Sán lúc nhúc trong phổi thanh niên 19 tuổi vì món ăn nhiều người Việt thích

TS.BS Trần Văn Giang, Phụ trách Khoa Vi rút – Kí sinh trùng, BV Bệnh Nhiệt đới TƯ cho biết, khoa vừa điều trị thành công trường hợp bị nhiễm sán lá phổi nguy kịch.

Trước khi chuyển đến BV Bệnh nhiệt đới TƯ 10 ngày, nam bệnh nhân L.H.T. (19 tuổi, Tân Yên, Bắc Giang) thường xuyên bị đau tức ngực phải, sau đó đau lan ra giữa ngực.

                       Nam bệnh nhân mắc sán lá phổi điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới TƯ
Nam bệnh nhân mắc sán lá phổi điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới TƯ

Bệnh nhân đến phòng khám tư khám nhưng không tìm ra nguyên nhân. Tại BV huyện, bác sĩ chẩn đoán T. bị tràn dịch màng phổi, nguy kịch, yêu cầu chuyển lên BV đa khoa tỉnh điều trị.

Tại đây, bệnh nhân được chỉ định hút dịch phổi. Tuy nhiên, các bác sĩ hết sức ngỡ ngàng khi phát hiện có nhiều sinh vật ngoe nguẩy trong dịch. Kết quả xét nghiệm và soi vi sinh cho thấy, sinh vật lạ trong dịch phổi là sán lá phổi. Bệnh nhân sau đó được chuyển lên BV Bệnh nhiệt đới TƯ.

Sau khi điều trị bằng thuốc, bệnh nhân tiến triển tốt, không còn tình trạng sốt, đau tức ngực, tràn khí, tràn dịch.

TS Giang cho biết, trường hợp bệnh nhân T. nếu nhập viện chậm trễ có nguy cơ suy hô hấp, nguy cơ tử vong cao.

Tại Việt Nam, sán lá phổi thường tập trung tại một số tỉnh miền núi như Sơn La, Lào Cai, Hoà Bình, Hà Giang, Nghệ An… Nguyên nhân do tập quán ăn hải sản chưa được nấu chín, đặc biệt là các món ăn được chế biến từ cua biển, cua đá như: Tiết canh cua, gỏi cua, cua nướng, uống nước cua sống, mắm cua… Trong đó cua đá là vật chủ mang sán lá phổi đặc trưng.

Khi con người hay súc vật ăn phải tôm, cua có ấu trùng sán lá phổi chưa nấu chín, ấu trùng sán vào dạ dày và ruột (ấu trùng thoát nang ở tá tràng), xuyên qua thành ống tiêu hoá vào ổ bụng rồi xuyên qua cơ hoành và màng phổi vào nhu mô phổi rồi làm tổ ở đó, một số ít cư trú tại tim, phúc mạc, gan, thận, dưới da, ruột, não…

Sán lá phổi có kích cỡ to bằng hạt cà phê hay hạt lạc nhỏ, dài 7-13 mm, rộng 4-6 mm, màu đỏ hoặc trắng hồng. Chúng thuộc loài lưỡng tính, có cả bộ phận sinh dục đực và cái.

              Lá phổi bị nhiễm sán
Lá phổi bị nhiễm sán

Sán chủ yếu ký sinh trong phổi, làm nang trong tiểu phế quản nhỏ của phổi người hay súc vật, trong mỗi nang hầu hết có 2 con và dịch mủ màu đỏ, xung quanh có mạch máu tân tạo. Trứng sán có màu nâu sẫm, hình bầu dục, có nắp, kích thước: dài 80 – 120 µm – rộng 4-8 µm vỏ dày, bên trong có chứa phôi

TS Giang lưu ý, khi mắc sán lá phổi, triệu chứng điển hình là đau tức ngực, ho khạc ra máu vào buổi sáng sớm.

Đây được đánh giá là bệnh mãn tính, nếu đển muộn, bệnh nhân sẽ xuất hiện tình trạng ho ra máu, xuất huyết phổi, tràn dịch khí, máu màng phổi.

Để phòng bệnh, cách hiệu quả nhất là đảm bảo ăn chín, uống sôi nhất là những nơi có thói quen ăn gỏi và các hải sản tươi sống.

Theo Thúy Hạnh

Vietnamnet(https://dantri.com.vn)

Copyright 2019 © Kinh nghiệm dạy học | Thiết kế bởi Web Bách Thắng