Open this in UX Builder to add and edit content

Trầm cảm, một căn bệnh nguy hiểm với tất cả mọi người

Khi nhìn vào bảng danh sách những vận động viên vĩ đại nhất trong lịch sử Olympic từ trước đến nay, bạn có thể cảm thấy ngạc nhiên và thắc mắc, nghi ngờ. Số lượng huy chương vàng Olympic của một vận động viên chạy đều từ 0 đến 9, rồi đột nhiên vọt lên 23, không còn theo quy luật tăng dần đều.

Người gây ra sự ngạc nhiên và thắc mắc đó chính là Michael Phelps, vận động viên bơi lội vĩ đại nhất lịch sử. Anh sinh năm 1985, người Mỹ, thi đấu Olympic từ năm 2004 đến 2016, đạt 16 huy chương vàng cá nhân và 7 huy chương vàng đồng đội. Phelps thách thức mọi giới hạn, phá vỡ những hiểu biết về khả năng con người có thể làm được trong thể thao của nhân loại.

Điều gì đã làm nên một Michael Phelps vĩ đại như vậy? Với Phelps, bí quyết chỉ là quyết tâm không bỏ cuộc. Một bí quyết đơn giản đến mức hiển nhiên và không thể làm người khác nghi ngờ. 

Tôi đã không tin. Tôi nghĩ rằng Michael Phelps có thể đôi lúc mệt mỏi, hoặc đôi khi cảm thấy chán với thành công của mình và muốn nghỉ ngơi, nhưng không thể có cái gì khác, không thể có khó khăn nào khiến anh phải bỏ cuộc.

Vậy mà tôi đã nhầm. Phelp đã rất nhiều lần định bỏ cuộc, bỏ tất cả, từ bỏ cả cuộc sống của mình. Sau kỳ Olympic 2012, Phelps đã ở trong nhà 5 ngày trời mất ngủ, tự bỏ đói mình. Đó cũng là thời điểm anh có ý định từ bỏ cuộc sống này. Phelps cũng như nhiều người, mắc chứng trầm cảm.

Chứng trầm cảm mà Phelps mắc khác với từ “trầm cảm” chúng ta vẫn thường dùng hàng ngày. Ngày nay, khi gặp một chuyện buồn, căng thẳng mệt mỏi, một số người trở nên buồn bã và lúc đó chúng ta nói họ bị trầm cảm. Tuy nhiên, nỗi buồn không phải là trầm cảm.

Nỗi buồn là điều mà tất cả chúng ta đều trải qua. Đó là một cách phản ứng bình thường khi con người gặp những thời điểm khó khăn trong cuộc sống và nó thường trôi qua sau một ít thời gian. Nỗi buồn là một tình trạng hoàn toàn tự nhiên và lành mạnh của con người. Với những nhà tâm lý học tiến hóa, nỗi buồn là phản ứng cần thiết giúp con người bảo toàn sức lực khi gặp phải những tình huống khó khăn, dễ thất bại. Để rồi khi cần thiết, chúng ta lại hoạt động tích cực trở lại.

Nhưng trầm cảm thì khác, đó là một vấn đề sức khỏe tâm thần. Trầm cảm là lúc nỗi buồn vượt ra ngoài sự kiểm soát, buồn mà không vui trở lại được.

SỢ TẤT CẢ, SUY NGHĨ TIÊU CỰC VÀ HỐ SÂU NGĂN CÁCH

Khi một người bạn hỏi “Trầm cảm là như thế nào?”, tôi phải mất một lúc mới có thể tìm được một câu trả lời. Đặc trưng của trầm cảm là việc mất hứng thú. Mất hứng thú với mọi thứ hiện tại, với những thứ mà trước đây cá nhân đó đã từng có hứng thú. Và mất hứng thú chính là nguyên nhân gây ra nỗi buồn.

Mỗi sáng thức dậy và ra khỏi giường có thể là một thử thách lớn đối với người bị trầm cảm. Họ cảm thấy trống rỗng, không có động lực hay hứng thú để làm bất kì việc gì, kể cả những việc mà họ đã từng cực kỳ yêu thích. Một số người nói rằng họ cảm giác như không thể nhận ra mình, vì không thể nhớ được lần cuối họ cảm thấy vui vẻ và tận hưởng cuộc sống là lúc nào.

Người mắc trầm cảm còn thường cảm thấy xa cách với những người khác. Họ thu mình lại, không muốn giao tiếp với những người xung quanh. Họ sợ trở thành gánh nặng của người khác, sợ bạn bè, người thân mình vì những gánh nặng ấy mà sẽ rời bỏ mình. Có người sợ những người xung quanh nhìn thấy được những khía cạnh tồi tệ nhất của bản thân mình. Bởi vậy, họ thu mình lại và không muốn giao tiếp với ai hết.

Những người mắc trầm cảm thường cảm thấy bản thân mình bị nhấn chìm trong những suy nghĩ tiêu cực. Những giọng nói rằng họ không đủ tốt, rằng sẽ không ai có thể yêu quý được họ nếu biết được thật sự họ là con người như thế nào, rằng họ là một thất bại, họ không đáng được yêu thương…sẽ cứ vang lên liên tục trong đầu họ, dù có thể sự thật không phải là như vậy.

Thế nhưng, những lúc ấy, họ không còn điều khiển được những suy nghĩ của mình nữa, mà những suy nghĩ ấy mới là thứ điều khiển họ. Những suy nghĩ ấy lấn át, che mờ những suy nghĩ tích cực, khiến người mắc trầm cảm cảm thấy không thể thoát ra khỏi sự tiêu cực của bản thân mình.

Cuối cùng thì cảm giác khi mắc chứng trầm cảm tựa như rơi xuống vòng xoáy sâu thẳm của cảm xúc, và người rơi xuống cứ mắc kẹt dưới đó, mắc kẹt với các cảm xúc tiêu cực, không hoạt động, không giao tiếp với người khác. Họ không thấy có cách nào để thoát khỏi sự mắc kẹt này và càng cảm thấy tuyệt vọng hơn.

HIỂU SAI VỀ TRẦM CẢM? BẠN KHÔNG PHẢI LÀ NGƯỜI DUY NHẤT

Càng ngày càng có nhiều người nổi tiếng như Phelps chia sẻ về trầm cảm của mình nhằm nâng cao nhận thức chung của mọi người. Tuy nhiên, xã hội vẫn tồn tại rất nhiều hiểu nhầm về vấn đề này, kể cả ở các nước phát triển.

Việt Nam cũng không phải ngoại lệ, và điều này ảnh hưởng nhiều đến việc điều trị, hỗ trợ cho cá nhân mắc chứng trầm cảm. Theo báo cáo của Viện sức khoẻ Tâm thần, BV Bạch Mai, số người tự tử do trầm cảm ở Việt Nam lên đến gần 40.000 người vào năm 2017. Cũng theo báo cáo, khoảng 30% dân số Việt Nam có các rối loạn về tầm thần; 25% trong số đó là các bệnh về trầm cảm.

Trên thực tế, trầm cảm là một rối loạn tâm thần phổ biến và tương đối nghiêm trọng. Nó không khác gì bệnh tiểu đường hay bệnh tim, nó ảnh hưởng lớn đến cuộc sống hàng ngày như ăn uống, ngủ, làm việc, giao tiếp với mọi người. Ở các nước, tỷ lệ trầm cảm cả đời khoảng từ 20-25% ở nữ giới và 7-12% ở nam giới. Như vậy, trong số 4-5 phụ nữ xung quanh chúng ta, có một người mắc chứng trầm cảm.

Trầm cảm không chỉ đơn giản là thỉnh thoảng cảm thấy buồn, chán. Mất hứng thú với những hoạt động bình thường mình thích, buồn bã, sự tuyệt vọng trong thời gian dài là một trong các triệu chứng của trầm cảm. Các sự kiện đau buồn diễn ra trong cuộc sống có thể làm tăng nguy cơ trầm cảm nhưng trầm cảm không phải lúc nào cũng gây ra bởi một tình huống tiêu cực nào đó xảy ra. Trầm cảm có thể phát sinh đột ngột ngay cả khi mọi thứ trong cuộc sống dường như đang diễn ra tốt đẹp.

Trầm cảm không chỉ xảy ra với một số người. Một phiên bản của sai lầm này là suy nghĩ trầm cảm là một căn bệnh chỉ ảnh hưởng đến phụ nữ. Trong phòng khám, chúng tôi gặp nhiều phụ nữ bị trầm cảm hơn là nam giới. Tuy nhiên điều này là do văn hóa và áp lực xã hội. Nam giới được dạy là phải cứng cáp, mạnh mẽ, nói về cảm xúc của mình là yếu đuối. Do vậy, nam giới không thoải mái thảo luận về cảm xúc của họ hoặc yêu cầu giúp đỡ.

Một phiên bản khác của sai lầm này là suy nghĩ trầm cảm chỉ dành cho những người yếu đuối, những người không đủ mạnh mẽ để ứng phó với cuộc sống. Trong thực tế, trầm cảm không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối, lười biếng hay thương hại. Đó là tình trạng y tế trong đó các chất hóa học, chức năng, cấu trúc não bộ của bạn bị ảnh hưởng tiêu cực bởi yếu tố môi trường hoặc sinh học.

Một phiên bản thiếu khoa học hơn của sai lầm này là trầm cảm là biểu hiện của ma nhập, người âm theo, hoặc vong theo. Nhiều thân chủ của tôi đã đi gặp rất nhiều thầy bói, thầy cúng, thầy tử vi trước khi đến gặp bác sĩ. Niềm tin về siêu nhiên như vậy không chỉ xuất hiện ở văn hóa Việt Nam mà còn ở những nước đang phát triển khác như Campuchia, Ethopia, Kenya… Đáng tiếc là niềm tin, hiểu nhầm này có thể làm chậm, cản trở việc sớm hỗ trợ, trị liệu một cách khoa học cho các thân chủ.

Hệ quả tệ hại nhất của việc hiểu nhầm rằng trầm cảm chỉ xảy ra với một số người chính là sự chủ quan: Trầm cảm sẽ không xảy ra với chúng tôi đâu, với cộng đồng của tôi đâu. Trên thực tế, điều này không đúng.

Không phải ai trong số chúng ta cũng mắc trầm cảm, nhưng ai cũng có thể có nguy cơ mắc trầm cảm. Bởi lẽ trầm cảm là kết quả của rất nhiều yếu tố. Một môi trường làm việc tốt thân thiện, một ngôi trường học tập chất lượng, thân thiện không đảm bảo việc học sinh không bị trầm cảm.

Trên thực tế, những môi trường học tập tốt trên thế giới, ở các nước phát triển đều có những chương trình can thiệp phòng ngừa trầm cảm hoặc các vấn đề sức khỏe tâm thần khác cho học sinh toàn trường (đó là một tiêu chí cho môi trường đó tốt). Việc triển khai các chương trình can thiệp đó không ngầm định học sinh toàn trường bị trầm cảm. Đó chỉ là sự thừa nhận trầm cảm có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, với bất kỳ ai, nếu không phòng ngừa.

Trầm cảm không tự biến mất nếu không điều trị. Nếu không được điều trị, các triệu chứng trầm cảm tiếp tục trong nhiều tuần hoặc vài tháng hoặc thậm chí nhiều năm. Trầm cảm có thể dẫn đến tự sát và là nguyên nhân gây tử vong thứ 3 trong độ tuổi từ 18-24.

HÃY ĐỂ NGƯỜI BỊ TRẦM CẢM ĐƯỢC NÓI VÀ ĐƯỢC LẮNG NGHE

Với các bệnh thực thể khác, việc nghỉ ngơi, nằm một chỗ, ngủ là rất quan trọng để dưỡng bệnh. Nhưng việc không ngồi một chỗ, không “nghỉ ngơi”, làm gì đó, và vận động thể chất mới là phương cách chống lại trầm cảm.

Các nghiên cứu gần đây chứng minh hiệu quả của thể dục đối với việc chữa trị trầm cảm – kể cả các động tác đơn giản như đi bộ hay các hoạt động thể chất như quét dọn nhà cửa, sửa xe, làm vườn… 10-15 phút mỗi lần, 1-2 lần/ngày, 3-4 ngày/tuần có thể tạo ra sự khác biệt trong tâm trạng của các cá nhân này.

Nếu như người thân của bạn cảm thấy buồn, chán, mất hứng thú liên tiếp trong một thời gian dài trên 2 tuần, hãy lắng nghe họ một cách nghiêm túc, hãy cho họ cơ hội để nói về nỗi buồn, khó khăn. Thay vì khuyên họ không nên buồn chán. Thay vì khuyên họ là cuộc sống của họ còn rất nhiều những điều tốt đẹp. Thay vì cố gắng làm vui họ.

Đã có lần nào bạn được cô bạn thân xin lời khuyên về ý định chia tay người yêu? Lạ kỳ thay, chúng ta khuyên điều này, điều kia thì cô ta sẽ đều đưa ra các lý lẽ để chứng minh điều chúng ta khuyên là không phù hợp. Có vẻ như càng đưa ra lời khuyên, chúng ta càng nhận ra mình không hiểu gì cô bạn cả, và điều cô muốn cũng không phải là điều ta nghĩ.

Tương tự như vậy, việc đưa ra lời khuyên hoặc cố gắng làm vui những người mắc trầm cảm chỉ càng củng cố suy nghĩ là họ không có giá trị gì, họ không đáng được lắng nghe, và không ai hiểu họ.

Copyright 2019 © Kinh nghiệm dạy học | Thiết kế bởi Web Bách Thắng