Một số kinh nghiệm để hoàn thành tốt công tác chủ nhiệm lớp 5

Một số kinh nghiệm để hoàn thành tốt công tác chủ nhiệm lớp 5.

1.Lý do chọn biện pháp:

Như chúng ta đã biết: “Giáo dục tiểu học nhằm giúp học sinh hình thành những cơ sở ban đầu cho sự phát triển đúng đắn và lâu dài về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mĩ và các kĩ năng cơ bản để học sinh tiếp tục học trung học cơ sở.”

                                                                                          (Trích: Luật Giáo Dục)

Những mục tiêu nêu trên không hề đơn giản nên không phải ai cũng thực hiện thành công. Vì công việc này được tác động bởi nhiều yếu tố. Do vậy, người giáo viên chủ nhiệm cần phải nhận thức sâu sắc vai trò trách nhiệm của mình, phải nỗ lực phấn đấu để tìm ra những hướng đi mới, phù hợp cho lớp mình. Qua gần 20 năm được phân công làm công tác chủ nhiệm lớp 5, trong khoảng thời gian ấy, bản thân tôi từng nếm trải nhiều vị ngọt nhưng cũng không ít lần đã lao tâm khổ trí, trăn trở với nhiệm vụ mình đang làm. Đôi khi, tưởng như mình không thể vượt qua được những trở ngại của nghề dạy học nhưng tôi đã thành công trong việc giáo dục các em học sinh lớp 5 nhờ lòng yêu nghề và sự cần mẫn. Mỗi lần như vậy, tôi lại tích góp cho bản thân mình vài kinh nghiệm nho nhỏ rồi vận dụng trong việc quản lý học sinh và thấy thu được những kết quả đáng mừng. Trao đổi điều này với các bạn đồng nghiệp trong trường, họ đã tham khảo và thử làm theo, cũng gặt hái được thành quả đáng khích lệ. Tôi đã ấp ủ những trải nghiệm nhỏ bé trên bằng việc trình bày đề tài “Một số kinh nghiệm để hoàn thành tốt công tác chủ nhiệm lớp 5”.

2.Nội dung và cách thực hiện biện pháp:

*Giải pháp thứ nhất: Thu thập và xử lý thông tin.

Tôi xác định, việc nắm bắt thông tin của mỗi học sinh mình chủ nhiệm là việc làm cần thiết và trước tiên. Để làm được điều này, tôi đã nhận chất lượng bàn giao của các lớp trước, mượn học bạ để xem lại việc xếp loại đạo đức, học lực, lời nhận xét mà các thầy cô giáo đã thực hiện đối với từng em của các năm học trước. Sau đó, tôi tiếp tục tìm hiểu thêm các thông tin cần biết bằng phiếu.

PHIẾU TÌM HIỂU  THÔNG TIN HỌC SINH

PHIẾU PHỤ HUYNH THAM GIA NHẬN XÉT ĐÁNH GIÁ

Bằng việc theo dõi và so sánh thông tin cập nhật được, tôi đã kiện toàn ban cán sự lớp gồm: lớp trưởng, lớp phó học tập, lớp phó lao động, lớp phó văn thể mĩ, chi đội trưởng, tổ trưởng, đội cờ đỏ… sắp xếp chỗ ngồi sao cho hợp lý. Chẳng hạn, em học chưa tốt ngồi gần em học tốt để có thể giúp nhau. Ngồi xen kẽ giữa nam và nữ góp phần đảm bảo trật tự. Những em tiếp thu bài chưa nhanh được ngồi gần lối đi để thầy giáo dễ giúp đỡ. Danh sách các tổ cũng được cân đối sao cho phù hợp về khả năng nhận thức, nam, nữ, đồng đều với vóc dáng, tầm nhìn, các bệnh về mắt, tai…Việc lựa chọn cán bộ lớp này, tôi hướng dẫn các em tự bầu chọn một cách dân chủ, khách quan, chọn những em thực sự có năng lực, uy tín,  gắn với sở thích, điều kiện. Sau đó, tôi giao nhiệm vụ, chức trách cho từng em một cách rõ ràng, cụ thể để các em biết được vai trò, trách nhiệm của mình nhằm quản lý lớp được tốt hơn. Tôi lưu tâm đặc biệt tới các em có hoàn cảnh gia đình không may nhằm quan tâm kịp thời. Cách làm này, đã mang đến những kết quả đáng mừng. Nền nếp, phong trào thi đua, ý thức tự quản của chi đội vượt lên hẳn. Các em hào hứng, tìm thấy niềm vui trong học tập. Nhờ vậy, mà từ đầu năm học đến nay, lớp tôi chưa bị trừ điểm thi đua nào, còn nhận được cờ đỏ do Ban Chỉ huy Liên đội trao tặng. Các em mừng vui vô kể.

*Giải pháp thứ hai: Xây dựng kế hoạch chủ nhiệm lớp.

Sau khi thu thập và xử lí thông tin, kiện toàn được tổ chức lớp, tôi bắt đầu xây dựng kế hoạch công tác chủ nhiệm lớp bằng các tiêu chí dựa trên nhiệm vụ năm học của ngành, của trường được thông qua Nghị quyết Hội nghị công chức đầu năm, các chỉ tiêu phấn đấu của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh và các tổ chức khác rồi xây dựng kế hoạch cho lớp về các nội dung như:

– Duy trì sĩ số :

– Danh hiệu thi đua lớp :

– Danh hiệu thi đua của chi đội:

– Tỉ lệ học sinh đạt vở sạch chữ đẹp:

– Đánh giá học sinh về hạnh kiểm :

– Đánh giá học sinh về học lực :

+ Các môn học đánh giá bằng điểm số :

+ Các môn học đánh giá bằng nhận xét :

– Học sinh đạt danh hiệu khen thưởng :

– Chỉ tiêu phấn đấu về các hoạt động giáo dục toàn diện khác :

+Công tác lao động , nhân đạo, từ thiện:

+Hoạt động văn thể mĩ:

+Công tác khác :

Từ những nội dung của các tiêu chí trên, tôi đã lập cho mình kế hoạch tuần ,tháng, kỳ, năm song song với những biện pháp thực hiện rồi tổ chức cho các em bàn bạc, thảo luận, biểu quyết để cùng nhau phấn đấu. Trong quá trình phấn đấu, thầy trò lại tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm để khắc phục khó khăn.

*Giải pháp thứ ba: Thực hiện kế hoạch chủ nhiệm.

Tôi xác định rằng,  muốn thực hiện thành công các chỉ tiêu, mục đích đã đề ra thì giáo viên chủ nhiệm và tập thể học sinh lớp cần phải cùng nhau gắng sức, phấn đấu từng giờ, từng ngày mới mong thu được kết quả tốt. Chính vì điều này, tôi xác định bản thân người chủ nhiệm phải là người thầy mẫu mực cụ thể là:

-Phải “Có tâm, có trí, có tầm”:

Muốn giáo dục tốt học sinh thì bản thân người thầy phải có lòng yêu nghề, sự tận tụy với học trò, có lương tâm đạo đức nghề nghiệp trong sáng, ứng xử đúng mực, hòa đồng với mọi người, biết nhường nhịn, hy sinh, chấp hành nội quy công sở, hòa thuận với láng giềng. Điều này được chứng minh với những việc làm cụ thể như tự học, tự tu dưỡng phẩm chất đạo đức, tinh thần tự giác. Giúp các em biết yêu thương, biết gần gũi, biết vượt qua những khó khăn để đến trường. Xử sự công bằng với tất cả học sinh trong lớp; biết động viên, khích lệ các em dù là những tiến bộ nhỏ nhất, không để một em nào trở thành “Người thừa” trong lớp.

Ngoài cái tâm, đòi hỏi người giao viên chủ nhiệm cần phải có một cách nhìn nhận, phân tích, giải quyết, điều chỉnh để áp dụng cho việc bồi dưỡng, phụ đạo các đối tượng học sinh trong lớp. Biết dạy học tích hợp các môn học, phấn đấu dạy tốt các môn học, trau dồi, học hỏi, áp dụng công nghệ thông tin, sử dụng nhiều phương pháp dạy học linh hoạt sáng tạo như: Dạy học hòa nhập, bàn tay nặn bột…. Ngoài việc cung cấp kiến thức cho các em, người dạy cần phải giúp các em nắm được các kĩ năng sống để các em biết những giá trị đạo đức, biết quý trọng tài nguyên thiên nhiên, ý thức về chủ quyền biển đảo, biến đổi khí hậu; có kỹ năng tự phục vụ như vệ sinh tuổi dậy thì, phòng tránh bị xâm hại, phòng tránh HIV, AIDS… (môn Khoa Học); Biết yêu thương em nhỏ, kính trọng người già…, (môn Đạo Đức). Tạo bầu không khí học tập nhẹ nhàng thoải mái.

  • Rèn luyện nề nếp học sinh:

– Rèn luyện nề nếp, thói quen tốt trong sinh hoạt:

Để các em có những nề nếp, thói quen tốt trong sinh hoạt, tôi yêu cầu học sinh cần học thuộc nội qui của trường, của lớp, của Đội. Tránh những việc không nên làm để lớp khỏi bị trừ điểm thi đua như: không chạy nhảy vào bồn hoa, thiếu nghiêm túc trong khi chào cờ, tập thể dục…Để giúp các em xếp hàng nhanh, tôi đã hướng dẫn các em xếp chuẩn một lần theo thứ tự từ bé đến lớn, phù hợp với vóc dáng, rồi dặn các em nhớ vị trí của mình trước và sau bạn nào để lần khác theo đó mà thực hiện. Tôi thường tranh thủ đến sớm để giúp các em thao tác nhanh nhẹn trong khi tập trung tránh ảnh hưởng các lớp khác.

Để giúp các em giữ vệ sinh quần áo, thân thể, giày dép…Tôi gợi ý phụ huynh nên sắm đủ trang phục cho các em khi đến trường. Cha mẹ khuyến khích các em cuối tuần cần tự giặt giũ, phơi khô, cất xếp gọn gàng quần áo. Trước khi đi học. cần kiểm tra lại trang phục, mái tóc, khuôn mặt bằng cách soi gương. Nhắc các em không nên mặc trang phục quá rộng hoặc quá chật, phù hợp với thời tiết. Đồng thời ở lớp, tôi đã chọn ra ba em biết giữ vệ sinh tốt, thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các bạn trước lúc vào học. Nếu bạn nào chân tay chưa sạch thì phải đi rửa. Khi ra chơi, các em không nên chạy nhảy, nô đùa quá trớn để không lấm quần áo, tay chân, chảy mồ hôi, gây cảm giác khó chịu cho mình và bạn bên cạnh. Tôi nhờ thợ cơ khí hàn giúp hai cái giá dép, đủ cho 30 đôi, đặt cạnh cửa lớp. Từ đó đến nay, lớp không còn tình trạng giày dép ngổn ngang.

Việc ăn quà vặt ở trường cũng xảy ra khá nhiều. Nhằm giúp các em tránh được việc này, tôi đã quán triệt phụ huynh không cho các em tiền khi không rõ mục đích. Các bạn cùng theo dõi lẫn nhau về việc này. Nếu ai chưa chấp hành tốt thì báo với thầy, với đội cờ đỏ. Ngoài ra, tôi còn phân tích cho các em thấy được những tác hại của các loại thực phẩm  không bao bì, nhãn mác, không đảm bảo an toàn hoặc có thể gây nghiện.

Việc giữ gìn vệ sinh, trang trí lớp học cũng được tôi quan tâm nhiều. Bởi đây là một trong những việc tạo nên môi trường thân thiện. Tôi bày cho các em cách quét lớp. Trước tiên phải quét dọn những nơi cao, như cửa sổ, bục giảng, sau đó các mặt bàn, ghế rồi đến sàn nhà. Lớp tôi chủ nhiệm nằm ở tầng 2. Phụ huynh các năm học trước đã nộp tiền may rèm để che nắng nhưng lâu ngày bụi bám quá nhiều. Tôi đã hướng dẫn các em tháo xuống, giặt cho sạch rồi treo lên. Các bài vẽ đẹp của môn mỹ thuật hoặc các bài thực hành có chất lượng của các môn học khác cũng được tôi hướng dẫn các em trưng bày ở lớp sao cho khoa học và cũng khuyến khích các bạn noi gương. Hướng dẫn các em không được viết, vẽ, giẫm chân lên bàn ghế, tường, cửa lớp. Trong góc lớp học, tôi cho các em đặt một sọt rác. Khi trực nhật hay trong sinh hoạt hàng ngày nếu có rác, các em gom và bỏ vào đó. Tổ trực nhật đem đi đổ ở hố rác của trường hàng ngày. Thế là việc xả rác bừa bải được chấm dứt.

Để các em gần nhau hơn, tôi hướng các em cần phải biết xây dựng mối đoàn kết trong lớp. Cần bình đẳng, thân thiện, hợp tác giúp nhau trong học tập, lao động. Mỗi khi có học sinh ốm đau, gia đình  hoạn nạn, tôi tổ chức các em đi thăm hỏi, động viên kịp thời. Ở các lớp mà tôi đã chủ nhiệm, thỉnh thoảng học sinh lại xảy ra những xích mích, mất đoàn kết, những lần như vậy, tôi tìm hiểu nguyên nhân và kịp thời can thiệp, không để khúc mắc kéo dài làm rạn nứt tình bạn. Nhờ vậy mà các mâu thuẫn được giải quyết, gắn bó tình  bạn bè sâu sắc, bền chặt.

  Với mục đích giúp học trò của mình vận dụng tốt các kiến thức kĩ năng của các môn học, như muốn đảm bảo sức khỏe các em phải rèn luyện thân thể bằng cách, thường xuyên tập thể dục, ăn đủ chất, đủ lượng, sắp xếp thời gian học tập, lao động, nghỉ ngơi khoa học, hợp lý.

Thông qua các môn học, bài học, tôi đã khéo léo hình thành củng cố ở các em những kĩ năng chào hỏi, xin lỗi, cảm ơn, biết xin phép, biết lắng nghe khi mọi người nói… Những việc làm tưởng như đơn giản  này nhưng sẽ mang lại hiệu quả không nhỏ, đó là giúp các em được mọi người yêu quý hơn.

            Mỗi lời nói, cử chỉ, việc làm của người thầy cũng cần được cân nhắc, thể hiện một cách đúng mực. Nhằm giúp các em được mạnh dạn, thỉnh thoảng tôi dành thời gian để tâm sự tạo mối quan hệ gần gũi. Nhất là các em có hoàn cảnh đặc biệt, để nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng, chia sẻ vui buồn và có thể biết những điều mà các em chưa hài lòng về bản thân tôi. Từ đó, tôi tự điều chỉnh cách ứng xử của mình.

– Rèn luyện nề nếp, thói quen tốt trong học tập:

 +Học trên lớp:

Muốn học tốt trên lớp, các em cần phải đi học chuyên cần, không nghỉ học khi chưa có lý do chính đáng. Trong lúc học, nên chăm chú nghe thầy cô giáo giảng bài, theo dõi các bạn khác trả lời hoặc việc chữa bài của thầy cô giáo. Ghi chép những điều cần thiết vào vở. Hoàn thành các bài tập mà thầy cô giáo yêu cầu. Học đúng, học đủ, không học lệch. Ở trường tôi, có các thầy cô giáo dạy môn chuyên biệt như Ngoại Ngữ, Tin Học, Mỹ Thuật, Âm Nhạc, Thể Dục, đôi khi học trò có thái độ thiếu tôn trọng những giáo viên này so với giáo viên chủ nhiệm. Nắm được điều này, tôi phân tích để các em nhận thấy môn học nào cũng cần thiết, cũng cung cấp kiến thức cho các em. Ai cũng là thầy cô giáo nên phải được kính trọng như nhau. Tôi khuyên các em nên sẵn sàng trao đổi với thầy, với bạn những điều mà mình chưa thấu đáo. Tạo cơ hội cho các em trình bày suy nghĩ của mình, dù có thể chưa đúng lắm. Không làm bạn mất tự tin khi nói. Cần mạnh dạn phát biểu ý kiến xây dựng bài. Suy nghĩ thật kĩ khi giơ tay phát biểu. Tôi thường gọi các em ít phát biểu hơn nhằm động viên khích lệ, có thể đó là những câu trả lời chưa chính xác. Tôi thường xuyên kiểm tra bài cũ của các môn học. Qua việc này, tôi biết được học sinh của mình có học bài và chuẩn bị bài hay không. Từ đó có biện pháp khắc phục. Việc lĩnh hội kiến thức của các em cũng cần được lưu tâm. Học sao cho tường tận, nhớ lâu tìm mối liên hệ giữa các kiến thức của các môn, các bài. Giáo viên đã giáo dục học sinh bằng cách liên hệ thực tế, gần gũi để các em nhận thức được để biết và vận dụng vào cuộc sống.

d: Khi học bài tập đọc Một Vụ Đắm Tàu (Tiếng Việt 5- tập 2) cuối bài có câu hỏi: Hãy nêu cảm nghĩ của em về 2 nhân vật trong truyện (Ma-ri-ô và Giu-li-ét-ta)? Nhiều em xung phong trả lời: Ma-ri-ô là một bạn trai kín đáo, cao thượng. Giu-li-ét-ta là một bạn gái tốt bụng, giàu tình cảm, sẵn sàn giúp đỡ bạn… Những câu trả lời của nhiều em với những cảm nghĩ khác nhau, nhưng chung một mục đích là các em đã nêu lên cảm nhận của mình về tính cách của nhân vật. Qua việc tìm hiểu này, góp phần tạo dựng sự  hồn nhiên, lòng nhân hậu, giàu nghị lực, cũng là điều mà chúng ta cần học tập noi gương.

Hay khi học môn Toán phần Vận tốc, Quãng đường, Thời gian, tôi hướng dẫn các em chỉ cần hiểu và học thuộc công thức tính Vận tốc. Rồi từ đó, suy luận ra những quy tắc và công thức tính Quãng đường hay Thời gian,  trên cơ sở đơn giản tìm thành phần chưa biết của phép tính mà các em đã được học ở lớp dưới. Cách học này dễ hiểu mà lại nhớ lâu.     + Học ở nhà:

Học sinh trường tôi được học 9 buổi/tuần. Nhưng thực chất lượng kiến thức ôn tập ở buổi thứ 2 chưa nhiều đối với các em học chưa tốt, do kiến thức cũ hỏng nhiều, tiếp thu chưa nhanh. Việc học ở nhà có thể giảm thời lượng chứ không thể bỏ qua. Để giúp các em thực hiện tốt việc này, tôi đã in cho mỗi em 1 thời khóa biểu. Dựa trên thời khóa biểu, các em sẽ xem lại bài cũ và chuẩn bị bài mới bằng việc soạn đủ sách vở và đồ dùng học tập. Các em nên đọc trước bài mới để suy ngẫm hoặc đánh dấu những nơi mà mình chưa hiểu. Làm như vậy, khi lên lớp, các em dễ dàng nắm bắt được nội dung học tập. Tuyệt đối không vừa học vừa xem tivi, đọc truyện, nghe nhạc… Khi đã buồn ngủ, mệt mỏi thì nên nghỉ ngơi. Mỗi em nhất thiết phải có một quyển vở nháp. Đối với những môn học thuộc lòng, nên vừa học vừa gạch đầu dòng những ý chính vào vở nháp. Khi học xong, cần gấp sách vở và đồ dùng cẩn thận vào cặp để tránh tình trạng quên, không đủ đồ dùng học tập khi lên lớp.

Tôi tham mưu với phụ huynh nên sắp xếp cho các em một góc học tập và bố trí nơi yên tĩnh, đủ ánh sáng, thoáng mát. Sách vở cần được xếp gọn gàng, ngăn nắp sao cho dễ nhớ. Nơi này phải có thời khóa biểu. Các em có thể trang trí góc học tập của mình sao cho sinh động, vui tươi.

*Giải pháp thứ tư: Nâng cao chất lượng của tiết sinh hoạt lớp và các hoạt động ngoài giờ lên lớp.

Lâu nay, một số giáo viên chủ nhiệm lớp còn xem nhẹ vai trò, nội dung, hiệu quả của tiết sinh hoạt lớp cũng như các hoạt động ngoài giờ lên lớp. Nhưng thực ra những tiết học này cần phải được coi trọng. Bởi qua từng tiết học, giúp cho tập thể lớp cũng như người chủ nhiệm nhìn nhận, đánh giá lại toàn bộ các hoạt động trong tuần, đồng thời vạch ra các kế hoạch cần thực hiện cho tuần tiếp theo. Các hoạt động ngoài giờ lên lớp giúp cho các em phấn khởi, vui tươi, tự hào, yêu trường,  yêu lớp, trân trọng tình cảm bạn bè, nhiệt tình tham gia các hoạt động nhân đạo…, thúc đẩy quá trình học tập tốt hơn.

Học sinh lớp 5, các em được học các kiến thức về thuyết trình, tranh luận, báo cáo thông kê, lập chương trình hoạt động… Để giúp các em có tinh thần tự quản tốt, ban đầu tôi hướng dẫn và tiến hành tổ chức sinh hoạt lớp nhưng sau đó tôi hướng dẫn các em tự tổ chức còn  mình ngồi dưới theo dõi, góp ý bổ sung cho các em về cách thức chưa hơp lý. Những lần sau, các em tự thực hiện. Việc này góp phần nâng cao ý thức tự quản, tinh thần thẳng thắn xây dựng tập thể.

Năm nay, lớp tôi có các em Nam, Tú, Khánh. Ba em này được giáo chủ nhiệm cũ và các thầy cô giáo bộ môn cho là “cá biệt”. Bởi mỗi em có một hoàn cảnh khác nhau. Em Nam nhà nghèo.Em Tú mồ côi cha, mẹ đi lấy chồng còn em Khánh thì gia đình thiếu quan tâm, mặc cảm, tự ti… cả ba em đều học chưa tốt. Hay làm lớp bị trừ điểm thi đua. Tôi đã gặp gỡ, gọi điện thoại với gia đình mỗi em, phối hợp với đồng chí Tổng phụ trách Đội và giáo viên bộ môn. Tìm những biện pháp tối ưu nhất để động viên khích lệ, và dần cảm hóa được cái tính ngỗ ngược ngang tàn của 3 em này. Thật đúng như lời Bác Hồ đã dạy:                          

                          “ Hiền dữ phải đâu là tính sẵn

                         Phần nhiều do giáo dục mà nên”    (Nửa đêm- Nhật ký trong tù)

Đến nay, các em đã tiến bộ hẳn lên về cả năng lực, phẩm chất. Gia đình các em đỡ bận tâm hơn. Tôi thấy mình đã làm được việc tốt.

*Giải pháp thứ năm: Phối hợp với các lực lượng giáo dục

Chúng ta biết rằng, để thực hiện có kết quả tốt công tác chủ nhiệm lớp, ngoài sự nỗ lực phấn đấu của thầy và trò, người giáo viên còn phải biết phối kết hợp chặt chẽ với các tổ chức, đoàn thể trong nhà trường. Vì đây là những nhân tố quan trọng góp phần tạo nên thành công. Xác định được điều này, những năm qua tôi luôn tạo lập cho mình các mối quan hệ khăng khít, gần gũi với các giáo viên bộ môn, tổng phụ trách Đội, Ban Chấp hành Công đoàn, Đoàn, chi Hội phụ huynh, Ban Đại diện cha mẹ học sinh…, những con người này, có thể họ khác nhau về nghề nghiệp, cuộc sống mưu sinh nhưng đều chung một cái tâm lớn, có sự mong mỏi nhiều nhất cho giáo dục. Tôi thường xuyên gặp gỡ để trao đổi thông tin về từng học sinh trong lớp nhằm thảo luận, xin ý kiến, tìm ra những phương pháp tối ưu áp dụng cho từng đối tượng. Nhờ vậy mà việc quản lý học sinh của lớp tôi có nhiều thuận lợi, đồng bộ, nhất quán.

  1. Kết quả thu được:

……………………………..

  Nhìn vào bảng số liệu nói trên, chúng ta dễ dàng thấy rằng hiệu quả của những việc làm mới trong công tác chủ nhiệm lớp đã tốt lên. Kết quả khả quan, tỷ lệ học sinh chưa hoàn thành mục tiêu môn học giảm hẳn. Số học sinh hoàn thành nội dung các môn học cao lên. Lớp có nhiều em đạt danh hiệu chữ đẹp cấp huyện, học sinh giỏi Toán, Anh văn trên mạng cấp huyện, cấp tỉnh (Thái Hà, Nhật Tân, Tường Ý…). Mấy năm liền, lớp tôi chủ nhiệm đều đạt danh hiệu lớp Tiên tiến.

  Tôi thấy rất hài lòng về những cố gắng của bản thân, tôi đem những kinh nghiệm nho nhỏ này trao đổi với các anh chị em trong khối, trong trường, họ đã thực hiện và thấy kết quả của công tác chủ nhiệm nâng lên rõ rệt, tôi cũng thấy mừng thầm.

1.Kết luận:

Để thực hiện thành công công tác chủ nhiệm lớp nói chung và lớp 5 nói riêng, người thầy cần phải thu thập những thông tin cần thiết bằng nhiều hình thức. Biết lập cho mình một kế hoạch chủ nhiệm, trên cơ sở tình hình đặc điểm của lớp. Bước tiếp theo, là nghiên cứu, tìm tòi những phương án phù hợp để thực hiện những kế hoạch đã đề ra .Cần tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức đoàn thể mới mong rằng hoàn thành tốt công tác chủ nhiệm lớp.

Để có kết quả tốt, chất lượng như ý muốn, đòi hỏi chúng ta phải từng bước nâng cao, không xem nhẹ phần nào, rèn từng bước, hướng dẫn từng ngày cho học sinh trong một quá trình lâu dài, bởi việc dạy học không phải là ngày một, ngày hai mà thành công tuyệt đối.  Vì thế, phải có thời gian rèn luyện và đầu tư cao thì hiệu quả của giáo dục mới thật sự như mong muốn, giáo dục tiểu học mới xứng tầm với sự phát triển của đất nước. Theo tôi, không có phương pháp, hình thức dạy học nào là tối ưu hay vạn năng, không có con đường nào là bằng phẳng mà dễ dẫn đến vinh quang. Duy có lòng nhiệt tình, tinh thần trách nhiệm của con người  mới mở cánh cửa khoa học vì một ngày mai tươi sáng. Đó là vinh dự và trách nhiệm của người giáo viên. Đó cũng là duyên nợ của người thầy. Duyên nợ với người, với nghề và nợ với mênh mông biển học. Trong khuôn khổ hạn hẹp của sáng kiến kinh nghiệm mà bản thân tôi chiêm nghiệm, trăn trở bằng một tình yêu nghề nghiệp, hy vọng nó sẽ cùng các bạn đồng nghiệp gần xa trao đổi để hoàn thành sứ mệnh vẻ vang mà Đảng và nhà nước trao cho nghề dạy học.

BẤM VÀO ĐÂY ĐỂ TẢI FILE WORD 

Copyright 2019 © Kinh nghiệm dạy học | Thiết kế bởi Web Bách Thắng