Một số biện pháp xây dựng nề nếp lớp nhằm nâng cao chất lượng dạy học.
1 : Lý do chọn đề tài:
Như chúng ta đã biết hoạt động dạy học là một trong những hoạt động cơ bản của nhà trường nói chung và trường tiểu học nói riêng. Bậc tiểu học là bậc học nền tảng của hệ thống giáo dục quốc dân. Trong hoạt động giáo dục đã xác định rõ mục tiêu của giáo dục tiểu học là “ Giáo dục tiểu học nhằm giáo dục học sinh hình thành những cơ sở ban đầu cho sự phát triển đúng đắn và lâu dài về đạo đức, trí tuệ thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản, góp phần hình thành nhân cách con người Việt Nam – Xã hội chủ nghĩa, bước đầu xây dựng tư cách và trách nhiệm công dân chuẩn bị cho học sinh tiếp tục học bậc trung học cơ sở”.
Muốn đáp ứng được mục tiêu trên, người giáo viên phải có một vai trò rất quan trọng. Nhất là giáo viên chủ nhiệm lớp. Bởi chương trình đã đổi mới và ngày càng đổi mới hơn về nội dung chương trình dạy học, với phương pháp dạy học lấy học sinh làm trung tâm, giáo viên chỉ là người tổ chức hướng dẫn học sinh. Vậy muốn học sinh tìm ra nội dung kiến thức bài học dưới sự hướng dẫn của giáo viên thì điều trước tiên người giáo viên phải làm đó là phải xây dựng tốt nề nếp lớp học. Muốn học sinh có nề nếp học tập có chất lượng cao là một việc làm hết sức khó khăn.
Trong tình hình như vậy thì điều quan trọng đầu tiên là người giáo viên phải yêu nghề, mến trẻ, phải đến với học sinh bằng tình yêu của một người mẹ “ yêu thương nhưng phải nghiêm khắc”. Hơn nữa là giáo viên phải mẫu mực về nhân cách và hành vi, phải thật sự tôn trọng các em không gò ép các em vào một khuôn mẫu cứng nhắc. Phải giúp các em có lòng tin vào bản thân mình. Nhất là học sinh ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, học sinh dân tộc thiểu số nhiều nên khâu vệ sinh cá nhân, nề nếp, thói quen sinh hoạt còn chưa tốt. Điều đó ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng học tập của các em.
Để khắc phục được nội dung đó tôi đã suy nghĩ và tìm tòi ra những phương pháp tốt nhất trong việc xây dựng nề nếp lớp học nhằm nâng cao chất lượng học tập của học sinh. Có như vậy mới đáp ứng được mục tiêu đổi mới về nội dung và chương trình giáo dục ở bậc tiều học.
2: Những nội dung thực hiện biện pháp:
1.Tiến hành điều tra xếp loại đầu năm:
– Vào đầu năm học sau khi nhận lớp khoảng 10 ngày chúng ta kiểm tra nề nếp của học sinh, ý thức học tập của các em. Đa số học sinh nhút nhát thiếu mạnh dạn vì học sinh dân tộc nhiều, một số em còn nói tự do trong lớp, một số em không có đầy đủ đồ dung học tập, đi học muộn, một số em ý thức chưa tốt nói năng với cô giáo thiếu lễ phép, một số em hay ăn quà vặt trong lớp, nghỉ học không có lý do, một số em chưa hoàn thành cộng việc hằng ngày như lười học, không làm bài tập.
*Thống kê kết quả cho thấy:
Tổng số học sinh: 263 em. Trong đó:
+ Ý thức học tập mức tốt: 170 em.
+Ý thức học tập mức trung bình: 87 em.
+ Ý thức học tập mức thấp: 6 em
– Về tổ chức kỷ luật:
+ Có ý thức thực hiện giờ giấc học tập, đi học đầy đủ, đúng giờ, không nói chuyện riêng trong giờ học: 230 em
+Nghỉ học không có lý do, hay nói chuyện: 33 em
-Về thể dục vệ sinh:
+Biết giữ vệ sinh thân thể, có ý thức vệ sinh lớp học, tham gia thể dục đầy đủ: 223 em
+Vệ sinh cá nhân chưa sạch sẽ, lười tập thể dục: 40 em
– Về đạo đức:
+Nói năng có lễ phép với thầy, cô giáo: 243 em
+Nói năng thiếu lễ phép với thầy, cô giáo: 20 em
2.Qua khảo sát đầu năm, tôi đã đề ra một số nội quy và nề nếp của lớp để học sinh thực hiện:
*Cho học sinh thực hiện 5 nhiệm vụ của học sinh tiểu học.
+Học sinh thực hiện tốt nhiệm vụ học tập, rèn luyện theo chương trình, kế hoạch của nhà trường.
+Biết kính trọng cha mẹ, thầy giáo ,cô giáo, cán bộ , nhân viên của nhà trường và những người lớn tuổi; thực hiện điều lệ, nội quy của nhà trường; chấp hành pháp luật của Nhà nước. Biết đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong học tập, rèn luyện.
+Thực hiện tốt rèn luyện thân thể, giữ gìn vệ sinh cá nhân.
+Tham gia đầy đủ các hoạt động tập thể của nhà trường, của lớp, của Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; giúp đỡ gia đình và tham gia các công tác xã hội như hoạt động bảo vệ môi trường, thực hiện trật tự an toàn xã hội.
+Biết giữ gìn, bảo vệ tài sản của nhà trường, nơi công cộng; góp phần xây dựng, bảo vệ và phát huy truyền thống của nhà trường.
-Tôi đã đề ra một số nội quy của lớp như sau:
+Đến lớp trước 15 phút trước lúc vào học.
+Đến lớp phải có ý thức học tập, ngồi trong lớp phải giữ trật tự, chăm chú nghe cô giáo giảng bài, làm bài tập đầy đủ.
+Đi học đầy đủ, đúng giờ, nghỉ học phải có giấy xin phép.
+Ra vào lớp phải xin phép cô giáo.
+Vệ sinh cá nhân sạch sẽ, mặc quần áo gọn gàng trước khi đến lớp.
+Biết giữ gìn trường lớp sạch sẽ.
+Đi học phải có đủ giầy, dép, mũ, nón.
+Phải có đầy đủ đồ dùng học tập: Sách vở, cặp thước ,bút….
+Sách vở phải bao bọc cẩn thận, có nhãn, không được làm quăn mép, không vẽ bậy lên sách vở, bàn ghế, lớp học.
+Biết bảo vệ và chăm sóc cây xanh.
+Có ý thức trong mọi hoạt động tập thể.
Sau khi cho học sinh đọc nội quy của học sinh tôi cho giáo viên thường xuyên theo dõi các em và nắm được tâm lý từng học sinh. Trong giờ học thì giáo viên phải nghiêm khắc còn trong giờ chơi giáo viên phải gần gũi với các em để tìm hiểu hoàn cảnh gia đình và sở thích từng em. Nhất là trong các giờ sinh hoạt lớp. Hằng tuần giáo viên phát động thi đua noi gương tốt trong lớp, em nào làm được việc tốt thì tuyên dương trong lớp, em nào làm được nhiều việc tốt thì giáo viên đề nghị Tổng phụ trách đội tuyên dương dưới cờ vào thứ 2 hằng tuần.
Để thực hiện được tốt nội quy các nề nếp của lớp giáo viên phải thường xuyên gần gũi các em, giúp các em vượt qua những khó khăn trong học tập. Động viên khuyến khích các em khi các em làm nhanh, viết đep, trình bày bài khoa học,…Em nào thực hiện tốt điều gì trong buổi học thì cuối buổi học giáo viên khen, tuyên dương em đó luôn để tạo động lực cho các em khác. Em nào làm bài sai hay mắc khuyết điểm thì giáo viên động viên, nhắc nhở nhẹ nhàng, nhất là những em đi học muộn hoặc lên lớp có biểu hiện không vui giáo viên nên gần gũi và tìm hiểu nguyên nhân ( do bố, mẹ đi làm xa hay bị ốm,…). Đối với học sinh lớp 1 giáo viên nên giành thời gian bọc sách vở, làm nhãn cho học sinh. Có nhiều em còn hay nói tự do trong lớp giáo viên phải nhẹ nhàng nhắc nhở, những em còn rụt rè trong học tập thì giáo viên nên động viên mỗi khi các em phát biểu ý kiến, đọc to, viết chữ đẹp,… Không những trong giờ học mà trong giờ chơi giáo viên nên cùng tham gia chơi với các em để tạo sự gần gũi giữa cô và trò.
3.Xây dựng mạng lưới ban cán sự lớp:
Để có được mạng lưới ban cán sự lớp có năng lực quản lớp giúp đỡ giáo viên quản lý mọi nề nếp của lớp học thì giáo viên cần gặp gỡ trao đổi với giáo viên lớp dưới của năm học trước, sau đó qua sự tìm hiểu và theo dõi thường xuyên để tìm ra được một số em có khả năng quán lý lớp tốt. Việc đầu tiên là chọn mỗi lớp: 1 em làm lớp trưởng phụ trách chung, 1 em làm lớp phó phụ trách học tập, 1 em lớp phó văn nghệ, thể dục vệ sinh, 1 em lớp phó lao động. Giáo viên chia lớp thành các tổ, mỗi tổ chọn 1 em nhanh nhẹn, học giỏi làm tổ trưởng. Các em này có nhiệm vụ theo dõi mọi hoạt động trong tổ mình như kiểm tra các thành viên trong tổ về làm bài tập ở nhà, nề nếp học tập, …Hằng ngày ngoài sự kiểm tra của giáo viên còn có sự kiểm tra, đôn đốc của ban cán sự lớp nên lớp học cũng có tiến bộ hẳn lên.
Trong các tiết hoạt động ngoại khóa, giáo viên tổ chức cho các em sinh hoạt tập thể, vui chơi, giải trí cho các em tạo không khí phấn khởi, vui tươi trong học tập. Để các giờ hoạt động ngoại khoá có hiệu quả, có chất lượng, gây được hứng thú cho học sinh, giáo viên chia lớp thành các sao, mỗi tổ trưởng là một sao trưởng của tổ đó và kiểm tra sinh hoạt tập thể của sao mình. Mỗi sao giáo viên ghi một danh sách cụ thể nếu sao nào thực hiện tốt nếu sao nào thực hiện tốt thì được đánh dấu cộng, nếu sao nào vi phạm khuyết điểm bị đánh dấu trừ. Cuối tuần lớp trưởng lấy sổ theo dõi cùng với phụ trách sao bình xét danh hiệu thi đua.
Nhờ có đội ngũ ban cán sự lớp năng nổ, nhiệt tình làm việc có hiệu quả mà chỉ sau vài tuần lớp học sẽ đi vào ổn định mọi nề nếp.
4.Phát động thi đua hằng tuần, tháng:
Phong trào thi đua tuần, tháng là việc nên làm không thể thiếu được của những người làm giáo viên chủ nhiệm lớp. Bởi học sinh tiểu học vẫn thích được khen nếu hôm nay làm tốt điều gì, điều gì được khen thì ngày mai các em sẽ làm được tốt hơn. Nắm được tâm sinh lý đó nên hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng tôi đều phát động thi đua. Trên bảng lớp hàng ngày giáo viên ghi điểm thi đua cho từng tổ. Hàng tuần tôi đều lên kế hoạch thi đua cho các em. Để cán bộ lớp tiên theo dõi tôi chuẩn bị cho các em một cuốn sổ kẻ sẵn nội dung một cách cụ thể theo từng tuần. Nếu cuối tuần tổ nào làm tốt được 10 điểm, tổ nào khá được 9 điểm, tổ trung bình được 8 điểm. Tổ dẫn đầu trong tuần được nhận một bông hoa màu đỏ, tổ xếp thứ 2 được nhận bông hoa màu vàng, tổ về thứ 3 nhận được bông hoa màu xanh. Cuối tháng tổ nào nhận được nhiều bông hoa màu đỏ sẽ sẽ được xếp giải nhất. Và giáo viên phát phần thưởng cho học sinh, mỗi lần thưởng một món quà khác nhau để gây hứng thú cho học sinh. Khi phát động thi đua hàng tuần, tháng cho các em tôi vẫn không quên bám chủ điểm thi đua của trường. Không những phát động thi đua trong tổ mà hàng ngày mỗi giờ học trên lớp tôi thường động viên tuy chỉ là một lời khen: “Em rất giỏi!” hay chỉ là một tràng vỗ tay của cả lớp nhưng cũng tạo sự phấn khởi cho các em. Khi phát động phong trào thi đua tôi nghiêm túc và công bằng. Cuối mỗi tuần tôi cho các em tự do phát biểu nhận xét và tự xếp hạng lẫn nhau. Giáo viên là người trọng tài ra quyết định cuối cùng. Vì thế các em rất vui khi thấy cô công bằng không thiên vị hay trù dập ai.
Qua các đợt thi đua tôi thấy lớp nào cũng có nề nếp tốt hẳn lên, “học ra học, chơi ra chơi”. Đặc biệt các em tự giác chấp hành tốt các nội qui, qui chế của lớp. Chất lượng giờ học được nâng lên rõ rệt.
- Nêu gương tốt và nhắc nhở những em chậm tiến:
Việc nêu gương tốt, nhắc nhở những em chưa tiến bộ có tác dụng rõ nét trong mỗi tiết học. Nếu được khen ngợi đúng nơi, đúng lúc thì các em càng tiến bộ hơn. Bên cạnh những lời khen giáo viên cũng phải dùng những lời nhắc nhở thật nghiêm túc đối với những em chậm tiến. Hàng ngày trong các tiết học giáo viên thường nêu gương những em tốt như: có ý thức học tập, hăng say phát biểu xây dựng bài, đến trường cũng gọn gàng, sạch sẽ, đi học sớm đôn đốc các bạn trong lớp vệ sinh sạch sẽ,…
Từ những tấm gương đó các em đã học tập lẫn nhau, các em hàng ngày có ý thức hơn trong mọi hoạt động của lớp. Ngoài những tấm gương trong lớp học giáo viên cần nêu gương tốt trong các bài tập đọc đạo đức cho các em học tập noi theo. Giáo viên cần chú trọng nhất vào những em học sinh dân tộc thiểu số, nếu em nào tiến bộ, ngoan thì sẽ khen ngợi, động viên kịp thời.
Bên cạnh những em ngoan có ý thức chấp hành nề nếp của lớp còn có một số em chậm tiến như em: vệ sinh cá nhân chưa tốt, đi học muộn, chưa lễ phép với cô giáo. Vì các em này là dân tộc thiểu số, hàng ngày giáo viên nhắc nhở các em thật nhẹ nhàng nhưng cũng thật nghiêm túc cho các em thực hiện như: “Nếu không nghe cô giáo giảng bài thì sẽ không hiểu bài, không làm được bài.”, “Hay đi học muộn ảnh hưởng đến việc học của các em và các bạn, bị trừ điểm thi đua của lớp”, “Không lễ phép với cô giáo thì bị hạ hạnh kiểm”.
Có những học sinh hay nghỉ học không có lý do giáo viên đã thường xuyên nhắc nhở em và đến tận nhà để tìm hiểu nguyên nhân (do bố ốm nặng mẹ phải đi làm thuê). Những em đó giáo viên đã động viên cả lớp quyên góp, ủng hộ cho bạn để động viên bạn đi học đầy đủ. Sau một thời gian tìm hiểu và nghiêm khắc nhắc nhở, tận tình giúp đỡ, những em chậm tiến nay đã tiến bộ rõ rệt: đi học đúng giờ, chuyên cần, làm toán giỏi, viết đẹp, đọc diễn cảm.
- Phối hợp với Đội để xây dựng nề nếp lớp:
Trong mỗi buổi sinh hoạt Đội-sao nhi đồng các em được giao lưu, học hỏi nhiều điều hay, kỹ năng giao tiếp từ đó các em tự tin, mạnh dạn hơn trong học tập cũng như trong các hoạt động.
Hoạt động Đội-sao tốt cũng góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng lớp học. Vì các hoạt động của Đội đều mang tính thi đua, đưa vào xếp loại nó phát huy được tính tự giác của các em.
Giáo viên chủ nhiệm với vai trò là anh chị phụ trách phải luôn gần gũi, thân thiện với các em trong mọi hoạt động, trò chơi và có sự áp dụng các kiến thức đã học lồng ghép vào trò chơi. Trong các hoạt động Đội phải đánh giá công bằng, vô tư, khen, động viên kịp thời những thành viên tốt và nhắc nhở các thành viên chưa tích cực.
Nhà trường phải huy động các lực lượng tham gia sinh hoạt Đội-sao, xây dựng kế hoạch cụ thể rõ rang, triển khai đồng loạt và trở thành việc làm thường xuyên để có hiệu quả cao. Trong các buổi sinh hoạt Đội-sao Giáo viên chủ nhiệm kết hợp với GV tổng phụ trách khen ngợi những chi đội, sao có nề nếp lớp học tốt, những đội viên, sao có gương việc làm tốt,… và đưa vào xếp thi đua hàng tháng, kỳ và xếp loại thi đua giữa các chi đội-sao trong năm học.
- 7. Phối hợp với gia đình để xây dựng tốt nề nếp của lớp:
Gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng nề nếp lớp học và chất lượng học tập của các em, vì thế phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa giáo viên chủ nhiệm lớp và gia đình phụ huynh. Nắm được tầm quan trọng đó ngay từ đầu năm học giáo viên tổ chức họp phụ huynh với nội dung thông báo về nhiệm vụ, kế hoạch, chỉ tiêu phấn đấu của năm học, thông báo nội quy của học sinh tiểu học, một số quy định về xây dựng nề nếp cho học sinh từng lớp . Nêu quy định về các loại sách vở, quy định về việc học của lớp, ở nhà của học sinh. Sau khi trao đổi yêu cầu của việc giảng dạy, học tập, xây dựng nề nếp lớp, tôi đã cùng phụ huynh phối hợp chặt chẽ để giáo dục cho các em. Hàng ngày giáo viên gặp gỡ các bậc phụ huynh (vì nhà xa trường họ thường xuyên chở con em đi học).
Có một số em có biểu hiện không chấp hành tốt nội quy của lớp thì giáo viên trực tiếp mời phụ huynh đến để có biện pháp kết hợp giúp đỡ. Sau 2 tháng giáo viên thông báo kết quả học tập cũng như việc chấp hành nội quy nề nếp của lớp (qua sổ liên lạc) để gia đình rõ. Cuối học kì I giáo viên tổ chức họp phụ huynh để thông báo kết quẩ học tập và nhận xét về việc thực hiện nội quy nề nếp của các em. Và đề ra những nhiệm vụ cho thời gian tới. Bằng những việc làm đó tôi thấy có hiệu quả rõ rệt, phụ huynh ngày càng tin tưởng tôi hơn, đồng tình với tôi để phối hợp giáo dục con em họ.
3: Kết quả khảo nghiệm:
Sau khi áp dụng những biện pháp nêu trên, bước đầu đã thu được kết quả rõ rệt, phụ huynh càng tin tưởng, được ban giám hiệu nhà trường và đồng nghiệp đánh giá cao. Trong học kỳ I vừa qua nhiều lớp được xếp thứ nhất về mọi mặt và được ghi nhận lớp có nề nếp tốt. Đến thời điểm này các lớp đã xây dựng tốt một số nề nếp như: 100% học sinh chấp hành tốt 5 nội quy của học sinh tiều học, trong giờ học các em chú ý nghe giảng, 100% học sinh đi học chuyên cần, đúng giờ. Các nề nếp vệ sinh thể dục, hoạt động sao đều nghiêm túc, có chất lượng. Vệ sinh cá nhân và vệ sinh trường lớp sạch sẽ. Nhiều em viết chữ đẹp, vở sạch chữ đẹp. Trong lớp xây dựng được nhiều đôi bạn tốt, chất lượng học tập nâng cao rõ rệt. Lớp học có nề nếp.
1: Kết luận:
Đất nước ta đang bước vào thời kỳ “Công nghiệp hoá, hiện đại hoá”, cần có những con người phát triển toàn diện, có tri thức khoa học để xây dựng tổ quốc giàu mạnh. Muốn đào tạo được những con người đó thì ngay bây giờ từ bậc học đầu tiên – bậc học nền tảng, chúng ta phải giáo dục cho các em có ý thức học tập, xây dựng tốt nề nếp lớp học cũng như mọi hoạt động khác nhằm giáo dục các em trở thành con người phát triển toàn diện. Vì thế nhiệm vụ của người giáo viên hết sức quan trọng, bản thân tôi sẽ luôn phấn đấu, nghiên cứu, tìm tòi, tu dưỡng đạo đức, làm tốt mọi nhiệm vụ của mình để xứng đáng một “tấm gương sáng cho học sinh noi theo”, “người mẹ hiền thứ hai”. Là một nhà quản lý đã nhiều năm trực tiếp giảng dạy bậc tiểu học tôi luôn trăn trở, suy nghĩ để tìm ra những biện pháp, giải pháp để ngày càng nâng cao chất lượng dạy học của trường mình.