Một số biện pháp tăng cường tiếng việt cho học sinh dân tộc qua một số trò chơi dân gian

Một số biện pháp tăng cường tiếng việt cho học sinh dân tộc qua một số trò chơi dân gian

  1. Lý do trình bày biện pháp. 

Tăng cường Tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số là một trong những chương trình đặc biệt được quan tâm của ngành giáo dục trong những năm gần đây. Bởi sự khác biệt trong học tập của các em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số với các em học sinh người Kinh đó là các em dân tộc thường sử dụng hai ngôn ngữ trong giao tiếp cũng như trong học tập. Vì thế nó làm giảm sự phát triển về ngôn ngữ Tiếng Việt của các em. Nhất là những em học sinh lớp 1, bởi khi đặt chân lên mái trường tiểu học thì vốn ngôn ngữ Tiếng Việt của các em hết sức nghèo nàn. Đa số các em đều sử dụng tiếng mẹ đẻ để giao tiếp, thậm chí trong học tập khi các em hỏi nhau một vấn đề nào đó, các em cũng sử dụng ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ. Đây là một khó khăn hết sức lớn đối với giáo viên dạy tiểu học nói chung ở các trường tiểu học có học sinh dân tộc thiểu số.
Bản thân tôi là một giáo viên có nhiều năm kinh nghiệm dạy lớp 1, tôi nắm bắt khá rõ về tâm sinh lí lứa tuổi những như đa số hoàn cảnh các em ở trong lớp. Chính vì thế tôi thường tìm nhiều biện pháp, phương pháp dạy học hay nhất nhằm tăng cường tiếng việt cho các em học sinh dân tộc do tôi chủ nhiệm.
Năm học 2019 – 2020 tôi được nhà trường phân công chủ nhiệm lớp 1A với số học sinh là 35 em. Trong đó có tới 31 em là học sinh thuộc đồng bào dân tộc thiểu số (Ê đê). Vẫn là những khó khăn như tôi đã trình bày ở trên. Với chuyên môn dạy lớp 1 vững vàng và những kinh nghiệm vốn có của mình tôi liên tục tìm tòi và lựa chọn thêm nhiều phương pháp dạy học tích hợp hay, hiệu quả nhằm nâng cao Tiếng Việt cho các em. Một trong những phương pháp mà tôi nhận thấy rất hiệu quả đó là tích hợp một số trò chơi dân gian trong dạy học sẽ giúp các em hòa nhập nhanh, thân thiện hơn và nâng cao khả năng giao tiếp cho các em từ đó nâng cao kỹ năng sử dụng Tiếng Việt cho các em.
Chính vì thế tham gia thi viết sáng kiến năm học 2018 – 2019 này tôi quyết định chọn nội dung đề tài: “Tăng cường Tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số qua một số trò chơi dân gian

3. Nội dung các biện pháp.

Để tăng cường Tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số,  giúp các em có cách nắm vững các kỹ năng về nghe – nói- đọc- viết của tiếng Việt, để các em học sinh dân tộc thiểu số học tập tốt hơn ở các môn học. Tôi đã thực hiện mộ số biện pháp như sau:

Biện pháp 1: Thống kê phân loại đối tượng học sinh.
Đây được xem là biện pháp chủ chốt trong thành công của đề tài. Bởi nếu giáo viên nắm bắt được đặc điểm tâm sinh lí từng em để phân loại theo nhóm đối tượng thì việc tổ chức các trò chơi sẽ mang lại hiệu quả cao. Bởi học sinh dân tộc luôn có những tính cách đặc trưng riêng bởi vì tôi là giáo viên người dân tộc nên tôi rất hiểu tâm lí các em.
Do đó căn cứ vào kinh nghiệm của bản thân, sự theo dõi trong quá trình dạy học và sự kết hợp với gia đình tôi đã phân loại đối tượng học sinh thành 3 nhóm:
– Nhóm 1: Gồm những em năng động, hay nói, hay phát biểu thường tính chủ định không bền vững.
– Nhóm 2: Gồm những em ít nói, ít giao tiếp, nhút nhát trong phát biểu, ít thổ lộ tình cảm ra bên ngoài.
– Nhóm 3: Gồm các em học sinh còn lại
Sau khi đã phân loại được đối tượng theo nhóm thì khi tổ chức trò chơi tôi thường đảo những em ở nhóm 2 chơi cùng với những em ở nhóm 1 và thêm một vài em ở nhóm 3 (tức là có em ít nói chơi cùng em hay nói,…) với mục đích là tạo sự gần gũi, thân thiện các em với nhau trong nhóm. Khích lệ những em ít nói mạnh dạn tham gia phát biểu, thảo luận, chơi,…đồng thời giảm sự hiếu động quá khích (nói nhiều dẫn đến nói chuyện riêng,…) đối với những em hay nói, năng động.

Biện pháp 2: Lựa chọn những trò chơi phù hợp với đối tượng học sinh.
Sau khi đã phân loại được đối tượng học sinh tôi tiến hành lựa chọn một số trò chơi dân gian bổ ích, phát huy được khả năng nghe, đọc nói viết Tiếng Việt cho các em.
Sau khi lựa chọn được một số trò chơi tôi phân ra hai loại để tổ chức nhằm đảm bảo thời gian hợp lý và tính khả thi trong tăng cường Tiếng Việt cho các em.
* Nhóm trò chơi nhỏ, nhanh: hoa búp – Hoa tàn; Trời ta – Đất ta; Trán – cằm – tai; Ai nhanh – Ai đúng; Xì điện;…Những trò chơi này tôi thường sử dụng nhanh trong giờ học.
* Nhóm trò chơi lớn: Tổ chức vào các buổi ngoại khóa, các hoạt động ngoài giờ lên lớp,…
– Trò chơi: Bảo vệ đàn con (dựa vào trò chơi rồng rắn lên mây để tôi thiết kế lại cho phong phú và hấp dẫn tránh sự nhàm chán của học sinh).
– Trò chơi: Xòe bàn tay (dựa vào trò cho chi chi chành chành tôi đã thiết kết lại cho phong phú và hấp dẫn tránh sự nhàm chán của học sinh).
– Trò chơi: Ai đọc chuẩn nhất (Dựa vào các bài vè, bài đồng dao tôi thiết kế lại để tổ chức chơi cho các em phong phú)

Biện pháp 3: Tích hợp trò chơi trong các tiết học.
Đây là một trong hai biện pháp chính của đề tài này nhằm phát huy tính tự giác, tinh thần hoạt động tập thể để từ đó các em nâng cao Tiếng Việt trong giao tiếp.
* Hình thức tổ chức tích hợp như sau:
– Đối với trò chơi nhỏ tôi thường tích hợp trong mỗi tiết dạy phân môn Học vần, môn Đạo Đức hay môn Toán. Mỗi tiết dạy, mỗi trò chơi tôi thường biến hóa dựa trên nội dung bài học để gây sự chú ý của các em, tạo không khí thân thiện gần gũi và đặc biệt khuyến khích được những học sinh ít nói, nhút nhát tăng cường giao lưu để phát huy Tiếng Việt trong giao tiếp.
Ví dụ: Khi dạy đến bài Học vần K – Kh
+ Sau khi tổ chức xong các hoạt động chính của bài học, chuyển sang phần luyện nói thì tôi lại lồng ghép vào trò chơi: “Ai nhanh – Ai đúng” với mục tiêu là giảm căng thẳng tiết học, tăng cường khả năng giao tiếp và cung cấp vốn từ Tiếng Việt cho các em.
Cách chơi như sau: Tôi sẽ hô các cụm từ và học sinh phải hô theo tôi đồng thời chỉ đúng vị trí nghĩa của cụm từ vừa nêu. Học sinh nào nói nhanh và chỉ đúng tôi sẽ thưởng cho em đó (phần thưởng là những món quà nhỏ như cục tẩy, cái viết chì hay là những tràng pháo tay động viên khuyến khích,…)
Khi giáo viên hô: “Tay đâu – tay đâu”
Học sinh hô đáp: “tay đây – tay đây”
Giáo viên hô: “Đưa tay ra nào” (học sinh đưa tay ra trước mặt)
Giáo viên hô: “Khủy tay” thì học sinh phải hô theo : “Khuỷu tay” và đồng thời chỉ vào khuỷu tay của mình. Ai chỉ đúng nói nhanh sẽ được thưởng.
Và tôi tăng dần độ nhanh các cụm từ và đảo nhanh các vị trí để tăng khả năng quan sát cũng như phát âm Tiếng Việt của các em: “khóe mắt”, “Đeo kính”, “Khớp tay trái”, “Khớp tay phải”, “Khuyên tai”,…
Tôi lựa chọn các cụm từ có nghĩa trên cơ thể các em và có âm k – Kh. Như vậy vừa chơi mà lại vừa học đồng thời tăng cường được Tiếng Việt cho các em.
Cứ mỗi tiết dạy tôi lại sử dụng 2 đến 3 trò chơi nhỏ và chỉ kéo dài 3 đến 5 phút giữa tiết hoặc cuối tiết học.
Tương tự cách tổ chức như trên, ở các tiết học Đạo Đức hay môn Toán, tôi lại lựa chọn thêm những trò chơi phù hợp với nội dung bài để tăng cường Tiếng Việt cho các em.
Ví dụ khi dạy môn Đạo đức, ở tiết thực hành kĩ năng cuối kì I, sau phần làm xong các nội dung trong sách giáo khoa, tôi tổ chức một số trò chơi nhỏ cuối tiết học.
Tôi lựa chọn các trò chơi như: :Nhanh tay, nhanh mắt”; “Ai đúng, ai sai”, …
Tôi đọc một câu nhanh, học sinh sẽ điền từ còn thiếu trong câu đó:
+ Đi học đầu tóc phải…… học sinh phải nêu được từ (gọn gàng)
+ Trong nhà anh chị em phải…… học sinh phải nêu được từ (đoàn kết hoặc thương yêu hoặc giúp đỡ)
+ Khi chào cờ áo quần phải…………. học sinh phải nêu được từ (chỉnh tề hoặc gọn gàng)
+ Với thầy, cô giáo học sinh phải….. học sinh phải nêu được từ (lễ phép)
Cứ như vậy tôi thay đổi các trò chơi nhỏ cho mỗi tiết dạy để thu hút các em tham gia một cách nhiệt tình, sôi nổi, tránh cho tiết học căng thẳng, nhàm chán. Tuy nhiên dựa vào nội dung của mỗi bài học để lồng ghép trò chơi, có tiết tổ chức được trò chơi nhưng có tiết không thể tổ chức được trò chơi. Điều này phụ thuộc vào mỗi tiết học để giáo viên linh động, sáng tạo và đưa ra những hình thức tổ chức dạy học phù hợp, hấp dẫn và mang lại hiệu quả cao về mục tiêu bài dạy và tăng cường Tiếng Việt cho các em như mục tiêu của nội dung nghiên cứu đề tài.

Biện pháp 4: Tổ chức trò chơi dân gian trong hoạt động ngoài giờ lên lớp.
Ở trưởng tiểu học Krông Năng trong một tuần có 1 tiết hoạt động ngoài giờ lên lớp vào sáng thứ tư. Ở tiết học này được bố trí hoạt động chung, có nghĩa là có khi Đội thiếu niên tổ chức tập dân vũ, thi kể chuyện đạo đức Bác Hồ,…có lúc thì giao cho lớp tự tổ chức hoạt động riêng.
Mỗi lúc được tổ chức riêng, tôi thường vận dụng một số trò chơi dân gian vào để tăng cường Tiếng Việt cho học sinh dân tộc.
Ví dụ 1: tôi tổ chức trò chơi: Bảo vệ đàn con (dựa vào trò chơi rồng rắn lên mây để tôi thiết kế lại cho sinh động và phát triển kĩ năng giao tiếp Tiếng Việt cho học sinh dân tộc)
Số học sinh tham gia chơi từ 7 – 11 em, tôi chia thành nhiều nhóm để các em đều được tham gia. Trong mỗi nhóm chơi một trẻ làm “người đến quấy rối” trước một đàn con và một người “mẹ” (hoặc “bố”) bảo vệ đàn con. Các em khác làm con đứng phía sau: “bố” hoặc “mẹ”. (những em nào ít nói nhút nhát thì tôi luôn động viên làm “người đến quấy rối” hoặc “bố” hay “mẹ” nhằm giúp các em tăng cường Tiếng Việt như phương pháp nghiên cứu của đề tài.
Cách thức chơi như sau:
“người đến quấy rối” đến chơi nhà, dùng những ngôn ngữ đối đáp nhằm chia sẽ đàn con sau lưng người “mẹ” hay “bố”. Nếu đối đáp tốt thì người đến quấy rối sẽ thua. Còn đối đáp không tốt thì “người đến quấy rối”sẽ đuổi đàn con sau lưng mẹ. Bắt được ai thì người đó thua cuộc và ra ngoài. Cứ như thế nếu có từ 3 con bị bắt thì người “người mẹ” cũng sẽ thua. Các câu vè đối đáp như sau, “người đến quấy rối” nói:
Trời xanh mây trắng
Ông Thắng đến nhà
Xin một gói quà
Mà sao không thấy
“người mẹ” đáp lời.
Ấy chết! Ông Thắng
Nhà chẳng có ai
Chỉ đang luộc khoai
Xin mời thầy thắng.
Sao nhà yên ắng
Mà có tiếng reo
Ông sẽ làm theo
Đến mời nhà chị.
Đến câu này thì ông Thắng bắt đầu đuổi
“Người đến quấy rối” đuổi bắt “đàn con”, “người mẹ xoay chuyển đứng đầu dang tay cản “thầy thuốc”, ” Thầy thuốc” tìm mọi cách để bắt được ” một em nào” (trẻ cuối cùng). Nếu thầy thuốc bắt được khúc đuôi thì bạn khúc đuôi bị loại khỏi cuộc chơi. Trò chơi lại bắt đầu từ đầu nhưng lúc này rồng rắn chỉ còn 7 bạn chơi, cứ chơi như thế đến khi rồng rắn ngắn dần vì mất bạn chơi. Nếu ” rồng rắn” bị đứt khúc hoặc bị ngã thì cũng bị thua.
Ví dụ 2: Một loại trò chơi dân gian nữa đó là trò chơi: “Ai đọc chuẩn nhất”. Trò chơi có tác dụng rất cao cho việc nâng cao kĩ năng sống cho các em. Ở trò chơi này tôi sử dụng vào giờ sinh hoạt ngoài giờ lên lớp và thường tổ chức xen kẽ với các trò chơi dân gian để tránh nhàm chán cho học sinh.
Hình thức tổ chức khá đơn giản. Tôi tập trung học sinh trên một vòng tròn tôi đứng giữa làm quản trò. Tôi đọc một bài vè sau đó cho các em đọc theo từng câu (mỗi em đọc một câu). Ai đọc kịp thì được khen, ai đọc không được hoặc đọc sai sẽ phạt nhảy cò hoặc một vài hình thức phạt vui nhộn khác. Bài vè như sau:

“Nghe vẻ nghe ve

Cái vè học dốt

Thầy cô dạy tốt

Học còn ham chơi

Nói chẳng nghe lời

Lại còn phản kháng

Thầy cô phát ngán

Vì phải nói nhiều

Dù nói đủ điều

Nhưng mà vẫn vậy

Chứng nào tật nấy

Nào có sửa đâu

Em mong cô thầy

Kiên trì nhẫn nại

Bảo ban em lại

Tiến vào tương lai

Mai sao thành tài

Công ơn nhớ mãi.

Mỗi buổi học tôi lại đổi một bài vè khác. Đây là những bài vè thú vị tôi sưu tầm trên mạng Internet để tổ chức chơi cho các em. Với hình thức này tôi đã giúp các em học sinh dân tộc thiểu số tăng cường Tiếng Việt của mình từng bước để cuối năm kiến thức cũng như vốn từ của các em đạt được mức độ nhất định.
Ngoài ra rồi còn sử dụng nhiều trò chơi tương tự như đã trình bày trên nhằm thay đổi không khí, tránh sự nhàm chán và phát huy khả năng nói, viết Tiếng Việt của các em.

3. Kết quả khảo nghiệm, giá trị khoa học của vấn đề nghiên cứu, phạm vi và hiệu quả ứng dụng.

Trong quá trình áp dụng các biện pháp, phương pháp trên để tăng cường Tiếng Việt cho học sinh lớp 1A. Tôi đã gặt hái được những kết quả đáng khích lệ như  sau:
– Hết phần học âm (chữ) 76% học sinh lớp tôi dạy đều nắm vững chữ, âm và đọc được tiếng, từ một cách chắc chắn.
– Phần vần: Học sinh nắm vần tốt nhờ học kĩ cấu tạo các nét cơ bản và các âm.
– Xây dựng tiếng, từ mới rất phong phú và dần dần đọc được các đoạn văn hay bài văn dài.
Kết quả trước khi áp dụng các biện pháp:

TSHS Đọc lưu loát Đọc đúng Đọc đúng nhưng còn chậm Đọc chưa thành thạo
35 10 15 6 4

  Kết quả sau khi áp dụng các biện pháp cuối năm học 2019 – 2020 như sau:

TSHS Đọc lưu loát Đọc đúng Đọc đúng nhưng còn chậm Đọc chưa thành thạo
35 22 6 6 1

Như vậy nhìn vào bảng khảo sát kết quả đọc của học sinh trước và sau khi áp dụng các biện pháp cho thấy tính hiệu quả của các biện pháp tôi đã áp dụng là rất cao. Phần đọc lưu loát từ 10 em đã tăng lên 22 em. Điều này khẳng định tính khả thi cỉa nội dung nghiên cứu. Đặc biệt trước khi áp dụng các biện pháp, số em đọc chưa được là 4 nhưng sau khi áp dụng số em chỉ còn lại 1. Chứng tỏ rằng những biện pháp tôi thực hiện đều lang lại hiệu quả cao trong việc tăng cường tiếng Việt cho học sinh lớp 1. Điều này cũng đã được ban giám hiệu nhà trường giám sát và công nhận kết quả đó.
Tuy đây là một đề tài nghiên cứu về tăng cường Tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số, nhưng với hnững trò chơi dân gian bổ ích đã nêu trong đề tài thì vẫn có thể áp dụng được với mọi đối tượng học sinh tiểu học.

4. Kết luận về nội dung trình bày:

Tăng cường Tiếng Việt cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số ở lớp 1 là một nhiệm vụ hết sức cần thiết. Đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ và đồng thuận từ các cấp lãnh đạo đến đội ngũ giáo viên.
Với bản thân tôi, vừa là một giáo viên người đồng bào dân tộc thiểu số vừa giảng dạy học sinh đồng bào nên tôi rất hiểu về tâm sinh lí các em. Do đó tôi thấu hiểu đươc nỗi vất vả của những đồng nghiệp, những giáo viên đang dạy học sinh dân tộc như tôi.
Đề tài “Các biện pháp tăng cường Tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số qua một số trò chơi dân gian” mà tôi đã trình bày như trên cũng là một trong những nỗ lực của bản thân với một mục tiêu duy nhất là làm sao để học sinh nghe, đọc, nói, viết Tiếng Việt thành thạo để các em có điểm tựa học tập các môn học khác ở những lớp cao hơn.
Tuy nhiên nội dung nghiên cứu của đề tài chỉ mới nghiên cứu bước đầu. Có tính khả thi, có hiệu quả nhưng vẫn còn gặp nhiều thiếu sót trong quá trình nghiên cứu và triển khai. Tôi mong rằng, sau khi phát hành, công bố nội dung này trước Hội đồng khoa học giáo dục cũng như các giáo viên đang giảng dạy, tôi sẽ nhận được nhiều ý kiến đóng góp để tôi tiếp tục hoàn thiện và nâng cao nội dung nghiên cứu của mình để giúp các em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số học tốt hơn Tiếng Việt.

BẤM VÀO ĐÂY ĐỂ TẢI BẢN WORD

 

 

Copyright 2019 © Kinh nghiệm dạy học | Thiết kế bởi Web Bách Thắng