Theo Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hiền, trưởng khoa Khúc xạ, Bệnh viện Mắt Trung ương, qua theo dõi, thăm khám cho những bệnh nhân có tật khúc xạ đến khám và điều trị tại Khoa, không chỉ số lượng trẻ em bị cận thị học đường ngày càng tăng mà còn có rất nhiều trẻ bị cận thị tăng số nhanh (tiến triển cận thị trên 1.00 đi-ôp/năm).
Đó là do trong điều kiện xã hội ngày nay, trẻ thường xuyên dành nhiều thời gian sử dụng mắt nhìn gần, đặc biệt là trên các thiết bị điện tử như điện thoai, máy tính; ít tham gia các hoạt động ngoài trời; học bài hoặc đọc sách trong điều kiện ánh sáng yếu … Chính vì vậy, tỷ lệ tật cận thị nặng (trên 6.00 đi-ôp) cũng ngày càng tăng.
Không chỉ ảnh hưởng lớn tới thị lực không kính mà cận thị nặng còn có nguy cơ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, đe dọa thị lực nghiêm trọng như bong võng mạc, thoái hóa hắc võng mạc, lỗ hoàng điểm, đục thể thủy tinh, glôcôm…
Do đó, việc sử dụng đôi mắt hợp lý, khoa học là rất quan trọng.
Theo bác sĩ Hiền, cần khuyến khích trẻ tích cực tham gia các hoạt động ngoài trời, hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử nhìn gần; học bài và đọc sách trong điều kiện ánh sáng đầy đủ, giữ khoảng cách hợp lý; để mắt được nghỉ ngơi, nhìn xa thư giãn sau một khoảng thời gian nhìn gần (30-45 phút).
Việc áp dụng các phương pháp điều trị để hạn chế tiến triển của cận thị, nhằm làm giảm nguy cơ dẫn đến cận thị nặng vốn tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm cũng rất quan trọng.
Một trong các phương pháp đã và đang được sử dụng hiện nay trên thế giới là kính áp tròng cứng chỉnh hình giác mạc (Orthokeratology hay Ortho-K).
Đây là loại kính áp tròng cứng đeo vào ban đêm. Trong lúc ngủ, kính sẽ làm thay đổi hình dạng giác mạc nên làm giảm độ cận thị về ban ngày, bệnh nhân không cần đeo kính mà vẫn có thể nhìn rõ như mắt bình thường. Loại kính này được sử dụng cho trẻ em bị cận thị tăng số nhanh, ngoài ra nó còn phù hợp với những người bị cận thị mà không muốn đeo kính gọng, không muốn phẫu thuật hoặc thường xuyên chơi thể thao.
Để đảm bảo hiệu quả của kính vào ngày hôm sau, thời gian ngủ của bệnh nhân tối thiểu phải đạt từ 6-8 tiếng. Đây là biện pháp điều trị cận thị tạm thời, khi ngừng sử dụng kính thì hình dạng giác mạc và độ cận thị sẽ quay trở lại như trước.
Kính SEED Ortho-K có thể sử dụng cho những bệnh nhân có độ cận thị tối đa là 6.50 đi -ôp và loạn thị giác mạc thấp (thường dưới 2.00 đi-ôp; loạn thị giác mạc càng cao, tỷ lệ thành công càng giảm).
Bác sĩ Hiền khuyến cáo mỗi người sẽ có độ cận thị, thông số giác mạc khác nhau nên trước khi sử dụng kính cần được thăm khám xem tình trạng mắt có đủ điều kiện để đeo hay không và được lựa chọn thông số kính phù hợp.
Những bệnh nhân đeo kính SEED Ortho-K nói riêng và kính áp tròng nói chung cần được tư vấn, thăm khám, hướng dẫn sử dụng kính và theo dõi định kỳ tại các cơ sở chuyên khoa mắt uy tín, có đầy đủ trang thiết bị phục vụ cho việc thăm khám kính áp tròng. Việc tuân thủ, sử dụng kính đúng cách là vô cùng quan trọng và cần thiết nhằm đảm bảo tính an toàn, tránh những biến chứng không may do việc đeo kính áp tròng mang lại.
Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe mắt, người sử dụng có thể lựa chọn các địa điểm thăm uy tín, các bệnh viện đầu ngành như Bệnh viện Mắt Trung Ương, Bệnh viện Mắt TP.HCM… Hiện tại, bệnh viện mắt Trung Ương đã xây dựng một phòng khám dành riêng cho kính tiếp xúc tại địa chỉ 38A Trần Nhân Tông, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Sở hữu đội ngũ y bác sỹ có trình độ chuyên môn cao cùng với việc được trang bị các loại trang thiết bị thăm khám tiên tiến chuẩn Nhật, Phòng Khám Kính Tiếp Xúc 38A Trần Nhân Tông hứa hẹn sẽ trở thành địa điểm thăm khám cực kỳ uy tín, an toàn dành cho những người có nhu cầu sử dụng kính áp tròng một cách bài bản và khoa học.