Những kinh nghiệm hay về nâng cao đạo đức cho học sinh lớp 2

1. Giải pháp thứ nhất.

Giáo viên phải nắm vững mục tiêu và nội dung giáo dục về chuẩn mực hành vi đạo đức của học sinh lớp 2 để lựa chọn, đổi mới phương pháp dạy học phù hợp giúp học sinh có được những hiểu biết cơ bản, đúng về hành vi đạo đức. 

    Để giáo dục các em nâng cao chuẩn mực hành vi đạo đức thì trước hết người giáo viên phải nắm thật vững về mục tiêu và nội dung giáo dục đạo đức cho học sinh lớp 2 nói riêng và học sinh Tiểu học nói chung để từ đó hướng các em tới những tri thức cơ bản về nền nếp, về đạo lý làm người. Giúp các em biết hành động và cư xử đúng trên mọi hoàn cảnh, mọi nơi, mọi công việc. Không chỉ ở trường mà còn ở gia đình và ngoài xã hội. Cụ thể là giúp trẻ hình thành năng lực định hướng giá trị đạo đức; biết phân biệt cái tốt, xấu, thiện, ác. Để bồi dưỡng cho học sinh cảm xúc đạo đức tích cực yêu cái đúng, tốt, ghét cái xấu. Tin tưởng và ham muốn theo cái tốt, cái đúng. Xây dựng cho học sinh kinh nghiệm thói quen đơn giản thực hành những hành vi đạo đức trong sinh hoạt hàng ngày. Để đạt được điều đó khi dạy một bài đạo đức giáo viên phải chuẩn bị chu đáo về thiết kế bài dạy phải biết kết hợp giữa phương pháp dạy học và phương pháp giáo dục làm sao cho học sinh dễ hiểu, có tính thực tế tức là phải biết gắn bó chặt chẽ với cuộc sống thực của học sinh, phải lấy những tấm gương, truyện kể từ cuộc sống thực. Điều đó sẽ giúp cho bài học đạo đức thêm phong phú, gần gũi, sống động với trẻ như vậy sẽ giúp cho các em có cảm giác thoải mái, tích cực chủ động tiếp thu kiến thức. Từ đó mới mang lại hiệu quả cao cho tiết học.

 Ví dụ: Khi dạy bài: “Giúp đỡ người khuyết tật”. Giáo viên nên kể cho học sinh những tấm gương trên thực tế ở địa phương cho học sinh noi theo đồng thời kể cho các em nghe những câu chuyện như “Sức mạnh của tình thương” cho học sinh nghe.

    Đặc biệt bài học đạo đức không phải là kết thúc ngay sau tiết dạy mà học sinh cần được tiếp thu rèn luyện những chuẩn mực hành vi vừa học xong trong nhà trường, gia đình và Xã hội. Đây là công việc hết sức khó khăn, song nhất thiết phải làm, có như vậy mới mang lại hiệu quả cao trong việc giáo dục đạo đức cho học sinh. Vì những tri thức đạo đức mà học sinh mới được lĩnh hội trong giờ học phải biết biến thành hành động, kĩ năng hành vi và thói quen đạo đức.

    Vì vậy để đạt những vấn đề này khi dạy đạo đức cần hết sức chú trọng đến luyện tập thực hành. Mỗi bài tập cần đưa ra tình huống để các em tự giải  quyết cái đúng. Tổ chức nhiều hình thức sắm vai để các em luyện tập giáo viên uốn nắn hành vi. Có như thế tiết học mới bộc lộ rõ nhất hành vi tính cách của các em.

 Ví dụ: Khi dạy bài: “Giữ gìn trường lớp sạch đẹp”. Giáo viên có thể đưa ra một tình huống như: Trong giờ ra chơi Minh và Nam chơi trò chơi thi phóng máy bay giấy, khi em và Nam cùng đang phóng chiếc máy bay thì có tiếng trống vào học. Vì sợ vào muộn bị cô giáo phạt nên Nam đã rủ Minh không nhặt chiếc máy bay giấy đó nữa để mặc nó nằm giữa sân trường. Nếu em là Minh thì em sẽ làm gì trong tình huống đó? Giáo viên cho học sinh trao đổi nhóm để xử lý tình huống đó sao cho phù hợp với chuẩn mực hành vi đạo đức. Qua ví dụ đó giáo dục các em ý thức giữ gìn trường lớp sạch đẹp. Đó là việc mà các em cần tự giác làm.

 Đồng thời sau khi học bài ” Giữ gìn trường lớp sạch đẹp.” Giáo viên thường xuyên tổ chức những hoạt động như lao động tự lau chùi chỗ ngồi, lao động vệ sinh sân trường, chăm sóc cây xanh…hàng ngày và hàng tuần. Từ những công việc đó dần dần tạo cho các em thói quen biết lao động, yêu lao động và ý thức giữ gìn môi trường sống, môi trường học tập ngày càng cao.

2.  Giải pháp thứ hai.

 Giáo viên phải biết động viên, tuyên dương học sinh kịp thời.

     Khi dạy học sinh giáo viên cần chú ý tuyên dương kịp thời những em học tốt, xử lý đúng và hay các tình huống trong giờ học, có những hành vi đạo đức tốt trong cuộc sống đồng thời động viên nhắc nhở những em chưa nhận thức được cái đúng, cái sai trong giao tiếp, trong hành động và việc làm. Nhưng khi nhắc nhở cũng thật phải khéo léo, tránh gây tự ti và làm cho học sinh chán học. Có như vậy mới kích thích được sự tiến bộ của học sinh. Ví dụ: Vào ngày 12 tháng 2 năm 2011. Trong giờ ra chơi, cả lớp ùa ra sân chơi vui vẻ. Tôi quan sát thấy học sinh lớp tôi chia thành các nhóm trò chơi nhảy dây. Tôi cũng xem các em chơi. Nhóm của Huyền đang chơi thì Hà đến xin vào chơi cùng. Huyền trả lời là không cho Hà chơi. Mai là một bạn chơi trong nhóm đã mạnh dạn lên tiếng vừa phản đối Huyền vừa đến cầm tay kéo Hà vào chơi. Nhưng Huyền vẫn một mực nói với cả nhóm: ” Nó vừa bẩn vừa lại Nhà nghèo, mẹ nó phải đi làm thuê rửa chén, lau nhà cho người khác”. Vì thế nên Huyền không đồng ý chơi với Hà. Nghe xong Mai vẫn phản đối Huyền. Lúc đó tôi đã đến và giải thích cho Huyền hiểu rằng: Mỗi các con đều có quyền chơi bình đẳng với nhau, không nên phân biệt và đối xử không tốt với nhau. Mọi người cần được quan tâm giúp đỡ nhau, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn như bạn Hà. Bạn Mai thật đáng khen vì em có trái tim nhân ái. Tôi nói vừa dứt lời thì Huyền đã nói ngay sau lời của tôi. Thưa cô, con xin lỗi cô và các bạn. Con đã nhận ra con chưa đối xử tốt với bạn. Con xin hứa từ nay con sẽ  sống tốt hơn, con sẽ không đối xử phân biệt với mọi người nữa. Từ hôm đó tôi theo dõi Huyền thấy em thay đổi hẳn về mối quan hệ với các bạn, nhất là những bạn nghèo. Chỉ với một câu chuyện nhỏ vậy thôi nhưng giá trị về hành vi đạo đức của các em rất lớn. Nếu chúng ta không kịp thời giáo dục các em từ những suy nghĩ, hành vi nhỏ nhất sẽ ảnh hướng rất lớn đến chuẩn mực đạo đức, nhân cách của các em trong tương lai. Và còn có rất nhiều câu chuyện khác tương tự như thế nữa nên là người giáo viên chúng ta cần quan tâm đến từng lời nói, hành động của học sinh để kịp thời uốn nắn các em. Có như vậy mới mang lại hiệu quả cao trong việc giáo dục nhân cách cho thế hệ tương lai.

3.  Giải pháp thứ ba.

   Giáo viên phải thân thiện và luôn luôn là tấm gương sáng và mẫu mực về đạo đức cho học sinh noi theo.

    Học sinh lớp 2 phạm vi tri giác còn hẹp, tư duy chưa có tính khái quát- tổng hợp, năng lực hành động chưa cao là chủ yếu là bắt chước và làm theo. Các em luôn xem cô giáo dạy mình và đặc biệt, cô giáo chủ nhiệm là thần tượng của các em. Các em luôn tin theo lời thầy cô và bắt chước theo các hành động của cô. Chính vì vậy hơn ai hết bản thân tôi luôn thận trọng trong từng cử chỉ, lời nói và việc làm, đặc biệt là khi giao tiếp với các em. Nên tôi luôn tạo ra sự thân thiện với các em học sinh và tâm niệm mình phải là tấm gương lao động, tự học và sáng tạo cho học sinh noi theo.

  Ví dụ: Khi cô giáo yêu cầu học sinh làm bài và hứa với cả lớp là cô sẽ chấm điểm cho các em thì cho dù có hết thời gian cô giáo cũng phải chấm bài cho học sinh để giữ đúng lời hứa với học sinh. Từ những việc nhỏ và đơn giản như thể giáo viên chúng ta cũng phải mẫu mực. Có như vậy học sinh mới học được nhân cách tốt từ cô và chắc chắn các em sẽ bắt chước theo cô.  

4.  Giải pháp thứ tư.

  Phối hợp giáo dục đạo đức thông qua các môn học khác.

   Để nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức cho học sinh bản thân tôi không chỉ dạy và giáo dục các em trong môn học đạo đức mà tôi luôn tích hợp và liên hệ giáo dục đạo đức cho học sinh thông qua các môn học khác.

  Ví dụ: Trong môn “Tập đọc”, khi dạy bài: ” Có công mài sắt, có ngày nên kim “.  Khi cậu bé chán học đi chơi và gặp một bà cụ đang ngồi mài thỏi sắt to thành một chiếc kim để khâu vá quần áo. Cậu bé ngạc nhiên và hỏi bà cụ. Khi bà cụ giảng giải cho cậu bé hiểu được là không có việc gì khó, chỉ cần có tính kiên trì, chịu khó thì việc gì cũng sẽ thành công. Cậu bé đã hiểu ngay và quay về nhà học bài. Qua đó tôi liên hệ và giáo dục các em học sinh của tôi là phải biết chịu khó, kiên trì thì làm việc gì cũng thành công.

5.  Giải pháp thứ năm.

  Phối hợp với phụ huynh học sinh- Nhà trường- xã hội để giáo dục hành vi đạo đức cho học sinh.

     Để thực hiện có hiệu quả việc giáo dục hành vi đạo đức cho học sinh không chỉ một mình bản thân cô giáo mà phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa Nhà trường- Gia đình – Xã hội. Đây là một trong những biện pháp hết sức quan trọng góp phần quyết định đến sự thành công của việc giáo dục đạo đức cho học sinh. Chính vì ý thức được điều đó nên đối với phụ huynh trong cuộc họp phụ huynh đầu học kỳ II. Tôi đã trao đổi với các bậc phụ huynh về tầm quan trọng của việc giáo dục hành vi đạo đức cho các em trong độ tuổi này. Đồng thời hướng dẫn các bậc phụ huynh cách giáo dục các em và bố mẹ phải luôn là tấm gương sáng cho các con noi theo. Tôi phát cho mỗi phụ huynh một quyển phiếu liên lạc kèm theo mẫu theo dõi các hành vi của các em theo từng ngày, từng tuần. Cứ mỗi hành vi chưa đúng của các em là phụ huynh phải đánh vào một dấu nhân (X) và cuối tuần nộp lên cho cô giáo chủ nhiệm. Căn cứ vào sự theo dõi của bố mẹ cuối tuần cô giáo sẽ nhắc nhở và giáo dục các em kịp thời.

Copyright 2019 © Kinh nghiệm dạy học | Thiết kế bởi Web Bách Thắng