từ Mê Linh đến vùng Lãng Bạc để nghênh chiến . Cuộc chiến đấu diễn ra quyết liệt . Giáo viên có thể khắc sâu cho học sinh bằng một số câu hỏi:“Lãng Bạc là vùng đất như thế nào? Tại sao Mã Viện lại nhớ về vùng đất này như vậy ? Có phải vì thời tiết ở đây quá khắc nghiệt hay không?” Sau khi học sinh trả lời xong giáo viên giảng tiếp kết hợp trình chiếu trên lược đồ : Thế giặc mạnh ta phải lui về giữ Cổ Loa và Mê Linh Mã Viện đuổi theo ráo riết, ta phải lui về Cấm khê, quân ta kiên quyết chống trả . Tháng 3 năm 43 Hai bà Trưng hi sinh ở Cấm Khê . Sau bài dạy giáo viên có thể củng cố lại bằng cách cho học sinh trình bày lại diễn biến trên lược đồ trình chiếu .

Như vậy với việc giáo viên vừa trình bày diễn biến vừa ra câu hỏi cho học sinh kết hợp với sử dụng lược đồ trên máy chiếu sẽ kích thích các giác quan của học sinh vừa nghe – nhìn – suy nghĩ tránh lối truyền thụ một chiều, gây hứng thú cho học sinh, nâng cao khả năng tự học.

  1. Hướng dẫn học sinh tự học thông qua tiết hoạt động ngoại khóa:

Thi kể chuyện lịch sử:

Lịch sử với tư cách là một môn khoa học có vai trò quan trọng trong việc giáo dục học sinh không chỉ lòng yêu nước, lòng biết ơn, mà còn giáo dục học sinh tình cảm yêu ghét, yêu cái đẹp, yêu lao động, căm thù quân xâm lược . Những câu chuyện lịch sử phù hợp với cách tổ chức dạy học phù hợp có tác dụng rất to lớn trong việc giáo dục đạo đức học sinh không những vậy còn tạo ra một động lực mạnh mẽ để các em phát huy tính tích cực, chủ động, độc lập, sáng tạo, trong quá trình học tập nhằm vươn tới nắm bắt kiến thức, biến kiến thức trong sách vở, kiến thức của thầy cô thành kiến thức của mình .

Những câu chuyện lịch sử nhìn chung thường có nội dung về những sự kiện, hiện tượng lịch sử, những nhân vật lịch sử … Thông qua những câu chuyện ấy bồi dưỡng những tình cảm tốt đẹp trong tâm hồn ngây thơ, trong trắng của các em, những mẩu chuyện hay sẽ tạo được ấn tượng mạnh mẽ , sâu sắc, khó quên giúp các em có thể nhớ rất lâu về một sự kiện lịch sử nổi bật, về một nhân vật anh hùng …

Có nhiều cách để đưa những câu chuyện lịch sử đó đến với các em như giáo viên có thể sưu tầm về kể cho các em, lồng ghép trong các tiết dạy …nhưng với một tiết hoạt động ngoại khóa thì nên để cho các em tự kể bằng cách tổ chức cho các em thi giữa các nhóm . Trong chương trình lịch sử lớp 6 có rất nhiều câu chuyện liên quan đến các sự kiện , nhân vật lịch sử rất quen thuộc với các em có thể các em đã được biết đến từ cấp 1 hoặc thông qua các môn học khác như môn văn học như : truyền thuyết Âu Cơ – Lạc Long Quân , Thánh Gióng , Sơn Tinh – Thủy Tinh, Mị Châu – Trọng Thủy,  Thục An Dương Vương xây thành Cổ Loa, Thục An Dương Vương bãi chức tướng quân Cao Lỗ …

Giáo viên có thể tổ chức cho các em thi bằng cách chia lớp làm 4 đội, giáo viên tự đặt tên cho mỗi đội, phân cho mỗi đội kể chuyện về một nhân vật lịch sử hoặc một thời kì lịch sử.

– Giáo viên hướng dẫn các em sưu tầm tài liệu để học sinh có thể kể tốt hơn. Hoặc giáo viên có thể chuẩn bị sẵn nội dung và yêu cầu học sinh  kể chuyện.

– Giáo viên yêu cầu tất cả học sinh của tổ mình phải sưu tầm tài liệu và khi kể chuyện gọi bất kì học sinh nào lên kể. Sau tiết học giáo viên có thể ra thêm câu hỏi thu hoạch cho học sinh

– Hình thức thi: Mỗi đội sẽ kể 1 đến 2 câu chuyện về nhân vật hoặc sự kiện lịch sử.

– Cách chấm điểm dựa vào nội dung, giọng kể, điệu bộ, cử chỉ. Nếu tốt sẽ đạt điểm tối đa là 10 điểm.

– Đội nào thắng nhất : được thưởng 4 gói kẹo, nhì: 3 gói, ba: 2 gói, tư : 1 gói.

        Làm như vậy học sinh sẽ lĩnh hội được kiến thức, tạo lòng ham học cho học sinh.

Giáo viên có thể căn cứ vào chương trình lịch sử lớp 6 các em đã học cung cấp một số nội dung câu chuyện phù hợp chương trình học, có tính giáo dục cao, lượng kiến thức lịch sử trong các câu chuyện phù hợp với nội dung học tập của các em . Rồi giao cho các đội về nhà tìm hiểu nội dung để sau khi kể xong giáo viên ra câu hỏi thu hoạch cho các đội để kiểm tra lại sự hiểu biết của các em, xem qua các câu chuyện đó các em nắm được những gì . Như một số câu chuyện sau :

Thục An Dương Vương bãi chức tướng quân Cao Lỗ .

Chuyện xưa kể rằng :

Một lần Thục An Dương Vương hỏi tướng quân Cao Lỗ, người thiết kế và chỉ huy công trình xây thành Cổ Loa :

– Mấy năm nay nhà Triệu với Âu Lạc giao hảo thuận hòa . Nay con trai họ là Trọng Thủy muốn cầu hôn với Mị Châu, ông nghĩ thế nào ? Riêng ta muốn chấp nhận lời cầu hôn cốt để hòa hiếu , tránh nạn binh đao?

Cao Lỗ suy nghĩ hồi lâu rồi tâu :

– Việc này hệ trọng lắm , xin Vương Thượng cho nghĩ ba ngày .

Về nhà , Cao Lỗ suy nghĩ băn khoăn lắm . Ý vua An Dương Vương đã rõ, nếu không chấp thuận, có thể bị bãi chức . Nếu đồng tình thì vận nước có cơ nguy .

Mấy hôm sau vào chầu vua . Cao Lỗ tâu :

– Xưa nay chưa thấy kẻ bại trận lại xin cho con trai ở gửi rể . Chẳng qua họ muốn biết cách bố phòng của Loa Thành mà thôi . Việc ngàn lần không nên .

Thục An Dương Vương bỗng nổi giận :

– Nhà Triệu đánh mãi Âu Lạc không thắng , muốn mượn câu chuyện cầu hôn để xí xóa hiềm khích, ta lẽ nào không thuận ? Ông già rồi, ta cho ông về nghỉ .

Cao Lỗ không ngạc nhiên . Vốn điềm đạm, ông chỉ nói :

– Việc đúng sai còn có vầng nhật nguyệt soi sáng , thần không ân hận khi nói điều phải .

Vì không nghe lời can của Cao Lỗ , An Dương Vương đã mắc mưu giặc khiến cho vận nước tan tành .

Lấy được Âu Lạc, nhà Triệu sát nhập quận Nam Hải với Âu Lạc thành nước Nam Việt .

Vốn là người quỷ quyệt, lại rút được nhiều kinh nghiệm trong việc thống trị người nam Việt, cho nên Triệu Đà đã dùng chính sách hiểm độc gọi là “ Dĩ di công di”, tức là chính sách dùng người Việt trị người Việt . Triệu Đà vẫn giữ nguyên quyền vị cho các Lạc Tướng , dùng họ để cai trị nhân dân Âu Lạc . Triệu Đà chỉ đặt một số ít quan lại và một số quân đồn thú để kiềm chế các lạc tướng và đốc thúc họ nộp phú cống , mục tiêu chủ yếu của cuộc xâm lược lúc đó .

Theo sách Các triều đại Việt nam .

Câu hỏi thu hoạch :

Tại sao An Dương Vương thất bại trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Triệu Đà? Qua câu chuyện em có suy nghĩ gì về Cao Lỗ? …

 Vua đen họ Mai .

Năm Nhâm Tuất (722) đời vua Huyền Tông nhà Đường, ở Hoan Châu nổ ra cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan . Mai Thúc Loan quê ở Mai Phụ, Thạch Hà, Hà Tĩnh . Thủa nhỏ, nhà ông nghèo lắm, ông có nước da đen sạm xấu xí . Nhưng ông đã sớm bộc lộ thiên tư thông minh, sáng ý kì lạ và có sức khỏe tuyệt vời .

Châu Hoan ngày ấy chịu ách thống trị tàn bạo của nhà Đường, làm cho nhân dân vô cùng cực khổ . Đặc biệt là nạn cống nộp “quả lệ chi” ( quả vải) , thời đó vua Dường có một nàng ái phi nhan sắc tuyệt vời mà tính tình cũng thất thường . Dương quý phi thích ăn quả lệ chi xinh xắn, chỉ ở An Nam mới có . Nên vua Đường bắt dân An Nam phải cống Vải . 

Mùa vải năm Nhâm Tuất (722), Mai Thúc Loan cùng đoàn phu phải gánh vải đi cống nộp. Đoàn người gánh vải đầm đìa mồ hôi mà vẫn phải lê từng bước trên đường . Gần trưa , mọi người nghỉ chân ở bên rừng . Cái khát cháy cổ hành hạ đoàn phu . Một dân phu có tuổi bứt lấy một quả ăn cho đỡ khát . Quả Vải chưa kịp đưa lên miệng đã bị một tên lính Đường đi áp tải xông tới,  vung cán mã tấu đánh vào đầu . Khi tên lính Đường lần nữa định đánh ông già , thì hắn đã bị đánh chết tươi . Sự việc xảy ra nhanh như chớp . Bọn giặc cậy có vũ khí hò hét vung đao , kiếm xông vào Mai Thúc Loan . Nhưng những người dân phu theo lệnh Mai Thúc Loan , đã rút đòn gánh chống lại . Lũ giặc không địch nổi đoàn dân phu đều phải đền tội . Đánh tan lũ giặc Đường trong một cơn phẫn nộ . Mai Thúc Loan thổi bùng lên khí thế chống giặc .

Vị thủ lĩnh trẻ được tôn thành vị anh hùng, đã hiệu triệu trăm họ hưởng ứng nghĩa lớn và chọn Rú Đụn ( Hùng Sơn ) làm căn cứ .

Mai Thúc Loan phát hịch kể tội giặc Đường và kêu gọi người Việt đứng lên giữ gìn non sông . Từ căn cứ Hùng Sơn , Mai Thúc Loan mở rộng địa bàn , xây thành Vạn An với quy mô của một kinh thành . Từ đây Mai Thúc Loan tìm cách liên kết với các thủ lĩnh, nhân dân miền núi, với Chăm Pa để có thêm lực lượng chống quân Đường . Mai Thúc Loan được nhân dân tôn làm Hoàng đế lấy hiệu là mai Hắc Đế ( Vua đen họ Mai). Sau đó, Mai Thúc Loan đã chiếm được phủ thành Tống Bình ( Hà Nội ) , đuổi tên trùm đô hộ Quang Sở Khách phải tháo chạy . Đất nước được giải phóng .

Nhưng lúc này nhà Đường còn mạnh . Vua Đường huy động 10 vạn quân sang đàn áp . Mai Hắc Đế phải rút vào rừng , sau bị ốm rồi mất . Quân Đường tàn sát nhân dân ta vô cùng dã man . Tội ác của giặc chỉ làm tăng thêm lòng căm thù quân xâm lược .

 Nhân dân nhớ ơn Mai Hắc Đế, lập đền thờ, đề thơ ca ca tụng ông :

Hùng cứ Hoan Châu đất một vùng .

Vạn An thành lũy khói hương xông .

Bốn phương Mai Đế lừng uy đức

Trăm trận Lí Đường phục vò công

….

Đường đi cống vải từ đây đứt

Dân nước đời đời hưởng phúc chung .

(Theo sách Các triều đại Việt Nam )

Câu hỏi thu hoạch:

Vì sao Mai Thúc Loan kêu gọi mọi người khởi nghĩa? Cuộc khởi nghĩadiễn ra như thế nào? Câu chuyện để lại cho em suy nghĩ gì?  …

Tổ chức dạ hội thời trang- kịch lịch sử :

Giáo viên cũng chia lớp thành 4 nhóm, giao nhiệm vụ về nhà tìm hiểu về  một thời kì lịch sử nào đó như thời Văn Lang – Âu Lạc, các em có nhiệm vụ tìm hiểu về trang phục của thời kì này, mỗi nhóm các em tự thiết kế trang phục của thời kì này và mỗi nhóm tự đóng một vở kịch ngắn về thời kì này các em có thể tự sáng tạo ra vở kịch dựa vào kiến thức lịch sử  hoặc lấy nội dung các câu chuyện truyền thuyết để làm vở kịch của nhóm mình như Sơn Tinh – Thủy Tinh, Thánh Gióng, Mị Châu – Trọng Thủy….Trang phục các em thiết kế sao cho phù hợp với vở kịch của mình .

Yêu cầu về trang phục không cần phải làm bằng những chất liệu đắt tiền, không cần phải đặt may, các em có thể tự làm trên những chất liệu sẵn có, dễ làm như: Làm bằng giấy tô ki, bìa cát tông hay các loại bao Li lông … các em tự thiết kế , cắt dán …

Với cách làm này học sinh tự tìm hiểu kiến thức, tự lĩnh hội kiến thức, rèn năng lực độc lập làm việc, khả năng sáng tạo được phát huy, giúp củng cố kĩ năng làm việc nhóm , tạo sự đoàn kết, gắn bó . Tổ chức dạ hội có tác dụng củng cố, làm sâu sắc, phong phú thêm nhiều tri thức khoa học và nghệ thuật, khơi dậy những cảm xúc làm cơ sở để giáo dục tình cảm, bồi dưỡng óc thẩm mĩ, gây hứng thú học tập bộ môn.

  1. Hướng dẫn học sinh tự học qua phần củng cố bài:

Thông thường giáo viên không xem trọng vấn đề này, trong quá trình đi dự giờ, tôi thấy đa số giáo viên đi lướt qua phần củng cố này. Củng cố bài thường là câu hỏi đã có sẵn ở mục bài, học sinh sẽ đọc y nguyên nội dung trong mục đó. Nên hiệu quả học không cao.

        Giáo viên cần hướng dẫn học sinh củng cố bài bằng cách làm bài tập trắc nghiệm, hoặc giải ô chữ, bài tập ghép đôi, chơi trò chơi, sử dụng sơ đồ tư duy …

        Giáo viên yêu cầu dán bài tập che lên kín phần giáo viên ghi bảng, học sinh tất cả phải gấp sách vở lại, tài liệu liên quan.

        Giáo viên gọi bất kì học sinh nào lên làm bài tập, hoặc gỡ ô chữ, ghép đôi mà giáo viên đã chuẩn bị sẵn, học sinh khác nhận xét, giáo viên chốt lại. Như vậy học sinh sẽ rèn luyện được ý thức tự học.

Ví dụ sau khi dạy xong bài 6 Văn hóa cổ đại giáo viên có thể đưa ra một sơ đồ tư duy sau yêu cầu học sinh hoàn thành. Giáo viên sẽ đưa ra sơ đồ chỉ có những nhánh chính, còn những nhánh nhỏ bỏ trống ở sơ đồ này có 2 nhánh lớn , mỗi nhánh lớn có 4 nhánh chính để định hướng cho học sinh, sau đó giáo viên gợi ý bằng những câu hỏi .

Ví như:  Người phương Đông cổ đại đã đạt được những thành tựu gì về thiên văn ?

Hay người Hi Lạp , Rô ma cổ đại đã đạt những thành tựu gì về thiên văn ?

Học sinh trả lời , giáo viên đưa ra những nhánh tiếp theo để học sinh theo dõi . Nếu giáo viên dạy không có giáo án trình chiếu giáo viên nên che lại những nhánh nhỏ, sau khi học sinh trả lời mới mở ra , còn nếu dạy giáo án điện tử thì thuận tiện hơn, giáo viên nên dùng hiệu ứng cho thích hợp .

Tương tự như vậy đối với các thành tựu khác : Chữ viết , kiến trúc …Giáo viên dùng các câu hỏi gợi mở để học sinh tìm hiểu .

Với cách củng cố bài như vậy học sinh sẽ nắm bài một cách tổng quát, tự lĩnh hội kiến thức, khi về nhà học bài cũ tránh được tình trạng học vẹt ở các em .

  1. Hướng dẫn các em tự học qua khai thác kênh hình:

Những kênh hình có sẵn trong sách giáo khoa dưới dạng nêu vấn đề để học sinh suy nghĩ, giảm tải được 25% số lượng kênh chữ. Theo số liệu khoa học của UNESCO: “Khi nghe, học sinh chỉ nhớ 15% thông tin, khi nhìn không ai nói gì học sinh chỉ nhớ 25%, khi nghe và nhìn học sinh sẽ nhớ 65% thông tin”. Nếu biết huy động sự tham gia của nhiều giác quan, sẽ kết hợp chặt chẽ được hai hệ thống tín hiệu với nhau, tai nghe mắt thấy tạo điều kiện cho học sinh dễ hiểu, nhớ lâu, gây được những mối liên hệ thần kinh tạm thời khá phong phú, phát triển ở học sinh năng lực chú ý, quan sát, hứng thú . Kênh hình không chỉ minh họa, đặt cơ sở cho việc tạo biểu tượng lịch sử mà là nguồn cung cấp kiến thức cho học sinh. Bên cạnh đó một số bài viết trong sách giáo khoa còn có nhiều nội dung để ngỏ chưa viết hết, yêu cầu học sinh thông qua làm việc với tranh ảnh, sơ đồ, bản đồ…Sẽ cần thiết liên quan đến nội dung bài học mà tác giả trong sách giáo khoa muốn chuyển tải đến học sinh.

Ví như :  Khi học bài Nước Văn Lang dạy về phần tổ chức bộ máy nhà nước Văn Lang giáo viên chỉ cần yêu cầu học sinh vẽ lại sơ đồ tổ chức bộ máy nhà nước Văn Lang và tự nắm kiến thức theo sơ đồ. Và có thể dựa vào sơ đồ này để học sinh vẽ được sơ đồ nhà nước thời An Dương Vương . Từ đây học sinh có thể nêu nhận xét so sánh về tổ chức bộ máy nhà nước Văn Lang Và Âu Lạc . Để hướng dẫn học sinh nắm kiến thức theo sơ đồ giáo viên có thể hỏi một số câu hỏi gợi ý như : “Đứng đầu nhà nước là ai ?”  “Giúp việc cho vua là ai?” “Dưới cấp trung ương là cấp nào? Ai đứng đầu?”…

        Kênh hình phong phú đa dạng như vậy đòi hỏi giáo viên phải sử dụng linh hoạt, sáng tạo, hướng dẫn học sinh về nhà tìm hiểu những nội dung đó để các em có biểu tượng ban đầu về sự kiện, hiện tượng, nhân vật lịch sử…Thể hiện trong kênh hình. Tuy nhiên đây là việc khó khăn với học sinh. Nên giáo viên phải hướng dẫn cho học sinh quan sát.

        Thông thường kênh hình nói chung và hình vẽ tranh ảnh nói riêng được trình bày với tư cách là nguồn cung cấp thông tin, kiến thức được kèm theo câu hỏi để học sinh tự làm việc với sách giáo khoa dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Nhằm rút ra những kiến thức lịch sử nhất định.

        Giáo viên hướng dẫn học sinh quan sát từ tổng thể đến chi tiết, kết hợp mô tả, phân tích, đàm thoại qua hệ thống câu hỏi gợi mở để học sinh tự rút ra những kết luận. Giáo viên có thể tổ chức cho các em làm việc cá nhân, theo nhóm hoặc cả lớp.

Ví dụ : Khi xem bức tranh Kim tự tháp Ai Cập giáo viên giảng một số ý : “Kim tự tháp là một khối đá hình tháp, hàng ngàn người đã được huy động mang những tảng đá lớn từ dãy A – ráp tới sông Nil, hàng triệu tảng đá được ghè đẽo, mài nhẵn, chồng xếp lên nhau không có một loại vật liệu kết dính nào”. Sau đó giáo viên có thể hỏi :

“Em có suy nghĩ gì qua công trình kiến trúc này?” học sinh sẽ nhận thức được đây là một công trình kiến trúc vĩ đại, thể hiện tài năng, năng lực của con người thời kì bấy giờ, và các em sẽ thêm thán phục và biết quý trọng những người đã làm ra nó .

Ví như : Khi quan sát bức tranh hình 8 SGK sử 6 sách giáo khoa có câu hỏi “ Em hãy miêu tả cảnh làm ruộng của người Ai Cập ?”. Giáo viên có thể hướng dẫn học sinh quan sát : “ Hàng dười từ trái sang phải người nông dân đang làm gì ? Hàng trên từ phải sang trái người nông dân đang làm những việc gì ?” học sinh sẽ tự miêu tả nhận xét được cảnh làm ruộng của người Ai cập cổ đại  dưới sự hướng dẫn của giáo viên học sinh sẽ tự làm việc với sách giáo khoa .

Bên cạnh kênh hình có sẵn trong Sách giáo khoa giáo viên có thể bổ sung thêm một số hình ảnh từ phòng thiết bị của nhà trường hoặc nếu dạy máy chiếu thì rất thuận tiện.

Ví như : Khi dạy bài 24 : Nước Chăm Pa từ thế kỉ II đến thế kỉ X, Sách giáo khoa có yêu cầu học sinh “ Quan sát hình 53, nhận xét về nghệ thuật kiến trúc của người Chăm ?” . Hình ảnh 53 SGK  được chụp rất xa và mờ chỉ có 2 màu đen – trắng nếu yêu cầu học sinh quan sát, nhận xét thì rất khó khăn cho học sinh . Vì vậy giáo viên có thể bổ sung thêm cho học sinh một số hình ảnh khác từ phòng thiết bị của nhà trường hoặc dùng máy chiếu như một số hình sau :

          Như vậy chúng ta thấy các hình trên vừa rõ nét vừa có màu sắc học sinh sẽ thấy rõ được đường nét điêu khắc, kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc độc đáo, tài tình thể hiện được bàn tay khối óc và tâm hồn của người Chăm . Bên cạnh việc học sinh quan sát hình cùng với sự hướng dẫn của giáo viên chắc chắn học sinh sẽ lĩnh hội tri thức tốt hơn.

  1. Hướng dẫn học sinh tự học qua tiết làm bài tập :

– Giáo viên nên chia lớp làm 4 tổ

– Chia bảng làm 4 phần bằng nhau

–  Hình thức thi : Giáo viên gọi bất kì học sinh trong tổ lên bảng, sau đó giáo viên ra câu hỏi, giám sát kĩ, không cho các tổ nhìn nhau, tổ nào nhắc bài sẽ trừ điểm. Đại diện 4 tổ lần lượt lên bảng. Mỗi lần lên bảng là mỗi tổ một em, trả lời cùng một câu hỏi.

– Giáo viên ra câu hỏi nhanh , mỗi tổ trả lời nhanh, đúng sẽ ghi được một điểm cho tổ đó. Nếu các thành viên của tổ lên trả lời sai thì những thành viên ở dưới ai dơ tay phát biểu nhanh sẽ dành được quyền trả lời, nếu đúng sẽ ghi điểm cho tổ đó.

– Giáo viên lần lượt ra câu hỏi và gọi từng thành viên lên trả lời.

– Cách ghi điểm: Mỗi tổ trả lời đúng 1 câu sẽ ghi được một điểm, khi gần kết thúc giờ học giáo viên tổng hợp điểm và cho tổ thắng phạt tổ thua : Có thể là hát một bài hát mà tổ thắng cuộc yêu cầu, có thể là múa một điệu phụ họa cho bài hát mà tổ thắng hát. Các thành viên ở dưới cổ vũ, động viên tinh thần trả lời cho đại diện tổ mình.

Việc tổ chức cho học sinh thi giữa các tổ như vậy sẽ phát huy được tính tích cực của học sinh, các em sẽ hứng thú học và rất thích được thể hiện mình, kết quả mỗi tiết làm bài tập như vậy học sinh sẽ nhớ kiến thức được lâu hơn.

   Qua hướng dẫn học sinh tiết làm bài tập, học sinh sẽ hiểu và nhớ lâu vấn đề, sự kiện.

         Bên cạnh đó cách ra đề kiểm tra cũng ảnh hưởng đến kết quả học tập của học sinh. Đề kiểm tra không nên rườm rà , khó hiểu, mà phải rõ ràng, để học sinh không sa đề. Nhất là đề  trắc nghiệm, vì thời gian làm bài của các em có hạn.

        Ở lớp, không phải giáo viên nói gì là các em ghi hết vào, hoặc chép lại ý chính trong sách giáo khoa . Mà học sinh cần học theo ý hiểu của mình, tiếp thu có chọn lọc, không rập khuôn theo thầy dạy, biến kiến thức của thầy thành kiến thức của trò, có kết hợp hài hoà việc tự học ở lớp và ở nhà thì kết quả sẽ cao hơn .

  1. Phối hợp giáo dục nhà trường và gia đình:

Trẻ em muốn phát triển tốt cần có sự kết hợp của 3 yếu tố “Gia đình – Nhà trường– xã hội”, trong đó yếu tố gia đình là quan trọng nhất “gia đình là tế bào của xã hội” mỗi gia đình tốt sẽ tạo tâm lí tốt cho đứa trẻ khi đến trường , khi ra ngoài xã hội . Vì vậy muốn học sinh học tập tốt trước hết giáo viên cần lưu ý phối hợp tốt giữa giáo dục nhà trường và gia đình để việc tự học của các em có kết quả, cần kết hợp chặt chẽ giữa giáo viên bộ môn với giáo viên chủ nhiệm, kịp thời thông báo việc học tập của học sinh cho phụ huynh nắm để phụ huynh theo dõi, uốn nắn, phụ huynh chuẩn bị đầy đủ sách vở, tài liệu học tập, tạo thời gian cho các em học tập.  Giáo viên cần nắm được tâm tư nguyện vọng của học sinh cũng như gia đình các em . Cần tìm hiểu kĩ càng hoàn cảnh gia đình của mỗi học sinh, để từ đó có biện pháp tốt nhất trong giáo dục các em . Đối với những học sinh có hoàn cảnh gia đình đặc biệt giáo viên cần quan tâm nhiều hơn, động viên nhắc nhở kịp thời , thường xuyên liên lạc với phụ huynh để kịp thời uốn nắn các em khi có biểu hiện lơ là, ham chơi, chểnh mảng việc học hành . Có kết hợp như vậy thì việc học của học sinh mới cao.

Copyright 2019 © Kinh nghiệm dạy học | Thiết kế bởi Web Bách Thắng