Nâng cao chất lượng dạy học môn Đạo đức của học sinh lớp 1
“Người có Đức mà không có tài là người vô dụng. Người có tài mà không có đức cũng chẳng làm được việc gì” (Hồ Chí Minh).
Thật vậy cái đức của con người chi phối toàn bộ hành động của con người (thiện hay ác). Nhưng cái đức không phải tự nhiên mà có, nó được giáo dục, tôi luyện ngay từ khi con người mới lớn và có ý thức. Bởi thế mà ngay từ lớp một, môn đạo đức đã được ngành giáo dục đưa vào làm môn học chính trong trường tiểu học. Đây được xem là một môn học quan trọng, nó là một trong những môn học xây dựng cho học sinh tiểu học những nét căn bản và hình thành một cách tự giác những hành vi ứng xử theo những chuẩn mực xã hội quy định. Dạy môn đạo đức ở tiểu học nói chung và lớp 1 nói riêng góp phần tích cực vào việc hình thành dần dần ở học sinh những tri thức sơ đẳng và chuẩn mực đạo đức, giúp cho học sinh soi sáng cơ sở đạo đức đúng đắn đã được hình thành ở các em và những người xung quanh. Đồng thời giúp cho các em có cơ sở đạo đức sơ đẳng để phân biệt, phân tích, phê phán những hành vi không phù hợp với các chuẩn mực đạo đức đã được xã hội quy định.
Trong suốt thời gian trực tiếp giảng dạy lớp 1 tôi đã đặc biệt quan tâm đến những hành vi đạo đức, tâm sinh lý của các em và luôn muốn tìm những biện pháp thích hợp để nâng cao ý thức rèn luyện, hình thành nhân cách cho các em. Bởi lý do đó đã thôi thúc tôi quyết định chọn đề tài “Nâng cao chất lượng dạy học môn Đạo đức của học sinh lớp”
Dạy học môn đạo đức ở lớp 1 được xem xét không chỉ dưới góc độ dạy học mà còn dưới góc độ giáo dục, hình thành bước đầu về nhân cách con người, bởi nó là một con đường giáo dục đạo đức đầu tiên cho các em. Vì thế các phương pháp dạy học môn đạo đức bao gồm cả phương pháp giáo dục. Phương pháp dạy học môn đạo đức với phương tiện dạy học.
Xác định được mục tiêu đó tôi đã tiến hành thử nghiệm qua các tiết dự giờ thăm lớp của 2 lớp 1A (do cô giáo: Nguyễn Thị Cúc) và lớp 1B (do cô giáo Nguyễn Thị Châu ) với mục đích tìm hiểu thực trạng của tiết dạy đạo đức từ 2 cô giáo khác nhau :
Tiết 1 tôi đến dự giờ cô giáo : Nguyễn Thị Cúc – lớp 1A khi đó cô dạy bài :
Gia đình em
Thông qua 4 bài tập :
Bài tập 1 : Kể về gia đình em
Bài tập 2 : Kể lại nội dung từng bức tranh
Bài tập 3 : Đóng vai theo tranh
Bài tập 4 : Tập hát bài “cả nhà thương nhau”
Nhận xét : Qua dự giờ của cô tôi nhận thấy rằng đối với tiết dạy này cô đã nắm chắc được mục đích yêu cầu của bài dạy nhờ đó mà khi cô dẫn dắt các em giải quyết từng nội dung bài tập rất chủ động. Mỗi bài tập cô sử dụng những phương pháp khác nhau làm cho tiết dạy rất phong phú và đa dạng. Đặc biệt các em thực hiện nhiệm vụ một cách hồ hởi và tự giác, tiếp thu bài nhanh, biết vào vai nhân vật một cách chủ động. Điều quan tâm nhất là cô đã hướng các em tự rút ra bài học cho mình thông qua bài tập. Đó chính là sự thành công mà cô đã thể hiện qua tiết dạy.
Tiết 2 tôi đến dự giờ cô giáo khi đó cô dạy bài :
Lễ phép với anh chị, nhường nhịn em nhỏ
Thông qua 4 bài tập :
Bài tập 1 : Kể lại nội dung từng bức tranh
Bài tập 2 : Đoán xem bạn nhỏ trong tranh sẽ làm gì
Bài tập 3 : Nối các bức tranh với từ “Nên” và “Không nên”
Bài tập 4 : Đóng vai các tình huống trên
Qua dự giờ để tìm hiểu khả năng vận dụng các phương pháp dạy học của giáo viên đồng thời kiểm chứng lại quá trình tiếp thu nội dung bài học của các em đặc biệt là kết quả vận dụng từ nội dung bài học vào bản thân. (đây chính là yêu cầu quan trọng nhất trong tiết Đạo đức).
Nhận xét : Thông qua giờ dạy của cô, tôi thấy cô đã nắm được yêu cầu nội dung bài dạy. Trong giảng dạy cô đã khéo léo dùng các phương pháp để thu hút sự chú ý học tập của học sinh làm cho giờ học sôi nổi, đạt kết quả cao. Đặc biệt thông qua phương pháp đóng vai cô đã dẫn dắt các em vào xử lý các tình huống một cách khá chủ động và sôi nổi.
Gặp gỡ tâm sự với các cô về công tác giảng dạy bộ môn đạo đức lớp 1 tôi đã trao đổi và nhận được câu trả lời rất tự nhiên của các cô.
Từ đó kết hợp với thực tế của học sinh tại lớp 1C, đồng thời nghiên cứu qua các tài liệu tham khảo, tôi đã quyết định ứng dụng thực nghiệm một số biện pháp nhằm nâng cao chất lượng tiết dạy môn đạo đức như sau :
- Biện pháp 1: Lựa chọn các phương pháp dạy học phù hợp với bài học:
Mỗi phương pháp đều có những ưu nhược điểm riêng, do vậy người giáo viên phải có lựa chọn kết hợp giữa các phương pháp, cho phù hợp với đặc trưng của các môn học đặc biệt là môn Đạo đức. Mỗi phương pháp cần phải sử dụng đúng thời điểm của tiết dạy.
Ví dụ: Khi dạy bài : “Lễ phép vâng lời thầy cô giáo” (Tiết dạy minh hoạ – Tiết 1).
+ Hoạt động 1: Học sinh thể hiện đóng vai để tập xử lý các tình huống.
+ Bước 1: Cho học sinh đóng vai diễn lại kịch bản tình huống do giáo viên nêu ra.
+ Bước 2: Yêu cầu học sinh đàm thoại để nhận xét về tình huống vừa thực hiện.
+ Hoạt động 2: Học sinh quan sát tranh, hiểu được việc làm đúng, việc làm sai để tự điều chỉnh:
+ Bước 1: Học sinh được quan sát tranh trong sách giáo khoa.
+ Bước 2: Học sinh cho biết việc làm nào thể hiện bạn nhỏ biết vâng lời thầy giáo , cô giáo.
+ Hoạt động 3: Liên hệ thực tế: Trong hoạt động này học sinh được luyện tập theo mẫu hành vi chuẩn.
Hoặc khi dạy bài “Cảm ơn và xin lỗi”.
Các phương pháp cần xác định là: Kể chuyện, đóng vai, thảo luận nhóm, động não, Tập luyện theo mẫu hành vi, đóng vai, tổ chức trò chơi.
- Biện pháp 2: Sử dụng hiệu quả đồ dùng dạy học:
Để thực hiện đổi mới phương pháp, việc sử dụng đồ dùng dạy học là rất quan trọng với tất cả các môn học. Đồ dùng dạy học có tầm quan trọng trong sự thành công của một tiết dạy. Vì vậy trước mỗi tiết dạy người giáo viên cần phải chuẩn bị đầy đủ các đồ dùng phục vụ cho tiết dạy của mình. Mỗi khi thiết kế bài học giáo viên cần căn cứ vào mục tiêu, nội dung tính chất, hình thức của bài học để lựa chọn thiết bị dạy học cho phù hợp, dễ sử dụng.
Hiện nay trang thiết bị và đồ dùng dạy học môn Đạo đức chỉ có tranh ảnh nên giáo viên cần sử dụng các tranh ảnh trong Vở bài tập Đạo đức cho học sinh quan sát một cách triệt để. Ngoài ra giáo viên có thể sử dụng các đồ dùng tự làm hoặc phải sưu tầm thêm, chuẩn bị trước mỗi tiết học những đồ dùng cần thiết cho từng hoạt động của từng bài.
Ví dụ: Khi dạy bài “Em và các bạn”, giáo viên cần sử dụng những đồ dùng như:
+ Một lẵng hoa, 1 giỏ đựng hoa
+ Bút màu , giấy vẽ, phần thưởng cho 3 Học sinh.
Sử dụng trong tiểu phẩm ở Tiết 1.
- Biện pháp 3: Dạy đạo đức cho học sinh thông qua các môn học khác.
Dạy môn Đạo đức qua các môn học khác là hình thức giáo dục rất quan trọng. Dạy đạo đức cho học sinh không chỉ bó hẹp ở một môn học Đạo đức mà có thể nói rằng dạy đạo đức ở mọi lúc, mọi nơi và tất cả các môn học.
Trong môn Tiếng việt học sinh được học các bài tập đọc với chủ điểm của từng tuần, từng tháng, học sinh biết những tấm gương tốt, khi học đạo đức các em có thể liên hệ đến.
Ở môn tự nhiên và xã hội, học sinh được nhận biết các loài vật sống dưới nước, trên cạn, và nêu được ích lợi của chúng.
Thông qua các tổ chức Đoàn Đội, các buổi sinh hoạt đội, sinh hoạt sao nhi đồng, thông qua phong trào “Đọc và làm theo báo Đội” thông qua các buổi chào cờ dạy cho các em những tấm gương tốt ở trường, ở lớp, đồng thời cũng phê bình những em chưa thật sự cố gắng. Từ đó kích thích tinh thần phấn đấu vươn lên trong học tập, lao động, rèn luyện đạo đức của các em. Hay gần đây nhất là phong trào: “Nuôi heo đất”, giáo dục cho các em tinh thần tương thân tương ái, ý thực tiết kiệm để làm những việc có ích. Ngoài ra các cuộc thi như: “Hội khoẻ Phù Đổng chào mừng ngày 22/12, Hội diễn văn nghệ chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Giáo dục cho học sinh tinh thần: “Uống nước nhớ nguồn”, “Tôn sư trọng đạo”.
- Biện pháp 5: Kết hợp với các môi trường giáo dục để giáo dục đạo đức cho học sinh.
Ví dụ: Để nâng cao hiệu quả môn Đạo Đức, giáo viên luôn kết hợp chặt chẽ với các lực lượng giáo dục. Cùng với các nhà trường, gia đình cũng góp phần quan trọng trong hoạt động giáo dục đạo đức cho học sinh. Vì thế giáo viên chúng tôi đã có sự kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường, cộng đồng.Bằng các hình thức tổ chức: Họp phụ huynh, thường xuyên thăm hỏi, tìm hiểu hoàn cảnh gia đình của từng học sinh. Từ đó có kế hoạch giúp đỡ những em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Kết hợp với phụ huynh học sinh, thông qua các hoạt động ở nhà, ở trường để kiểm tra đánh giá các hành vi đạo đức của các em. Cũng bằng hình thức này, giáo viên trao đổi cùng phụ huynh giúp đỡ những học sinh chưa tiếp cận được với hành vi đúng đắn, uốn nắn để hướng các em theo kịp cùng bạn bè và có những mối quan hệ ứng xử trong cuộc sống.
- Biện pháp 6: Giáo viên cần tích cực bồi dưỡng chuyên môn, thực hiện đổi mới phương pháp dạy môn đạo đức.
Cùng với việc trang bị về kiến thức cho học sinh thì việc cung cấp những chuẩn mực đạo đức cho học sinh là một nhiệm vụ hết sức quan trọng. Vì vậy mỗi giáo viên cần có nhận thức đúng đắn về mục tiêu của môn học đạo đức và cách đánh giá học sinh. Nhận thức được điều đó, giáo viên cần tích cực tự bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, thực hiện nghiêm túc đổi mới phương pháp dạy học và cần nắm chắc cách đánh giá học sinh theo hướng định tính song cần đặc biệt chú ý đánh giá một cách khách quan, công bằng, tránh hiện tượng đánh giá chung chung cào bằng, xem nhẹ.
Vì học sinh tiểu học rất thích khen, nên giáo viên cần nắm bắt được tâm lý này của các em để kịp thời động viên, khích lệ học sinh học tập.
Đối với nhà trường Ban giám hiệu cần dành quỹ thời gian cho môn học này, tổ chức họp chỉ đạo chuyên môn và nêu rõ tầm quan trọng của môn Đạo đức trong các môn học ở tiểu học. Bồi dưỡng chuyên môn về phương pháp dạy học đạo đức cho giáo viên, hướng dẫn giáo viên học cách đánh giá học sinh theo cách đánh giá mới, dựa vào các chứng cứ, đánh giá chính xác, thường xuyên.
Tóm lại: Tất cả các biện pháp trên đều nhằm đạt tới một mục đích cuối cùng là: Sau khi học xong mỗi tiết đạo đức các em sẽ biết ứng xử tốt nhất các mối quan hệ với bản thân, gia đình, nhà trường và biết giữ gìn bảo vệ vệ sinh môi trường nơi công cộng. Các em nắm vững các chuẩn mực hành vi đạo đức; biết thực hành vận dụng hàng ngày để những hành vi đạo đức đó trở thành phẩm chất đạo đức tốt của người học sinh trong nhà trường, gia đình và xã hội.
Việc nghiên cứu chất lượng tiết dạy Đạo đức lớp 1 nói riêng và các tiết dạy Đạo đức ở tiểu học nói chung đạt hiệu quả cao nhất là một vấn đề hết sức quan trọng và lâu dài. Không có người giáo viên nào là hoàn hảo, không có phương pháp nào là vạn năng. Khi đất nước đổi mới thì nhận thức con người cũng thay đổi hằng ngày. Chính vì thế người giáo viên phải biết tìm tòi học hỏi không ngừng nâng cao trình độ nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu giảng dạy đáp ứng được nhịp độ phát triển của thời đại.
Giáo dục là một công việc không phải chỉ do nhà trường hay một tổ chức mà làm thành. Đây là công việc của toàn Đảng, toàn dân và toàn xã hội, cùng nhau tham gia giáo dục dây dựng một nền tảng giáo dục vững chắc đảm bảo được nhân tố con người của thời đại mới, đáp ứng được sự phát triển của nhân loại. Vì sự phát triển phồn vinh của đất nước chúng ta hãy cùng nhau chung sức vào xây dựng cho sự nghiệp giáo dục “vì tương lai con em chúng ta” “Vì thế hệ trẻ ngày mai tươi sáng”
Do thời gian cấp bách và sự hiểu biết của bản thân còn hạn chế cho nên sáng kiến này không tránh khỏi những sai sót kính mong quý thầy cô và các bạn đồng nghiệp đóng góp ý kiến để sáng kiến này hoàn thiện hơn.