Một số biện pháp phân tích ngôn ngữ nghệ thuật nhằm nâng cao năng lực cảm thụ tác phẩm văn học THCS

1. Phân tích ngôn ngữ thông qua các từ trái nghĩa:

          Thông qua hình thức này, nhà văn tạo ra những hình tượng tương phản. Bởi từ trái nghĩa là tổ chức từ vựng ở vào thế đối lập nhau. Hai từ được xem là trái nghĩa khi chúng có cùng ngữ cảnh, có cấu trúc nghĩa giống nhau nhưng đối lập nhau ở tính chất của các thành tố nghĩa . Trên thực tế văn học từ trái nghĩa được sử dụng rất phổ biến. Dưới bàn tay sáng tạo của nhà văn từ trái nghĩa có giá trị biểu đạt và tác dụng tu từ rất lớn, nhất là khi người viết muốn phản ánh thế giới khách quan trong sự thống nhất giữa các mặt đối lập của nó.

        Trong quá trình sáng tác, có lúc người viết sử dụng hai từ trái nghĩa để nói về một nội dung, đây là cách vận dụng từ ngữ rất độc đáo mà giáo viên phải hết sức chú ý:

“Chồng ta áo rách ta thương

Chồng người áo gấm xông hương mặc người.”

                                                             (Ngữ văn 7, tập I).

          Với cách đưa hai từ trái nghĩa “áo rách” và “áo gấm” vào cùng một trục tâm lý, tác giả thành công trong việc bộc lộ tình cảm kính trọng, yêu thương, thủy chung của người vợ hiền đối với người chồng mặc dù cuộc sống còn nhiều vất vả. Qua đây phẩm chất truyền thống của người phụ nữ được trân trọng và đề cao ca ngợi. 

         Trong tác phẩm văn học, cấu trúc ngôn ngữ và cấu trúc văn học gắn bó chặt chẽ với nhau. Các cấu trúc ngôn ngữ đều có khả năng góp phần vào việc biểu hiện các yếu tố của cấu trúc văn học. Phân tích cấu trúc ngôn ngữ là điều không thể thiếu khi phân tích tác phẩm văn học. Ở đây tôi chỉ mới nói đến khía cạnh phân tích từ ngữ, chỉ là một bộ phận chủ yếu, bên cạnh việc phân tích từ ngữ (ngôn ngữ) chúng ta còn phân tích ngữ pháp, phân tích ngữ âm và các phép tu từ khác.

2. Phân tích ngôn ngữ thông qua hình thức đồng nghĩa ngữ cảnh:

          Từ đồng nghĩa là nhóm từ gần nhau về nghĩa, khác nhau về âm thanh. Khi sử dụng một từ đồng nghĩa nào đó là nó đã chỉ chính xác ở một khía cạnh nào đó. Việc xuất hiện một từ đồng nghĩa trong một ngữ cảnh nào đó đều phải có lý do nhất định. Người giáo viên khi phân tích phải chỉ ra được lý do, giá trị đó. Trong nhóm từ đồng nghĩa nó được phân biệt với nhau bằng giá trị biểu cảm rất tinh vi. Giáo viên cần dựa vào đó để có sự so sánh các từ cùng đặt trong ngữ cảnh. Qua so sánh giá trị nghệ thuật của từ thì từ ngữ cần phân tích sẽ được bộc lộ rõ nét. Khi dạy bài Lượm của Tố Hữu (Ngữ văn 6, tập II) khi phân tích chi tiết:

“Bổng lòe chớp đỏ

Thôi rồi, lươm ơi!

Chú đồng chí nhỏ

    Một dòng máu tươi!

                                                                                            (Tố Hữu, Lượm/ Ngữ văn 6, tập II)

Hoặc khi dạy bài Từ đồng nghĩa (Ngữ văn lớp 7, tập I) ta nên đưa thêm ví dụ sau để làm rõ hơn giá trị tu từ học của loại từ này.

         Ví dụ :                            “Buổi chiều ứa máu

                                          Ngỗn ngang những vũng bom”.  

                                                                                               (Nguyễn Đình Thi)

         Cũng như “chớp đỏ” với “máu tươi” thì “Vũng” là một từ thi ca và có tính hình tượng bởi “vũng” có nét nghĩa thường trực là “có nước” mà từ “hố” không nhất thiết phải có. Chính nét nghĩa “có nước” tạo nên sự cộng hưởng giữa từ “vũng” với từ “máu” và dẫn đến một hình tượng liên tưởng có sức tố cáo mạnh mẽ: những vũng bom đạn Mĩ trút xuống làng quê Việt Nam chính là những vũng máu. Trên trục từ đồng nghĩa liên tưởng, các từ khác như “hố”, … tuy là từ đồng nghĩa nhưng khả năng biểu đạt trong ngữ cảnh này không cao như từ “vũng”. Nếu thay từ “vũng” bằng từ khác như “hố” chẳng hạn thì cái sức gợi liên tưởng đến từ “máu” sẽ giảm đi rất nhiều. Và như thế thông điệp tố cáo sẽ rất mờ nhạt, dư âm của bài thơ sẽ không có gì lắng đọng. Khi phân tích ngôn ngữ giáo viên cũng cần đặt các từ ngữ trong hệ qui chiếu đó.

3. Phân tích ngôn ngữ thông qua phương thức chuyển nghĩa.

          Mỗi từ ngữ đều có ý nghĩa cơ bản để xác định đặc trưng chủ yếu của đối tượng mà nó biểu thị, ý nghĩa này gọi là nghĩa gốc. Trong thực tế có nhiều từ nghĩa gốc chỉ là nghĩa vốn có chứ không phải là duy nhất. Bằng phép chuyển nghĩa trên cơ sở nghĩa gốc, từ còn có nhiều nghĩa mới khác nhau.

          Sự chuyển nghĩa của từ rất đổi linh hoạt trong nhiều ngữ cảnh nhất định. Khi phân tích từ ngữ đặt trong mối quan hệ với phương thức chuyển nghĩa, giáo viên không chỉ dừng lại ở chổ thống kê, phân loại những phương thức chuyển nghĩa có trong từ, giáo viên cần lý giải được sự tồn tại của chúng ở những dạng cụ thể nhất về nội dung, tính chất mà chúng biểu hiện.

         Trong văn học, đặc biệt là ở các tác phẩm trữ tình ở lớp 9, hình thức chuyển nghĩa được các tác giả vận dụng rất nhiều. Sơ lược ta có thể thấy ở hai bài thơ có hình ảnh mặt trời như: “Khúc hát ru những em bé lớn lên trên lưng mẹ” của Nguyễn Khoa Điềm (Ngữ văn 9/Tập I); cũng như với bài “Viếng lăng Bác” của Viễn Phương (Ngữ văn 9/Tập II).

Cụ thể:

“Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi

Mặt trời của mẹ em nằm trên lưng”.

                                                                                  (Ngữ văn 9/Tập I)

Ta có thể hiểu “mặt trời của mẹ” là một hình ảnh ẩn dụ bởi ngôn ngữ này đã được tu từ hóa bằng phương thức chuyển nghĩa. Vậy thì chính là em Cu Tai là hơi thở, niềm tin, lẽ sống thiêng liêng cao quý nhất của cuộc đời mẹ. Mặt trời bé con nằm ngay trên lưng mẹ, như một phần cơ thể của mẹ, cùng mẹ trải qua những gian lao vất vả trong cuộc sống lao động và chiến đấu của người mẹ – chiến sỹ.

             Viễn Phương cũng đã sáng tạo nên một hình ảnh mặt trời rất độc đáo:

                          “Ngày ngày mặt trời đi qua trên lưng

                           Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.”

                                                                                                              (Ngữ văn 9/Tập II)

“Mặt trời” trong lăng là ngôn ngữ đã được chuyển nghĩa thành công. Mặt trời là nguồn năng lượng vô tận vĩnh cửu mà thiên nhiên ban tặng cho con người. Người là “mặt trời” của nhân dân và toàn thể dân tộc Việt Nam. Một “mặt trời trong lăng” tỏa sáng mạnh mẽ, rực rỡ hào quang. Nghĩa là Người vẫn còn đó giữa trời đất trường tồn. Viễn Phương đã phát hiện một sự quy chiếu nhiều giá trị tượng trưng, sự quy chiếu của “mặt trời” tự nhiên, vũ trụ với “lăng Bác” để Người và trời đất thiên nhiên luôn gần gũi biết bao. “Mặt trời” trong lăng là một hình ảnh ẩn dụ diễn tả sâu sắc vẻ đẹp, sức sống và ý nghĩa cuộc đời của Bác đối với dân tộc và cả nhân loại.

           Với sự vận dụng hình thức ngôn ngữ chuyển nghĩa Tố Hữu cũng đã rất tinh tế trong việc diễn tả dấu hiệu của chiến chiến tranh qua từ “đổ máu”.

“Ngày Huế đổ máu

Chú Hà Nội về

Tình cờ chú cháu,

    Gặp nhau Hàng Bè.”

                                                                      (Tố Hữu, Lượm/ Ngữ văn 6, tập II)

         “Đổ máu” là một từ đã được đặt trong mối tương quan của sự chuyển nghĩa. Dùng dấu hiệu của chiến tranh để nói đến sự hi sinh mất mát của dân tộc ta nói chung và nhân dân Huế nói riêng quả là một sáng tạo nghệ thuật độc đáo của nhà thơ Tố Hữu. Nghĩa là nhà văn không chỉ viết bằng từ ngữ mà còn vẽ bằng từ ngữ (M. Gorki). Hoạt động sáng tạo nghệ thuật của tác giả từ một thực tế lịch sử nhưng lại có cách nói khác đi. Đó là hoạt động sáng tạo nghệ thuật của nhà thơ làm cho câu thơ độc đáo vừa thể hiện được tâm trạng, tình cảm của tác giả gửi gắm trong bài thơ nỗi niềm thương xót khi quê hương đang chìm trong khói lửa. Đó là một hoán dụ lấy dấu hiệu của sự vật để gọi sự vật hết sức độc đáo.

           Để thấy rõ được giá trị tu từ học của phương thức hoán dụ trong tác phẩm nghệ thuật, khi dạy bài Hoán dụ (Ngữ văn 6, tập II), ta có thể phân tích thêm một số ví dụ sau góp phần làm cho học sinh hiểu một cách phong phú và sâu hơn giá trị tu từ học của phương thức nghệ thuật này.

Ví dụ :                           “Áo nâu liền với áo xanh

                           Nông thôn cùng với thị thành đứng lên”.

                                                                                       (Tố Hữu).

          Hình ảnh hoán dụ “áo nâu” chỉ người nông dân, “áo xanh” chỉ người công nhân. Trên cơ sở dựa vào mối quan hệ giữa đặc điểm, tính chất của sự vật này với sự vật khác có nét đặc điểm tính chất tương đồng đã tạo nên giá trị biểu đạt của từ vựng mang theo cấu trúc nghĩa của nó được tác giả khai thác một cách triệt để, để phục vụ cho cách diễn đạt của mình. Lấy vật chứa đựng để gọi vật bị chứa đựng. Tác giả không gọi tên: nông dân; công nhân nhưng thực ra tác giả đã nói rất nhiều, ca ngợi, cổ vũ họ rất nhiều trong hai cuộc trường chinh của dân tộc mà sức mạnh chính là khối đoàn kết công. Khi phân tích ngôn ngữ qua hiện tượng chuyển nghĩa của từ giáo viên cần chú ý nêu tính chất sáng tạo mới mẻ của mỗi trường hợp cụ thể trong văn bản bằng cách so sánh chúng với các trường hợp khác ở các tác giả khác.

  “Rất đẹp hình anh lúc nắng chiều,

   Bóng dài trên đỉnh dốc cheo leo.

Núi không đè nổi vai vươn tới,

  Lá nguỵ trang reo với gió đèo.”

                                                                                           (Tố Hữu).

         Hình tượng anh bộ đội cụ Hồ được khắc hoạ đầy đủ và đẹp đẽ trong lúc nắng chiều với bốn hình ảnh hoán dụ liên tiếp trong bốn câu thơ. Nếu ở hai câu đầu “hình anh” và “bóng dài” miêu tả một cách khái quát hình ảnh anh bộ đội đang ở trên đỉnh dốc thì “vai vươn tới” và “lá nguỵ trang reo” lại là hình tượng thể hiện tâm hồn, nghị lực của người chiến sĩ. “Vai vươn tới” là sức dẻo dai đầy nghị lực và ý chí quyết đẩy lùi mọi gian nan để xông lên phía trước. Nếu ba hình ảnh đầu thuộc tiểu loại hoán dụ lấy bộ phận chỉ toàn thể thì hình ảnh cuối cùng “lá nguỵ trang reo” là hoán dụ lấy vật sở thuộc chỉ người. Đây là tâm trạng vui tươi, phấn khởi không quản gian nan vất vả của người lính. Với bốn hoán dụ đặc sắc, tác giả đã khắc hoạ thành công hình tượng người lính cụ Hồ: lạc quan, vui tươi, quyết vượt mọi khó khăn để chiến đấu và chiến thắng.

         Như vậy, đối với từ ngữ trong tác phẩm văn học việc cần tạo ra sự biểu đạt bằng các phương thức chuyển nghĩa không chỉ đơn thuần là hình thức bóng bẩy của cách nói mà trước hết do yêu cầu của việc diễn đạt nội dung. Cách biểu đạt đó tác động đến lý trí, tình cảm của chúng ta. Phương thức chuyển nghĩa của ngôn ngữ phải được giáo viên khai thác phân tích đúng để học sinh hiểu được giá trị tu từ học mà tác giả muốn biểu đạt.

          4. Phân tích ngôn ngữ thông qua hình thức các từ đồng âm.

        Hình thức đồng âm thường được sử dụng trong văn học. Nhờ vào hình thức này đã góp phần tạo thêm hiệu ứng làm phong phú, sinh động hơn ngữ pháp Việt nam. Trên cơ sở lý thuyết về từ vựng học, hiện tượng đồng âm rất hay xảy ra trong phạm vi của những từ ngữ ngắn có cấu trúc đơn giản nên tính võ đoán giữa hai mặt âm, nghĩa càng cao do đó dễ dàng chứa đựng các khái niệm  khác nhau. Trong Tiếng Việt, hiện tượng đồng âm xuất hiện nhiều ở phạm vi chơi chữ. Xét theo quan điểm ngôn ngữ học nếu không kể những hiện tượng nói lái, đọc xuôi, ngược, dùng điển thì chơi chữ là dùng một âm tiết trong câu nói thế nào cho ngoài nhiệm vụ giao tế thông thường nó còn đồng âm với một âm tiết khác. Cũng có khi tác giả tạo những ngữ cảnh chứa đựng nhiều từ có quan hệ đồng âm với một từ khác thuộc phạm vi ý nghĩa.

           Ví dụ:

                                       “Nhớ nước đau lòng con quốc quốc

                                         Thương nhà mỏi miệng cái gia gia”

                               (Bà Huyện Thanh Quan, Qua đèo Ngang/Ngữ văn 7, tập I)

          Cái hay và tài tình của bài thơ này là tác giả khéo léo sử dụng một số từ  ngữ dưới nhiều dạng thức để gián tiếp bộc lộ tình cảm của mình. Bằng kiến thức về từ đồng âm ta phát hiện ra nhiều điều thú vị.

         “Quốc quốc”, “gia gia”…là hai từ láy tượng thanh hình thành dưới dạng mô phỏng âm thanh tiếng chim “cuốc” (hay còn gọi là chim đỗ quyên) và chim “đa đa” (hay còn gọi là gà gô). Song cái tài tình ở đây là Bà Huyện Thanh Quan đã vận dụng từ đồng âm giữa âm thanh của tiếng chim với các từ Hán Việt: “quốc quốc” = quốc (nước); “gia gia” = gia (nhà) để dụng ý chơi chữ. Tiếng chim cuốc “nhớ nước”, tiếng chim đa đa “thương nhà” lại cũng chính là tiếng lòng thiết tha, da diết của tác giả nhớ quê hương, nhớ quá khứ của đất nước. Từ việc phát hiện thủ chơi chữ ta thấy được tâm trạng buồn, cô đơn, hoài cổ của Bà Huyện Thanh Quan khi xa quê nhìn về đất nước “đàng ngoài”, ở đó nhân dân đang chịu cảnh sống lầm than, cơ cực do triều đình phong kiến thối nát Lê – Trịnh gây nên.

            Với tư cách là phép chơi chữ , từ đồng âm được sử dụng theo nhiều cách khác nhau. Vậy nên giáo viên cũng cần phải chú ý đến đặc điểm chung của hiện tượng đồng âm trong ngôn ngữ, phân biệt được những trường hợp sử dụng từ đồng âm cụ thể. Một số trường hợp cụ thể là cách dùng từ đồng âm theo ngữ cảnh một số từ được hiểu theo nghĩa nước đôi.

             Ví dụ :            “Cô kia cắt cỏ bên sông

                            Có muốn ăn nhãn thì lồng sang đây”.      

                                                                                                  (Ca dao)

          Đọc câu ca dao ta vô cùng ngạc nhiên trước óc sáng tạo của người xưa. Nghĩa của từ “nhãn” ở đây là chỉ một đối tượng cụ thể hiển nhiên, đó là một loại quả mà mọi người có lẽ ai cũng biết. Nhờ có từ “nhãn” làm cơ sở mà từ “lồng” được hiện diện với tư cách là một nhãn tự của bài ca dao trong quan hệ chặt chẽ với từ “nhãn”. Lúc này trước mắt người đọc hiện ra luồng tư duy hai chiều. “Lồng” thứ nhất với vai trò là một tiếng trong từ ghép “nhãn lồng” (được xem như một danh từ); và nghĩa thứ hai là một hành vi của cô gái (động từ). Cái hay của phép chơi chữ là ở chổ đó. Từ “lồng” lung linh hai nghĩa tạo cho người đọc nét tư duy mới và rung cảm thẩm mĩ tinh tế. Khi phân tích ngôn ngữ trong những trường hợp đồng âm giáo viên cần chú ý các dạng đồng âm khác nhau. Đặc biệt là dạng đồng âm theo ngữ cảnh ở các bài ca dao với mục đích chơi chữ.

Copyright 2019 © Kinh nghiệm dạy học | Thiết kế bởi Web Bách Thắng