“Hiện chưa có cơ sở khoa học chứng minh thức ăn dinh dưỡng nói chung và cháo các loại nói riêng giúp điều trị cận thị. Thế nhưng vẫn có không ít cha mẹ tin vào những phương thức chữa cận thị bằng cách ăn cháo khiến độ cận thị của trẻ càng tăng nhanh” – BS Phạm Nguyên Huân, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV Mắt TP.HCM, cho hay.
Bị cha mẹ bắt ăn cháo phát ngán
Cách đây độ tuần, bà NTM (Đồng Nai) đưa con trai 10 tuổi đến BV Mắt TP.HCM để khám. Trình bày với bác sĩ (BS), bà M. cho biết trước đó vài tháng, thấy con nhiều lúc nhìn vật này vật nọ ở xa không rõ, xem tivi lại hay nheo mắt nên bà quả quyết con mình bị cận thị. Nghe hàng xóm kháo nhau cận thị mà ăn cháo gan dê với hành suốt bảy ngày sẽ khỏi hẳn nên bà M. làm theo.
Sau bảy ngày cho con trai ăn cháo gan dê, bà M. thấy mắt con chẳng có dấu hiệu khá hơn nên… nấu cho ăn tiếp. Mặc cho thằng bé lắc đầu vì quá ngán mùi cháo gan dê nhưng bà M. vẫn ép con ăn. Một tuần, hai tuần rồi ba tuần, mắt cậu con vẫn nheo nheo khi xem tivi khiến bà M. phải “đầu hàng” và lật đật đưa con tới BV Mắt TP.HCM.
Nghe bà M. trình bày xong, BS ngán ngẩm lắc đầu. Sau khi đo mắt cho con trai bà M., BS nói mắt trái cậu nhóc cận 3 độ, mắt phải cận 2,5 độ. BS còn nói nếu được đưa tới BV sớm hơn thì mắt cậu bé không cận nhanh vậy. Nghe BS nói, bà M. thở dài và tự trách mình.
Tương tự, ông TVH (Long An) cũng tự dằn vặt mình vì đưa con gái 11 tuổi đến BV Mắt TP.HCM khá trễ khiến độ cận thị tăng cao.
Trò chuyện với BS, ông H. cho biết cách nay khoảng năm tháng, thấy con gái thường nheo mắt khi nhìn xa nên ông sinh nghi con bị cận thị. Một lần có người bạn đến chơi, sau khi nghe ông H. kể tình trạng của con gái, người này liền bày cho ông một bài thuốc đơn giản trị được cận thị.
Tin lời bạn, ông H. tìm mua cây quyết minh tử và hoa cúc trắng rồi cho vào nước nấu. Sau khi bỏ bã, ông H. thêm nước rồi cho gạo vô nấu chung với đường phèn. Khi đã thành cháo, ông H. cho con ăn mỗi ngày hai chén, liên tục trong bảy ngày. Thấy con không hết cận thị, ông H. tiếp tục nấu cháo quyết minh tử và hoa cúc trắng rồi ép con ăn. Thế nhưng dù con gái ông cố gắng ăn loại cháo này hết tuần này qua tuần khác nhưng mắt vẫn nheo nheo nên ông H. liền đưa lên BV Mắt TP.HCM.
Đeo kính gọng để điều chỉnh cận thị
“Hiện nay phương thức chữa cận thị bằng cách ăn các loại cháo được lan truyền trên mạng. Nếu không truyền thông và khuyến cáo kịp thời, nhiều trẻ sẽ bị cận thị nặng hơn do không được điều trị đúng lúc” – BS Huân nói.
Theo BS Huân, trẻ cận thị cần được khám tại cơ sở chuyên khoa mắt để đo chính xác độ cận. Một số trẻ mắt phải điều tiết nhiều thì cần được nhỏ thuốc để đo chính xác độ cận thị.
“Trẻ có thể được điều chỉnh cận thị bằng cách đeo kính gọng hoặc mang kính áp tròng. Với trẻ mang kính áp tròng, cần được giám sát chặt để tránh các biến chứng do nhiễm trùng giác mạc. Còn đeo kính gọng là phương pháp an toàn, hiệu quả và ít tốn kém nhất. Bên cạnh đó, trẻ cần được tái khám mỗi sáu tháng để theo dõi tình trạng thay đổi độ cận thị. Cha mẹ cũng nên khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời” – BS Huân lưu ý.
Đồng tình, TS-BS Trương Thị Ngọc Lan, Phó Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM, cảnh báo: “Điều đáng nói gan dê chứa nhiều cholesterol. Trẻ ăn nhiều thực phẩm này chẳng những không hết cận thị mà còn không tốt cho sức khỏe. Do vậy, trẻ cận thị buộc phải đến BS chuyên khoa để khám và đeo kính”.
Môi trường sinh hoạt là “thủ phạm” chính
Tật khúc xạ (cận thị, viễn thị và loạn thị) ngày càng gia tăng trên thế giới. Hiện nay tỉ lệ cận thị là 30% dân số thế giới. Ước tính đến năm 2050, 50% dân số thế giới bị cận thị và đặc biệt là ở khu vực Đông Á.
Nghiên cứu cho thấy môi trường là yếu tố chính làm tăng nhanh tỉ lệ cận thị ở khu vực Đông Á. Bên cạnh ảnh hưởng của yếu tố gen và di truyền, nghiên cứu còn cho thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa việc nhìn gần và thiếu hoạt động ngoài trời là nguyên nhân gây ra cận thị. Bằng chứng cũng cho thấy các yếu tố nói trên làm tăng tỉ lệ cận thị ở khu vực Đông Á.
BS PHẠM NGUYÊN HUÂN, Trưởng phòng Kế hoạch
tổng hợp BV Mắt TP.HCM
Các loại cháo hoàn toàn không có tác dụng chữa cận thị
Cháo gan dê, cháo quyết minh tử và hoa cúc trắng… là một loại thực dưỡng nên chỉ hỗ trợ làm giảm các triệu chứng khó chịu của mắt như mỏi, mờ, nóng, khô… và hoàn toàn không có tác dụng chữa cận thị.
TS-BS TRƯƠNG THỊ NGỌC LAN, Viện phó Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM