Ngộ độc thực phẩm và các cách xử trí tại nhà

Dấu hiệu nhận biết khi bị ngộ độc thực phẩm

Ngộ độc thực phẩm thường xảy ra sau khi người bệnh ăn phải các món ăn độc hại, không đảm bảo, không được chế biến kỹ… Người bị ngộ độc thường có những biểu hiện sau:

Đau bụng và tiêu chảy nhiều lần là một trong những biểu hiện thường thấy nhất ở bệnh nhân ngộ độc thực phẩm. Tùy mức độ nghiêm trọng khác nhau, người bệnh có thể đi ngoài ra máu, đặc biệt trong các trường hợp ngộ độc do vi khuẩn Shigella, Salmonella, Campylobacter hoặc vi khuẩn E. coli. Kèm theo tiêu chảy nhiều lần còn có những dấu hiệu như đầy hơi, chướng bụng hay bụng sôi ùng ục.

Thông thường, người bị ngộ độc sẽ tiêu chảy trong khoảng 2-3 ngày, tuy nhiên đối với người già và trẻ nhỏ, bởi sức đề kháng yếu hơn, nên tình trạng này cũng kéo dài hơn. Dù là triệu chứng phổ biến thường gặp nhưng cũng cần hết sức lưu ý, tránh trường hợp để bệnh nhân đi ngoài nhiều, liên tục mà không có biện pháp xử trí gây mất nước, có thể nguy hiểm tới tính mạng.

Bên cạnh đau bụng tiêu chảy, nhiều người cũng có các biểu hiện như nôn và buồn nôn sau khi ăn phải thực phẩm nhiễm độc. Ngay khi cơ thể bệnh nhân hấp thụ chất độc, lập tức sẽ có phản ứng lại và nôn hết những đồ độc hại vừa ăn ra. Sau đó, một số người còn tiếp tục rơi vào tình trạng nôn khan, nghĩa là không ăn gì nhưng vẫn buồn nôn. Cần phải có những phương án xử lý kịp thời tránh để bệnh nhân nôn nhiều dẫn đến rối loạn nước và chất điện giải trong cơ thể.

Sốt và đau mỏi toàn thân, chóng mặt cũng là một dấu hiệu dễ thấy ở bệnh nhân ngộ độc thực phẩm. Sau khi nôn mửa, tiêu chảy như trên, cơ thể người bệnh sẽ bắt đầu nóng lên và có các triệu chứng như ốm sốt, cảm cúm. Nếu người bị ngộ độc sốt quá cao, thân nhiệt lên đến 40 độ C, cần đưa tới khám bác sĩ để điều trị kịp thời, tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.

Cách xử trí ngộ độc thực phẩm tại nhà

Nếu có các biểu hiện bệnh lý như trên, có nghĩa bạn đã bị ngộ độc thực phẩm, cần nhanh chóng có những  cách xử trí kịp thời để tránh các trường hợp đáng tiếc.

Đối với người bệnh có các triệu chứng nôn mửa sau khi ăn thực phẩm nhiễm độc, cần ngay lập tức khiến người bị ngộ độc nôn hết thức ăn trong bụng ra. Có thể pha nước muối (2 thìa canh muối hòa tan trong 1 ly nước ấm) hoặc uống nhiều nước lọc, rồi dùng ngón tay trỏ ép vào gốc lưỡi, kích thích người bệnh nôn càng nhiều càng tốt.

Cần lưu ý khi thực hiện biện pháp này với trẻ nhỏ, tránh gây xây xước họng trẻ. Phải để trẻ gối đầu thấp, nghiêng đầu sang một bên rồi móc họng để trẻ nôn thức ăn ra. Không để trẻ nằm ngửa và nôn vì như vậy có thể gây sặc lên mũi, xuống phổi, dễ dẫn đến tử vong.

Đối với người bệnh tiêu chảy, có thể sử dụng dung dịch oresol hòa tan để tránh tình trạng đi ngoài nhiều gây mất nước trong cơ thể. Trường hợp không có sẵn oresol, có thể thay thế bằng dung dinh nước muối loãng (pha 1 thìa cà phê muối trong 1 lít nước lọc). Những người có biểu hiện ngộ độc nhẹ như đau bụng, đi ngoài có thể uống men tiêu hóa để cải thiện tình hình, giảm các cơn đau.

Nếu bệnh nhân có các triệu chứng khác lạ, như co giật, rối loạn ý thức hay suy hô hấp thì không sử dụng biện pháp gây nôn nếu không sẽ ảnh hưởng tới tính mạng. Cần nhanh chóng chuyển người bệnh tới cơ sở y tế gần nhất để kịp thời điều trị.

Khi người bị ngộ độc rơi vào tình trạng suy hô hấp, thở yếu cần liên tục hộ trợ hô hấp bằng cách bóp bóng hoặc thổi ngạt. Đặc biệt khi có dấu hiệu ngừng tim phổi thì cần được hồi sinh tim phổi bằng thổi ngạt và ép tim. Cần lưu ý đặt người bệnh nằm đầu thấp, nghiêng về một bên trong quá trình di chuyển tới bệnh viện đề phòng chất nôn sặc vào phổi, dẫn tới tử vong. 

Copyright 2019 © Kinh nghiệm dạy học | Thiết kế bởi Web Bách Thắng