Một số biện pháp nâng cao công tác chủ nhiệm trong trường THCS

Biện pháp 1: Những việc làm của giáo viên chủ nhiệm đầu năm học mới:

   – Làm quen với lớp: Giáo viên giới thiệu về bản thân mình với các em và yêu cầu các em giới thiệu về bản thân, thói quen, sở thích… để giáo viên nắm dần dần, đồng thời tạo không khí thân thiện, đoàn kết, hòa đồng giữa giáo viên với học sinh…

– Tìm hiểu tình hình của lớp:

+ Gặp giáo viên chủ nhiệm lớp năm học trước để nắm tình hình của lớp nói chung và tình hình cụ thể của từng học sinh nói riêng, đặc biệt cần chú ý đến những em ngoan, học giỏi, có năng khiếu và những em chưa ngoan, học còn yếu kém, hay nghịch ngợm thường được gọi là học sinh cá biệt…

+ Giáo viên chủ nhiệm tiếp xúc với học sinh, với phụ huynh, với đồng nghiệp… để tìm hiểu kĩ hơn về lớp của mình chủ nhiệm như: những nguyên nhân học sinh yếu, những em cá biệt, nắm được gia cảnh của từng em (nhất là một số em có hoàn cảnh đặc biệt như: mồ côi, bố mẹ ly dị, gia đình nghèo, bố mẹ sống buông thả cờ bạc, rượu chè, hay cải cọ nhau…) Tìm hiểu đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi học sinh trung học, các em đang ở “Thời kì quá độ”, lứa tuổi này, các em không còn là trẻ em nhưng cũng chưa phải là người lớn. Các em có các biểu hiện như: thích làm người lớn, thích đua đòi theo bạn bè, năng động, hiếu thắng, thích tìm tòi, khám phá, thích làm những việc gây sự chú ý của mọi người… Thế nhưng các em lại thiếu kinh nghiệm, chưa chín chắn, dể bị lôi kéo, sa ngã, dể tổn thương… Vì vậy người giáo viên chủ nhiệm phải cư xử thật khéo léo hướng các em vào những hoạt động tích cực, lành mạnh, bổ ích…

+ Giáo viên chủ nhiệm tìm hiểu, phân loại học sinh trong lớp mình thành các nhóm: Nhóm tích cực trong học tập, rèn luyện; Nhóm hiền, trầm; Nhóm học tập còn yếu, có những biểu hiện chưa tích cực… để tiện cho việc theo dõi, có biện pháp giáo dục phù hợp và sắp xếp vị trí ngồi của học sinh phù hợp: phân công những bạn học khá, giỏi kèm cho những bạn học còn yếu, thực hiện “Đôi bạn cùng tiến”; một bạn hay nói chuyện ngồi giữa những bạn hiền, trầm…

–  Phổ biến nội quy, quy định cho học sinh: Giáo viên chủ nhiệm phổ biến cho học sinh hiểu Nội quy của nhà trường; Những quy định của Bộ GD & ĐT về Quyền, trách nhiệm và các quy định đối với học sinh (Chương V – Điều 38; 39; 40; 41; 42 – Điều lệ trường phổ thông, năm 2011); Cách đánh giá xếp loại hạnh kiểm, học lực của học sinh (quy chế 40 của Bộ Giáo dục và Đào tạo)…

–  Bầu cán bộ lớp: Giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn học sinh bầu Ban cán bộ lớp một cách dân chủ, chọn những bạn có năng lực, nhiệt tình, năng nổ, hoạt bát, kết quả học tập tốt, có đạo đức tốt, có uy tín với bạn bè… Đồng thời chia lớp thành 4 tổ, mỗi tổ 10 em theo sơ đồ vị trí ngồi học cho thuận tiện trong việc giám sát, theo dõi, động viên các em.

–  Giáo viên chủ nhiệm cùng tập thể lớp xây dựng nội quy của lớp và đề ra các nội dung chấm điểm thi đua trong lớp như sau:

* Nội quy lớp học:

  1. Đi học chuyên cần, vắng học phải có lý do.
  2. Đồng phục đúng quy định.
  3. Chuẩn bị bài, làm bài tập đầy đủ trước khi đến lớp.
  4. Tham gia đầy đủ các hoạt động trường, lớp tổ chức.
  5. Tích cực tham gia phát biểu ý kiến xây dựng bài.
  6. Đoàn kết, hòa nhã với bạn bè.
  7. Không làm việc riêng, không gây mất trật tự trong giờ học, không đánh nhau.
  8. Không tham gia các tệ nạn xã hội (như: không hút thuốc, uống rượu bia, cờ bạc, trộm cắp, tiêm chích Ma túy…).
  9. Có ý thức bảo vệ cơ sở vật chất của trường lớp và công trình công cộng.
  10. Không vức rác bừa bãi, có ý thức giữ gìn trường lớp xanh, sạch, đẹp…

– Huấn luyện cán bộ lớp: Giáo viên chủ nhiệm rèn luyện kĩ năng quản lý lớp và phân công nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ lớp đôn đốc, nhắc nhở, theo dõi, nắm bắt tình hình của lớp và báo cáo kịp thời với giáo viên chủ nhiệm. Giáo viên phát sổ theo dõi và hướng dẫn cán bộ lớp thực hiện cụ thể như sau:

+ Tổ trưởng: đôn đốc, nhắc nhở các thành viên trong tổ thực hiện tốt nội quy trường, lớp, kiểm tra bài vở, đồ dùng học tập, trang phục Đội viên của các bạn trong 15 phút sinh hoạt đầu giờ và theo dõi tình hình cụ thể về mọi mặt của tổ mình. Sổ theo dõi của tổ trưởng:

+ Tổ phó: Kết hợp cùng tổ trưởng đôn đốc các hoạt động của tổ, nhắc nhở các thành viên trong tổ, điều hành tổ khi tổ trưởng vắng. 

+ Các lớp phó:

   Lớp phó học tập: bảo quản sổ đầu bài, giúp đỡ các bạn trong lớp về học tập “Học thầy không tày học bạn”, theo dõi nề nếp học tập chung, bên cạnh đó lớp phó học tập còn được giao nhiệm vụ giám sát, động viên, theo dõi hoạt động của lớp trưởng và các tổ trưởng.

   Lớp phó lao động: quản lí lớp trong những buổi lao động, theo dõi, đôn đốc, nhắc nhở các bạn làm việc, đưa dụng cụ lao động; nhắc nhở các bạn vệ sinh lớp học sạch sẽ…

   Lớp phó Văn – Thể – Mỹ: phụ trách các phong trào văn nghệ, thể dục thể thao, tập múa hát cho các bạn trong lớp…

+ Lớp trưởng: Nhiệm vụ của Lớp trưởng là quản lý lớp, theo dõi tình hình chung mọi mặt của lớp, đôn đốc, nhắc nhở các lớp phó và các tổ trưởng hoạt động, sổ theo dõi của lớp trưởng:

–  Xây dựng kế hoạch năm học: Giáo viên chủ nhiệm tham khảo kế hoạch của nhà trường, chủ đề năm học, kết hợp với đặc điểm, tình hình của lớp để xây dựng kế hoạch các hoạt động giáo dục thể hiện rõ mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục bảo đảm tính khả thi, phù hợp với đặc điểm học sinh, với hoàn cảnh và điều kiện thực tế của lớp nhằm thúc đẩy sự tiến bộ của cả lớp và của từng học sinh và thực hiện các hoạt động giáo dục theo kế hoạch đã đề ra…

    Như vậy những công việc đầu năm học của một giáo viên chủ nhiệm rất nhiều, đòi hỏi giáo viên phải nhiệt tình, tâm huyết, hết lòng vì lớp, vì học sinh. Giáo viên phải có mặt thường xuyên mỗi ngày ở lớp trong tuần học đầu tên để làm tất cả các việc trên và hướng dẫn, dìu dắt tập thể lớp đi vào nề nếp, khuôn khổ ngay từ đầu.

Biện pháp 2: Tiến hành giờ sinh hoạt lớp:

   Giờ sinh hoạt lớp cuối tuần là thời gian tập thể lớp điểm lại những kết quả đạt được, những tồn tại trong tuần, nhìn nhận lại những mặt tốt cần phát huy, những mặt chưa tốt cần khắc phục. Trên cơ sở đó đề ra những kế hoạch cho tuần tới. Tiến hành giờ sinh hoạt lớp như sau:

+ Các tổ trưởng lần lược báo cáo những ưu khuyết điểm của tổ mình và tổng hợp điểm thi đua đã chấm của từng cá nhân và cả tổ trong tuần vừa qua (như bảng chấm điểm thi đua của tổ 1: trang 9).

+ Lớp trưởng và các lớp phó nhận xét các mặt hoạt động của lớp về học tập, đạo đức, lao động, văn thể mỹ…

+ Các thành viên trong lớp phát biểu ý kiến, nhận xét, so sánh giữa các tổ với nhau và đề nghị tuyên dương, khen thưởng, nhắc nhở hoặc phê bình kịp thời để các bạn rút kinh nghiệm đồng thời nêu đề xuất, kiến nghị (nếu có) để góp phần đưa tập thể lớp tiến bộ.

+ Giáo viên chủ nhiệm nhận xét chung, có biện pháp thưởng – phạt hợp lý, hướng khắc phục những tồn tại đồng thời phổ biến kế hoạch tuần tới.

–  Giáo viên chủ nhiệm có sổ chủ nhiệm, đề ra kế hoạch, theo dõi tất cả các hoạt động của học sinh trong lớp và tổng hợp kết quả báo cáo cuối tuần của các tổ và cán bộ lớp để kịp thời nhắc nhở, động viên các em:

     Như vậy, qua bảng tổng hợp kết quả tuần 1: tổ 1 đạt kết quả cao nhất, tổ 4 về nhì. Tổ 1 và tổ 4 được tuyên dương, còn tổ 2 và tổ 3 chưa tốt, riêng tổ 2 bị -4 điểm, giáo viên nhắc nhở tổ 2 cần cố gắng phấn đấu trong các tuần sau…

 –  Giáo viên chủ nhiệm tạo không khí thi đua học tập, rèn luyện trong lớp, theo dõi các việc làm “Tốt” hoặc “Chưa tốt” của từng học sinh, từng tổ, tính điểm cụ thể. Cuối mỗi tuần, tháng, học kì, giáo viên chủ nhiệm tổng hợp kết quả và cho học sinh biết để các em phấn đấu thi đua. Mỗi điểm tốt, việc làm tốt được trừ một điểm hoặc việc làm chưa tốt. Các em có thể “lập công chuộc tội”, thi đua học tốt, thi đua làm nhiều việc tốt, nói nhiều lời hay… Cuối tháng, cuối kì, giáo viên khen thưởng, động viên kịp thời những em, những tổ có thành tích cao, nhắc nhở những em thành tích còn khiêm tốn…

+ Thời gian còn lại của giờ sinh hoạt lớp giáo viên chủ nhiệm lồng ghép các hoạt động như: Tập văn nghệ, tìm hiểu các danh nhân, các tấm gương có tài có đức, đọc những bài báo hay có tính giáo dục mà giáo viên hay học sinh sưu tầm được, tuyên truyền giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, phòng chống ma túy, HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội khác. Cho học sinh tìm hiểu về lịch sử địa phương, quê hương mình đang sống ; Tuyên truyền cho học sinh hiểu biết ý nghĩa của các ngày lễ lớn 8/3 ; 30/4 ; 1/5 ; 2/9 ; 20/11; 22/12… Đố vui, chơi trò chơi thi đua giữa các tổ… tạo không khí vui vẻ, đoàn kết (Tùy từng thời điểm khác nhau mà Giáo viên chủ nhiệm chọn 1- 2 nội dung phù hợp, có thể giáo viên chuẩn bị trước hoặc giao cho học sinh sưu tầm)… tạo không khí vui vẻ, thỏa mái, tránh gây căng thẳng đối với học sinh.

    Trong giờ sinh hoạt lớp không nên lạm dụng việc phê bình và tự phê bình, chỉ trích nặng lời đối với học sinh vi phạm hoặc đề ra nhiều biện pháp xử phạt nặng nề làm cho học sinh chán ngán giờ sinh hoạt lớp, như vậy không những không giúp bạn tiến bộ mà ngược lại còn làm cho học sinh lì lượm hơn, phá phách hơn, xa rời tập thể có khi cố tình phá lớp thậm chí có trường hợp học sinh bỏ trốn khỏi giờ sinh hoạt.

Biện pháp 3: Nghệ thuật tiếp xúc của giáo viên chủ nhiệm với học sinh trong lớp:

   Mỗi người thầy phải là một “nghệ sĩ”, làm thầy phải có nghệ thuật làm thầy, đó là nhận định của nhiều bậc tiền bối. Đúng vậy, qua thực tế dạy học tôi nhận thấy, người giáo viên vừa như là một đạo diễn, vừa là một nhà biên kịch và cũng vừa là một diễn viên mà cần phải làm tròn tất cả các trọng trách đó vì thế người thầy cần phải có nghệ thuật làm thầy, có nghệ thuật tiếp xúc với học sinh, thể hiện như sau:

– Làm gương cho các em học sinh noi theo: Người giáo viên nào cũng muốn có học trò ngoan, tử tế vì thế người giáo viên cần phải tử tế trước “Làm thầy tử tế mới có trò tử tế”. Trong khi mình trao cho người khác kiến thức, thì cũng là lúc mình học tập, trau dồi kỹ năng, kiến thức. Nghề giáo viên luôn đối diện với con người, đồng thời cũng phơi bày con người mình ra. Người giáo viên đứng trên bục giảng như tấm gương, học sinh sẽ soi vào tấm gương đó, nhưng điều đó không có nghĩa là rập khuôn máy móc mà học sinh biết đánh giá và nhận xét được thầy giáo nào tốt, cô giáo nào chưa tốt… vì thế người giáo viên cần phải có chuẩn mực, có nhân cách đạo đức tốt, phải không ngừng rèn luyện thêm về mọi mặt để hoàn thiện chính mình cả kiến thức lẫn đạo đức… để làm tấm làm gương sáng cho các em học sinh noi theo.

– Không ngừng làm mới bản thân: Học sinh ở tuổi mới lớn, tò mò, ham học hỏi… nếu giáo viên chủ nhiệm lúc nào cũng một phương pháp, một phong cách thì rất dể gây nên sự nhàm chán đối với học sinh vì thế người giáo viên phải không ngừng làm mới mình, gây sự ngạc nhiên, sự bất ngờ, hứng thú cho học sinh, giúp học sinh khám phá những điều mới lạ, thú vị… tạo không khí vui vẻ, thân thiện để các em thấy được mỗi ngày đến trường là một ngày vui.

– Làm người dạy học phải nghiêm: Nếu người giáo viên không nghiêm thì học sinh sẽ nhờn, nói không nghe. Nhưng làm sao để học sinh thấy được trong cái nghiêm có tình cảm của giáo viên với học trò, việc gì học sinh làm đúng, phải được công nhận là đúng, việc gì các em làm sai phải nhắc nhở, giáo viên phải công bằng, uy tín với các em, không hứa suông, giáo viên đối với học sinh phải vừa thật mềm mỏng nhưng cũng vừa cương quyết để thể hiện rõ trường học là nơi có “kĩ cương, tình thương và trách nhiệm”.

– Bỏ bực dọc, buồn phiền, lo lắng… ngoài cổng trường: cuộc sống nhà giáo với vô vàng công việc phải lo toan, đôi lúc vì việc trường hay việc nhà họ cũng có thể bực dọc, buồn phiền, tâm trạng bồn chồn, lo lắng… như những con người bình thường khác. Tuy nhiên khi bước vào lớp người giáo viên phải coi như bình thường, không có chuyện gì xảy ra cả, dồn hết tâm trí vào lớp học…

Phải sâu sát với học sinh: giáo viên chủ nhiệm là người gần gũi với học sinh nhất, quan tâm đến học sinh, tôn trọng và lắng nghe ý kiến học sinh, nắm bắt được những tâm tư nguyện vọng của các em, chia sẽ với các em những niềm vui, nỗi buồn… hướng dẫn các em tận tình, hướng dẫn cán bộ lớp tự quản một số một số hoạt động của lớp: quét sân trường, trồng và chăm sóc cây… Thường xuyên dự giờ lớp chủ nhiệm, nắm chất lượng học tập của các em, kịp thời nhắc nhở các em học tập tốt, phân tổ nhóm giúp nhau trong học tập; 15 phút sinh hoạt đầu giờ giáo viên chủ nhiệm thường xuyên có mặt để đôn đốc, nhắc nhở, theo dõi các hoạt động của học sinh trong lớp… để kịp thời có biện pháp thích hợp.

– Khen chê đúng lúc: Giáo viên chủ nhiệm kết hợp phương pháp nêu gương người tốt việc tốt để các em học hỏi. Chú ý khen thưởng, tuyên dương kịp thời những việc làm tốt, còn những việc làm chưa tốt thì nên nhắc nhở nhỏ nhẹ, nếu cần tế nhị giáo viên có thể gặp riêng học sinh để trao đổi. Không nên chỉ trích, xúc phạm các em, làm như thế chỉ phản tác dụng, đôi lúc còn làm học sinh xấu hổ, lì lợm chống cự lại hoặc chán nản, bỏ học…

– Phải có tấm lòng nhân hậu: Người giáo viên phải thật sự quan tâm đến học sinh, coi học sinh như con, như em ruột thịt của mình. Mình chân thành với học sinh thì học sinh không có lí do gì mà “quay lưng” lại với mình, học sinh sẽ tin tưởng và gần gũi, thương yêu mình hơn. Tuy nhiên, làm được việc này không dể vì học sinh khó có thể cảm nhận được nếu người giáo viên không biết quan tâm, lo lắng, nhắc nhở các em từ việc học hành đến cách ăn mặc, đi đứng, giao tiếp… Sẵn sàng bỏ qua cho học sinh những lỗi lầm thơ ngây khờ dại, động viên tuyên dương các em kịp thời dù đó chỉ là việc làm tốt nhỏ nhoi, hỏi hang ân cần, thân mật, đôi lúc chỉ cần thể hiện qua ánh mắt, nụ cười để các em cảm nhận được tình cảm của mình đối với học trò… làm được như thế thì công tác chủ nhiệm lớp sẽ tốt biết bao.

Biện pháp 4:  Giải quyết các vấn đề nẩy sinh trong lớp:

    Một tập thể đông học sinh, mỗi em có nhiều hoạt động, nhiều em rất năng động, hoạt náo nên việc nẩy sinh các vấn đề trong mỗi buổi học là lẽ tự nhiên. Khi trong lớp có học sinh vi phạm nội quy của lớp, của trường, giáo viên cần phải có giải pháp cụ thể để khắc phục từng bước như: nhắc nhở, khuyên răng, phê bình, gọi điện thoại cho người thân, hỏi ý kiến học sinh trong lớp, trao đổi giáo viên bộ môn, Tổng phụ trách Đội, Ban giám hiệu nhà trường… để có biện pháp giải quyết hợp lý. Hàng tuần nên có cuộc họp với cán bộ lớp để giáo viên phát huy khả năng làm việc của cán bộ lớp và nắm bắt tình hình lớp kịp thời, sâu sát hơn nhất là một số buổi giáo viên không có mặt ở lớp.

– Những việc nẩy sinh ở lớp như: bạn A nói chuyện trong giờ học bị cô giáo dạy văn nhắc nhở; bạn B cải nhau với bạn C; Bạn D mất máy tính hay bạn E bỏ giờ đi chơi game… thường là những việc không có gì to tác lắm, tuy nhiên cần phải có biện pháp giải quyết kịp thời, dứt điểm, nhiều việc không thể để đến giờ sinh hoạt lớp cuối tuần mới giải quyết được, vì thế  giáo viên chủ nhiệm phải thường xuyên có mặt ở lớp để giải quyết kịp thời những vấn đề nẩy sinh trong lớp, nhất là vào 15 phút sinh hoạt đầu giờ hoặc sau mỗi buổi học, xét thấy có việc gì cần giải quyết ngay, giáo viên yêu cầu các em ở lại năm đến mười phút để làm việc.

    – Trường hợp có học sinh vi phạm kĩ luật, giáo viên chủ nhiệm kết hợp với Hội phụ huynh học sinh, phụ huynh học sinh, lãnh đạo nhà trường và đại diện chính quyền địa phương (nếu cần) để kịp thời giáo dục học sinh một cách nghiêm túc, kịp thời để giúp học sinh nhận ra khuyết điểm, sửa chữa và ngày một tiến bộ hơn.

Biện pháp 5:    Xây dựng lớp học thân thiện:

    Hiện nay, toàn ngành giáo dục – đào tạo đang thực thi Chỉ thị số 40/2008/CT-BGD-ĐT ngày 22/7/2008 về việc phát động phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” và Kế hoạch số 307/KH-BGD ĐT ngày 22/7/2008 về việc triển khai thực hiện chỉ thị trên. Để triển khai có hiệu quả phong trào này, giáo viên chủ nhiệm lớp ở trường phổ thông cần làm tốt những việc sau:

+ Rèn luyện kĩ năng sống cho học sinh; ứng xử thân thiện trong mọi tình huống; Có thói quen rèn luyện sức khỏe, ý thức tự bảo vệ bản thân, phòng ngừa tai nạn giao thông, đuối nước và các tệ nạn xã hội; Có thái độ lên án và kiên quyết bài trừ mọi hành vi bạo lực, lạm dụng các hình thức trừng phạt học sinh hay xúc phạm danh dự, nhân phẩm học sinh.

+ Xây dựng môi trường sư phạm thân thiện trong mối quan hệ giữa cán bộ, giáo viên với học sinh, giữa nhà trường với gia đình học sinh, cộng đồng.

+ Phát huy vai trò tích cực của học sinh trong học tập và rèn luyện.

+ Tổ chức cho học sinh tham gia bảo vệ cảnh quan, môi trường, giữ gìn vệ sinh công cộng, vệ sinh trường lớp và giáo dục học sinh ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân. Đảm bảo trường lớp xanh, sạch, đẹp, an toàn.

+ Thông qua các giờ sinh hoạt lớp, tuyên truyền giáo dục cho học sinh truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng của địa phương, truyền thống nhà trường, làm cho học sinh có ý thức tôn trọng, tìm hiểu, chăm sóc và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa, cách mạng ở địa phương, có lòng yêu quê hương đất nước, phấn đấu học tập tốt đem kiến thức về xây dựng quê hương giàu mạnh.

– Giáo viên chủ nhiệm gần gũi, thân thiện, tiếp cận học sinh, rút ngắn khoảng cách với học sinh, lắng nghe ý kiến của học sinh, là chỗ dựa cho các em khi các em cần tư vấn, trao đổi ý kiến và cùng tham gia với học sinh trong các buổi lao động hay các phong trào… luôn yêu thương và cảm thông với các em nhất là những em có hoàn cảnh khó khăn nếu có chuyện vui buồn thì giáo viên chủ nhiệm phải khéo léo lôi cuốn sự quan tâm của cả lớp, cùng nhau sẽ chia, cùng nhau giải quyết. Đồng thời nên chú ý các hoạt động tương trợ, giúp đỡ các học sinh có hoàn cảnh khó khăn .

–  Trong lớp trang trí các khẩu hiệu: Nói lời hay, làm việc tốt; Học thật tốt, dạy thật tốt; Mỗi thầy giáo, cô giáo là tấm gương sáng cho học sinh noi theo… để mỗi ngày đến lớp học sinh đều nhìn thấy và nhắc nhở các em thực hiện.

–  Đối với học sinh dân tộc thiểu số, Giáo viên chủ nhiệm gần gũi các em, cuốn hút các em vào các hoạt động tập thể, giúp các em đoàn kết, hòa đồng với bạn bè …

Biện pháp 6:    Giáo dục học sinh cá biệt:

   “Học sinh cá biệt” như nhiều người vẫn gọi thì tôi thấy nói như vậy là hơi nặng đối với các em, những học sinh này là những em “có cá tính”, thích thể hiện mình nhưng đôi lúc do suy nghĩ lệch lạc, không kiềm chế hoặc do bất mãn một việc gì đó nên đã có những biểu hiện “Khác người” nên bị mọi người đánh giá là “Học sinh cá biệt”, “Học sinh khó bảo”, “Học sinh hư hỏng”, “bó tay.com.vn”… Là nhà giáo dục mà nói như vậy là không được, như Bác Hồ đã nói“Hiền dữ đâu phải tính sẵn, phần nhiều do giáo dục mà nên”, vậy trách nhiệm của giáo viên chúng ta là giáo dục các em nên người, cần phải kiên trì, không nên nóng vội mong có kết quả ngay ở học sinh mà cần có những biện pháp và nghệ thuật giáo dục các em cụ thể như sau:

– Tôn trọng học sinh: giáo viên và học sinh trong lớp không nên coi thường, phân biệt đối xử mà phải đối xử tử tế và công bằng với các em, không để các em bất mãn. Không nên phê bình chỉ trích nhiều bởi vì dẫu các em là học sinh khác biệt với các học sinh khác thì các em vẫn sống có tình nghĩa, có lòng tự trọng. Khi các em biết mình được tôn trọng, các em sẽ tôn trọng lại giáo viên và những người xung quanh, giáo viên nói một lần, hai lần, ba lần các em sẽ dần dần tỉnh ra và trở thành những học sinh tốt.  

– Yêu thương học sinh: giáo viên chủ nhiệm cùng tập thể lớp dùng lời lẽ phải trái phân tích, khuyên bảo nhỏ nhẹ, không “đao to búa lớn”, không xa lánh các em, dùng tình cảm thương yêu chân thành để cảm hóa các em, dần dần các em tự nhận thấy “Mọi người tốt với mình còn mình đã làm ảnh hưởng đến thầy cô, bạn bè, tập thể lớp, làm ba mẹ buồn lòng…” các em nhận ra việc làm sai của mình và tự điều chỉnh dần dần hành động của mình trở thành học sinh tiến bộ hơn. Thực tế cho thấy những học sinh này thể hiện tinh thần tập thể cao trong những buổi lao động, cắm trại… Tôi rất vui vì thấy trong số những học trò cũ đến thăm tôi có những em trước đây từng là học sinh ngỗ nghịch.

– Quan tâm, chia sẻ: giáo viên chủ nhiệm quan tâm, hỏi hang ân cần, có kế hoạch thăm hỏi, quan tâm gia đình học sinh thường xuyên để nắm được gia cảnh của từng em, những học sinh khác biệt này thường là những em có hoàn cảnh trớ trêu như con mồ côi, bố mẹ hay cải cọ nhau, ly hôn hoặc là con một nên bố mẹ quá nuông chiều… giáo viên thường xuyên tiếp xúc với các em, gần gũi với các em thể hiện một tình cảm như người mẹ, người chị, động viên kịp thời chỉ rõ cho các em việc làm sai làm đúng, để biết được tâm tư tình cảm của các em, chia sẻ những vui buồn hay những khúc mắc mà các em chưa tháo gỡ được đồng thời kết hợp với phụ huynh học sinh và chính quyền địa phương thôn xóm trong việc giáo dục học sinh. Qua những lần đi thăm hỏi gia đình học sinh, tôi cảm nhận được tình cảm của phụ huynh – học sinh và giáo viên rất gần gũi, thân mật. Một số phụ huynh cảm ơn tôi, có người còn tặng tôi quả bí, quả bầu, tôi đón nhận và xem đây không phải là những thứ vật chất tầm thường mà là cả tấm lòng, niềm tin của phụ huynh khi gởi gắm con em cho mình và mình cần phải có tinh thần trách nhiệm hơn nữa để không phụ lòng mong mỏi của phụ huynh và các em học sinh.

– Theo dõi, giúp đỡ: giáo viên chủ nhiệm phân công các bạn tốt, phân công cán bộ lớp theo dỏi các bạn học sinh đặc biệt này hằng ngày, nắm toàn bộ những hoạt động của các em trong và ngoài giờ học, báo cáo lại để giáo viên có biện pháp kịp thời giúp đỡ các em tiến bộ, tuy nhiên phải cư xử thật khéo, không để học sinh biết mình bị theo dõi. 

– Động viên kịp thời: Giáo viên chủ nhiệm cần chú ý đến việc khen chê kịp thời đối với học sinh, không thiên vị, phải công minh trong khi khen cũng như chê các em. Những lời động viên khi các em làm việc tốt, những lời nhắc nhở khi các em làm sai có tác dụng rất lớn đến việc tự rèn luyện của các em. Đối với học sinh cá biệt hay phạm lỗi, tuy nhiên, có một số ngày nào đó, tuần nào đó, các em không phạm lỗi hoặc có thành tích dù rất nhỏ, giáo viên nên khen thưởng, động viên kịp thời, các em sẽ rất vui và cố gắng hơn…

     Theo nhận định của các chuyên gia tâm lý, ở lứa tuổi thiếu niên, các em đang muốn khẳng định bản thân, nhưng có vài trường hợp cá biệt chọn cho mình một cách khá kỳ quặc để khẳng định cá tính như hành động “khác mọi người”, lời nói không phù hợp với lứa tuổi… Điều đó là do cách suy nghĩ lệch lạc, do nhận thức chưa đúng nhưng chưa chắc các em đó đã là người xấu. Những trường hợp như vậy, càng cần các thầy cô gần gũi, đối xử chân tình, luôn luôn lắng nghe và luôn luôn thấu hiểu các em. Một đồng nghiệp tôi đã tâm sự: Nếu dạy chữ, dạy kiến thức là thuần trí tuệ thì dạy lễ, dạy nghĩa lại cần đến cả lý trí, trái tim, tâm hồn, tình cảm, dạy bằng cả nhân cách của chính mình đồng thời phải tiến hành ở mọi lúc, mọi nơi.

Biện pháp 7:    Vận động học sinh bỏ học đến trường (Duy trì sĩ số lớp):

–  Nếu trong lớp có học sinh bỏ học Giáo viên chủ nhiệm phải tìm hiểu nguyên nhân, liên hệ với phụ huynh học sinh và đến vận động kịp thời. Giáo viên chủ nhiệm phải tác động từ nhiều phía, làm công tác tư tưởng với gia đình học sinh và học sinh để cho các em biết việc học là quan trọng, cần thiết đối với mỗi người (ít nhất là hoàn thành phổ cập THCS); Phối hợp với các đoàn thể ở địa phương trong công tác vận động học sinh; Phân công học sinh trong lớp đến động viên, khuyên bạn đi học, giúp đỡ bạn trong việc học như chép bài, soạn bài, hướng dẫn làm bài… Từ đó học sinh cảm nhận được tình cảm của thầy cô, bạn bè, xã hội đối với mình và ý thức được học tập vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của mình.   

Biện pháp 8:   Nâng cao kết quả học tập của học sinh trong lớp:

– Giáo viên chủ nhiệm tuyên truyền cho học sinh biết việc học tập là quyền và cũng là bổn phận của trẻ em: trẻ em có quyền được học tập, được dạy dỗ… nhưng cũng có bổn phận phải chăm chỉ học tập, hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục…   

– Vận động và hướng dẫn học sinh phương pháp tự học. Tạo bầu không khí thân thiện trong lớp học, khuyến khích các em tích cực, chủ động, sáng tạo và có ý thức vươn lên trong học tập.

– Nhắc nhở học sinh luôn hoàn thành mọi nhiệm vụ học tập mà các giáo viên bộ môn yêu cầu như: nắm được nội dung chính của bài học, làm bài tập, soạn bài đầy đủ… Trong học tập có điều gì chưa rõ các em mạnh dạn hỏi thầy cô giáo, nhờ thầy cô chỉ dẫn, có sáng kiến nào hay các em phát hiện ra nên đề xuất và cùng với thầy cô giáo thực hiện các giải pháp để việc học tập có hiệu quả hơn.

– Mỗi môn học bầu một cán sự bộ môn- là những học sinh giỏi của bộ môn đó, hướng dẫn cán sự bộ môn kiểm tra sự chuẩn bị bài của các bạn trong lớp trong 15 phút đầu giờ. Hôm nào có bài tập khó cán sự bộ môn lên bảng hướng dẫn lớp làm bài tập…

– Thực hiện “Đôi bạn cùng tiến”: phân công những em học khá, giỏi hướng dẫn, giúp đỡ những em học yếu kém, các em giúp nhau trong học tập “Học thầy không tày học bạn”, có những nội dung không hiểu rõ nhưng nhiều học sinh rụt rè, không dám hỏi thầy cô giáo, các em hỏi bạn bè là dể dàng nhất. Một số “đôi bạn cùng tiến” của lớp có kết quả tốt như:

– Tạo không khí thi đua trong học tập, em nào học tập tiến bộ, giáo viên tuyên dương, khen thưởng kịp thời, học sinh nào đạt điểm 9; điểm 10 được cộng điểm thi đua (như bảng chấm điểm thi đua của tổ, của lớp), em nào kết quả học tập chưa tốt, giáo viên nhắc nhở để các em cố gắng hơn trong học tập. Cuối tuần, tháng, học kì, giáo viên tổng hợp điểm thi đua, tuyên dương, khen thưởng, động viên các em học tập tiến bộ hơn…

Biện pháp 9:     Giáo viên chủ nhiệm với việc phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội để giáo dục học sinh:

    Điều 94, chương VI, Luật giáo dục 2005 quy định: “Mọi người trong gia đình có trách nhiệm xây dựng gia đình văn hóa, tạo môi trường thuận lợi cho việc phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất”

    Điều 97, chương VI, Luật giáo dục 2005 quy định: “Trách nhiệm của xã hội giúp nhà trường tổ chức các hoạt động giáo dục góp phần xây dựng phong trào học tập và môi trường giáo dục lành mạnh, ngăn chặn những hoạt động có ảnh hưởng xấu đến thanh thiếu niên”…

   Như vậy, không chỉ nhà trường, gia đình và xã hội đều có trách nhiệm trong việc tạo môi trường thuận lợi, lành mạnh để giúp học sinh học tập và phát triển toàn diện mọi mặt. Vì thế giáo viên chủ nhiệm cần phối hợp giữa các bộ phận trong nhà trường, phối hợp tốt giữa gia đình, nhà trường và xã hội để giáo dục học sinh cụ thể như sau:

– Giáo viên chủ nhiệm phối hợp với giáo viên bộ môn, lắng nghe ý kiến phản ảnh của giáo viên bộ môn để nắm bắt tình hình học tập của học sinh lớp mình, kịp thời giải quyết các công việc nẩy sinh trên lớp đồng thời trao đổi với giáo viên bộ môn về tình hình lớp mình để giáo viên bộ môn nắm bắt sát thực tình hình học sinh và có biện pháp giáo dục hợp lý.

– Thông qua các cuộc họp, Hội nghị, Đại hội, các kì sinh hoạt đoàn thể… giáo viên chủ nhiệm trao đổi với Hội đồng giáo viên trong trường và lãnh đạo nhà trường, tranh thủ sự hổ trợ, giúp đỡ của nhà trường đối với lớp, đặc biệt là giúp đỡ các học sinh khiếm khuyết về năng lực học tập hay những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; đề xuất ý kiến với lãnh đạo nhà trường và các tổ chức đoàn thể, tổ chức nhiều hơn các phong trào vui chơi giải trí lành mạnh thu hút học sinh tham gia…

– Giáo viên chủ nhiệm liên hệ với Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và các tổ chức xã hội có liên quan trong việc hổ trợ, giám sát việc học tập, rèn luyện, hướng nghiệp của học sinh lớp mình chủ nhiệm góp phần huy động các nguồn lực trong cộng đồng phát triển nhà trường trao đổi và cung cấp những thông tin về hoàn cảnh gia đình, về tâm tư tình cảm, nguyện vọng của các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn để Đoàn, Đội có hướng xử lý và giúp đỡ, các em sẽ thấy được sự quan tâm của của mọi người đối với mình, từ đó các em trở nên ngoan hơn, ham học hơn.    

– Giáo viên chủ nhiệm cần liên lạc với phụ huynh học sinh theo định kì (qua phiếu liên lạc giữa gia đình và nhà trường); và thường xuyên (qua điện thoại) để báo cáo kịp thời tình hình học tập, rèn luyện và tham gia các hoạt động của học sinh ở trường. Chủ động tiếp xúc với gia đình học sinh, đặc biệt là thăm những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn, tạo sự gần gũi, thân thiện giúp học sinh tự tin và yên tâm hơn trong học tập và rèn luyện. Qua đó phối hợp với phụ huynh học sinh để có biện pháp giáo dục các em phù hợp.   

– Giáo viên chủ nhiệm cần có sự liên hệ chặt chẽ với Hội phụ huynh học sinh và chính quyền địa phương, thông qua các cấp chính quyền địa phương để quản lý học sinh cùng với nhà trường và gia đình. Cần tuyên truyền, vận động, giáo dục ý thức học tập và rèn luyện đạo đức học sinh thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, loa phát thanh công cộng hay trong các buổi họp tại thôn, tại các địa phương để tuyên truyền cho phụ huynh học sinh có trách nhiệm nhắc nhở giáo dục con em mình.

– Thực hiện cam kết giữa gia đình – nhà trường – chính quyền địa phương quản lý con em không bỏ học, không vi phạm pháp luật, không sa vào các tệ nạn xã hội… thường xuyên hàng năm…

Copyright 2019 © Kinh nghiệm dạy học | Thiết kế bởi Web Bách Thắng