b.1. Thống kê lỗi:
Qua kết quả thống kê các loại lỗi, tôi thấy học sinh thường mắc phải các loại lỗi sau:
* Về âm đầu:
– Học sinh viết lẫn lộn một số chữ cái ghi các âm đầu sau đây:
+ g/gh: Ví dụ: Con ghẹ->Con gẹ, ghê sợ – >gê sợ…
+ ch/tr: Cây tre- >Cây che, Chiến tranh – >chiến chanh…
+ l/n: > Đi làm- > đi nàm, …
+ ng/ngh: Nghỉ ngơi – >Ngỉ ngơi, nghe nhạc ->nge nhạc…
– Trong các lỗi này, lỗi về ch/tr, s/x, l/n đối với lớp tôi dạy là phổ biến hơn cả.
* Về âm cuối:
– Học sinh thường viết lẫn lộn chữ ghi âm cuối trong các vần sau đây:
+ ât/âc: nổi bậc, nhất lên…
+ an/ang: cây bàn, bàng bạc…
+ at/ac: lường gạc, rẻ mạc…
+ ên/ênh: Bếp bênh – >bấp bên, nhẹ tênh – >nhẹ tên.
* Về thanh điệu:
Tiếng Việt có 6 thanh điệu (ngang, huyền, sắc, hỏi, ngã, nặng) thì nhiều học sinh không phân biệt được 3 thanh hỏi, ngã, sắc. Tuy chỉ có 3 thanh nhưng số lượng tiếng mang 3 thanh này không ít và rất phổ biến.
Ví dụ: Sữa xe đạp, hướng dẩn, giử gìn, dổ dành, lấn lộn, lẩn lộn,…
* Nguyên nhân mắc lỗi:
*Về âm đầu:
Trong phương ngữ Bắc và Nam có sự lẫn lộn giữa các chữ ghi âm đầu ch/tr, s/x. d/gi. Mặt khác, người Miền Nam còn lẫn lộn v và d.
Ngoài ra, trong quy ước về chữ quốc ngữ, một âm ghi bằng 2 hoặc 3 dạng (ví dụ: /k/ ghi bằng c / k /qu …) dĩ nhiên là có những quy định riêng cho mỗi dạng, nhưng đối với học sinh tiểu học (nhất là học sinh yếu) thì rất dễ lẫn lộn.
* Về âm chính:
Có 2 nguyên nhân gây ra sự lẫn lộn về âm chính trong các vần này:
– Nguyên nhân thứ nhất là do sự phức tạp của chữ quốc ngữ: Nguyên âm /ă/ lại được ghi bằng chữ a trong các vần ay, au, các nguyên âm đôi / ie, ươ, uô/ lại được ghi bằng các dạng iê,yê, ia, ya; ươ, ưa; uô, ua (bia – khuya, biên – tuyến, lửa – lương, mua – muôn); âm đệm lại được ghi bằng 2 con chữ u và o
(ví dụ: huệ, hoa).
– Nguyên nhân thứ hai là do cách phát âm lẫn lộn trong phương ngữ Nam Bộ đối với các âm chính trong hầu hết các vần trên.
* Về âm cuối:
Người Miền Nam phát âm hoàn toàn không phân biệt các vần có âm cuối n/ng/nh và t/c/ch. Mà số từ mang các vần này không nhỏ. Mặt khác hai bán âm cuối i,u/ lại được ghi bằng 4 con chữ i/y (trong: lai/lây), u/o (trong: sau/sao) do đó lỗi về âm cuối là lỗi khó khắc phục đối với học sinh khu vực phía Nam.
* Về thanh điệu:
Theo các nhà ngữ âm học, người Việt từ Nghệ An trở vào không phân biệt được 2 thanh hỏi, ngã. Mặt khác, số lượng tiếng mang 2 thanh này khá lớn. Do đó lỗi về dấu câu rất phổ biến. Một số học sinh miền Bắc thường hay lẫn lộn 2 thanh sắc, ngã với nhau.
* Quy tắc viết hoa danh từ riêng:
Học sinh thường hay mắc lỗi này khi viết tên riêng chỉ người và tên riêng nước ngoài, học sinh lớp tôi dạy có khoảng 1/4 hay mắc lỗi này, nhất là những học sinh yếu nếu không được giáo viên nhắc nhở khi đang viết.
* Một số biện pháp khắc phục lỗi:
* Luyện phát âm:
– Muốn học sinh viết đúng chính tả, giáo viên phải chú ý luyện phát âm cho học sinh để phân biệt các thanh, các âm đầu, âm chính, âm cuối vì chữ quốc ngữ là chữ ghi âm – âm thế nào, chữ ghi lại thế ấy.
– Việc rèn phát âm không chỉ được thực hiện trong tiết đọc mà được thực hiện thường xuyên, liên tục, lâu dài trong tất cả các tiết học.
– Với những học sinh có vấn đề về mặt phát âm ( nói ngọng, nói lắp…) giáo viên lưu ý học sinh chú ý nghe cô phát âm để viết cho đúng. Vì vậy, giáo viên phải cố gắng phát âm rõ ràng, tốc độ vừa phải mới có thể giúp học sinh viết đúng được.
b.2. Phân tích, so sánh:
– Với những tiếng khó, giáo viên áp dụng biện pháp phân tích cấu tạo tiếng, so sánh với những tiếng dễ lẫn lộn, nhấn mạnh những điểm khác nhau để học sinh ghi nhớ.
Ví dụ: Khi viết tiếng “muống” học sinh dễ lẫn lộn với tiếng “muốn”, giáo viên yêu cầu học sinh phân tích cấu tạo hai tiếng này:
– Muống = M + uông + thanh sắc
– Muốn = M + uôn + thanh sắc.
So sánh để thấy sự khác nhau: Tiếng “muống” có âm cuối là “ng”, tiếng “muốn” có âm cuối là “n”. Học sinh ghi nhớ điều này, khi viết, các em sẽ không viết sai.
b.3. Giải nghĩa từ:
– Biện pháp thứ ba để khắc phục lỗi chính tả cho học sinh là giải nghĩa từ. Việc giải nghĩa từ thường được thực hiện trong tiết tập làm văn, tiếng Việt,…
– Có nhiều cách để giải nghĩa từ cho học sinh: Giáo viên có thể cho học sinh đọc chú giải, đặt câu (nếu học sinh đặt câu đúng tức là học sinh đã hiểu nghĩa từ), tìm từ đồng nghĩa, trái nghĩa, miêu tả đặc điểm hoặc sử dụng vật thật, mô hình, tranh ảnh,…
b.4. Nhớ mẹo chính tả:
– Mẹo nhớ chính tả là các hiện tượng chính tả mang tính quy luật chi phối hàng loạt từ, giúp giáo viên khắc phục lỗi chính tả cho học sinh một cách rất hữu hiệu. Ngay từ lớp 1, các em đã được làm quen với luật chính tả đơn giản như: các âm đầu k, gh, ngh chỉ kết hợp với các nguyên âm i, e, ê, iê, ie. Ngoài ra, giáo viên có thể cung cấp thêm cho học sinh một số mẹo luật khác như:
+ Để phân biệt âm đầu tr/ch: Đa số các từ chỉ đồ vật trong nhà và tên con vật đều bắt đầu bằng ch, ví dụ: chăn, chiếu, chảo, chổi, chai, chày, chén, chum, chạn, chõ, chĩnh, chuông, chiêng, choé,… chồn, chí, chuột, chó, chuồn chuồn, châu chấu, chào mào, chiền chiện, chẫu chàng, chèo bẻo, chìa vôi…
+ Để phân biệt âm đầu s/x: Đa số các từ chỉ tên cây và tên con vật đều bắt đầu bằng s: Sả, si, sồi, sứ, sung, sắn, sim, sao, su su, sầu đâu, sa nhân, sơn trà, sặt, sậy, sấu, sến, săng lẻ, sầu riêng, so đũa… sam, sán, sáo, sâu, sên, sếu, sò, sóc, sói, sứa, sáo sậu, săn sắt, sư tử, sơn dương, san hô…
+ Luật bổng – trầm: Trong các từ láy điệp âm đầu, thanh (hay dấu) của 2 yếu tố ở cùng một hệ bổng (ngang/sắc/hỏi) hoặc trầm (huyền/ngã/nặng). Để nhớ được 2 nhóm này, giáo viên chỉ cần dạy cho học sinh thuộc 2 câu thơ:
Em Huyền mang nặng, ngã đau
Anh Ngang sắc thuốc, hỏi đau chỗ nào
Nghĩa là đa số các từ láy âm đầu, nếu yếu tố đứng trước mang thanh huyền, nặng, ngã thì yếu tố đứng sau sẽ mang thanh ngã, nếu yếu tố đứng trước mang thanh ngang, sắc, hỏi thì yếu tố đứng sau sẽ mang thanh hỏi (hoặc ngược lại).
Ví dụ: * Bổng
- Ngang + hỏi: Nho nhỏ, lẻ loi, trong trẻo, vui vẻ…
- Sắc + hỏi: Nhắc nhở, trắng trẻo, sắc sảo, vắng vẻ…
- Hỏi + hỏi: Lỏng lẻo, thỏ thẻ, hổn hển, thủ thỉ, rủ rỉ…
* Trầm:
- Huyền + ngã: Sẵn sàng, lững lờ, vồn vã
- Nặng + ngã: Nhẹ nhõm, đẹp đẽ, mạnh mẽ, lạnh lẽo,…
- Ngã + ngã: Dễ dãi, nghễnh ngãng, nhõng nhẽo…
b.5. Làm các bài tập chính tả:
Giáo viên có thể đưa ra các dạng bài tập chính tả khác nhau để giúp học sinh tập vận dụng các kiến thức đã học, làm quen với việc sử dụng từ trong văn cảnh cụ thể. Sau mỗi bài tập, giáo viên giúp học sinh rút ra các quy tắc chính tả để các em ghi nhớ.
– Bài tập tìm từ:
Học sinh tìm từ ngữ chứa âm, vần dễ lẫn qua gợi ý nghĩa của từ, qua gợi ý từ đồng âm, từ trái nghĩa….
– Bài tập chọn lựa:
* Chọn từ thích hợp trong ngoặc điền vào chỗ trống trong câu sau:
- Cháu bé đang uống ……… (sửa, sữa)
- Học sinh …………..mũ chào thầy giáo. (ngả, ngã).
- Đôi …… này đế rất …….. (giày, dày)
- Sau khi ……. con, chị ấy trông thật …… (xinh, sinh)
* Chọn từ thích hợp trong ngoặc điền vào chỗ trống trong câu sau:
- Học sinh …. đèn học bài….. đêm khuya. (trong, chong)
- Lan thích nghe kể……….hơn đọc……….. (truyện, chuyện)
- Trời nhiều …….., gió heo ………lại về. (mây, may)
– Bài tập phát hiện:
– Bài tập phân biệt:
Đặt câu để phân biệt từng cặp từ sau:
- nồi – lồi
- no – lo
- bàn – bàng
- ngả – ngã