+ Tìm hiểu đề: Đọc kỹ đề ra (Đọc nhiều lần, đọc theo từng mức độ khác nhau, vừa đọc vừa suy nghĩ, cân nhắc từng chữ, từng ý trong đề ra)
– Đọc thầm: Đây là bước đầu tiên tiếp xúc với đề ra nên yêu cầu học sinh thật tập trung chú ý. Giáo viên yêu cầu cả lớp im lặng nhìn lên đề ra ghi trên bảng và đọc kỹ bằng mắt cho quen chữ, quen cách ngắt, nghỉ trong từng câu, từng vế của đề ra. Tất nhiên, đây là lúc giáo viên đọc đề cho các em nghe.
– Đọc to: Yêu cầu vài em đứng dậy đọc to đề cho cả lớp nghe, trong lúc đó, lớp vẫn đọc thầm bằng mắt theo bạn.
– Đọc diễn cảm: Đây là khâu rất quan trọng trong quá trình đọc đề, tìm hiểu đề. Diễn cảm ở đây không phải ngân nga lên bổng xuống trầm mà là đọc rõ, biết ngắt, nghỉ, nhấn giọng ở những từ ngữ quan trọng (Giáo viên đọc một lần, yêu cầu hai đến bốn em đọc). Qua đọc, ý của đề ra sẽ rõ ràng, các trọng tâm yêu cầu rất dễ nhận rõ, giúp học sinh thâm nhập đề ra một cách dễ dàng nhanh chóng.
Giáo viên có thể hỏi: theo em, nên ngắt, nghỉ hơi ở chổ nào? Nhấn giọng ở những từ ngữ nào? Vì sao? (Có thể cho vài em đọc lại đúng ngữ điệu).
Tóm lại, đọc kỹ đề là bước đầu tiên quan trọng nhất giúp các em nghe, hiểu, thâm nhập đề ra một cách chắc chắn nhất. Nhưng mới chỉ đọc thì chưa đủ mà trong quá trình đọc phải kết hợp vừa đọc vừa suy nghĩ, cân nhắc từng chữ, từng từ để xác định mối quan hệ giữa các từ ngữ, các vế trong đề ra, đặc biệt là cần đặt câu hỏi để xác định trọng tâm yêu cầu của đề mà ta sẽ nói ở phần tiếp theo.
+ Xác định trọng tâm yêu cầu của đề ra:
Nếu không xác định trọng tâm yêu cầu của đề thì học sinh sẽ làm sai đề hoăc bài làm của các em sẽ rơi vào dàn trãi hoặc phiến diện. Học sinh không hiểu đề hay chỉ hiểu một cách mơ màng mà không biết yêu cầu chính của đề ra.
Muốn xác định đúng trọng tâm của đề ra, yêu cầu các em đặt câu hỏi: Đề yêu cầu chúng ta phải làm gì? (tả, thuật hay kể?). Đối tượng nào? (Cảnh, vật, người hay đồ vật?…), yêu cầu: tả, thuật hay kể về cái gì là chính? Muốn trả lời chính xác câu hỏi sau cùng, giáo viên yêu cầu các em phải suy nghĩ, cân nhắc từng chữ, từng từ, vì có những dạng đề chỉ khác nhau một chữ, thậm chí có khi chỉ một dấu phẩy.
Ví dụ 1:
a/ Bà em trồng rau. Hãy tả lại
b/ Bà, em trồng rau. Hãy tả lại
Nếu không tinh ý, không nhạy bén sẽ rất khó xác định. Muốn học sinh hiểu, nắm vững cách đặt câu hỏi tìm hiểu trọng tâm của đề ra, giáo viên phải
trực tiếp đưa ra những đề có sự khác nhau cụ thể cho học sinh xác định trực tiếp.
Dạng đề thứ nhất: khác một dấu phẩy dẫn đến khác nội dung. Đó là dạng như hai đề ở ví dụ 1 đã nêu trên. Đề a, yêu cầu tả một minh bà đang trồng rau. Đề b, yêu cầu tả cả bà, tả cả cháu đang trồng rau.
Dạng đề thứ hai : Khác một chữ dẫn đến nội dung yêu cầu bài làm hoàn toàn khác nhau.
Ví dụ 2:
a/ Tả làng em sau cơn bão.
b/ Tả làng em trong cơn bão.
Ở đây, yêu cầu học sinh đọc kỹ đề và cân nhắc từng chữ, qua sự gợi ý của giáo viên, ở hai đề trên về số lượng từ có khác nhau không? Về đối tượng có khác nhau không? (không khác vì cùng tả “làng em”).
Vậy, khác nhau ở điều gì? (khác ở ý nghĩa qua hai chữ “sau”,”trong”),”Tả làng em sau cơn bão” tức là tả làng em khi bão đã như thế nào? (bão đã tan tức là chỉ còn lại hậu quả của bão gây nên cho làng em). Còn “làng em trong cơn bão” thì sao? (tức là làng em đang bị bão hoành hành…). Cả hai đề cùng tả “làng em” nhưng nội dung tả có giống nhau không ? Vậy do đâu mà có sự khác nhau về trọng tâm yêu cầu đó? Qua hai đề trên, ta thấy nhiều lúc từ ngữ đóng vai trò gì trong đề văn? (Quyết định nội dung chính trong bài làm). Bỏ sót từ ngữ hoặc không hiểu từ, ngữ sẽ dẫn đến sai trọng tâm yêu cầu. Do đó ta phải cân nhắc từng chữ.
Dạng đề thứ ba: đảo từ ngữ dẫn đến khác nhau về nội dung:
Ví dụ 3:
a/ Tả quê em chiều mưa.
b/ Tả chiều mưa quê em.
Sau khi giúp học sinh nhận định: cả hai đề không khác về số lượng chữ và đều nói đến “chiều mưa”, “quê em” và cùng yêu cầu miêu tả nhưng vị trí các ngữ được đảo lại.
Qua sự đảo lại như vậy giúp em hiểu trọng tâm yêu cầu của mỗi đề.
Đề a: Yêu cầu tả “chiều mưa” là chính, hay tả “quê em” là chính? (tả “quê em” là chính: Tức là tả cảnh, người, vật “quê em” lúc trời mưa).
Đề b: Tả cảnh nào là chính? (Cảnh “chiều mưa”, tức là cảnh mưa như thế nào? Âm thanh, màu sắc, mức độ gió ra sao? Sấm? Chớp?… Mưa làm cho cảnh vật ra sao?…
Sau đó, giáo viên cung cấp hai đoạn văn miêu tả (Viết lên bảng).
Giáo viên hỏi học sinh : Theo em đoạn văn nào tả “quê em chiều mưa” đoạn văn nào tả “chiều mưa quê em”? qua trả lời của học sinh, giáo viên giúp các em nắm vững hơn về sự khác nhau trên.
Với những dạng đề trên, nếu học sinh hấp tấp thiếu bình tỉnh sẽ rất dễ sai đề. Nhất là khi các em được làm một đề (đề a hoặc đề b). Đến khi làm bài kiểm tra, gặp đề còn lại là các em sẽ lướt qua đề rồi viết y như đã làm bài ở đề trước. Chính vì điều này nên giáo viên lưu ý các em phải chú ý cân nhắc từng chữ từng từ, không ghi sai hoặc bỏ sót từ ngữ nào và phải thận trọng khi gặp dạng đề tương tự đề mình đã làm, giúp các em cảnh giác để tránh những sai lầm đáng tiếc.
Giữa đọc kỹ đề và đặt câu hỏi xác định đề là một yêu cầu quan trọng phải tiến hành cùng một lúc: vừa đọc kỹ đề vừa cầm bút gạch chân các từ ngữ quan trọng trong đề ra. Trong óc vừa hình thành câu hỏi thì câu trả lời ghi vào giấy nháp. Hai vấn đề đó không thể tách rời nhau. Với học sinh tiểu học, giáo viên cần hướng dẫn từng chữ, từng cách đặt câu hỏi, cách ghi giấy nháp như thế nào, ba dạng đề trên cũng là ba dạng hướng dẫn luyện tập tìm hiểu đề cho các em. Sau khi đã tìm hiểu, xác định được trọng tâm yêu cầu của đề ra, tiến hành bước 2: tìm và chọn lọc, sắp xếp ý. Đây là khâu giúp các em hình thành được trọng tâm bài văn trên dạng ý đầy đủ nên cần hướng dẫn học sinh câu hỏi phù hợp với từng thể loại, từng dạng đề để học sinh áp dụng cho từng đề cụ thể.
+ Tìm ý
Thông thường học sinh miêu tả hoặc kể, thuật lại một cách chung chung đại khái mà thiếu những yếu tố riêng, cụ thể.
Ví dụ 4: Ở lớp 4:
Tả cây bàng thì: lá bàng to, màu xanh…
Tả cây chuối tiêu: lá chuối màu xanh, rất to…
Cây tre: lá tre màu xanh rung rinh trước gió…
Thực chất, cây nào cũng có lá màu xanh hoặc rất nhiều cây lá to, màu xanh, có thân, cành, cội rễ… phần lớn có hoa, quả…
Hoặc ở lớp 5: Tả người: ai cũng có đầu, chân, tay, mặt mũi… cho nên, đa số học sinh làm chung chung.
Vậy, hệ thống câu hỏi tìm ý, giáo viên phải hướng dẫn làm thế nào để các em linh hoạt sao cho phù hợp với yêu cầu đề, qua đó, phân biệt được cây này với cây kia, con này với con kia, người này với người khác.
Trong phần này giáo viên cũng phải cho một số đề cụ thể để vừa làm ví dụ vừa luyện tập tìm ý:
Ví dụ 5:
a/ Tả con trâu.
b/ Tả con mèo.
Giáo viên ghi 2 đề thành 2 cột trên bảng để hệ thống các ý tìm hiểu song song nhau nhằm giúp các em nhận thấy được sự khác nhau giữa các loài vật (giáo viên yêu cầu các em nêu câu hỏi và trả lời, lớp nhận xét bổ sung, giáo viên chốt lại, ghi bảng).
Câu hỏi bao quát: lông mèo màu gì? Dày hay thưa? Mềm hay cứng? Lông trâu có giống lông mèo không? Mèo thì ta có nhìn thấy da không? Còn trâu thì sao? Da trâu màu gì? Đầu mèo như thế nào? Tai ra sao? Còn mắt mèo? Mũi, miệng? Đầu, tai, mắt, mũi miệng của trâu khác của mèo như thế nào?… Mỗi câu trả lời đúng của học sinh, giáo viên ghi bảng theo 2 cột để học sinh dễ phân biệt.
Sau khi hướng dẫn học sinh tìm hiểu theo hệ thống câu hỏi, giáo viên có thể kết luận: “loài vật đa số có đầu, thân, lông, chân, đuôi…nhưng mỗi loài mang những nét đặc điểm riêng biệt. Cây cối, con người cũng thế. Cho nên chúng ta cần tìm ý tả thật cụ thể để làm toát lên những nét riêng biệt đó”.
Khi đã làm hết ý, giáo viên gợi ý tiếp: Còn ý nào nữa không? Để buộc các em suy nghĩ và liệt kê hết các ý cần tả, cần thuật lên giấy nháp. Sau đó giáo viên hệ thống lại bằng những câu hỏi: đối với dạng đề miêu tả thì các câu hỏi phải nhằm vào cảnh gì? Bộ phận, đường nét gì? Màu sắc, hương vị, âm thanh, hoạt động như thế nào?
Đối với tường thuật: Việc gì? Làm việc gì trước, làm việc gì sau? Làm như thế nào? Các thao tác ra sao? Âm thanh? Động tác? Suy nghĩ? Tâm trạng? Và cảnh vật xung quanh như thế nào?
Đối với kể chuyện: Diễn biến câu chuyện ra sao? Cần thể hiện các chi tiết như thế nào? Diễn biến tâm lý nhân vật được bộc lộ qua những hành động ra sao? Hoặc nhân vật sẽ xử lý như thế nào trước những tình huống?… Tất nhiên, giáo viên yêu cầu học sinh phải có vở nháp để ghi lại những ý trả lời đó.
Luyện tập: giáo viên cho 1 đề cụ thể. Yêu cầu cả lớp thầm đặt câu hỏi trong vở nháp (một bên là câu hỏi, một bên là câu trả lời). Sau đó, gọi vài em trình bày phần câu hỏi – trả lời; giáo viên ghi các ý lên bảng – gọi một số học sinh bổ sung những ý còn thiếu – giữ nguyên hệ thống các ý đó để làm ví dụ minh họa cho nội dung tiếp theo.
+ Chọn lọc ý
Sau khi đã thống kê toàn bộ ý đã tìm được lên vở nháp (giáo viên ghi các ý lên bảng), giáo viên hướng dẫn học sinh tập chọn ý theo hệ thống câu hỏi: theo các em, những ý kiến trên, ý nào không quan trọng cần lược bỏ? Ý nào cần tả (hoặc thuật, kể…) lướt qua vài ba câu? Ý nào cần tập trung tả (hoặc thuật, kể…) kỹ sâu hơn? Tại sao lại không tả (hoặc thuật, kể…) hết toàn bộ? Tả (hoặc thuật, kể…) một số cảnh (người, vật, sự việc…) và tả kỹ (…) như vậy nhằm mục đích gì?
Khi học sinh trả lời xong, giáo viên tổng hợp, bổ sung thêm: nếu tất cả các cảnh (hoặc bộ phận trong 1 cây, 1 người, 1 con vật, 1 đồ vật) hoặc việc làm, thao tác trong công việc cụ thể đều được tả (hoặc thuật, kể…) một cách đầy đủ, kỹ càng, chi tiết thì: bài làm sẻ dàn trãi, lan man, dài dòng gây nhàm chán và mất thời gian; nếu chỉ lướt qua tất cả thì bài làm sẽ nông cạn, hời hợt, thiếu sâu sắc, không cô đọng. Vậy nên, cần chọn lọc ý, xác định ý nào không quan trọng cần bỏ hoặc lướt qua vài câu, ý nào quan trọng làm nổi bật trọng tâm yêu cầu đề thì xoáy sâu hơn để bài văn trở nên cô đọng, hấp dẫn.
+ Sắp xếp ý
Sau khi đã chọn lọc, cần có sự sắp xếp ý xem ý nào (cảnh nào, bộ phận nào hoặc sự việc, thao tác nào?) cần viết trước, ý nào (…) cần viết sau sao cho hợp lý và có tính thuyết phục. Vấn đề sắp xếp ý cần có sự linh hoạt tùy theo đề bài cụ thể, tùy theo góc độ quan sát và chú ý của từng em đối với đối tượng của mình. Có em tả ngôi trường từ ngoài vào nên ý tả cổng trường rồi đến sân trường, đến cột cờ… có em lại tả từ phòng học tả ra; có em lại tả cột cờ trước… khi tả người lại tùy theo đối tượng người đó có thể theo nghề nghiệp, công việc, hoặc tuổi trẻ… để chọn điểm nào để tả trước. Không nên theo khuôn mẫu, công thức nhất định từ đầu đến chân.
Ví dụ 6: Tả bạn học sinh đang đá bóng thì nên chọn tả hoạt động của đôi chân, vì lúc này chân nổi bật nhất; hoặc tả ông em đang sửa vườn rau thì tả đôi tay trước. Có khi tả người già thì có thể tả mái tóc bạc trắng trước cũng có thể da nhăn nheo hay từ giọng nói phều phào, từ đôi tay run run… tùy theo chủ đích của người tả.
Tất cả: tìm, chọn, sắp xếp ý là quá trình hoạt động của trí óc giúp cho bài làm trở nên chặt chẽ và nổi bật trọng tâm, đầy đủ và phong phú – bài viết hấp dẫn mang phong cách riêng chứ không rập khuôn theo một khuôn mẫu.