Open this in UX Builder to add and edit content

Vụ bé 4 tháng ở Hà Nội tử vong khi ngủ: Nên ngủ riêng hay chung với con?

Ngày 19/11 vừa qua, bé Nguyễn N.A. (4 tháng tuổi, Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã ra đi nhẹ nhàng sau 1 tháng điều trị qua nhiều bệnh viện tại Hà Nội. Từ tổn thương nhồi máu não đa ổ, bé dần rơi vào trạng thái chết não rồi tử vong. Nguyên nhân ban đầu được cho là do mẹ bé trong lúc ngủ thiếp đi, vô tình gác tay lên mặt con gây ngạt thở.

Câu chuyện thương tâm của bé N.A. khiến mọi người không khỏi xót xa, đây cũng là cảnh báo với nhiều bậc cha mẹ đang nuôi con nhỏ, cần phải cẩn trọng khi ngủ cùng con.

Tuy nhiên liên quan đến sự việc này, PGS.TS Trần Minh Điển, PGĐ BV Nhi TƯ cho biết, không nên vội quy kết cho người mẹ, để xác định chính xác nguyên nhân tử vong cần xem xét cẩn trọng.

Vụ bé 4 tháng ở Hà Nội tử vong khi ngủ: Nên ngủ riêng hay chung với con?
PGS.TS Trần Minh Điển

PGS Điển cho biết, trong y văn vẫn ghi nhận những trường hợp trẻ bú mẹ tử vong khi đang ngủ. Có 2 nguyên nhân khiến trẻ tử vong khi ngủ:

Thứ nhất do hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS). Khi gặp hội chứng này, dù trước đó trẻ vẫn khoẻ mạnh bình thường nhưng có thể ngừng thở, ngừng tim, tử vong đột ngột khi đang ngủ trưa hoặc ngủ đêm dù là ngủ trong cũi, giường hay bất cứ đâu. Nhiều ca SIDS vẫn không tìm được nguyên nhân ngay cả khi giám định tử thi.

Nguyên nhân gây SIDS có thể do trẻ bị chèn áp, đầu gập vào gối, ngủ sấp mặt, ngủ trên bề mặt quá mềm, thân nhiệt quá cao khi ngủ… Nguy cơ đột tử khi ngủ ở trẻ lớn nhất với trẻ từ 2-4 tháng tuổi.

Loại thứ 2 là tử vong ở trẻ sơ sinh liên quan đến ngủ do tai nạn. Chủ yếu là bị ngạt thở bởi các đồ vật trong giường ngủ như gối, đồ chơi, các chăn nặng hoặc cha mẹ, một đứa trẻ hay thậm chí thú nuôi lăn vào người trong lúc bé ngủ.

Theo PGS Điển, đây là những sự cố hy hữu nhưng vẫn có thể áp dụng các biện pháp ngủ an toàn để giảm nguy cơ đột tử ở trẻ.

Hiện tại nhiều bà mẹ trẻ bắt đầu áp dụng phương pháp nuôi con của nhiều nước tiên tiến cho con ngủ cũi riêng, chung phòng với bố mẹ cũng là một giải pháp.

Tuy nhiên PGS Điển cho rằng, điều kiện thời tiết, môi trường, khí hậu tại Việt Nam thường xuyên thay đổi, không ôn hoà như nhiều nước phát triển, do đó chỉ nên áp dụng khi có điều kiện sống tốt.

“Trời lạnh như này, nhà nào có gió lùa thì khi nhìn đến con có thể con đã đông cứng. Nên khuyến cáo phương pháp ngủ tách con chỉ áp dụng tuỳ theo điều kiện hoàn cảnh nhất định”, PGS Điển nhấn mạnh.

Vụ bé 4 tháng ở Hà Nội tử vong khi ngủ: Nên ngủ riêng hay chung với con?
Cho trẻ ngủ riêng cũng là giải pháp giúp trẻ hạn chế nguy cơ đột tử trong lúc ngủ


Còn lại đa số các gia đình Việt vẫn chọn giải pháp ngủ chung với trẻ. Tuy nhiên khi ngủ chung cần có một số lưu ý:

Thứ nhất, những trường uống rượu, dùng ma tuý… tuyệt đối không nên ngủ cùng con do khó kiểm soát được hành vi khi ngủ. Không nên cho trẻ ngủ cùng các anh, chị còn nhỏ tuổi.

Thứ hai, cần ngủ trên giường rộng để có thể quan sát được con. Ngoài mẹ bé, cần có thêm người cùng hỗ trợ chăm sóc, cùng quan sát trẻ, tránh tình trạng một người chăm sóc quá mệt rồi ngủ thiếp đi.

Thứ ba, nên đặt trẻ nằm ngửa mỗi khi ngủ có thể giúp giảm 50% nguy cơ đột tử, giúp trẻ thở dễ dàng. Khi trẻ ngủ, nên giữ trẻ ấm nhưng không bị nóng. Khi trẻ bị nóng quá mức sẽ làm tăng hội chứng SIDS. Một đứa trẻ ấm là khi đầu của trẻ ấm, tay chân mát hơn một chút.

Thứ tư, không nên đặt trẻ nằm ngủ trên các nệm quá mềm, không dùng các miếng nệm thành giường hoặc đặt gối cũng như các đồ chơi trên giường.

Thứ năm, không nên để trẻ ngủ 1 mình trên ghế, trên sofa vì cũng có thể gây nguy hiểm cho trẻ.

Một y tá nhiều kinh nghiệm tại BV Phụ sản Hà Nội khuyến cáo thêm, các bậc cha mẹ nên cho trẻ đắp chăn riêng để tránh tình trạng bố mẹ cuốn chăn, vô tình đè lên mặt trẻ gây ngạt thở.

Nếu không may phát hiện con bị ngạt, bố mẹ cần có kĩ năng sơ cứu hô hấp nhân tạo, hà hơi thổi ngạt kết hợp ép tim ngoài lồng ngực.

Tỉ lệ là 15 lần ép tim, 2 lần thổi ngạt. Vị trí ép tim nằm 1/2 dưới xương ức, khi ép, đặt thẳng tay lên ngực. Sau 1 phút đánh giá lại xem thở hay chưa và xem đã có mạch hay chưa, với trẻ con, bắt mạch ở cánh tay, mạch quay, mạch bẹn vì cổ trẻ ngắn hơn. Sau 10 giây kiểm tra, nếu vẫn không thấy mạch thì tiếp tục ép tim ngoài lồng ngực.

Trong lúc ép tim, cần duy trì nhịp 100 lần/phút, cố gắng ép sâu và mạnh, độ lún bằng khoảng 1/3 bề dày lồng ngực. Sau đó nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để cấp cứu.

Theo Thúy Hạnh (vietnamnet.vn)

 

Copyright 2019 © Kinh nghiệm dạy học | Thiết kế bởi Web Bách Thắng