Một số biện pháp xây dựng lớp học thân thiện tại lớp 5

Một số biện pháp xây dựng lớp học thân thiện tại lớp 5.

1)Lý do chọn biện pháp.

Trong những những gần đây tình trạng xuống cấp về đạo đức của một số học sinh có chiều hướng gia tăng. Thái độ học tập của các em có phần giảm sút. Bên cạnh đó còn có một số giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo như đánh đập, xúc phạm học sinh,…Điều này xảy ra chưa nhiều nhưng cũng đó cũng là hồi chuông cảnh báo về những tiêu cực trong giáo dục đã bắt đầu xuất hiện. Điều này cũng rất dễ hiểu bởi đó là mặt trái của sự phát triển xã hội và sự phát triển Công nghệ thông tin. Khi Facebook là công cụ không thể thiếu đối với mỗi học sinh; khi chiếc máy vi tính là người bạn thân thiết nhất của các “cô cậu” học trò.

Chính vì vậy mà năm học 2008-2009 Bộ giáo dục và Đào tạo đã ban hành Chỉ thị số 40/2008/CT-BGDĐT, ngày 22/07/2008 về việc phát động phong trào thi đua trường học thân thiện – học sinh tích cực trong trường phổ thông giai đoạn 2008-2013. Đây cũng là một bước thay đổi lớn trong ngành giáo dục nhằm lấy lại niềm tin nơi nhân dân về chất lượng giáo dục và cũng là lúc giáo dục dám nhìn thẳng vào sự thật để khắc phục những tình trạng như vậy trong suốt những năm qua.

Tại trường tiểu học …là một trong những đơn vị hưởng ứng triệt để phòng trào “trường học thân thiện – học sinh tích cực”. Nhà trường đã xây dựng kế hoạch cụ thể cho thầy cô giáo và các em học sinh tham gia hưởng ứng tốt phong trào. Với vai trò là một giáo viên trực tiếp giảng dạy tôi luôn theo dõi sát sao những thái độ, hành động, việc làm của từng em học sinh trong lớp để có những biện pháp giáo dục các em vừa học tốt, vừa vui vẻ rèn luyện trong một môi trường lành mạnh và thân thiện.

Chính những lý do đó mà làm tôi trăn trở trong nhiều năm công tác, tôi muốn xây dựng cho lớp học mình chủ nhiệm một hình thức học tập thân thiện, tích cực và hiệu quả. Và đây cũng là kế hoạch của bản thân tôi lựa đề tài: “Một số biện pháp xây dựng lớp học thân thiện tại lớp”.

2) Nội dung thực hiện biện pháp.

* Biện pháp 1: Lập kế hoạch tổ chức lớp học.

Để từng bước đưa học sinh đi vào nề nếp lớp học, tôi đã lập kế hoạch cụ thể ngay từ đầu năm, sau khi nhận lớp chủ nhiệm.

– Tìm hiểu hoàn cảnh gia đình học sinh: đây có thể xem làm một trong những nội dung then chốt trong việc xây dựng lớp học thành một khối thống nhất vừa vui vẻ gần gũi vừa có kỉ cương nề nếp chuẩn mực. Bởi khi hiểu được hoàn cảnh của từng học sinh, tôi mới có sự sắp xếp, bố trí lớp học một cách đúng đắn nhất.

– Tìm hiểu thái độ, tâm lý của học sinh: Thông qua việc trò chuyện, tôi muốn biết cụ thể thái độ, tâm lý của từng em để sắp xếp chỗ ngồi, phân công nhiệm vụ cho phù hợp với từng em.

– Xây dựng nội dung thi đua lớp học: Căn cứ vào 5 điều Bác Hồ dạy, tôi đã thiết lập một bản nội quy thi đua của lớp trên tinh thần vui vẻ, hợp tác và thân thiện nhưng không thể tự do. Bởi các em học sinh tiểu học nói chung, lớp 5 nói riêng luôn có thái độ hiếu động, tò mò và rất thích thể hiện. Chính vì thế mà cần đưa các em vào môi trường sinh hoạt có nề nếp, kỷ cương trên tinh thần động viên giúp đỡ. Bản nội quy đó được thiết lập ngắn gọn súc tích và phù hợp với tâm sinh lí ở lứa tuổi các em.

NỘI DUNG THI ĐUA LỚP HỌC

  1. Hoàn thiện các nội dung yêu cầu của ngày hôm trước. Đến lớp phải đầy đủ đồ dùng và thuộc bài cũ.
  2. Đến giờ vào học cần thực hiện nghiêm túc và đúng yêu cầu của tổ chức đội đề ra như sinh hoạt đầu giờ, tham gia thi đua,…
  3. Đón tiếp thầy cô giáo bằng thái độ vui vẻ, nghiêm túc và thân thiện.
  4. Trong tiết học cần chú ý nghe giảng, ghi chép và thực hêịn tốt các nhiệm vụ thầy cô yêu cầu. Tuyệt đối không được làm việc riêng trong giờ học.
  5. Phải tự tin học tập, mạnh dạn, tự tin phát huy tính sáng tạo. phải nêu cao tinh thần học tập chăm chỉ. Hợp tác với bạn một cách chặt chẽ và nghiêm túc để thực hiện nhiệm vụ khi thầy, cô giao yêu cầu làm theo tổ, nhóm.
  6. Đến trường, lớp phải đoàn kết thương yêu và đùm bọc lẫn nhau. Biết giúp đỡ bạn lúc khó khăn và biết chia sẻ với bạn khi gặp chuyện không vui.
  7. Nếu bản thân đau, ốm cần nghỉ học để điều trị phải có xin phép thầy, cô giáo. Sau đó phải nghiên cứu và làm bài bổ sung theo hướng dẫn của giáo viên.

Cứ mỗi ngày đên lớp, tổ trưởng theo dõi và chấm điểm thi đua cho các thành viên trong tổ. (mỗi mục trong nội quy ứng với 01 điểm). Sau mỗi tuần tôi giao cho tổ trưởng đánh giá kết quả thi đua của tổ mình và cùng đưa ra sinh hoạt trong lớp. Những ai hoàn thành sẽ được thầy cô khen trước lớp và thưởng vào cuối kì. Những ai vi phạm sẽ bị nhắc nhở phê bình trước lớp. Nếu tái phạm sẽ bị gửi lên Đội thiêu niên.

Dựa vào nội dung thi đua đã đề ra, từng bước tôi giúp các em đi vào nề nép một cách vui vẻ và trật tự.

* Biện pháp 2: Xây dựng phong trào tự quản:

+  Bầu ban cán sự lớp: Việc bầu chọn và xây dựng đội ngũ Ban cán sự lớp là một công việc rất quan trọng mà người giáo viên chủ nhiệm nào cũng cần phải làm ngay sau khi nhận lớp mới. Tiến trình bầu chọn Ban Cán sự lớp được diễn ra như sau:

Vì là đầu năm học nên các em mới gặp nhau nên chưa hiểu hết về bạn của mình. Do đó tôi đã tự tìm hiểu từng em và giới thiệu trước tập thẻ lớp 5-7 học sinh và nói rõ hoàn cảnh và đặc điểm từng em, nói rõ về vai trò và trách nhiệm của người lớp trưởng, lớp phó. Sau đó tổ chức cho học sinh bỏ phiếu: Mỗi em nhận 01 phiếu, tôi hướng dẫn học sinh cách bầu chọn: ghi tên 3 bạn mình chọn vào phiếu, 3 học sinh đạt số phiếu cao nhất tôi sẽ xem xét và giao nhiệm vụ em nào xứng đáng giữ “chức vụ” của mình (lớp trưởng, lớp phó học tập, và lớp phó lao động).

Ngoài ra tôi còn phân ra thành 5 tổ, có tổ trưởng, tổ phó điều dành tổ cảu mình. Nhiệm vụ của mỗi em, tôi ghi rõ ràng trong một cuốn sổ, sau đó phát cho các em. Tôi hướng dẫn từng em cách ghi chép trong sổ một cách khoa học, cụ thể, rõ ràng. Mỗi em sẽ làm đúng các nhiệm vụ của mình. Ngoài ra,  lớp trưởng và 2 lớp phó phải đoàn kết và hợp tác chặt chẽ với nhau trong công việc chung.   Tiếp theo tôi tiên hành sắp xếp chỗ ngồi, căn cứ vào vóc dáng chiều cao, giới tính, học lực và một số đặc điểm khác của học sinh để phân chỗ ngồi cho các em hợp lý (Thấp ngồi trước, cao ngồi sau; nam nữ ngồi xen kẽ; ,…).

Xây dựng hình thưc khen, thưởng trong lớp. Ví dụ: Thưởng cho đôi bạn cùng tiến. Thưởng cho những học sinh tham gia phong trào do Chi đội, Liên đội tổ chức. Thưởng những học sinh thi viết chữ đẹp cấp trường, cấp huyện,…Hình thức khen thưởng : bút máy, vở (Trích từ quỹ lớp).

* Biện pháp 3: Xây dựng phong trào “Mỗi ngày đến trường là một niềm vui”

Đây là một trong những nội dung trọng điểm của kế hoạch xây dựng lớp học thân thiện. Bởi để có một lớp học thân thiện trước hết phải có một lớp học đoàn kết và vui vẻ.

“Xây dựng lớp học thân thiện” là tạo ra môi trường học tập thân thiện, an toàn, gần gũi với học sinh, làm cho học sinh cảm thấy “mỗi ngày đến trường là một niềm vui”. Xây dựng được “lớp học thân thiện” thì sẽ có “học sinh tích cực”. Xây dựng được “lớp học thân thiện, học sinh tích cực” thì sẽ hạn chế được tỉ lệ học sinh lưu ban, bỏ học, sẽ nâng cao được chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh.

Cứ mỗi buổi đến trường tôi lại giành 10 phút sinh hoạt đầu giờ để gặp gỡ các em. Việc đầu tiên là tôi tìm hiểu tâm trạng của mỗi em bắt đầu buổi học mới. Nếu có em nào gặp khó khăn của bản thân hoặc gia đình thì tôi kịp thời động viên và tìm cách giúp đỡ để học sinh luôn thấy thầy cô và bạn bè là chỗ dựa thinh thần lớn mỗi khi gặp khó khăn.

Tôi luôn hướng các em vào cách sống lấy tình cảm yêu thương, tôn trọng, gắn bó, chia sẻ lẫn nhau. Đầu tiên là tôi làm với các em và sau đó hướng các em biết cách làm cho nhau. “Lớp học thân thiện” không chấp nhận sự xúc phạm về nhân phẩm và danh dự, không chấp nhận sự xúc phạm về thân thể.

Xây dựng cho các em cách sống “Tình cảm thân thiện”, luôn đảm bảo sự bình đẳng, dân chủ về mặt pháp lý  và đạo đức, không chấp nhận sự trù dập hay thiên vị, sự vu khống hay bao che.

Mỗi buổi đến trường tôi luôn chứng minh cho các em mình là một giáo viên chủ nhiệm thật sự là người thân thiện, nhất là đối với những học sinh chưa ngoan, xem các em như chính con em mình để gần gũi, động viên, chia xẻ với các em, từ đó giáo dục tốt về đạo đức, ý thức rèn luyện cho các em.

Quan hệ cơ bản nhất của tôi và học trò là quan hệ hợp tác làm việc: tôi giao việc – học trò làm; tôi hướng dẫn học trò thực hiện. Khi giao việc, tôi chỉ nói một lần, nhưng chỉ nói khi lớp trật tự. Với cách làm này, tự nhiên thầy sẽ trở nên nói ít, học trò sẽ làm nhiều. Làm việc như thế nào thì đạo đức, ý thức sẽ kèm theo như thế ấy. Làm đến nơi đến chốn thì ý thức kỉ luật cũng đến nơi đến chốn.

Khi học sinh nào làm bài chưa đúng, tôi yêu cầu học sinh đó phải làm lại chứ không chấm điểm kém ngay. Tôi giúp đỡ, hướng dẫn học sinh làm lại ngay tại lớp, điểm các em làm lại vẫn có thể là điểm khá, điểm giỏi. Bởi tôi quan niệm rằng đối với học sinh tiểu học chấm điểm không phải để bắt lỗi, để la mắng học sinh mà chấm điểm để nhằm phát hiện những chỗ chưa đúng của học sinh, giúp các em làm lại cho đúng, cho hoàn thiện hơn. Với cách nói đúng, làm đúng trong học tập, các em trở thành những con người tự tin, trung thực, không gian dối.    

Khi có học sinh mắc sai lầm, thiếu sót, tôi luôn cố gắng kiềm chế và tôn trọng học sinh, tìm hiểu cặn kẽ thấu đáo nguyên nhân để có biện pháp giúp đỡ các em sửa chữa.

Hành vi của giáo viên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lí cũng như sự hình thành tính cách của trẻ. Vì vậy, khi lên lớp, tôi luôn chú ý đến cả cách đi đứng, nói năng, cách ăn mặc, cách cầm sách, chữ viết, thái độ,…để học trò noi theo. Không vì bất cứ lí do gì mà tôi cho phép mình cẩu thả hoặc xuề xòa, qua loa trước mặt học sinh.  

Ngoài ra, tôi cùng với học sinh luôn kiểm tra 7 nội dung thi đua của một “lớp học thân thiện, học sinh tích cực” và yêu cầu các em luôn thực hiện tốt.

* Biện pháp 4: Lồng ghép Kỹ năng sống cho học sinh vào các môn học.

Kĩ năng sống là một hình thức giáo dục mới được triển khai thực hiện qua những năm học gần đây. Học sinh có Kỹ năng sống tốt sẽ thúc đẩy thay đổi cách nhìn nhận bản thân và môi trường sống xung quanh, tạo dựng niềm tin, lòng tự trọng, thái độ tích cực và động lực cho bản thân, tự mình quyết định số phận của mình. Để giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, tôi lồng ghép vào các bài học thông qua 3 môn học: Tiếng việt, Đạo đức, Khoa học.

Ví dụ: Khi dạy bài: “Tiết kiệm tiền của”. Tôi giáo dục kỹ năng sống cho các em có kỹ năng bình luận, phê phán việc lãng phí tiền của. Qua bài học các em có thái độ kiên định với bản thân không mua những đồ chơi mang tính chất nguy hiểm như: súng, pháo,…Không lãng phí tiền trong việc ăn quà vặt, không ăn quà thì không còn tình trạng xả rác. Từ bài học, giáo dục kỹ năng sống cho các em, các em sẽ thực hiện tốt việc xây dựng trường, lớp : Xanh – Sạch – Đẹp.

Hoặc khi dạy bài: “Tiết kiệm thời gian”. Tôi giáo dục cho các em có kỹ năng lập kế hoạch khi làm việc, học tập. Giúp các em có kỹ năng quản lý thời gian trong sinh hoạt, học tập hằng ngày. Khi dạy bài này, tôi luôn quan tâm, nhắc nhở các em không tốn thời gian vào những việc chơi game, cũng như tránh xem những bộ phim không dành cho lứa tuổi các em. Tôi phân tích cho các em thấy tác hại của việc chơi game. Điều đáng mừng là trong lớp có em Trần Hiếu Quang Trường trước đây em thường vào quán game gần trường, nay đã ý thức được, không còn chơi game nữa. Việc học của em đã tiến bộ. Tôi đã nêu gương em trước tập thể lớp.

Trong các tiết Khoa học, Đạo đức, tôi tổ chức cho các em chơi các trò chơi như: làm phóng viên; sắm vai xử lí các tình huống phòng tránh một số bệnh, trò chơi “đi chợ”.., … Thông qua các hoạt động này, các em còn được hình thành và rèn luyện nhiều kĩ năng sống cần thiết.

* Biện pháp 5: Xây dựng mối quan hệ hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nhà trường.

Để xây dựng một tập thể vững mạnh đạt hiệu quả, giáo viên chủ nhiệm lớp cần có sự phối hợp tốt giữa các lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường cộng với ý thức trách nhiệm sự khéo léo tinh tế của giáo viên chủ nhiệm.

–  Phối hợp với gia đình học sinh:

Việc thực hiện tốt phối hợp với gia đình cha mẹ học sinh có hiệu quả cao trong công tác giáo dục các em trươc tiên tôi tìm hiểu hoàn cảnh của mỗi gia đình để từ đó tôi đặt mối quan hệ phù hợp với hoàn cảnh của họ. Có gia đình có điều kiện kinh tế, có thời gian luôn quan tâm theo dõi sâu sát chuyện học tập của con em thậm chí là luôn đưa rước con cái đi học, theo dõi tập vở của các em hàng ngày. Nhưng cũng có gia đình cha mẹ phải đầu tắt mặt tối đi sớm về khuya, họ không có thời gian để quan tâm con cái, mặc dù ai cũng muốn con mình học giỏi, ngoan ngoãn.

Không chỉ liên hệ qua thư mời, điện thoại mà tôi còn đến thăm và trao đổi với gia đình học sinh nhất là gia đình các em học sinh cá biệt. Đây là hình thức giáo dục có hiệu quả giáo dục cao bởi lẽ qua việc đến thăm gia đình học sinh sẽ tạo được sự đồng cảm, thiện cảm giữa phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm. Chính mối thiện cảm này giúp học sinh phải tự ý thức để xứng đáng với sự quan tâm dạy dỗ của thầy cô.

– Phối hợp với các Giáo viên bộ môn.

Tâm lý học sinh tiểu học thường nghe lời cô giáo chủ nhiệm, nên không tránh khỏi việc các em lơ là, không hoàn thành sản phẩm mà giáo viên bộ môn giao phó. Đây là một hoạt động liên tục, thường xuyên gắn bó thống nhất giữa dạy học và giáo dục. Bản thân người giáo viên giảng dạy trên lớp cũng là người giáo dục tốt nhất. Tôi xin phép giáo viên bộ môn được dự giờ thăm lớp mình để biết được thực lực từng môn của các em như thế nào, từ đó đề ra biện pháp giúp đỡ phù hợp.

–  Phối hợp với Đội TNTP HCM.

Ngoài việc các em học tập kiến thức văn hóa thì việc các em tham gia các hoạt động của Đội là điều tất nhiên. Thông qua những hoạt động của Đội, các em sẽ được rèn luyện thêm nhiều phẩm chất của người học sinh cần có như là: tình đoàn kết, lòng nhân ái, tinh thần cầu tiến,… phối hợp với Đội thiếu niên tiền phong là giáo viên chủ nhiệm, hiểu biết về hoạt động Đội của các em, luôn động viên nhắc nhở uốn nắn các em trong các hoạt động của Đội.

Liên đội tổ chức các hội thi, tôi là người cố vấn, chọn lựa những em nào có khả năng đảm nhiệm rồi tiến hành hướng dẫn đến nơi đến chốn. Vì vậy, lớp tôi luôn đạt kết quả cao trong các hội thi.     

Chẳng hạn Hội thi kể chuyện về Bác Hồ được tổ chức hằng năm. Tôi cũng tổ chức thi tại lớp để lựa chọn những em có giọng kể hay và tổ chức thi ở lớp trước. Sau đó, lựa chọn câu chuyện phù hợp với giọng kể cho từng em, tập luyện cho các em về điệu bộ, diễn xuất,….

Đội có biểu điểm thi đua hàng tuần giữa các lớp. Tôi luôn nắm chắc biểu điểm này để làm cơ sở đưa ra biểu điểm thi đua cho phù hợp với trách nhiệm của mình. Trong biểu điểm thi đua có mức độ khen thưởng và kỉ luật. Để làm tốt được điều này cần có sự kết hợp theo dõi của các tổ trưởng, lớp trưởng, lớp phó. Đồng thời, tôi luôn dành những lời khen tặng học sinh tốt, phê bình học sinh vi phạm tùy theo mức độ nặng nhẹ từ khiển trách trước lớp đến làm bản kiểm điểm. Tất cả các việc làm này tôi đều kết hợp với Đội trong giờ sinh hoạt dưới cờ hàng tuần nhằm tạo sự thống nhất đồng bộ tránh sự rắc rối không đáng có.

3) Kết quả thu được qua khảo nghiệm của đề tài

Sau khi khảo nghiệm một thời gian tại lớp 5 đã cho kết quả rât đáng khích lệ, vì vậy tôi đx quyết định áp dụng đề tài một cách đại trà và xuyên suốt năm học. Bằng tất cả sự nỗ lực của bản thân tôi cùng với sự quan tâm của nhà trường cùng các đồng nghiệp và các tổ chức trong và ngoài nhà trường. Lớp của Tôi chủ nhiệm đã đạt được kết quả khả quan, học sinh biết vâng lời và yêu quý thầy cô giáo, biết xác định động cơ học tập đúng đắn, tập thể học sinh biết thương yêu đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ.

Mỗi buổi đến lớp nhìn nét mặt vui vẻ, rạng rõ của các em đón tôi từ cửa lớp đã cho thấy kết quả đề tài tôi áp dụng là hiệu quả. Đây tuy chưa phải là một công trình nghiên cứu hoàn hảo nhưng đó cũng là một sáng kiến của bản thân đã đi đúng hướng.

Kết quả cả năm đạt được như sau:

  • Phẩm chất : 100% (35/35)
  • Năng lực: HTT: 28/35; HT: 7/35.

Tuy chưa có đánh giá cuối học kì I nhưng qua theo dõi tôi thấy tinh thần học tập của các em rất tiến bộ, lớp học vui vẻ, đoàn kết và tham gia đầy đủ, có chất lượng các phong trào của nhà trường đề ra.

4) Kết luận.

Xây dựng “lớp học thân thiện” là một việc làm hết sức cần thiết trong giáo dục hiện nay. Khi mà những trào lưu thái quá của xã hội phát triển một cách chóng mặt và len lỏi vào học đường. Nó không bỏ sót một đối tượng nào và luôn rình rập lấy đi nhân cách sống của các em, lấy đi những nét đẹp trong trắng trong mỗi cá nhân học sinh.

Một xã hội phát triển luôn kéo theo hai mặt của cuộc sống. Mặt tích cực và mặt tiêu cực, trong đó đối tượng học sinh là phải gánh chịu nhiều thiệt thòi nhất. Chẳng hạn phát triển công nghệ thông tin kéo theo những tác động trái chiều như trò chơi Online, trò chơi cục bộ trên máy tính, Facebook,…đều là những tác động tiêu cực đến các em làm cho các em sa vào chơi bời mà quên học tập,…điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục trong nhà trường chính vì vậy nội dung đề tài “Một số biện pháp xây dựng lớp học thân thiện tại lớp 5” là một mình chứng nhằm đưa các em trở về mới một môi trường sống lành mạnh, trong sáng để học tập tốt trở thành những chủ nhân tương lai của đất nước. Ngay từ lứa tuổi bậc Tiểu học, tập thể là nơi các em phát triển nhân cách tốt nhất. Vì vậy, muốn phát triển các em trở thành người toàn diện thì người giáo viên chủ nhiệm lớp phải đảm nhiệm công tác xây dựng tập thể lớp thành tập thể vững mạnh. Có như vậy các em mới phát huy được hết khả năng tính cách của mình để trở thành con người phát triển toàn diện. Giáo viên và học sinh qua hoạt động và bằng nhân cách của mình tác động qua lại với nhau, thống nhất với nhau. Kinh nghiệm cho thấy rằng nhân cách của giáo viên đã tác động mạnh mẽ đến sự phát triển trí tuệ và tình cảm của học sinh. Vì vậy, người giáo viên phải tự rèn luyện mình về mọi mặt để làm tấm gương cho học sinh noi theo, phải là người cha, người mẹ, người thầy đồng thời là người bạn đối với các em.

Tuy nhiên vơi một sáng kiến như thế này thì chưa thể làm nên điều gì trong sự phát triển chung của giáo dục mà đây chỉ là một chiếc “ốc vít” trong hành trong hành trình sản xuất chiếc xe. Nhưng đây cũng là một nụ cười mới của bản thân tôi vì đó là cả một sự nỗi lực của mình.

Tôi hi vọng rằng mỗi giáo viên sẽ có một cách làm của bản thân nhưng tất cả đều hướng tới sự hoàn thiện của một nền giáo dục. Cũng như tên gọi của đề tài: thành công của “lớp học thân thiện” sẽ là nhân tố cấu thành “trường học thân thiện”.

BẤM VÀO ĐÂY TẢI BẢN WORD

 

 

 

 

 

Copyright 2019 © Kinh nghiệm dạy học | Thiết kế bởi Web Bách Thắng