Rèn kĩ năng viết đúng, viết đẹp trong phân môn chính tả lớp 2
I.1.LÍ DO CHỌN ĐỀ TÀI:
Đất nước ta được chia nhiều vùng miền khác nhau, không có một vùng miền nào có một phương ngữ hoàn toàn chính xác theo qui ước xã hội. Trong khi đó sự ảnh hưởng của phương ngữ lại tác động không nhỏ đến chữ viết, việc chuyển từ lời nói sang dạng viết là một vấn đề không đơn giản. Đặc biệt thể hiện rõ ở học sinh tiểu học. Bậc tiểu học là bậc học nền tảng trong việc đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển nhân cách. Rèn luyện cho học sinh biết viết đúng, viết đẹp là một việc làm cần thiết, rất quan trọng và không thể thiếu được trong nhà trường. Muốn học sinh học tốt môn Tiếng Việt và các phân môn khác. Trước hết người giáo viên phải hình thành cho học sinh những thói quen về việc viết đúng, viết đẹp. Muốn đạt được điều đó, trước tiên các em phải có hiểu biết được giữ vở sạch đẹp, cẩn thận, gọn gàng, ngăn nắp, có ý thức rèn luyện chữ viết, … Các nhà giáo dục nổi tiếng đã đúc rút rằng : “ Những gì làm được ở bậc Tiểu học sẽ được giữ suốt cả cuộc đời. Những gì chưa xây được ở bậc Tiểu học sau này xây rất khó”. Đây cũng là một trách nhiệm không nhỏ đối với mỗi thầy cô giáo dạy ở bậc tiểu học.
Trong chương trình dạy học ở tiểu học, việc dạy Tiếng Việt chính là dạy tiếng mẹ đẻ cho học sinh. Việc rèn luyện cho học sinh viết đúng, viết đẹp là một việc làm cần thiết, rất quan trọng và không thể thiếu được trong nhà trường. Bên cạnh đó dạy chính tả cho học sinh là dạy tri thức, kĩ năng chính tả, phát triển năng lực sử dụng ngôn ngữ cho học sinh ở dạng viết vào hoạt động giao tiếp. Mỗi thầy, cô giáo Tiểu học có nhiệm vụ bồi dưỡng cho các em thói quen tốt thông qua việc rèn viết đúng, viết đẹp. Như lời dạy của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói: “ Chữ viết cũng là một sự biểu hiện của nết người. Dạy cho học sinh viết đúng, viết cẩn thận, viết đẹp là góp phần rèn luyện cho các em tính cẩn thận, lòng tự trọng đối với mình cũng như đối với thầy và bạn đọc vở của mình. ” Câu nói ấy đã khắc sâu vào tâm trí của tôi cũng giống như mỗi giáo viên đang dạy ở Tiểu học.
Tuy nhiên lỗi chính tả trong nhà trường phổ thông hiện nay là một vấn đề rất phổ biến và cần khắc phục. Việc dạy chính tả theo khu vực là nội dung giảng dạy. Lỗi chính tả phải sát hợp với phương ngữ. Nói cách khác phải xuất phát từ tình hình thực tế mắc lỗi của học sinh ở từng khu vực, từng vùng, từng miền để hoàn thành nội dung giảng dạy. Người giáo viên phải xác định các trọng tâm trong phân môn chính tả, cần dạy cho học sinh ở từng khu vực. Trong giai đoạn công nghệ thông tin hiện nay. Mọi người thường ngồi với chiếc máy vi tính của mình để soạn thảo văn bản thay vì cầm bút viết một văn bản trên giấy. Vì vậy, việc rèn viết đúng viết đẹp của chúng ta dễ bị lãng quên. Mặt khác, chữ viết của khá nhiều giáo viên chưa đúng quy định cũng ảnh hưởng rất nhiều đến việc rèn viết đúng viết đẹp cho học sinh. Mỗi thầy, cô giáo được xem như là một tấm gương để học sinh học hỏi noi theo. Lứa tuổi của học sinh tiểu học là lứa tuổi hay “bắt chước” và “làm theo mẫu”, giáo viên viết như thế nào thì học sinh viết như thế đó. Chính vì vậy, việc rèn luyện cho học sinh là một trong những yêu cầu cấp thiết về chất lượng giáo dục toàn diện ở trường Tiểu học.
Nhận thấy tính cấp thiết mà thực tiễn giáo dục đang đòi hỏi, đó cũng là vấn đề mà bản thân tôi mạnh dạn tiến hành nghiên cứu và thực nghiệm đề tài: “Rèn kĩ năng viết đúng, viết đẹp trong phân môn chính tả lớp 2.”
- Nội dung và cách thức thực hiện các giải pháp, biện pháp:
*Nội dung dạy học: ( Theo chương trình của Bộ GD&ĐT quy định)
– Các phân môn Tiếng Việt ở các lớp 2.
+ Các phân môn Tiếng Việt như: Tập viết lớp 2 gồm 35 tiết/năm; Chính tả gồm 70 tiết/năm.
*Cách thực hiện các giải pháp, biện pháp:
Phát huy và nâng cao chất lượng viết đúng, viết đẹp cho học sinh là một việc làm đòi hỏi giữa người thầy và trò phải có sự kiên trì, nhẫn nhại trong suốt quãng thời gian trong năm học, nó lĩnh hội từ năm này nối liền năm kế tiếp. Vì vậy, giáo viên cần phải áp dụng các phương pháp dạy học sao cho nhuần nhuyễn, tiến trình tiết dạy nhẹ nhàng hợp lí để mang lại hiệu quả cao. Nhằm chứng minh những biện pháp trên, tôi đã tiến hành thực nghiệm tại các lớp 2A6, 2A1, 2A1 trường TH Nguyễn Viết Xuân. Trong thời gian thực nghiệm tôi đã áp dụng những biện pháp và giải pháp đổi mới phương pháp giữa truyền thống kết hợp với hiện đại. Trong dạy học người giáo viên cần xác định rõ mục tiêu của từng bài dạy. Trang bị cho học sinh một số kiến thức và kĩ năng phục vụ học tập vào đời sống hàng ngày. Nội dung tiến trình dạy học cần linh hoạt, sáng tạo, gây hứng thú nhằm thu hút phát huy tính tích cực của từng học sinh trong từng tiết học.
b.1. Giải pháp thứ nhất: Khoanh đối tượng học sinh theo vùng miền về lỗi phát âm và lỗi viết đối với học sinh.
Xuất phát từ tình hình thực tế trong lớp về học sinh theo vùng miền, mắc lỗi phát âm dẫn đến khi hình thành bài viết các em sẽ viết chưa đúng lỗi do phương ngữ. Chính vì vậy, Người giáo viên phải xác định được nhiệm vụ trọng tâm để rèn cho các em viết đúng, viết đẹp một cách có hiệu quả. Thiết nghĩ, nếu xét về học lực và hạnh kiểm thì được phân loại những đối tượng cụ thể rõ ràng, nhưng nếu xét về mặt chữ viết và lỗi chính tả để rèn cho học sinh viết đúng, viết đẹp thì không đơn giản tý nào. Để thực hiện được nhiệm vụ đó, người giáo viên mất rất nhiều thời gian để khoanh vùng đối tượng học sinh theo vùng miền về lỗi phát âm và lỗi viết. Chính vì thế mà trong lớp tôi giảng dạy có các em đến từ ba miền Bắc – Trung –Nam, thì tôi thường khoanh vùng cụ thể, để từ đó giúp các em nhận ra những khuyết điểm của chính mình và được giáo viên chỉnh sữa giúp các em hoàn thiện dần dần.
*Ví dụ:
– Đối với các em miền Bắc thì thường viết chưa đúng về phụ âm đầu.
– Đối với các em miền Trung thì thường viết chưa đúng về thanh điệu .
– Đối với các em miền Nam thì thường viết chưa đúng về âm chính và âm cuối.
Khi giáo viên đã khoanh vùng đối tượng học sinh thì trong các tiết học giáo viên rất dễ dàng trong việc rèn kĩ năng viết cho học sinh để đạt thành quả cao.
b.2.Giải pháp thứ hai: Phối kết hợp rèn kĩ năng “Viết đúng, viết đẹp” trong các môn học ở chương trình giáo dục lớp 2(Tham khảo sách giáo viên Tiếng Việt lớp 2)
* Đối với môn Tập viết:
– Về giáo viên:
+ Hướng dẫn học sinh viết chữ.
a.Gợi ý nhận xét chữ mẫu theo“ Bộ chữ dạy Tập viết’’ và Bộ mẫu chữ viết trong trường tiểu học .
- Viết mẫu và chỉ dẫn kĩ thuật viết chữ (quy trình viết, việc nối liền nét các chữ cái trong cùng một tiếng, vấn đề đặt dấu thanh, ước lượng khoảng cách…)
- Hướng dẫn học sinh thực hành luyện tập viết chữ trên bảng con, trong vở Tập viết (TV)(chữ hoa, từ ứng dụng (tên riêng) và câu ứng dụng).
+ Nhận xét và chữa bài tập viết.
a.Đối chiếu với yêu cầu đề ra để đánh giá chất lượng chữ viết của học sinh, giúp học sinh thấy rõ thành công hay hạn chế trong bài tập viết .
- Nhận xét, góp ý, nêu yêu cầu cụ thể đối với học sinh về chữ viết.
+ Rèn nếp viết chữ rõ ràng, sạch đẹp.
- Uốn nắn tư thế ngồi viết, cách cầm bút, để vở, giữ khoảng cách giữa vở đến mắt,…
- Nhắc nhở về cách trình bày, về ý thức viết chữ và giữ gìn sách vở đẹp; quan tâm đến những điều kiện cần thiết như: ánh sáng, bàn ghế, học cụ …
– Về học sinh:
- HS quan sát mẫu.
- HS tìm các chữ hoa có trong bài tập ứng dụng .
- HS tập viết từng chữ trên bảng con.
- HS đọc từ ứng dụng (tên riêng)
- HS tập viết trên bảng con.
- HS đọc câu ứng dụng
- HS tập viết trên bảng con những tiếng có chữ hoa.
- HS viết vào vở Tập Viết theo qui định .
* Dẫn chứng cụ thể qua mô hình sau:
– Tiến trình trong tiết dạy phân môn tập viết được cụ thể hóa như sau:
* Đối với môn Chính tả:
– Về giáo viên :
– Hướng dẫn học sinh chuẩn bị viết chính tả .
- Cho học sinh đọc bài chính tả sẽ viết (theo SGK) và nắm nội dung chính của bài viết .
- Hướng dẫn học sinh nhận xét những hiện tượng chính tả trong bài (theo gợi ý SGK và hướng dẫn của giáo viên .
- Luyện viết những tiếng khó hoặc dễ lẫn (tiếng mang vần khó, tiếng có âm, vần dễ viết sai do ảnh hưởng của phương ngữ hay thói quen …)
– Đọc bài chính tả cho học sinh viết.
- Giáo viên đọc toàn bài một lần cho học học sinh nghe trước khi viết. Khi đọc giáo viên cần phát âm rõ ràng, chính xác, tốc độ vừa phải, tạo điều kiện cho học sinh chú ý đến những hiện tượng chính tả cần viết đúng.
- Giáo viên đọc cho học sinh nghe – viết từng câu ngắn hay từng cụm từ. Mỗi câu hoặc cụm từ được đọc 3 lần: đọc lượt đầu chậm rãi cho học sinh nghe, đọc nhắc lại hai lần cho học sinh kịp viết theo tốc độ viết qui định (được cụ thể hoá cho từng giai đoạn).
- Giáo viên đọc toàn bài lần cuối cho học sinh soát lại.
– Nhận xét và chữa bài chính tả.
+ Mỗi giờ chính tả giáo viên nhận xét 1/3 số học sinh cả lớp (những học sinh đến lượt được nhận xét bài).
+ Những học sinh hay mắc lỗi, cần được chú ý rèn cặp thường xuyên .
+ Qua nhận xét bài viết của học sinh giáo viên có điều kiện rút ra nhận xét và nêu hướng khắc phục lỗi chính tả cho học sinh cả lớp.
+ Sau khi học sinh viết xong, giáo viên giúp học sinh tự kiểm tra và chữa lỗi trong bài.
– Hướng dẫn học sinh làm bài tập chính tả âm, vần.
a.Giúp học sinh nắm vững yêu cầu của bài tập (bằng câu hỏi, bằng lời giải thích).
b.Giúp học sinh chữa một phần của bài tập làm mẫu
c.Cho học sinh làm bài vào bảng con hoặc vào vở.
d.Chữa toàn bộ bài tập.
– Về học sinh: HS xác định nội dung bài chính tả (hay tập chép) và nhận xét những hiện tượng chính tả cần lưu ý trong bài.
- HS đọc bài chính tả.
- HS trả lời các câu hỏi trong bài.
- HS nhận biết (phân tích, so sánh, ghi nhớ…)và tập viết các chữ ghi tiếng khó hoặc dễ lẫn (viết bảng).
- HS viết bài vào vở: tập chép (nhìn bảng – nhìn SGK), bài nhớ viết hoặc nghe viết .
- HS tự chữa lỗi.
- HS làm bài chính tả âm, vần.
b.3.Giải pháp thứ ba: Giúp học sinh có một quyển vở sạch, đẹp:
Học sinh là người lĩnh hội kiến thức khi đến trường. Vở viết là minh chứng để xác nhận các em lĩnh hội kiến thức như thế nào? Và vở cũng là minh chứng để quý bậc phụ huynh kiểm tra con em mình ngày hôm đó học những gì, lực học ra sao ? Xác định được điều đó, bản thân luôn quy định các loại vở trong các môn học như:
– Vở phải mua loại có hàng kẻ rõ ràng, các ô li đều nhau, trắng và giấy không bị lem mực. Được bao bọc cẩn thận .
– Để vở được sạch không bị quăn góc, không bị vết lem do mồ hôi tay và hạn chế được tình trạng chữ bút chì hoặc bút mực in từ trang này qua trang kia, mỗi em cần sử dụng tờ giấy kê (loại giấy bìa) bọc cả quyển vở bên ngoài lẫn bên trong lại, khi viết trang nào lật trang đó lên và một tờ giấy kê rời có kích thước chiều rộng khoảng 15cm, chiều dài dài hơn chiều ngang quyển vở. Khi viết ta đặt tờ giấy kê nằm ngang giữ cho mồ hôi tay không bị lem vở và vở không quăn góc.
– Để tránh tình trạng đổ mực ra vở (học sinh viết bút mực) giáo viên yêu cầu học sinh sử dụng bút máy khi viết và không được mang bình mực vào lớp, ở lớp giáo viên có sẵn bình mực để bơm mực cho các em quên bơm mực khi đến lớp và yêu cầu các em phải bơm mực sẵn trước khi đi học.
b.4.Giải pháp thứ tư: Rèn tư thế ngồi đúng, cầm bút đúng, kĩ năng giữ bút bền lâu: (Tham khảo sách Bộ mẫu chữ đẹp Bộ GD và ĐT)
*Một là: Tư thế ngồi viết của các em rất quan trọng lưng phải thẳng, không tì ngực vào bàn, đầu hơi cúi, mắt cách vở khoảng 25 cm đến 30 cm, tay phải cầm bút, tay trái tì nhẹ lên mét vở để giữ, hai chân để song song, thoải mái.
Vậy làm thế nào để có được tư thế ngồi thoải mái sẽ là điều kiện giúp các em học tốt suốt buổi. Giáo viên cần kiểm tra và nhắc nhở thường xuyên trong các tiết học. Muốn có tư thế ngồi tốt ít nhất bàn ghế phải phù hợp với lứa tuổi và giáo viên phải hướng dẫn tư thế ngồi ngay từ đầu để các em hình thành thói quen tốt.
- Hướng dẫn Tư thế ngồi viết được minh họa như sau:
*Hai là: Cách cầm bút: Đã có tư thế ngồi tốt, ta cần chú ý đến cách cầm bút. Khi viết ta cầm bút và điều khiển bằng ba ngón tay:“ngón trỏ, ngón cái và ngón giữa” của bàn tay phải. Khi viết dùng 3 ngón tay di chuyển bút từ trái sang phải, cán bút nghiêng về bên phải, cổ tay, khuỷu tay và cánh tay cử động mềm mại, thoải mái; Không nên cầm bút tay trái, không viết bằng toàn thân. Vở phải để nghiêng về bên trái so với mép bàn từ 20 -> 25 để các em dễ viết.
- Hướng dẫn Cách cầm bút được minh họa như sau:
– Giáo viên cần hướng dẫn các em xác định vị trí các nét nằm trên dòng kẻ nào, độ dài ra sao thật chính xác. Muốn vậy giáo viên hướng dẫn cho các em xác định được 6 đường kẻ ngang, 5ô li và đường kẻ dọc.
*Ba là: Cẩn thận khi mở nắp bút viết bài. Khi viết xong cần đóng nắp bút lại ngay, tránh tình trạng làm rơi bút xuống đất khi chưa đóng nắp bút. Nếu chúng ta sơ ý làm rơi bút xuống nền nhà ngòi bút sẽ te ra dẫn đến bút sẽ không sử dụng được. Hai tuần phải rửa, súc sạch bút một lần thực hiện được như vậy bút viết không bị nghẹt mực và bị đứt nét.
b.5. Giải pháp thứ 5: Phối hợp các phương pháp thực hành theo nhóm, cá nhân và sử dụng tranh ảnh, dụng cụ học tập trong tiết dạy:
Dạy học nhằm phát huy tinh thần tự học và sáng tạo của học sinh là tập trung vào học sinh không phải chỉ tìm ra một câu trả lời có sẵn mà học sinh phải đưa ra được câu trả lời trên cơ sở suy nghĩ và hiểu biết của chính mình. Quá trình tư duy đó đòi hỏi học sinh phải vận dụng những vốn tri thức, hiểu biết phù hợp với vấn đề đặt ra trong câu hỏi: phân tích, sắp xếp những tri thức đưa ra với vấn đề trong câu hỏi trả lời, kết luận và chọn phương án trả lời tốt nhất. Tóm lại, học sinh tự tìm ra câu trả lời qua việc thu thập, sàng lọc thông tin và phân tích dữ liệu.
Ví dụ : Đối với một số bài học giáo viên nên sử dụng nhiều phương pháp dạy học sao cho phù hợp với bài học, học sinh hứng thú học tập và thực hành. Giáo viên có thể lựa chọn các phương pháp làm việc theo nhóm, cá nhân hoặc tổ chức các trò chơi để các em có sự thích thú và phát huy vai trò cá nhân trong học tập. Các em có thể tranh luận và tìm ra những biện pháp khắc phục các lỗi mà các em hay bị nhầm lẫn từ đó giúp các em nhớ lâu và lần sau không bị mắc lại nữa ví dụ như: hỏi /nặng, sắc /nặng, s/x, tr/ch, r/g …
– Tranh ảnh và đồ dùng dạy học rất quan trọng không thể thiếu được trong việc dạy học nhất là ở phân môn chính tả. Càng có tranh ảnh, đồ dùng thì càng tạo nên sự tích cực của học sinh trong tiết học. Chính vì vậy, mỗi tiết học, giáo viên cần chuẩn bị đầy đủ đồ dùng, nắm được mục tiêu của từng bài dạy, cách sử dụng đồ dùng,…
Ví dụ: Trong quá trình dạy học giáo viên sử dụng đồ dùng học tập (bảng con, vở, bút thước, chì…) Sử dụng một số hình ảnh, tranh phù hợp với nội dung bài dạy. Một số bài mẫu viết đúng mẫu chữ qui định, trình bày sạch đẹp (của các anh chị lớp trước).
Hình ảnh các em đang thực hành viết bài cá nhân trong tiết Chính tả.
b.7. Giải pháp thứ bảy: Lồng ghép các phương pháp dạy học ở nhiều phân môn tạo sự hứng thú say mê và sáng tạo trong học tập:
Trong quá trình đổi mới phương pháp dạy học. Muốn học sinh chủ động trong học tập, Giáo viên không dạy học theo lối rập khuôn mà người giáo viên cần phải linh động trong tiết dạy, tạo không khí lành mạnh trong lớp, cần phải sử dụng các phương pháp đa dạng: nêu vấn đề, thực hành, so sánh, phân tích, ghi nhớ, đàm thoại và thảo luận, cùng phối hợp nhịp nhàng tạo không khí hứng thú, kích thích trí tò mò của học sinh. Chính vì vậy, khi dạy phân môn này, người giáo viên cần lồng ghép giữa các phân môn trong môn Tiếng Việt như: Tập đọc, Kể chuyện, Luyện từ và câu, Tập viết, Tập làm văn để giảng dạy và tạo đà cho học sinh học tập tốt phân môn Chính tả. Mối quan hệ này thể hiện rõ trong cấu trúc của sách giáo khoa: Các bài học được biên soạn theo chủ đề, chủ điểm, hai tuần học xoay quanh một chủ điểm ở tất cả các phân môn. Khi dạy ở các tuần, mỗi chủ điểm của từng tuần có sự liên kết với nhau giữa các phân môn trong môn Tiếng Việt.
b.8. Biện pháp thứ tám: Chữa bài, nhận xét, phân tích và có biện pháp chữa lỗi cho học sinh một cách triệt để
Dạy học là một hình thức tổ chức khéo léo của mỗi giáo viên. Để tạo sự hứng thú, say mê và sáng tạo cho mỗi học sinh. Trong các tiết dạy, giáo viên cần sửa lỗi sai cơ bản kịp thời và nêu ra các biện pháp để chữa lỗi cho từng bài viết của học sinh. Cần lưu ý các em hay viết chưa đúng lỗi theo vùng miền do phát âm, khi viết cần nhắc nhở nhẹ nhàng và quan tâm để các em trách những lỗi chưa đúng của mình, dần dần hình thành thói quen có ý thức khi viết bài, thực hiện được như vậy, học sinh mới đạt hiệu quả cao trong quá trình viết bài.
*Ví dụ: Sau nhiều lần nhận xét bài viết của học sinh.Tôi phát hiện một số em thường viết chưa đúng phụ âm đầu, thanh, vần. Tôi đã có biện pháp khắc phục kịp thời.Gọi các em đó lên thực hành bài tập chính tả điền âm đầu hoặc thanh hoặc vần (dưới sự hướng dẫn gợi ý của giáo viên nếu em chưa hoàn thành).
b.. Biện pháp thứ chín: Mẫu mực trong nhà trường là tấm gương sáng về tri thức, nhân cách đạo đức của mỗi giáo viên đối với học sinh.
Người giáo viên là người mẹ thứ hai của các em, là thần tượng trong lòng các em. Vì vậy, giáo viên cần coi trọng nắm chắc cấu trúc, quy trình chữ viết theo đúng mẫu chữ của bộ giáo dục quy định trong trường Tiểu học. Việc trình bày trên bảng là trang viết thể hiện tính mẫu mực của mỗi giáo viên cho học sinh noi theo. Chính vì lẽ đó, khi viết trên bảng giáo viên cần viết đúng, viết đẹp, viết rõ ràng và trình bày sạch sẽ, khoa học đó là tiêu chí đặt ra mà mỗi giáo viên phải dày công khổ luyện về chữ viết của chính mình sao cho đúng, đẹp. Mọi hoạt động trong tiết dạy đến giờ giải lao giáo viên luôn thực gương mẫu trước học sinh. Bởi vì học sinh Tiểu học, các em thường hay bắt chước giáo viên. Nét chữ của giáo viên như thế nào, các em sẽ viết gần giống như thế đó. Bên cạnh đó, việc viết đúng, viết đẹp tôi còn khuyến khích các em trong cách viết sáng tạo và trình bày sáng tạo khoa học trong các phân môn như Chính tả, Tập làm văn,…nhằm tạo sự hứng thú, sáng tạo cho các em. Những em nào trình bày khoa học sạch đẹp, chữ viết đúng có phần sáng tạo tôi luôn tuyên dương khen ngợi kịp thời khuyến khích các em phát huy. Còn các em viết đúng nhưng chưa có tính sáng tạo trong chữ viết, động viên và mong các em cố gắng ở những bài viết sau.
III. PHẦN KẾT LUẬN, KIẾN NGHỊ:
1.Kết luận:
Qua việc thực hiện nội dung nghiên cứu trên, cho chúng ta thấy được việc Rèn viết đúng, viết đẹp cho học sinh là một việc đòi hỏi người giáo viên chủ nhiệm cần phải kiên trì và hết sức nhẫn nại, không nôn nóng. Vì việc rèn chữ cho các em không phải một buổi hay một ngày, mà phải rèn luyện cho các em trong suốt cả một quá trình học tập, rèn luyện tại lớp kết hợp ở nhà. Không những rèn cho các em viết đúng chính tả mà còn phải rèn cho các em viết đẹp. Để có được kết quả trên, Người giáo viên đã biết áp dụng nhiều phương pháp dạy học một cách linh hoạt và khéo léo.
Tôi nghĩ những biện pháp nêu trên có thể áp dụng rộng rãi ở các lớp đó là những yếu tố không thể thiếu được để nâng cao chất lượng dạy học. Tôi mong rằng kinh nghiệm này sẽ được nhân rộng ra ở các khối lớp ở bậc tiểu học nói chung và đặc biệt là ở khối lớp 2 nói riêng để chữ viết của các em ngày càng đẹp hơn.
Là một giáo viên giảng dạy ở trưòng tiểu học Nguyễn Viết Xuân.
- Tôi nghĩ rằng, người giáo viên cần phải :
- Tăng cường sử dụng các phương tiện, đồ dùng dạy học, đổi mới cách đánh giá, kiểm tra. Bên cạnh đó người giáo viên phải có lòng nhiệt tình, tâm huyết trong việc giảng dạy…
- Dành thời gian để nghiên cứu bài, lập kế hoạch bài dạy, dự kiến trước những tình huống có thể xảy ra để đề ra những biện pháp khắc phục kịp thời.
- Theo dõi, quan tâm, giúp đỡ mọi đối tượng học sinh. Tạo điều kiện để tất cả các em đều được hoạt động. Tổ chức cho các em tự phát hiện, tìm tòi ra kiến thức mới từ đó sẽ phát huy được óc tư duy sáng tạo, tính độc lập, tự giác cho các em.
- Cùng với học sinh xây dựng môi trường học tập thân thiện: giáo dục học sinh tính trung thực, khiêm tốn, vượt khó trong học tập. Đây chính là việc làm góp phần xây dựng phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” trong giai đoạn hiện nay. Trong bài sáng kiến kinh nghiệm này tôi cũng mong góp một phần nhỏ công sức của mình vào công trình lớn của xã hội hy vọng phần nào sẽ giúp các em khắc phục được lỗi sai chính tả. Bên cạnh đó cũng muốn nhấn mạnh, để khắc phục tình trạng này đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của bản thân các em, sự quan tâm của xã hội, các bậc cha mẹ và đặc biệt là giáo viên, người hơn ai hết hiểu rõ các em, đã đang và sẽ cần những gì về kiến thức.